Marx còn trẻ hay đã già
Đỗ Thái Nhiên
3-6-2018
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sanh của Marx, BBC News Tiếng Việt ngày 18/05/2018 đăng một bài viết của tác giả Quốc Phương với tựa đề: “Hệ tư tưởng Marxist ‘không phải là già cỗi’“. Tác giả Quốc Phương đã viện dẫn phát biểu của Sina Badiei để minh chứng tư-tưởng-Marx chưa già: “Chúng ta thực sự không thể nói rằng chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng cũ, nó thực sự còn trẻ hơn nhiều so với Cơ Đốc giáo, đạo Islam hay thậm chí là Chủ nghĩa Tự do” (Sina Badiei, Đại học Toulouse – Jean Jaures, Pháp).
Tư tưởng Archimedes (287 – 212 trước CN) viết về “lực đẩy của chất lỏng tác động vào vật thể nhận chìm trong nó” là minh chứng điển hình: giá trị của tư tưởng được qui định bởi sự việc tư tưởng kia có phản ánh trung thực thực tại của đời sống hay không chứ không bởi nó già hay trẻ”.
Sau khi minh chứng Marx “còn trẻ”, Quốc Phương tiếp tục nói về Marx qua các trích xuất rằng:
“Chủ nghĩa Marx vẫn còn rất phổ biến” (Sina Badiei).
“Chủ nghĩa Marx rất hấp dẫn, thực tế là nó nói về sự tan rã của trật tự hiện tồn để đến một trật tự kinh tế chính trị khác” ( Sina Badiei).
“Sự bá chủ của chủ nghĩa Marx đã bị phản đề tự do của thập niên 1980 thách thức, nhưng chính sự thách thức của phản đề này lại cho phép sự trở lại của Karl Marx” (Arthur Guezengar, Đại hoc Grenoble Alpes, Pháp).
Tất cả các suy nghĩ của Sina Badiei và Arthur Guezengar về Marx đều nằm xoay quanh hệ tư tưởng duy vật. Hệ tư tưởng này bao gồm ba khối lý luận:
1) Tiền đề triết học (bản thể luận) duy vật: bản chất của thế giới là vật chất.
2) Nhận thức luận triết học duy vật: qui luật vận động và phát triển của vật chất.
3) Phương pháp luận triết học duy vật: sử quan duy vật, giáo dục duy vật, luật pháp duy vật, kinh tế duy vật: kinh tế độc quyền chỉ huy cứng rắn v.v.
Nhằm giúp cho việc nhận thức cấu trúc của hệ tư tưởng được dễ dàng, chúng ta hãy hình dung diễn tiến trị bệnh của một bệnh nhân.
Bước đầu tiên là bệnh nhân kia phải được định bệnh. Đây là tiền đề y khoa trị liệu đối với người bệnh.
Bước thứ hai là sự xác định vi trùng/vi khuẩn đã gây ra bệnh. Vi khuẩn/vi trùng vừa nêu được phát triển và bị tiêu diệt trong những môi trường nào? Đây là phần trình bày qui luật y khoa trị liệu.
Bước thứ ba là phương pháp luận: bào chế thuốc, viết toa thuốc và qui định chế độ nghỉ dưỡng dành cho bệnh nhân.
Tiền đề y khoa trị liệu là cha đẻ của bước hai và bước ba trong diễn tiến trị bệnh. Do đó, tiền đề y khoa sai lầm thì toàn bộ hồ sơ bệnh án phải bị bác khước như một hệ quả tất yếu.
Tiền đề triết học duy vật xác định: ”Bản chất của thế giới là vật chất. Thế giới là thế giới của vật chất và những thuộc tính của nó ”.
Cơ thể con người là vật chất. Sự sống gắn liền với cơ thể: không phải là vật chất. Người Cộng Sản gọi sự sống kia là thuộc tính của vật chất.
Phân biệt chính và phụ có nghĩa là khi cái phụ bị cất đi, cái chính vẫn tồn tại.
Sự sống bị biến mất thì cơ thể con người cũng lập tức đi vào cõi chết.
Như vậy sự phân định giữa chính và phụ của Marx về liên hệ giữa vật chất và không vật chất, vật chất và trừu tượng, vật chất và ý thức, vật chất và tinh thần là hoàn toàn sai lầm so với thực tại đời sống. Vật chất không có khả năng đơn phương tồn tại.
Và như vậy tiền đề triết học duy vật chủ trương: duy cái vật chất là cội nguồn sản sinh và chi phối mọi vật và sự vật trong đại vũ trụ là một tiền đề tuyệt đối sai lầm. Tiền đề sai kéo theo sự sụp đổ toàn diện của qui luật triết học và phương pháp luận duy vật.
Hậu quả sai lầm của hệ tư tưởng Marx là sự từ trần của hệ thống Cộng Sản thế giới thập niên 1980. Thế nhưng, Sina Badiei (ĐH Toulouse – Jean Jaures, Pháp) vẫn nhìn thấy Marx đang hiện diện tại Trung Quốc:
“ Tôi nghĩ ở Trung Quốc, chủ nghĩa Marx chủ yếu hiện diện vì sự chỉ trích của nó đối với chủ nghĩa tư bản, và chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng nó để biện minh cho thực tế rằng một phần lớn nền kinh tế Trung Quốc được kế hoạch hóa tập trung”
Một tư tưởng được gọi là sống với xã hội chừng nào tư tưởng đó tự do di chuyển trong xã hội vừa nêu như cá thong dong bơi lội ngoài biển rộng, như chim tự tại bay bổng trên trời cao. Sở dĩ Marx có mặt ở Trung Quốc ngày nay là do sự hỗ trợ của súng đạn và nhà tù. Vả lại, hiện tại guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy: trong quốc nội, kinh tế Trung Quốc là kinh tế tư bản nhà nước; trên trường ngoại thương, Trung Quốc tự nhận là kinh tế thị trường tự do. Đây là mô hình kinh tế hoàn toàn xa lạ đối với hệ tư tưởng Marx.
Bên cạnh sự hiện diện của Marx ở Trung Quốc (theo Sina Badiei), Quốc Phương còn giới thiệu “sự trở lại của Karl Marx” qua ngôn từ của Arthur Guezengar, ĐH Grenoble Alpes:
“Sự bá chủ của chủ nghĩa Marx đã bị phản đề tự do của thập niên 1980 thách thức, nhưng chính sự thách thức của phản đề này lại cho phép sự trở lại của Karl Marx”.
Cứ kể như “sự trở lại” của Marx là có thật. Câu hỏi đặt ra là: với tiền đề duy vật đã bị xác định là tật nguyền, xã hội nào đứng ra đón Marx trở lại và nhất là Marx trở lại để đi đâu và để làm gì? Câu trả lời là một vùng tối bất tận…
Vấn đề không là Marx còn trẻ hay Marx đã già. Vấn đề chính là Marx đã luận giải hệ tư tưởng duy vật theo cấu thức: bản thể luận (tiền đề), nhận thức luận (qui luật) và phương pháp luận (trội yếu là duy vật sử quan) thống nhất. Chính kiểu luận giải kia đã mang lại cho Marx một sức hấp dẫn kỳ lạ. Nhờ vào sức hấp dẫn kỳ lạ này, giới cầm quyền độc tài các loại đã lôi cuốn đông đảo loài người: tay búa, tay liềm hùng hục chạy đi tìm kiếm “thiên đàng xã hội chủ nghĩa”. Cuối con đường tìm kiếm vừa kể, người ta tìm thấy một nghĩa trang mênh mông với triệu triệu mộ phần, trên mỗi bia đá có lời ghi chú: ‘Thành kính phân ưu với nạn nhân của tiền đề duy vật, nạn nhân của chế độ Cộng Sản’. Phải chăng đây là tội ác văn hóa của Karl Marx?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét