Ông Hoàng Công Truyện và tấn kịch bi hài
bauxitevn2:09 PM
“Văn hoá gây sợ hãi”, nói trắng ra, là cái bộ máy lấy sự sợ hãi làm chất bôi trơn. Không có chất bôi trơn này, bộ máy sẽ dần dần tan rã vì ma sát nội tại, chứ không phải do một “thế lực thù địch” ngoại lai nào. Cho nên mọi chế độ toàn trị đều tích cực sản xuất sự sợ hãi. Bằng trừng phạt và bằng cảnh sát tư tưởng. Bác sĩ Hoàng Công Truyện phải viết kiểm điểm với lời lẽ run rẩy, là một ví dụ chua xót.
Khởi đầu cho tiến trình dân chủ là phải thoát khỏi sự sợ hãi, như tên một tiểu luận nổi tiếng (Freedom from Fear) của Aung San Suu Kyi.
Chỉ với tiếng nói của công luận bồng bột dấy lên trong mấy ngày nay, bản án phi lý-phi nhân được chỉ đạo từ các cấp trong ngành y tế, phối hợp với ý kiến Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên - Huế, quyết định “khiển trách” đối với BS Hoàng Công Truyện ở Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, cùng với khoản tiền phạt 5 triệu đồng, do ông dám góp ý khuyên bảo bà Bộ trưởng Y tế nên từ chức đăng trên Facebook, đã được xóa bỏ. Mới thấy sức mạnh truyền tải thông tin thời buổi Internet quả thật diệu kỳ!
Nhưng còn bản tự kiểm thảo của đương sự, rất “thành khẩn” đến… đánh vãi cả nhân cách, vẫn còn sờ sờ đấy thì thế nào? Người ta bắt đầu nói đến cái “văn hóa gây sợ hãi”. Nó là cái văn hóa gì vậy? “Xét cho cùng, bác sĩ Truyện và Bộ Y tế của bà Kim Tiến cùng có nỗi sợ. Là người không có quyền lực, nỗi sợ hãi khiến bác sĩ Truyện có bài kiểm điểm “nhũn”, có lẽ chịu xấu mặt để “tránh voi”. Nắm quyền lực trong tay, nỗi sợ hãi khiến Bộ Y Tế dùng quyền lực gây sợ hãi nơi người khác ý kiến”. Đâu phải chỉ có thế. Bao nhiêu năm nay, từng có biết bao nhiêu người dân vì bất bình với những chuyện chính đáng nào đấy bỗng bị lôi vào đồn, hôm sau đã “treo cổ tự tử”, hoặc “đột quỵ vì trụy tim”, hoặc “sưng bầm hết cả cơ thể”… thì cũng thuộc về cái văn hóa ấy chứ? Mà đến những vị đầy quyền lực như Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang… kẻ trước người sau chẳng phải đã được văn hóa ấy chiếu cố là gì?
Thì ra, đó chính là nền văn hóa toàn trị xã hội chủ nghĩa tốt đẹp nhất trần đời mà từ ngài Tập Cận Bình bên kia biên giới đến cụ Tổng Trọng nhà ta đều hiện đang lo xây đắp. Thế có chết nhau không!
Bauxite Việt Nam
|
1. Bản tự kiểm điểm của BS Hoàng Công Truyện:
2. Sợ hãi và 'văn hóa' gây sợ hãi
Lê Học Lãnh Vân
Một vị Bộ trưởng phải có trách nhiệm huy động nguồn lực của bộ tạo môi trường làm việc thoải mái, nâng đỡ nhân viên sao cho không ai áp chế ai, không ai phải khúm núm sợ hãi, người nào cũng có tư thế vững vàng, đúng đắn phù hợp với các giá trị văn minh!
Sự kiện Hoàng Công Truyện
Sự kiện Bác sĩ Hoàng Công Truyện khiến dư luận dậy sóng những ngày cuối tuần này. Sự kiện này có liên quan tới nhiều cấp độ làm việc trong Bộ Y Tế.
Cấp cá nhân: Bác sĩ Hoàng Công Truyện, làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, viết trên trang Facebook của mình, chê trách bà bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến không sâu sát với cơ sở, không có giải pháp cho an ninh bệnh viện, và do đó "Mụ ni về nghỉ là vừa” (theo bài Xử phạt bác sĩ chê bộ trưởng: Quá đáng! - Người Lao động Online, 21.10.2017)
Cấp Bộ Y tế: “Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường thừa lệnh Bộ trưởng Y tế vào ngày 15.7 đã ký một văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế. Văn bản nêu ngày 14.7, tài khoản Facebook "Hoàng Công Truyện" đã lan truyền thông tin bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y tế” (Trích). Và Bộ “Đề nghị Sở Y tế có biện pháp kiểm điểm và xử lý theo quy định...” (Trích)
Cấp Sở Thông tin - Truyền thông Thừa Thiên - Huế, nơi xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện 5 triệu đồng: Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế “cho biết việc xử phạt thực hiện theo đề nghị của Bộ Y tế” (Trích).
Cấp Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế: Trước khi ra quyết định, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đã báo cáo xin ý kiến và được Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đồng ý với mức kỷ luật khiển trách. Sau đó, Sở báo cáo lại kết quả xử phạt với Bộ.
Tóm tắt lại, trên trang mạng của chính mình, nhận xét của bác sĩ Hoàng Công Truyện về hiện trạng an ninh bệnh viện và trách nhiệm của Bộ trưởng Y Tế đã kích hoạt một chuỗi các phản ứng như trên. Kết quả của chuỗi phản ứng là bác sĩ Truyện, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, 53 tuổi, viết kiểm điểm gởi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và cấp trên của mình với lời lẽ như sau:
“Bản thân em đã nhận ra khuyết điểm...
Cũng vì những ly rượu mà dẫn đến những cơn say, nên hành động mất kiểm soát, không phân biệt phải trái mà có lời lẽ xúc phạm tới Bộ trưởng. Bản thân rất cầu mong Bộ trưởng và quý lãnh đạo “Giơ cao đánh khẽ”, hạ bớt giận vì sai phạm của bản thân em.
Từ đây em xin hứa...
Qua sự việc này, em nhận ra khuyết điểm của mình và cũng là bài học nhớ đời, em xin chịu hình thức kỷ luật mà quý Cấp Lãnh đạo và Hội đồng kỷ luật phán xét”.
Sẽ ra sao khi người không có quyền sợ hãi và người có quyền thì gây sợ hãi?
Cảm nhận của tôi khi đọc những dòng tự kiểm điểm của bác sĩ Truyện là xót xa. Tôi không bàn về việc ông có thực sự “nhận ra khuyết điểm” hay không vì việc đó chỉ mình ông biết, và cũng là quan điểm của riêng ông mà người ngoài cần tôn trọng! Tôi muốn nói về phong cách của tờ kiểm điểm, vì ngay cả khi, giả dụ, ông thực sự thấy mình đã sai, thì cách nhận sai như thế cũng không ổn. Ai không từng sai? Mình sai thì cũng cứng cáp ngẩng đầu mà nhận khuyết điểm và cả kỷ luật, nếu cần. Nhận, xin lỗi, và rút bài học để suy nghĩ, hành động, tác phong của mình chín hơn trong tương lai. Bác sĩ Truyện thân mến, tôi cảm nhận sự khúm núm trong bài kiểm điểm, và trong tình công dân với nhau, tôi xin bắt tay anh để nói rằng anh không có gì phải khúm núm cả! Không một công dân nào trong xã hội phải khúm núm, nếu xã hội ta chưa được vậy thì chúng ta cần giúp đỡ nhau, hợp sức với nhau tiến về hướng đó! Thực trạng của cuộc sống hiện nay là có nhiều áp lực khiến nhiều thành viên xã hội phải khúm núm, đó là điều khiến tôi xót xa.
Do đó tôi thông cảm và không chê trách bác sĩ Truyện, mà trách cả cái guồng máy kia. Chỉ từ việc bác sĩ Truyện đăng ý kiến về bà Bộ trưởng, cái việc mà theo lý thuyết bất kỳ công dân nào cũng có quyền làm, là cả bộ máy của Bộ Y tế vào cuộc: Bộ, Sở, Trung tâm Y tế... toàn bộ sức nặng quyền lực đè lên một thân phận! Thân phận cấp dưới có sợ hãi thì cũng đáng được thông cảm! Tôi chắc rằng thế giới văn minh không cho ai quyền hành xử áp chế người khác như thế. Hơn nữa, một người tử tế không để ai phải khúm núm trước mình. Khi thấy ai khúm núm, người tử tế phải giải thích, phải an ủi, phải giúp đỡ cho người đó mạnh dạn hơn trong tư cách công dân của thế giới văn minh!
Việc xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện được tiến hành dưới áp lực của Bộ Y tế, được sự đồng ý của Sở Y tế tỉnh, được báo cáo với Bộ. Bác sĩ Truyện cũng làm tờ kiểm điểm gởi cho bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Không biết bà Bộ trưởng cảm nhận thế nào khi thấy một bác sĩ đồng nghiệp của bà, phó khoa trong bộ máy mà bà chịu trách nhiệm, có lời lẽ “nhũn” như thế với bà, với cấp dưới của bà? Tôi thì tôi nghĩ rằng một người tử tế tất phải áy náy, không thể yên tâm được. Một vị Bộ trưởng phải có trách nhiệm huy động nguồn lực của bộ tạo môi trường làm việc thoải mái, nâng đỡ nhân viên sao cho không ai áp chế ai, không ai phải khúm núm, người nào cũng có tư thế vững vàng, đúng đắn phù hợp với các giá trị văn minh!
Các tin tức tôi nhận được tới giờ cho thấy “Bộ Y tế nói rằng văn bản của bộ không đề nghị địa phương xử phạt bác sĩ Truyện. Hiện bộ chưa nhận được thông tin chính thức về việc bác sĩ này bị xử phạt 5 triệu đồng vì bôi nhọ Bộ trưởng” (Trích). Với bằng chứng về những văn bản, công văn qua lại giữa Bộ, Sở, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, mà Bộ có thể công nhiên “phủi trách nhiệm” (trích) như vậy, thì thiên hạ khó mà tưởng tượng được. Phản ứng “phủi trách nhiệm” này càng củng cố nhận xét rằng “Dân chúng không còn nhận ra nhà lãnh đạo đầy uy tín đang chỉ đường, họ chỉ thấy một người vụng về, lúng túng bào chữa cho chính mình một cách khuất lấp mà không đưa được giải pháp căn cơ nào” (TBKTSG, 24.9.2017)
Xét cho cùng, bác sĩ Truyện và Bộ Y tế của bà Kim Tiến cùng có nỗi sợ. Là người không có quyền lực, nỗi sợ hãi khiến bác sĩ Truyện có bài kiểm điểm “nhũn”, có lẽ chịu xấu mặt để “tránh voi”. Nắm quyền lực trong tay, nỗi sợ hãi khiến Bộ Y Tế dùng quyền lực gây sợ hãi nơi người khác ý kiến.
Trong một hệ thống mà những người có quyền lực gây sợ hãi và giới không có quyền thì sợ hãi, hệ thống đó sẽ phát triển như thế nào?
L.H.L.V.
3. Bộ trưởng cần biết nghe lời 'nghịch nhĩ'
Uông Ngọc Dậu
Từ việc nghiêm túc lắng nghe dư luận xã hội, Bộ trưởng TT&TT đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ xem xét lại vụ việc ngành y kỷ luật một Bác sĩ ở Thừa Thiên - Huế. Việc làm kịp thời, trách nhiệm của Bộ trưởng TT& TT đã "tháo ngòi nổ" khủng hoảng truyền thông.
Bác sĩ Hoàng Công Truyện bị kỷ luật khiển trách và phạt 5 triệu đồng khi bày tỏ thái độ bức xúc về Bộ trưởng Y tế trên Facebook cá nhân của mình.
Quyết định xử lý kỷ luật bác sĩ Hoàng Công Truyện hôm 15/8
Một Bác sĩ là cán bộ cấp cơ sở, thể hiện sự bức xúc, bằng lời nhận xét, góp ý với lãnh đạo cấp cao của Bộ, qua Facebook cá nhân, nên nhìn nhận chưa đến mức nghiêm trọng, dù có thể cách nhận xét, góp ý chưa đúng nơi đúng chỗ. Cá nhân sử dụng mạng xã hội bày tỏ thái độ, chính kiến với tổ chức, người đứng đầu tổ chức, nên xem là chuyện bình thường, trừ khi anh ta có lời lẽ vu khống, chỉ trích không căn cứ, hoặc có hành vi mà pháp luật không cho phép. Vấn đề là cái cách lắng nghe, tiếp nhận nội dung góp ý, dù đó là những lời "nghịch nhĩ", như nội dung nhận xét, góp ý của vị Bác sĩ.
Thời buổi công nghệ thông tin, truyền thông xã hội lên ngôi, công chúng theo dõi, giám sát và bày tỏ chính kiến với mọi hiện tượng, sự kiện, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, qua mạng xã hội, không còn là xa lạ. Mọi chân tơ kẽ tóc của các nhân vật thuộc về "người của công chúng", đều bị soi xét, bình phẩm, được tán đồng hoặc bị phê phán, thậm chí "ném đá". Bộ trưởng cũng không là ngoại lệ. Ứng xử thế nào để có lợi, khi bị truyền thông "soi", phụ thuộc vào độ nhạy cảm, năng lực xử lý tình huống của cá nhân.
Việc Chánh văn phòng Bộ, thừa lệnh Bộ trưởng, vội vàng ký công văn gửi Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, yêu cầu phối hợp với công an, khẩn trương kiểm tra và xác minh thông tin, tài khoản Facebook, để xử lý; và việc Giám đốc Sở Y tế ngay lập tức lập đoàn thanh tra, xem xét, xử lý kỷ luật rất nhanh, khiến vụ việc thành không bình thường và trở nên nghiêm trọng.
Người ta thấy cách thức thực hành công vụ của công chức cấp cao ngành y tế rất thiếu tự tin và không chuyên nghiệp, chỉ chăm chăm làm vừa lòng cấp trên. Người ta cũng nhận ra lối hành xử theo lối "quan cách mạng" của một vài cán bộ ngành y, khi chưa nhìn nhận thấu đáo đã vội vã nâng quan điểm, quy chụp cán bộ cấp dưới, bằng hàng loạt những ngôn từ đậm chất hình sự hóa, kiểu như "ảnh hưởng đến uy tín ngành", "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự"...
Tiếp nhận và xử lý thông tin từ mạng xã hội, cần thận trọng và khôn ngoan. Không nên vội vàng xem mọi thứ thông tin có tính phản biện, "nghịch nhĩ" là xấu. Cũng không nên vội vàng quy chụp tất cả những ai có ý kiến trái chiều là thế lực thù địch. Ngày trước, trên mặt trận thông tin đối ngoại, chúng ta đã tự tin: "Mở đài địch như mở toang cánh cửa / Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai" (Thơ Việt Phương).
Với mạng xã hội hiện nay, là công chúng, là nhân dân, trăm người mười ý. Đừng vội mừng khi dân khen. Đừng quá buồn khi dân chê. Được dân chê, thậm chí dân chửi, còn là phúc. Dân im lặng, vô cảm trước mọi biến thiên xã hội, mới là điều đáng ngại.
Như thế, sẽ rất bình thường khi Bộ trưởng biết lắng nghe dư luận xã hội, cả những điều "nghịch nhĩ".
U.N.D.
4. Mời đọc thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét