Xác người trong lũ và bút phê phá rừng
Lê Trai
26-6-2018
Vỏn vẹn hơn một ngày mưa lớn, từ đêm 23 đến chiều tối 24/6, đã có 14 người thiệt mạng, 11 người mất tích vì lũ quét. 4 tỉnh miền núi chia nhau con số thiệt hại hơn 110,6 tỷ đồng.
Những xác người vùi trong bùn lũ – hình ảnh tang thương ấy đủ để nói nên mức độ thảm khốc của lũ quét kinh hoàng những ngày qua. Nơi lũ đi qua, tất cả còn lại là hỗn loạn, thảm thương. Nhưng có lẽ sẽ còn nhiều hơn nữa thiệt hại về nhân mạng và tài sản, khi hàng ngàn hecta đất rừng đã đang được lên sẵn danh mục chờ phá. Rừng đang không chỉ bị phá bởi lâm tặc. Rừng bị tàn phá triệt để, phá “bất khả xâm phạm” hơn bởi bút phê.
Xét riêng Lai Châu, – tỉnh vừa có 22 người chết và mất tích, 90 tỷ bị cuốn theo lũ chỉ trong vòng hơn một ngày đêm -, trong một năm 2017, tỉnh này đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 30 dự án, trong đó có 7 dự án về thủy điện, 7 dự án về chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng. Dự án gối dự án khi trước đó, siêu dự án thủy điện Lai Châu – công trình thủy điện lớn thứ ba trên sông Đà vừa chính thức hoàn thành vào cuối năm 2016.
Dự án thủy điện Lai Châu có công suất 1.200 MW, tổng đầu tư 35.700 tỷ đồng. Về tổn thất sinh thái nhãn tiền, là 1.536,1 ha rừng bị tàn phá (trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 22,1 ha).
Nhưng đó chưa phải tất cả. Theo Quyết định 2254 ngày 3/5/2012 – “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020” – do Bộ Công thương phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có thêm 62 dự án thủy điện lớn nhỏ, tổng công suất thiết kế 682,31 MW. Cần nhớ Lai Châu có đặc điểm địa hình nhiều dãy núi và cao nguyên, núi cao, dốc – trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25°. Với việc chấp thuận phá rừng hàng loạt phục vụ hàng chục dự án thủy điện vừa và nhỏ, chính quyền tỉnh Lai Châu đã tự đặt một chân vào việc gián tiếp gây nên cái chết và mất tích của hàng chục người mỗi năm.
Cuối năm 2017, chính quyền tỉnh Lai Châu cho biết tổng diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng là 2.437 ha. Gần 2.500 ha rừng đã bị phá bằng chính sách khi không một dự án sử dụng đất rừng nào hỏi ý kiến người dân theo đúng nghĩa rằng người dân có thể đưa ra ý kiến bất thuận khiến dự án được điều chỉnh hoặc ngừng triển khai. Thực tế, ngay cả khi các chủ đầu tư nghiêm túc trồng lại rừng theo đúng quy định thì cũng phải mất ít nhất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa mới có thể tái tạo được hệ sinh thái rừng đã mất. Tái tạo rừng không phải việc trảm một cây to rồi gieo một mầm nhỏ xuống và coi như chưa có gì xảy ra.
Trên mặt đất, rừng bị phá. Dưới lòng đất, những dự án khai khoáng được cấp phép khai thác trên diện rộng phá vỡ hết các cấu trúc địa chất lâu đời. Phá rừng và khai khoáng cộng hưởng gây nên lũ quét kinh hoàng chỉ sau hơn một ngày mưa lớn.
Vẫn tại tỉnh Lai Châu, chỉ một huyện Tam Đường đã có 4 cơ sở khai thác đá được cấp phép, một bãi vàng, 7 điểm và 17 hộ khai thác cát nhỏ lẻ (con số đã tạm dừng hoạt động). Tam Đường là một trong những huyện đang tan hoang vì lũ quét từ đêm 23/6.
Tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, 2 mỏ đá đang được khai thác với diện tích 8.000 m2. Huyện Phong Thổ là cửa ngõ lũ quét đổ về trong đêm 23.
Không kể các điểm khai thác vàng, đá vôi, cát, sỏi, chì kẽm… đã đang được tỉnh cho khai thác, cuối năm 2015, mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) – mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép cho Công ty CP đất hiếm Lai Châu (VIMICO) thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiến hành khai thác. Mỏ có diện tích gần 133 ha, tổng trữ lượng trên 11,3 triệu tấn. Dự kiến khai thác trong 30 năm, với công suất khai thác 10.000 tấn/năm.
“Chúng tôi mong muốn thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng, các trung tâm thương mại, thủy điện, khai thác đất hiếm…”, Chủ tịch UBND Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu ngày 23/4/2016. Dường như cả chính quyền tỉnh Lai Châu lẫn lãnh đạo Bộ TN-MT đều bỏ qua bài học nhãn tiền từ Trung Quốc. Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm, chiếm 97% thế giới. Sông Hoàng Hà – nguồn nước cung cấp cho hơn 150 triệu dân bị biến thành dòng sông độc bởi chất thải từ mỏ khai thác đất hiếm. Tại tỉnh Quảng Đông, cánh đồng lúa và suối, kênh… bị hủy hoại bởi nguồn axít cực mạnh rò rỉ từ những khu khai thác đất hiếm gần đó. Dân số từ 2.000 người giảm xuống còn vài trăm người do bệnh tiêu chảy, loãng xương, tim phổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét