Một số hiểu biết sai lầm cần nói trong vụ án BS Hoàng Công Lương
1-6-2018
1. KSV tại phiên tòa cho rằng việc đưa tài liệu chứng cứ để cho bị can khai theo trong quá trình điều tra là việc làm khách quan thì hoàn toàn không đúng vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan tiến hành tố tụng, song những người tiến hành tố tụng đã cố gắng chứng minh bằng cách để cho bị can căn cứ vào tài liệu chứng cứ (sổ họp khoa, lời khai của đương sự khác) nhằm có được lời cung phù hợp. Như vậy, bị can căn cứ vào chứng cứ vật chất cơ quan điều tra đưa để khai theo là hoàn toàn bất lợi, không khác nào bị can tự buộc tội chính mình. Điều này đi ngược nguyên tắc suy đoán vô tội và xác định sự thật vụ án lâu nay.
2. Cơ quan truy tố tiến hành lấy bổ sung lời khai của Người làm chứng trong giai đoạn truy tố nhưng bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, tại phiên tòa KSV thực hành quyền công tố xác định bản khai bỏ ra đã lưu tại “tiểu hồ sơ” của cơ quan truy tố, nếu HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung thì sẽ lấy Biên bản ghi lời khai từ “tiểu hồ sơ” để đưa vào hồ sơ vụ án. Nhận thức này là sai lầm vì cơ quan truy tố đã thu thập chứng cứ bổ sung nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án, dù là chứng cứ có lợi hay bất lợi cho bất kỳ ai cũng phải có trong hồ sơ vụ án để bảo đảm khách quan, toàn diện.
3. Có ý kiến cho rằng sáng 29/5/2017, khi bác sĩ Lương mới chỉ nghe điều dưỡng viên báo hệ thống RO2 đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường nhưng bác sĩ Lương chủ quan không kiểm tra lại đã ra y lệnh cho người chạy thận. Đây là nhận thức sai lầm về chuyên môn, nghiệp vụ vì Điều dưỡng viên báo việc đã bàn giao, hệ thống RO2 hoạt động bình thường cũng chưa đủ là căn cứ để bác sĩ ra y lệnh. Theo quy trình kỹ thuật chạy thận nhân tạo chu kỳ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thì các điều dưỡng viên có nhiệm vụ rửa máy, test máy riêng và sáng ngày 29/5 sau khi nghe Điệp thông báo toàn khoa thì bộ phận điều dưỡng đã thực hiện đầy đủ việc rửa máy, test máy (chạy thử) và đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn trong giới hạn cho phép mới thông báo cho tất cả mọi người có mặt. Về phía bác sĩ chỉ thăm khám người bệnh độc lập, sau khi thăm khám chỉ số sinh tồn bảo đảm, thấy hệ thống thiết bị báo chỉ số an toàn nên mới ra y lệnh. Như vậy điều kiện để bác sĩ ra y lệnh không nằm ở việc nghe điều dưỡng báo đã sửa thiết bị xong mà căn cứ thực tế vận hành rửa máy, kiểm tra máy, đồng hồ báo an toàn mới có thể ra y lệnh. Đại diện VKS tại phiên tòa cho rằng đồng hồ không thể kiểm tra được hóa chất tồn dư thì trách nhiệm này thuộc về bên sửa chữa và người thiết kế hệ thống RO, còn đến nay ngoài đồng hồ đo độ dẫn điện ra, không có cách gì để biết được sự an toàn nguồn nước!
4. Đơn nguyên thận thành lập không có quy mô và hình hài của Khoa lọc máu nên không có cơ sở nào để áp dụng Quy chế Khoa lọc máu (theo Quy chế bệnh viện năm 1997), đó là chưa kể đến tính hợp pháp của sự ra đời đơn nguyên và thẩm quyền cho phép thành lập. Vậy mà cứ nghiễm nhiên công nhận Đơn nguyên thận nhân tạo nằm trong Khoa Hồi sức tích cực nhưng lại áp dụng quy chế Khoa lọc máu là đúng hay sai? Ai cho phép, ai có thẩm quyền và căn cứ quy định nào mà “sáng tạo”?
5. Xét nghiệm sau sửa chữa, bảo dưỡng, tiệt trùng đường ống RO bắt buộc phải là kiểm tra tồn dư hóa chất. Đây là xét nghiệm độc lập với xét nghiệm AAMI có thể làm nhanh và cho kết quả tức thì chỉ sau một phút (đã sử dụng hóa chất gì để vệ sinh sục rửa thì dùng chính thanh thử hóa chất đó để kiểm tra, nếu còn tồn dư thì tiếp tục sục rửa cho đến khi thử lại không còn hóa chất mới thôi). Nếu không giao kết tại hợp đồng về việc cho phép sử dụng loại hóa chất gì và quy định bắt buộc đối với xét nghiệm tồn dư hóa chất thì đó là trách nhiệm rất lớn của các bên, đừng nên đổ tội cho bác sĩ!
6. Xét nghiệm tiêu chuẩn AAMI không phải là xét nghiệm bắt buộc ngay sau sửa chữa, bảo dưỡng, tiệt trùng hệ thống RO vì xét nghiệm này cần thời gian chờ đợi không dưới 01 tuần. Nếu muốn chờ kết quả xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI thì khi giao kết hợp đồng, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn phải có quy định về kế hoạch và trách nhiệm bố trí bệnh nhân chạy thận đến nơi điều trị khác. Ngoài ra, trong quá trình chờ đợi kết quả xét nghiệm AAMI, do hệ thống tuần hoàn không chạy nên xuất hiện vi khuẩn bám màng biofilm thì bắt buộc phải tái tiệt trùng, và sau tiệt trùng sẽ lại tiếp tục xét nghiệm AAMI… thì cứ quay đi, quay lại với vòng xoáy vô lý này chắc chắn rằng bệnh viện sẽ vĩnh viễn dừng chạy thận.
7. Xét nghiệm vi khuẩn và endotoxin chỉ là xét nghiệm các chỉ số vi sinh (2/25 chỉ số của xét nghiệm AAMI cần có). Nếu không xét nghiệm 23 chỉ số hóa lý còn lại thì không bao giờ gọi là xét nghiệm AAMI. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Thiên Sơn giao kết hợp đồng thực hiện tiệt trùng và xét nghiệm endotoxin trong đôi lần sửa chữa, tiệt trùng hệ thống RO trước đây không phải là xét nghiệm AAMI nên đừng lầm tưởng!
8. Bộ tiêu chuẩn AAMI của Hiệp hội vì sự phát triển của thiết bị y tế Hoa Kỳ, có bản quyền và dành cho thành viên hiệp hội. Bộ tiêu chuẩn này áp dụng tại Việt Nam có hay không có bản quyền, được văn bản pháp luật nào quy định?
9. Quy trình kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo không liên quan và độc lập với quy trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, tiệt trùng và kiểm soát chất lượng nước RO. Chính vì cơ quan quản lý nhà nước không có quy trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, tiệt trùng và kiểm soát chất lượng nước RO nên mạnh ai nấy làm (tùy theo kinh nghiệm) và gây ra sự cố. Giờ Bộ nói phải tuân theo quy trình hay tiêu chuẩn nhà sản xuất nhưng đếch biết nhà sản xuất ấy ở đâu mà chỉ là những tay thợ vườn lắp đặt. Nói rằng Công ty Anh Quân cung cấp hệ thống RO2 nhưng chẳng thấy hợp đồng cung ứng mà lại lòi ra Cty dược phẩm Nam An mới là người bán, thiết bị cũng ngớ ngẩn mang tên hãng Aquatechnic đưa ra, nên thực sự rối bời, lộn xộn…Vậy mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có cả hợp đồng chuyển giao công nghệ, không biết công nghệ gì và công nghệ của ai?
10. Chủ trương xã hội hóa ngành y là chủ trương phi lợi nhuận. Không hiểu chủ trương này bị bóp méo do ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét