Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Tại sao nhà nước giám sát lại nguy hiểm?

Tại sao nhà nước giám sát lại nguy hiểm?

Pierre Lemieux
Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)
Nhà nước giám sát nguy hiểm như thế không phải vì nó vi phạm một số tiêu chuẩn về quyền riêng tư, mà vì giám sát tạo thêm điều kiện cho kiểm soát.
Xin định nghĩa nhà nước giám sát là nhà nước thực hiện việc giám sát mỗi ngày, trên diện rộng, có tính chất phòng ngừa.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhFc5NgQoMj1zGRXCrouH6pMWAW3PoMNoEedpt6KqJRMhhKz2QflX-e5r5oIsV4wGRd4RS-idKAVSfGtvnSYEIwqxIf4PRW8-xcZQk1tpoewqmaJgAsCYtt45tfVJ487qs1qVQhFS5jJNE/s320/Capture.JPG
Ảnh minh họa.
Nhiều người không quan tâm đến nhà nước giám sát. Một số người muốn được giám sát, vì điều đó chứng tỏ người nào đó chú ý tới họ. Một số người khác nghĩ rằng không có thông tin cá nhân nào có thể dùng để buộc tội họ. Mark Reid, một nhà quản lý ở thành phố Bluffdale, bang Utah, nơi có một trung tâm dữ liệu lớn của NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia) đang được xây dựng, không hề lo lắng: “Nếu người nào đó đọc email của tôi, họ sẽ chán ngay”. James Watson, Nobel về cấu trúc DNA, khẳng định rằng việc lấy dấu vân tay DNA bắt buộc sẽ chỉ “tước đoạt quyền tự do phạm tội của chúng ta mà thôi”.

Tờ The Economist tuần trước mô tả khá rõ hiện thân của nhà nước giám sát. Đấy là ở Trung Quốc và, đặc biệt hơn, ở tỉnh Tân Cương, quê hương của người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số, cũng là người Hồi giáo và còn rất lạc hậu. Sự nhục mạ mà nhà nước Trung Quốc dành cho họ cũng lạc hậu và u tối không kém.
Người Duy Ngô Nhĩ có thể bị kiểm soát chặt chẽ vì họ bị giám sát kỹ lưỡng: thẻ căn cước được kết nối với cơ sở dữ liệu khổng lồ, giám sát bằng camera và các điểm kiểm tra, các gia đình giám sát lẫn nhau, một trạm cảnh sát cho mỗi khu vực có 500 người dân (trong thị trấn Hotan), nhân viên chính phủ được các gia đình “nhận làm con nuôi”… Việc giám sát như thế tạo điều kiện cho các nhà chức trách xếp hạng mức độ “tin cậy” của từng cá nhân và đưa vào trại cải tạo những người bị coi là không đáng tin.

“Ở đây không thể có chuyện đó!”

Tất cả các nước đều là “dân chủ” theo nghĩa là nhà cầm quyền cần sự đồng ý, ít nhất là ngấm ngầm, của đa số dân chúng. Trong các nước về mặt hình thức là dân chủ giám sát cũng nguy hiểm. Một trong các lý do là những trường hợp giám sát quá đáng trong quá khứ thì hiện nay đã trở thành công việc bình thường.
Trước đây ai có thể nghĩ rằng người Mỹ, tương tự như người châu Âu, bị kiếm tra tại “trạm kiểm soát”, mà nhiều vụ kiểm soát phải gọi là “khám xét” hoặc các nhân viên trên biên giới có quyền kiểm soát điện thoại hoặc các thiết bị khác mà không cần lệnh, với tần suất là 30.000 vụ một năm? NSA theo dõi hàng triệu người Mỹ. Theo tờWall Street Journal, đến khoảng năm 2000, FBI có nhiều dữ liệu ADN của các công dân hơn cả chính phủ Trung Quốc (đấy là năm mà Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh với Mỹ), mặc dù ở Trung Quốc người ta thu thập nhanh đến nỗi nước Mỹ không thể “thắng” được nữa; tính bình quân trên đầu người, hiện nay hai nước ngang nhau.
Ở Tân Cương, nhà nước giám sát hàng loạt nhằm kiểm soát một nửa dân số của tỉnh (người Duy Ngô Nhĩ). Nhưng giám sát và kiểm soát đi liền với nhau. Kiểm soát có thể phát triển như một hệ quả của giám sát.
Trong một bài báo trong số ra hôm đó, nhan đề: “Nhà nước cảnh sát kỹ thuật số Trung Quốc có đồng thanh tương ứng ở phương Tây?”, tờ The Economist, không phải là tạp chí cấp tiến nhất thế giới nhưng được một số người cho rẳng trong mấy năm qua đã ngày càng trở nên không còn theo phái tự do cá nhân nữa, thừa nhận rằng nhiều người ở các nước phương Tây chúng ta tỏ ra lo lắng là đúng. (Phần Công nghệ hàng quý của tờ báo này cũng tập trung vào giám sát). Stasi, cơ quan cảnh sát cũ của Đông Đức, phải ghen tị với hoạt động của NSA trong giai đoạn hiện nay. Ở các nước phương Tây chúng ta, “lực lượng cảnh sát cũng có thể tiếp cận với dữ liệu có giá trị của thời Stasi”. Ngay cả trong thế giới kỹ thuật số, tờ tạp chí này viết, cũng phải có những nơi mà “những người tôn trọng pháp luật có thể được hưởng quyền riêng tư”.
Đúng là đời sống ở Mỹ vẫn tốt hơn hẳn so với ở Trung Quốc. Đó có lẽ là điều mà đại đa số chúng ta muốn bảo vệ.

Không phải là những gì chính phủ biết, mà là những gì chính phủ có thể làm

Vấn đề của Nhà nước giám sát không phải là nó biết quá nhiều mà là những việc nó có thể làm với những điều nó biết. Nhà nước giám sát nguy hiểm như thế không phải vì nó vi phạm một số tiêu chuẩn về quyền riêng tư, mà vì giám sát tạo thêm điều kiện cho kiểm soát. Khi giám sát diễn ra hàng ngày ở mức độ cao, tương tư như chi phí cố định, nghĩa là chi phí cận biên của thông tin sẽ thấp; kiểm soát trở thành ít tốn kém hơn và hấp dẫn hơn đối với nhà nước. Tôi sử dụng cụm từ chi phí kiểm soát, để chỉ nguồn lực và giá phải trả về chính trị nhằm áp đặt luật lệ và quy định mới. Khi chi phí cho một cái gì đó giảm, người dùng sẽ muốn nhiều hơn. Nhà nước càng biết nhiều thì trong tương lai nó sẽ càng áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát hơn nữa.
Vấn đề nghiêm trọng chỉ xuất hiện khi nhà nước, với sức mạnh cưỡng chế to lớn của nó, thu thập thông in hoặc chiếm hữu thông tin từ cơ sở dữ liệu các chủ thể tư nhân. Thông tin đã được cung cấp cho các chủ thể tư nhân chỉ được canh giữ theo lệnh của chính quyền hay toà án.
Khi quyền phán xét còn nằm trong tay nhà nước, các phán xét chủ yếu xoay quanh các vấn đề an ninh, và vì vậy, cần phải giám sát. Một số đặc điểm của thế giới ngày nay - các cuộc chiến tranh tôn giáo, chi phí cho du lịch quốc tế không cao và nhiều cách khác, trong đó, không phải tất cả đều là những người tốt, nắm được quyền lực, ví dụ, mã hóa, mạng xã hội hoặc xe ô tô - có thể cần phải giám sát nhiều hơn là ở nước Anh thời Victoria hoặc ở Massachusetts giữa thế kỷ XIX. Nhưng tôi cho rằng chúng ta giám sát quá mức cần thiết và quá mức có thể chấp nhận được và cần phải nhắc lại lời cảnh cáo nổi tiếng của Benjamin Franklin:
Những người có thể từ bỏ tự do đề được an toàn tạm thời thì không xứng đáng với cả tự do lẫn an toàn.
Đấy, tất nhiên là sự thỏa hiệp. Vấn đề là khi nhà nước buộc tất cả mọi người phải thỏa hiệp với ý đồ mở rộng không ngừng nghỉ vai trò của nó.
Xin nhấn mạnh quan điểm của tôi: “Những người tôn trọng luật pháp” phải lo sợ sự giám sát của nhà nước bởi vì nhà nước dễ dàng biến họ thành những người không-tôn-trọng-pháp-luật mặc dù hành vi của họ không hề thay đổi. Họ sẽ bị bắt vì vi phạm những điều luật mà họ thậm chí không biết rằng có những điều luật như thế. Hơn nữa - và đây là luận cứ chính của tôi - “việc tuân thủ pháp luật” sẽ được quy định trong những điều luật mới được thông qua, vì nhà cầm quyền biết rằng chi phí thực thi không quá cao như trước đây. Mức độ giám sát càng cao thì càng có nhiều luật mới được áp đặt lên những người từng tuân thủ pháp luật.
P.L.
__________
(*) Tác giả là Pierre Lemieux: ông là nhà kinh tế học, cộng tác với với Khoa Khoa học Quản lý ở Đại học Québec ở Outaouais, và là cộng tác viên cao cấp tại Trường Đại học Kinh tế Montréal.
Nguồn: fee.org
VNTB gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét