Đánh thức tiềm lực và nền giáo dục thần dân
28-6-2018
Chúng ta thấy mừng vì gần đây đề thi tú tài hướng các em quan tâm đến những vấn đề thực tế của xã hội, của đất nước.
Như đề thi văn năm nay, có thể sẽ nhìn thấy lớp trẻ chuẩn bị làm công dân suy tư về nguồn lực phát triển đất nước. Nhưng tôi không tin các em có thể có tiếng nói của chính mình. Không phải vì thế hệ hôm nay kém cỏi. Mà chính yếu là vì xã hội của chúng ta luôn muốn nhìn thấy các em là những đứa trẻ.
Việc nước là việc của người lớn. Việc học là việc chính yếu của các em. Mặc định của xã hội là vậy.
Các nhà lãnh đạo, theo một cách rất tiện lợi, không ít lần khuyên bảo, ra lệnh, thậm chí răn đe các em như vậy. Biển Đông bị xâm lấn đã có đảng, nhà nước lo. Đặc khu rập rình tiếng nói phản đối, chúng ta nghiêm mặt dọa lớp trẻ thế lực thù địch bày mưu, kích động. Môi trường biển bị nhà đầu tư hủy hoại, chúng ta bắt các em tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo.
Chúng ta bắt bỏ tù những người trẻ phản đối bằng các tội danh chính trị. Có em phê phán, chúng ta khép vào tội xúc phạm lãnh đạo đảng nhà nước.
Chúng ta bắt bỏ tù những người trẻ phản đối bằng các tội danh chính trị. Có em phê phán, chúng ta khép vào tội xúc phạm lãnh đạo đảng nhà nước.
Chúng ta dễ dàng cho phép công an xộc thẳng vào nhà trường, tước đoạt đi của các em những quyền cơ bản làm người. Bằng một công văn của công an, chúng ta có thể ra lệnh cho tất cả công dân trẻ của chúng ta mãi ngờ nghệch với quyền được biểu lộ ý kiến, tình cảm.
Chúng ta đang dạy dỗ các công dân trẻ sự sợ hãi quyền lực, sợ công an, sợ ban giám hiệu, sợ thầy, cô, sợ giám thị, sợ ban chấp hành đoàn…
Tình cảm yêu nước, ý thức công dân của các em muốn thể hiện phải đóng gói bằng khuôn phép của công an, của lãnh đạo. Chúng ta rắp tâm biến con em mình đời nối đời thành những con cừu, thành cả đàn cừu luôn phải được chăn dắt.
Rồi chúng ta “đổi mới”, bằng cách gắn cho con cừu cái miệng của con vẹt, chấp nhận cả những miệng vẹt ngọng líu ngọng lo, để chúng leo lẻo hát ca về tiềm lực.
Thực ra, tiềm lực của đất nước đang lồ lộ ra đấy, là nguồn nhân lực trẻ mà nền giáo dục của chúng ta “xuất xưởng”. Nếu mỗi thanh niên trải qua giáo dục phổ thông trở thành một công dân đúng nghĩa thì tiềm lực con người thực sự được giải phóng. Đó là nguồn lực trực tiếp, mạnh mẽ và dồi dào để đất nước phát triển.
Còn nền giáo dục của chúng ta lại đang cho ra lò những thần dân. Nền giáo dục ấy đã lạc đường.
Không thể sửa đổi nó chỉ với một kỳ thi. Lại càng không thể trút hết hy vọng vào một đề thi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét