Bi kịch của một vị thánh sống
Văn Biển
26-6-2018
Có bao giờ anh nghĩ tới bi kịch của cụ Hồ không?
Ngay từ những năm đầu Cách mạng, ông cụ đã nhận phong thánh sớm quá. Chưa kịp làm người đã vội làm thánh. Làm người khó hơn chứ. Nếu hồi những năm đầu Cách mạng, Tố Hữu làm cả mấy chục bài thơ ca ngợi ông cụ như một vị cha già dân tộc lúc ông cụ mới ngoài năm mươi, như một vị thánh sống, lẽ ra ông cụ gọi nhà thơ tới cảm ơn, nhưng nói chú hãy để cho bác làm người, sống một cuộc sống bình thường.
Tại sao lại cấm cụ làm con người bình thường. Lãnh tụ cũng là con người như ai. Bi kịch của cụ, trước hết là bi kịch của người chồng, người cha. Tại sao ông cụ không được có một gia đình bình thường. Có vợ, có chồng như tất cả mọi người. Nỗi đau của ông cụ là có vợ không được nhận, đau hơn có con cũng không được nhận là con. Tội nghiệp đứa bé. Không bằng đứa con của một người dân bình thường.
Lúc cô Xuân có con, yêu cầu ông cụ đưa chuyện mình ra công khai. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị, ông cụ đưa vấn đề này ra. Lê Duẩn, Sáu Thọ và một số khác không tán thành. Lấy biểu quyết. Đa số theo ý Lê Duẩn, Sáu Thọ. Họ muốn đã là thánh, đã là lãnh tụ phải một lòng hy sinh cho dân tộc và cụ phải chấp nhận. Đứa con ra đời tên là Thành nhưng chưa bao giờ được công khai nhận mình là con ai. Cô Xuân sau khi nhiều lần bị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn hiếp dâm, người đàn bà lẽ ra sẽ là phu nhân vị Chủ tịch nước bị “tai nạn” ô tô chết thảm ở Chèm (chuyện này lâu nay sách báo đã nói nhiều). Cô em và người bạn gái xuống Thủ đô ở cùng chị sau đó cũng bị chết theo người chị bất hạnh.
Tại sao lại có chuyện đau lòng đó? Đó là bi kịch cá nhân. Với tư cách là lãnh đạo cách mạng, người sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ đã phạm những sai lầm lớn. Trước hết là buộc phải nghe theo chỉ thị của Xitalin, Mao Trạch Đông những tên giết người không ghê tay thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam. Cụ ở vào cái thế không vâng lời không được. Người ta không tin, lấy đâu ra vũ khí và lương thực tiếp tục công cuộc đánh Pháp. Thế là mở màn cuộc Cải cách ruộng đất đợt một… Có vô vàn chuyện đau lòng xảy ra. Như chuyện con đấu tố bố:
– Mày có biết tao là ai không?
Người đàn ông là cha, nhìn cái cột đang chờ mình, run rẩy:
– Dạ, con là bố của bà ạ.
Dám cam đoan chuyện này chưa hề có trên hành tinh này kể từ ngày có con người. Ở đây chỉ nêu ra trường hợp điển hình sau đây…
Vật tế thần đầu tiên là người đàn bà yêu nước Nguyễn Thị Năm, người có nhiều cống hiến lớn cho Cách mạng còn non trẻ những năm đầu. Chuyện này thì nhiều người đã biết. Khi người ta vội vã về kinh báo với cụ, bà Năm bị tuyên án tử hình. Cụ lặng người đi một lúc rồi run run hỏi: Không tìm được người thay thế sao? Khi lời cụ được truyền tới tai bọn cố vấn Tàu. Chúng bảo: Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người. Và cuối cùng bà Năm – người đàn bà yêu nước bị bắn chết.
Cũng trong vụ này còn có một dị bản(1). Có người kể. Hôm xử bắn bà Năm ở Đồng Bấm, cụ và Trường Chinh đi dự. Cụ cải trang che bộ râu, còn Trường Chinh mang kính đen. Có người làm bài thơ về việc này như sau:
GIỮA THƠ VÀ ĐỜI
Khi Bác ngụy trang thành kẻ khác
Đi xem vụ xử bắn người đàn bà yêu nước
Khi súng nổ và người đàn bà bất hạnh ngã xuống
Vẫn không biết vì sao mình bị giết
Không biết có giọt lệ nào,
chảy trong lòng Bác.
Khi người ta bỏ xác người đàn bà yêu nước vào cái hòm chật.
Có mấy người dẫm lên cho cái xác lọt vào trong.
Bác có nghe tiếng xương gãy vụn
vang lên thảng thốt.
Tiếng oan hồn than khóc,
“hỡi trời chẳng biết vì sao tôi bị giết”
Liệu đêm nay về Bác có ngủ yên không?
Câu Bác từng nói:
“Đừng bẻ dẫu một cành hoa
để đánh người đàn bà”(2).
Vậy giữa thơ và đời
có khoảng cách biệt rất xa…?
“Văn là người” chẳng lẽ một câu nói vu vơ.
Hôm sau có một bài trên báo của Đảng lên án tội ác của bà Nguyễn Thị Năm, lên án bọn địa chủ cường hào ác bá cần phải tiêu diệt. Bài báo ký tên CB. Chỉ có người trong tòa soạn mới biết tác giả là ai. CB là “của Bác”.
Cụ để lại di họa suốt mấy chục năm cả sau khi chết đi là cụ đã đưa chủ nghĩa Mác-Lê vào công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước. Người ta bảo sai một ly đi một dặm. Cái sai này đã đưa cả đất nước xuống hố. Cho tới bây giờ vẫn chưa thoát ra được. Trong công cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, người ta có thể so sánh cách làm của cụ với Gandhi ở Ấn Độ và Mandela ở Nam Phi. Sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng tất nhiên không vì thế mà người ta không nghĩ tới. Trước hết là họ thoát cho nhân dân các cuộc chiến tranh đẫm máu, kéo dài mấy chục năm và thoát khỏi Chủ nghĩa Xã hội bị áp đặt cho đất nước.
Hơn mười năm cuối đời của ông cụ là những trang bi kịch cho tới khi chết. Tập đoàn Lê Duẩn, Sáu Thọ phe chủ chiến thắng thế khi thông qua Nghị quyết 9. Nghị quyết về vấn đề Giải phóng miền Nam. Trong lúc đó ông cụ, Võ Nguyên Giáp và một số người nữa cho là chưa phải lúc. Biểu quyết trong hội nghị, phe chủ chiến thắng vì đa số là người do Sáu Thọ đưa vào. Mặc dầu ai cũng hiểu cái đa số nhiều khi không phải là cái đúng, là chân lý. Bi kịch của cụ là không nắm vững vai trò lãnh tụ của mình cho tới phút chót, để bọn đàn em sắc máu lấn lướt dẫn tới cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài suốt 20 năm.
Nghị quyết 9 đã cho cụ “nghỉ hưu” một cách nhẹ nhàng. Và từ đó trở đi ông cụ không còn dự các cuộc họp Bộ Chính trị nữa. Trước đó có một hôm họp Bộ Chính trị, cụ định phát biểu, Sáu Thọ tới đứng một bên nhắc khéo: Theo cháu, lúc này Bác chỉ nên nghe, để anh em nói. Cái gì đã buộc người sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải vâng lời một thằng đàn em xấc láo? Để ra quân trong trận Mậu Thân(1) người ta đã đưa họ Hồ đi nghỉ ở Bắc Kinh và đưa họ Võ sang Hungary chữa bệnh.
Như trên đã nói, những năm cuối đời, ông cụ để bọn đàn em lấn lướt. Nhưng đau đớn là lúc chết người ta không làm theo di chúc của cụ mà lại xây cho cụ một cái lăng bề thế và tặng cụ một bài điếu văn thống thiết lại chính do Lê Duẩn đọc đến trời hôm đó cũng phải khóc. Đó là bi kịch của cụ, bi kịch của một vị thánh. Ông cụ đã khóc khi Xitalin chết, người ta tin đó là những giọt nước mắt thật. Vậy có bao giờ ông cụ dành những giọt nước mắt khóc cho mình và cho chính dân tộc mình không.
Do môi trường hoạt động, ông cụ trong suốt đời mình phải đóng nhiều vai. Nghề “diễn” đã ngấm sâu vào trong máu thịt. Và đã vô tình trở thành một diễn viên có nghề, bất cứ ở vai nào cụ đóng cũng đạt. Cùng với sự thông minh, từng trải, lịch duyệt tưởng chừng cụ sẽ đạt được tất cả những gì cụ muốn. Nhưng không. Trong một bài báo gần đây, kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã có phát biểu day dứt: “… Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”. Ở cõi bên kia ông cụ liệu có biết được sự thật đau lòng này không. Trong di chúc để lại ông cụ có viết… Đất nước ta sẽ xây dựng to lớn đàng hoàng gấp mười lần hôm nay. Trong lúc đó báo chí tư bản có bao giờ đưa những “tin vui” như báo chí của ta: Năm nay Việt Nam “xuất khẩu” được mấy nghìn, mấy vạn người lao động sang các nước. Chẳng qua chỉ là một hình thức bán sức lao động thu ngoại tệ về.
Năm 1961 Pak Chung Hy làm một cuộc đảo chính quân sự, lên làm Tổng thống Nam Hàn. Vị Tổng thống quân sự này từng khóc trước cảnh nghèo đói của người dân. Trong một buổi nói chuyện với mấy vạn sinh viên Seoul, ông tuyên bố quốc sách biến Nam Hàn nghèo nàn trở thành con cọp lớn: Trong 5 năm tất cả người dân Nam Hàn phải thắt lưng buộc bụng, cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Phải làm sao trong vòng 10 năm tới ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu Đông Á. Và 20 năm sau trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới. Sẽ có một số đồng bào không đồng ý với quốc sách của tôi. Xin các vị hãy hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi sẽ ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi tuyên bố sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của dân dầu chỉ một đồng. Tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng đã đề ra.
Và chắc chủ tịch biết vị Tổng thống, nhà ái quốc vĩ đại đã làm được những điều mình nói.
Bây giờ tôi tạm giả sử, tất nhiên lịch sử không bao giờ có chuyện giả sử. Người Pháp có câu nói rất hay: Nếu chuyện giả sử có thể thực hiện được thì người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào trong chiếc lọ. Nhưng ta cứ giả sử nếu ngày đó Pak Chung Hy hay một vị Tổng thống nào khác không mảy may động lòng trước cảnh nghèo đói cơ cực của người dân mà một mực ra sức rèn luyện quân đội, vác rá đi xin viện trợ của các nước anh em trong phe thay vì đưa Thanh niên sang các nước văn minh học tập cái hay cái tốt. Ông ta một mực quyết tâm xua hàng triệu quân vượt sông Áp Lục giải phóng Triều Tiên thu non sông về một mối như cách làm của ta, chắc chắn không thể nào có một Hàn Quốc có bộ mặt rạng rỡ đáng tự hào như hôm nay. Và càng không có chuyện 9 vạn người Hàn Quốc sang ta làm ông chủ, bà chủ như vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lúc nãy tôi đã nói. Ta giải phóng được Miền Nam nhưng 40 năm sau đó khoảng 9 vạn người dân sang bên đó làm ô sin. Đáp số của bài toán đúng sai quá rõ.
Ông chủ tịch có biết tôi gặp ông trong trường hợp nào không? Trong vụ lở đập năm nọ, lúc đó tôi đang loi ngoi trong cơn bão lũ cứu các em học sinh thì chợt thấy chủ tịch cũng ra chống lũ với bà con. Nhìn thấy vị chủ tịch cũng có mặt trong cơn nguy hiểm, lòng cũng được an ủi đôi chút. Vậy là không đến nỗi: “sống chết mặc bay”. Sau đó tôi “đi” luôn trong cơn lũ. Lúc nãy tôi vừa về chợt thấy chiếc xe Thần Chết chở ông, rồi xe dừng lại, ông lên mặt đập, tôi thốt lên: Người tốt thế sao lại ra đi sớm vậy? Thế là tôi bí mật theo ông… Tôi hỏi thật, trong nước mình có bao nhiêu vị lãnh đạo được như ông?
Cảm ơn ông bạn có lời khen. Chuyện này phải hỏi ban Kiểm tra, hoặc ban Tổ chức Trung ương. Nhưng thật ra cũng khó trả lời. Tốt, xấu thế nào cũng khó nói. Tới ông Truyền – Tổng Thanh tra Chính phủ lúc về hưu đã có mấy tòa dinh thự thì còn tin được ai. Ông bạn vừa rồi khen tôi, nhưng lúc đi thăm bếp núc, bữa cơm chiều mấy nhà, tới trường học tôi đã khóc. Tôi có xứng đáng nhận lời khen của ông không? Bữa cơm, đời sống của người dân đủ để trả lời.
Được như ông là quý quá rồi. Chỉ tiếc ông ra đi sớm dân mất nhờ. Chuyện cực khổ đói nghèo của dân còn do nhiều nguyên nhân lớn lao khác. Đâu phải chỉ mỗi chủ tịch giải quyết lo toan là được. Có là Thánh. Thôi, chủ tịch tới xe đi. Chắc ông lão đang sốt ruột chờ tưởng ông chủ tịch còn lưu luyến trần gian trốn ở lại.
Ông Tư cười. Thôi, chào anh bạn nhé. Hẹn gặp lại anh.
Chúc Chủ tịch thượng lộ bình an.
Ông Tư tới bên xe: Xin lỗi để ông chờ lâu. Xin hỏi thật. Ông có nghĩ tôi trốn ở lại không?
Ông nói đùa. Tôi thấy ông đi vô thăm từng nhà. Ít thấy ông quan nào thời nay như ông. Chết chưa phải là hết. Người ta nói không sai. Liệu ông có còn muốn ghé nơi nào nữa không?
Nếu được đi khắp thì phải mất cả tháng trời cũng chưa chắc đã hết. Mà cũng chẳng giải quyết được gì.
Ông có chịu được gió không, về chiều trời hơi lạnh. Tôi muốn cho xe chạy nhanh một tý.
Không sao. Tôi cảm thấy hơi khá hơn. Ông Tư chợt bật cười.
Có chuyện gì vui làm ông chủ tịch cười.
Nghĩ tới câu có người vừa rồi mới chúc tôi “thượng lộ bình an”. Nghĩ đã ngồi trên cỗ xe của Thần Chết mà còn bình an với không bình an nỗi gì.
Thế mà có đấy ông ạ. Có người chết rồi mà ngàn năm linh hồn vẫn không yên. Thôi ông nghỉ ngơi đi. Tôi cho xe chạy nhanh đây.
Chiếc xe phóng nhanh vào bóng hoàng hôn mờ ảo. Bỏ lại xóm làng yêu thương mịt mù tít tắp phía sau…
___
(1) Đèn cù (Trần Đỉnh).
(2) Một câu thơ của Pháp.
(3) Một chiến dịch lớn được đánh giá là thất bại thảm hại. Người ta kể trong một lần đi chơi ghé vào trại sáng tác của Hội nhà văn ở Quảng Bá, Lê Duẩn, tác giả chính của cuộc chiến đẫm máu này hỏi mấy ngưới viết đang có mặt ở trại: các anh đánh giá trận Mậu Thân như thế nào? Bùi Bình Thi mau miệng: Thưa, thất bại ạ. Lê Duẩn cau mày lắc đầu: các anh viết văn mà không hiểu chi cả… Rồi ông Ba bỏ ra mấy chục phút giải thích sự cần thiết phải có chiến dịch này… chắc trong đầu ông Ba cho số người chết dẫu bao nhiêu không cần phải suy nghĩ. Mấy nhà văn lúc đó sợ hãi im như thóc. Mãi mấy chục năm sau, trước lúc chết nhà thơ Chế Lan Viên để lại trong tập Di cảo mấy câu thơ về trận Mậu Thân đẫm máu (Xem chương: Ngọc Hoàng bên cỗ quan tài lạ. Trang 317).
_____
Bài viết trên trích từ sách Que Diêm Thứ Tám, của tác giả Văn Điển gửi tới Tiếng Dân. Mời đọc lại các bài trước: Câu chuyện nhà báo trẻ và nhà văn có tuổi — Bên chiếc quan tài lạ ở cõi âm — Chuyện ông chủ tịch tỉnh ở đập thủy điện và các dấu gạch ngang — Chuyện hai anh em trên bàn thờ — Chuyện Nguyễn Tuân và những đứa con của mình — Nhà thơ và vị khách không mời…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét