“Đặc khu Vân Đồn”, từ phim
1-6-2018
Từ tháng 10 – 2017, trên Youtube, bộ phim hành động dài tập nhan đề “Đặc công truy sát ông trùm ma túy” của Trung Quốc sản xuất đã được chiếu rầm rộ. Nếu thuần giải trí, phải công nhận phim khá hấp dẫn, cảnh quay đẹp, diễn xuất tự nhiên, kịch bản và đầu tư sản xuất công phu. Có cả bản thuyết minh và phụ đề Việt ngữ được thực hiện rất kỹ lưỡng, chăm chút. Nó chứng tỏ, khán giả Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng quan trọng mà những người làm phim muốn nhắm tới và thuyết phục. Nó là một phương tiện quảng bá văn hóa, trình bày quan niệm Trung Quốc một cách rất rõ ràng, không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, tôi không định giới thiệu hay phê bình bộ phim. Tôi muốn “đọc” chính xác thông điệp nguy hại mà nó gửi tới khán giả, nhất là khán giả Việt. Nó liên quan rõ nét tới Dự luật đặc khu cho thuê đất 99 năm mà Quốc hội nước ta đang thảo luận, gây nhiều tranh cãi, xung đột trong cả tình cảm, lý trí của người Việt hiện tại.
Bộ phim mở đầu và xoay quanh cuộc chiến quyết liệt giữa đặc nhiệm chống khủng bố Trung Quốc với tập đoàn tội phạm túy – khủng bố Mãnh Mã do người Trung Quốc cầm đầu, nhắm đến gây nguy hại trực tiếp cho xã hội Trung Quốc, có sào huyệt nằm giữa khu vực biên giới Trung Quốc với nước F. giả định. Phiếm chỉ, nhưng với cảnh quay, sinh hoạt, tập quán cộng đồng (lễ hội té nước chẳng hạn)…, nước F. vẫn hiện ra như một khu vực nào đó thuộc Bắc Lào, giáp Trung Quốc, gần Thái Lan và Myanmar. Tình trạng quản lý và đấu tranh trong phim cho thấy nơi đặt đại bản doanh, sào huyệt của Mãnh Mã là một đặc khu của nước F. cho người Trung Quốc thuê dài hạn, được tổ chức xây dựng thành một quần thể khu du lịch, nghỉ dưỡng, ăn chơi. Cả luật pháp Trung Quốc lẫn luật pháp nước sở tại đều không có quyền công khai đối với việc giải quyết những vi phạm luật pháp, những âm mưu, hành vi, tổ chức hoạt động tội ác đang diễn ra trong đó. Buộc lòng, Trung Quốc, với sự đồng thuận của nước F. phải dùng đặc nhiệm đột kích – nhiều lần và liên tục – để giải quyết vấn đề và bảo vệ xã hội của họ.
Tôi không chắc chắn tưởng tượng trong phim vô tình hay dựa hẳn những gì có thật từ nguyên mẫu ngoài đời. Song, nhân vật ông trùm Bát Diện Phật của tổ chức tội phạm Mãnh Mã trong phim gần như trùng khít với Zhao Wei, ông chủ tập đoàn Kings Romans đang thuê đặc khu ở vùng Tam Giác Vàng, tỉnh Bokeo, Bắc Lào giáp với Trung Quốc.
Bài viết “Trung Quốc Và Những “Tiểu Quốc” Mang Tên “Đặc Khu” của tác giả Mạnh Kim (đăng trên Trí Việt News, 31-5-2018), đọc lên có cảm tưởng như đang thuật lại những gì thấy được trong bộ phim tôi đã từng xem:
“Năm 2007, Chính phủ Lào cấp phép cho thuê đất 99 năm cho tập đoàn Kings Romans có trụ sở tại Hong Kong, lập “Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng” tại tỉnh Bokeo. Lào đồng ý cho Kings Romans thuê 10.000 hecta đất trong đó 3.000 hecta được dành cho “đặc khu”, với nhiều chính sách ưu đãi chẳng hạn miễn thuế. Kings Romans dự kiến đầu tư tổng cộng 2,25 tỷ USD vào trước năm 2020, trong đó có một sân golf, khu massage, karaoke… Nói chung là ăn chơi chứ không phải hạ tầng hi-tech. Trong video clip 15 phút quảng bá phát trên nhiều website Trung Quốc năm 2013, Kings Romans tự hào việc xây dựng một khu du lịch và thương mại cùng với khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, câu lạc bộ du thuyền… Hầu hết 4.500 nhân viên – công nhân tại đặc khu là người Trung Quốc. Người điều hành Kings Romans là Zhao Wei 67 tuổi, mà theo Los Angeles Times, vốn là một y sĩ làng quê xuất thân từ Hắc Long Giang. Nói với South China Morning Post, Zhao Wei cho biết ông ta toàn quyền kiểm soát Đặc khu Tam Giác Vàng; và đặc khu là “một thế giới riêng của người Trung Quốc”. “Thế giới riêng” đó chiếm 102 km2, với 7 km dọc bờ Mekong nhìn sang Myanmar và Thái Lan.
Hơn 10 năm sau khi “cam kết mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh Bokeo nói riêng và Lào nói chung”, Kings Romans đã biến Đặc khu Tam Giác Vàng thành một ổ tội phạm khổng lồ. Tháng 1-2018, Bộ tài chính Hoa Kỳ đã đưa công ty này vào danh sách các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia bị Mỹ cấm vận, bởi liên quan “ma túy, buôn người, buôn lậu động vật hoang dã và mại dâm trẻ em” (Reuters 31-1-2018). Cơ quan phòng chống ma túy (DEA) và Bộ Tài chính Mỹ thậm chí cấm vận một người mang quốc tịch Úc (Abbas Eberahim) làm việc cho Kings Romans, vì tội “chịu trách nhiệm an ninh cho Kings Romans Casino cũng như hối lộ giúp Zhao Wei”. Việc bị Mỹ cấm vận dĩ nhiên không ảnh hưởng hoạt động Kings Romans tại Lào. Vientiane không vì thế mà đóng cửa Kings Romans. Hang ổ ma túy đĩ điếm này còn mặc sức tung hoành với cái hợp đồng 99 năm”. (Hết trích).
Phần cuối bộ phim là chiến dịch giải cứu nhóm các nhà khoa học hàng đầu của nhiều nước bị bọn tội phạm cướp máy bay đem ra giam giữ tại một hòn đảo khu vực Nam Hải (tức biển Đông của Việt Nam), phía Nam Trung Quốc. Đảo nằm rất gầnđường Trung tuyến phân chia khu vực biển giữa hai nước. Từ con tàu neo đậu ở khu vực đườngTtrung tuyến, dùng ống nhòm có thể quan sát được trên đảo. Trong phim, nhân vật tư lệnh lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố giải thích với thuộc cấp rằng, hòn đảo đó vốn từ cổ xưa là của Trung Quốc nhưng vì ở khu vực biên giới nên bị nước S. (tức Việt Nam) chiếm giữ. Hiện tại, đảo vẫn đang là vùng tranh chấp nhưng do nước S. quản lý, cho thuê làm đặc khu, trên đó lại sẵn có một tổ chức tội phạm khủng bố người Trung Quốc khác thuê làm sao huyệt. Vì tấn công vào đặc khu thuộc quyền chủ quyền nước khác, viên tư lệnh yêu cầu đội đặc nhiệm đổ bộ lên đảo không được mang theo vũ khí để tránh tiếng xâm lược. Khi lên đảo (có cả đường băng sân bay và trại giam), họ sẽ cướp vũ khí của đối phương để tấn công đối phương.
Thật không may, hòn đảo họ nói đến trong phim lại có tên là Bạch Long. Vị trí địa lý, những giải thích, mô tả thì rõ ràng nó đang nói về đảo Bạch Long Vĩ thuộc TP. Hải Phòng của Việt Nam, là đảo xa bờ nhất tronng khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách mũi Đại Giác của đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 km và cách đường Trung tuyến phân chia Vịnh Bắc Bộ chỉ khoảng 4 hải lý. Thậm chí việc trùng 2/3 tên gọi cũng chắc chắn là cố ý. Và không may nữa, đảo Bạch Long trong phim hay Bạch Long Vỹ ngoài thực tế lại chính là một huyện đảo của Hải Phòng nằm gần huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh (nhưng sâu hơn về phía Nam những 70 km) – một trong ba Đặc khu tên đã được nêu trong Dự luật cho thuê 99 năm gây tranh cãi. Rõ ràng, dã tâm nhòm ngó, cơn khát thèm thôn tính đất Việt của Trung Quốc, cái nhìn đại bá ngạo nghễ của Trung Quốc đã không dừng lại ở Vân Đồn mà còn tiến sâu hơn nữa về phía Nam, sâu hơn nữa trong khu vực biển đảo của Việt Nam. Phải chăng, bộ phim Trung Quốc sản xuất từ cách đây hơn một năm lại mô tả tương lai của một đặc khu Việt Nam của tương lai rất gần? Làm sao họ biết?
Với bộ phim, chính người Trung Quốc cũng cho rằng thuê đất đặc khu là để kinh doanh thu lợi nhuận, kể cả biến nó thành hang ổ tội phạm, không có sự phát triển công nghệ cao nào hết. Ở Lào hay ở Việt Nam đều thế. Họ cũng đã soạn sẵn những kịch bản các tổ chức cặn bã của Trung Quốc sẽ biến các đặc khu gần biên giới của họ thành sào huyệt tổ chức phạm tội, gây nguy hại cho Trung Quốc. Khi cần, vì an ninh nội địa Trung Quốc, để bảo vệ quyền lợi và bảo vệ công dân Trung Quốc, họ sẵn sàng tấn công vũ trang vào đặc khu ngoài biên giới của họ. Họ gọi đó là đấu tranh chính nghĩa, là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là sự xả thân của lòng quả cảm (!).
Và, từ trong tâm thức, với những vùng đất như đảo Bạch Long Vỹ, xa biên giới Trung Quốc hơn gấp bội so với Vân Đồn, một khu vực chưa thành đặc khu ở Việt Nam, Trung Quốc đã ngang ngược suy nghĩ, bịa đặt, nhồi sọ và tuyên truyền rằng “vốn là của họ”, chỉ vì “đại cục” tạm giao cho Việt Nam quản lý. Khi cần, họ sẽ có toàn quyền hành xử với chính nghĩa (!). Bịa đặt, bịp bợm, láo khoét…nhưng đã ăm sâu thành cảm thức của họ, đến nỗi điều đó đã trở thành cảm hứng sáng tạo văn nghệ để họ viết thành kịch bản phim và dựng chiếu cho cả thế giới, trong đó có người Việt chúng ta xem. Và cũng tất nhiên, xem để mà công nhận và ủng hộ “quan điểm nhất quán”, sự “chính nghĩa” của họ.
Tôi đã nổi giận với những chi tiết tuyên truyền, xuyên tạc được lồng ghép cố ý trong phim. Tôi không tài nào hiểu nổi và hết sức bất bình vì với những nội dung như thế, tại sao phim vẫn được quảng bá rộng rãi ở Việt Nam với đầy đủ phụ đề và thuyết minh tiếng Việt kỹ lưỡng.
Tiếp tay cho việc truyền bá quan niệm sai trái, xâm phạm chủ quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam của Trung Quốc phải được coi là trọng tội, phải được xử lý bằng luật pháp. Vậy thì nghiêm trọng hơn, hiện thực hóa những điều sai trái, phản lịch sử, biến sự xâm lăng văn hóa của Trung Quốc trên phim ảnh thành sự thật, tiếp tay cho nó thành sự xâm lăng, chiếm đất, biến một số vùng đất của đất nước ta thành sào huyệt tội phạm thì sẽ phải coi là gì, phải bị xử lý thế nào?
Tôi đang nói về dự cảm của mình với Dự luật cho thuê đặc khu 99 năm. Với tôi, đó sẽ là sai lầm lịch sử, không thể cứu chuộc. Những ai định tham gia vào việc đó, xin hãy dừng lại, đừng tự ghi tên mình vào danh sách những tội nhân thiên cổ của đất nước và dân tộc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét