Đạo gì? Sư gì?
Lò Văn Củi
26-6-2018
Anh Năm Ba gác cười hihi, nói:
– Đi ngang các trường học, nơi là địa điểm thi THPT mấy bữa nay, thấy các phụ huynh đưa đón, ngồi đợi cả ngày trong nắng trong mưa, lo lắng chẳng kém các sĩ tử, thiệt thấy thương quá chừng quá đỗi!
Nói tới vụ này thì anh Bảy Thọt có cái để thọt gậy bánh xe, anh đá đá lông nheo:
– Phụ huynh cả nước lo lắng theo con em, nhưng trừ một nơi ra nhen, đó là ở Hà Tĩnh, phụ huynh ở đây phây phây thôi, khỏe re như con bò kéo xe đó nha.
Anh Sáu Nhặt hỏi liền:
– Sao hay vậy? được ưu tiên, ưu đãi gì chăng?
Anh Ba Thợ xây trả lời thay anh Bảy:
– Biết ý của Bảy rồi, chẳng có ưu đãi ưu tiên gì đâu Sáu, chẳng qua ở đây có ông sư chiêu trò độc đạo, ông sư có pháp danh Thích Ngộ An ở chùa Tượng Sơn, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Thích… thích đủ thứ, nên Thích tổ chức chương trình… tư vấn cầu nguyện mùa thi cho các sĩ tử thi tốt nghiệp THPT. Có sư ra tay giúp, vậy thì các phụ huynh còn lo gì nữa.
Anh Sáu sững người:
– Mô Phật, có vậy nữa sao?
Anh Ba khẳng định như đinh đóng cột:
– Một trăm phần trăm luôn. Ông sư thiết kế poster quảng cáo rất đẹp, rất nổi nữa, đưa hình mình nổi bật lăm lắm á, người ta chụp lại post đầy trên mạng nè.
Anh Sáu cũng như bà con cô bác lắc đầu quầy quẩy. Lời ông Thầy giáo tiếp theo:
– Mà học hành thi cử, làm lụng chi cho cực. Bắc Ngộ An thì Nam đâu thua gì, Nam có Thích Bửu Chánh. Cứ tới Thiền viện Phước Sơn, Tân Phước, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, thì Thích Bửu Chén… ái dà, Bửu Chánh chứ, Thích sẽ có chương trình doanh nhân và thiền, cũng độc chiêu độc đạo đâu kém, cứ có thiền là có tiền thôi. Thích cũng làm poster quảng cáo chẳng thua Bắc Ngộ An đâu nghen.
Anh Sáu lại thắc mắc:
– Có còn là đạo Phật hông ta? Hay đã biến thành đạo gì rồi? Sư gì rồi?
Ông Thầy đáp:
– Phật gì nữa mà Phật, đã là đạo tà rồi. Sư thì “Cộng sư” rồi, có nghĩa là “sư Cộng sản” á. Nói có sách mách có chứng nghen, như ông Hòa thượng Thích Thanh Sam đã viên tịch, từng là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, có huy hiệu 50 năm tuổi đảng chứ đâu có đùa. Và người ta cũng gọi thêm là chùa quốc doanh, sư quốc doanh.
Nghe thêm ông Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, người luôn tỏ thái độ tin tưởng tuyệt đối vào những quyết sách đúng đắn của đảng và nhà nước, trả lời phóng viên báo SGGP về biểu tình ôn hòa của bà con cô bác để thêm khẳng định: “Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đưa ra thảo luận dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu – PV) và thông qua Luật An ninh mạng là cần thiết. Sau khi thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội và các nhà chuyên môn, đồng bào cử tri, Quốc hội đã thận trọng đưa ra quyết định tạm dừng thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp này để tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri và điều chỉnh, bổ sung, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sau, tôi thấy điều đó là đúng và cần thiết, làm cho cử tri cả nước càng tin tưởng hơn vào Quốc hội.
Nhưng trong những ngày qua, có một số người không hiểu điều này, đưa lên mạng xã hội với những nhận định mang tính cá nhân, làm cho nhiều người hiểu sai lệch. Cho nên, tôi có lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử phải thể hiện theo lời Phật dạy là luôn bình tĩnh, sáng suốt để xem cái gì đúng, cái gì sai và mình có thể đóng góp công sức gì cho an sinh xã hội, bảo vệ lãnh thổ đất nước. Đó là trách nhiệm không chỉ của tăng ni, phật tử mà còn của mọi người dân trong xã hội; phải luôn tỉnh táo trước những âm mưu của kẻ xấu, không bị kích động, lôi kéo làm những việc không tốt cho đất nước”.
Anh Bảy nói tiếp:
– Tà đạo, cộng sư, quốc doanh hổng trật chút nào, cùng với đảng, tất cả cùng một giuộc. Hãy đến Việt Nam Quốc Tự, trụ sở văn phòng Ban Trị Sự giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM để thấy sự xa hoa chẳng thua văn phòng của TƯ đảng, của nhà nước đâu. Nhứt là ở phòng họp có cái bàn thiệt bự, thiệt dài với mặt bàn bằng gỗ Cẩm Lai nguyên khối tự nhiên. Mặt bàn dài chắc gần chục thước, rộng cũng 1,5 tới 2 thước, dày 20 tới 30 phân hổng chừng. Theo các chuyên gia về gỗ, khối Cẩm Lai có cả ngàn tuổi đời, tiền tính bằng tỷ, 1 tỷ rưỡi trở lên chứ hông ít.
Chú Tám Thinh hít hà:
– Sự xa hoa này đem giúp đời thì đỡ biết mấy. Và trớ trêu hơn, có khi ở phòng họp này, ngay chính cái bàn này lại họp bàn, lại cầu nguyện cho môi trường được bình an, hông xảy ra lũ lụt triền miên gây hại cho đồng bào. Các nhà sư cổ súy, sử dụng cây gỗ đã làm cho rừng, núi đồi tan tành, trọc lóc như cái đầu của họ thì cầu nguyện có thành tâm, có được thỏa ước không (?!) Chắc chắn là không.
Bây giờ thì bà con cô bác chỉ còn biết “Nam mô A Di Đà Phật, bó tay sư sãi, cộng sư, chùa quốc doanh, sư quốc doanh”. Thiệt là đau đớn với thời mạt pháp!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét