Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Đề cương luận án tiến sỹ – Đề tài: Thủ pháp từ ngữ trong các văn kiện TBT Nguyễn Phú Trọng

Đề cương luận án tiến sỹ – Đề tài: Thủ pháp từ ngữ trong các văn kiện TBT Nguyễn Phú Trọng

Tác giả: Nghiên cứu sinh Nguyễn CB
10-10-2017  
TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Reuters
Tên đề tài: Thủ pháp từ ngữ trong các văn kiện TBT Nguyễn Phú Trọng 
1. Lời nói đầu (Introduction) 
1.1. Về tính cấp thiết của đề tài (Rationale): “Tổng bí thư là người có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc” (Quy định 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chíđánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý).
Như vậy, hiển nhiên TBT buộc phải có thủ pháp từ ngữ để diễn đạt, chuyển tải bản lĩnh năng lực chiến lược quyết đoán quyết liệt của mình tới toàn đảng toàn quân toàn dân mới đạt và giữ được đỉnh cao quang vinh, cả nước hãnh diện tự hào như hiện nay “nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?” (Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng, báo VietNamNet ngày 13/11/2016). Cho dù nhìn riêng vẫn còn vấn đề, như chống tham nhũng “thực tế vô cùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó (chống phong kiến Trung Quốc mất 1000 năm, thực dân Pháp mất 80 năm), chống nội xâm còn khó hơn (không thể định được bao giờ kết thúc) vì là ta đánh vào ta” – TBT Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, ngày 17/10/2016).
1.2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu (Aims and Objectives): Với tiêu chuẩn chức danh trên, TBT là người duy nhất quyết định toàn bộ vận mệnh tiền đồ tương lai của dân tộc, nên chừng 100 triệu người Việt cả trong lẫn ngoài nước phải được thấm nhuần từng từ ngữ của Người để chấp hành tuyệt đối, mới kỳ vọng đạt tới đích mà ngay bản thân Người cũng đã chỉ rõ vô cùng khó khăn, không thể khẳng định “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (báo Thanh Niên ngày 24.10.2013).
1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu (Scope of study): Gồm các buổi nói chuyện, phát biểu, văn kiện Đảng, nghị quyết chỉ thị do TBT Nguyễn Phú Trọng ký. So sánh đối chiếu với thực tế các nước để làm nổi bật đặc trưng của thủ pháp.
1.4. Câu hỏi nghiên cứu (Research Questions): Những từ ngữ được TBT Nguyễn Phú Trọng vận dụng sáng tạo nhuần nhuyễn đó có đặc trưng riêng (tức thủ pháp) gì? Dựa trên những nguyên lý và thực tế nào? Được chuyển tải ra sao? Thành tựu vốn là thực tế  được dùng làm thước đo hiệu qủa của thủ pháp đạt tới đâu?
1.5. Tầm quan trọng, ý nghĩa của việc nghiên cứu (Significance/ Justification of the study): Tạo ra sự quyết tâm nhất trí của toàn đảng, toàn lực lượng vũ trang, lực lượng công an, toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo hạt nhân của TBT Nguyễn Phú Trọng (như Tập Cận Bình Trung Quốc), qua đó mọi tự chuyển hoá, tự diễn biến hoà bình nhằm biến Việt Nam thành các nước như Âu, Mỹ, Nhật  sẽ không còn mảnh đất nảy mầm dung dưỡng, tự động biến mất; nước ta bỏ qua giai đoạn CNTB tiến mạnh, tiến vững chắc thẳng lên CNXH hoàn thiện, chắc sẽ sớm đạt được, không ngại lâu dài “đến hết thế kỷ này”.
2. Cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu (Literature Review and Theoretical background)
2.1. Cơ sở lý luận (Theoretical Background) 
Đó là “Chủ nghĩa Mác – Lê Nin bách chiến bách thắng” – nền tảng xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản – đích cuối cùng của quy luật phát triển xã hội loài người qua các hình thái kinh tế xã hội nối tiếp từ Cộng sản Nguyên thuỷ đến Nô lệ, tới Phong kiến, rồi Tư bản, hoặc không kinh qua giai đoạn Tư bản (như 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba).
Sở dĩ Liên Xô và khối XHCN châu Âu sụp đổ mặc dù đã kinh qua CNTB  phát triển hơn 4 nước trên là do lỗi của Đảng cộng sản các nước đó không quán triệt đầy đủ nguyên lý Chủ nghĩa Mác Lê  Nin mà trước hết do TBT họ thiếu tiêu chuẩn chức danh dành cho TBT như ở ta. Ở 4 nước còn lại vẫn tồn tại và phát triển để đạt được đích CNXH hoàn thiện vào cuối thế kỷ này là nhờ  các TBT của họ đủ tiêu chuẩn được xác định như ở ta hoặc mặc định như 3 nước còn lại. Chính họ sẽ chứng minh sức sống của Chủ nghĩa Mác Lê Nin, không như Chủ nghĩa Hồi giáo Cực đoan Khủng bố đưa ra luận đề làm nền tảng cho học thuyết họ, đặc duy ý chí: “Thời đại ngày nay là thời đại tiến lên Chủ nghĩa Hồi giáo, bởi Chủ nghĩa Xã hội đã tan rã, Chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết. Cả hai đều đã và đang không giải quyết được những bất ổn trong xã hội họ (xem Wikipedia)”; từ đó chúng ngoại suy ra: Xây dựng Chủ nghĩa Hồi Giáo Cực đoan Khủng bố là quy luật phát triển, đích cuối cùng của nhân loại.
2.2. Tổng quan nghiên cứu (Literature Review)
(a) Thủ pháp từ ngữ của TBT Nguyễn Phú Trọng đều nhất nhất tuân theo Học thuyết Biện chứng (phần triết học hình thành nên chủ nghĩa Mác – Lê nin), nhìn mọi sự vật đều nằm trong quy luật “thống nhất giữa các mặt đối lập”, như nguyên tử gồm: “dương – âm”, thời gian “ngày – đêm”, không gian “phải – trái”, nhiệt độ “nóng – lạnh”, sức bền “cứng – mềm”, khoảng cách “dài – ngắn”, giới tính “nam – nữ”…; hay về nhận thức,  như: “Nội dung – Hình thức”, “Bản chất – Hiện tượng”, “Nguyên nhân – Kết qủa”…, gọi là “cặp Phạm trù”. Theo đó, mọi chỉ đạo, Người đều sử dụng thủ pháp từ ngữ nằm trong công thức khái quát hoá nhất Học thuyết nguyên lý Biện chứng trên, có thể gọi là Thủ pháp Từ ngữ Biện chứng, xoay quanh 2 cặp phạm trù cơ bản: “Ưu điểm – Khuyết điểm”, “Thành tích – Hạn chế”, và dẫn xuất từ 2 phạm trù đó.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (1*) Người áp dụng thủ pháp trên (đối với tầng lớp lãnh đạo): Cần “thấy rõ những Ưu điểm – Khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị”. Đối với bộ máy dưới quyền và người dân thực hiện, Người nói: “Chỉ rõ Thành tích nổi bật đã đạt được, những Hạn chế, yếu kém còn tồn tại” (xem mục “Về tình hình kinh tế – xã hội và tài chính – ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán tài chính – ngân sách năm 2018 tại Hội nghị Trung ương 6”).
(b) Từ công thức sử dụng từ ngữ biện chứng trên (thủ pháp), TBT đưa ra phương hướng giải quyết hoàn toàn đúng logic toán học chỉ đường cho toàn đảng toàn quân toàn dân, nên bất kỳ ai, trẻ già, học vấn gì cũng có thể dễ dàng nhập tâm: Phát huy Ưu điểm / Thành tích – Khắc phục Khuyết điểm / Hạn chế, như tại Hội nghị Trung ương 6, Người chỉ đạo: “Từ đó, phát huy mặt tốt (ưu điểm / thành tích), kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những mặt chưa tốt (khuyết điểm / hạn chế)”, (xem 1*).
(c) Như vậy, mọi tư tưởng, chiến lược, chủ trương đường lối do TBT ký, đều mang tính biện chứng đáp ứng được yêu cầu của triết học Mác Lê Nin và logic toán học, nghĩa là luôn đúng, tương tự như  phái “Phàm là” Trung Quốc hồi thập kỷ 60, 70, “phàm là cái gì Chủ tịch Mao nói đều đúng (xem Trước tác Mao Trạch Đông)”. Còn kết cục thực hiện tới đâu, giải quyết như thế nào là việc của bộ máy nhà nước, toàn đảng toàn quân và toàn dân, TBT không phải thánh nhân “trăm tay nghìn mắt” để làm thay họ được. Chính vì vậy nếu xảy ra Khuyết điểm hay Hạn chế hoàn toàn không phải do TBT làm; mà mọi cấp lãnh đạo từ trên xuống tới từng người dân phải tuần tự chịu trách nhiệm xử lý trực tiếp lớn dần. Còn xử lý như thế nào thì cứ thực hiện đúng theo Phương châm của TBT đã chỉ đạo.
(d) Phương châm đó cũng theo thủ pháp sử dụng từ ngữ biện chứng, được thể hiện bằng cách dùng mọi tính từ, trạng từ mạnh mẽ nhất có thể có, điển hình như: “Cần đặc biệt chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia (nghĩa là phải luôn nằm giữa 2 cực, như vừa nóng vừa lạnh, vừa dương vừa âm, vừa phải vừa trái, vừa cứng vừa mềm…; còn nếu cứ đi theo một cực  tức thiếu biện chứng thế nào cũng mắc khuyết điểm, hạn chế do chính cực đó mang lại)” (xem 1*).
(e) Không chỉ đưa ra phương châm, Người còn động viên chia sẻ, thông qua sử dụng thủ pháp từ ngữ biện chứng, khích lệ được tinh thần cán bộ lãnh đạo dưới quyền thực hiện phương châm trên. Như trong buổi tiếp xúc cử tri liên quan đến vấn đề y tế bức xúc cả nước, TBT Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Cũng khổ cho Bộ trưởng Kim Tiến thật. Mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Nhưng cũng có nhiều việc nằm ngoài cái mình tính toán (tức do trình độ hạn chế hoặc chính bản chất vấn đề rủi ro như đầu tư hay mua chứng khoán bị lỗ vậy). Toàn những việc rất đau đầu, không đáng có (tức lỗi do người khác, hoặc hoàn cảnh, rơi vào đó, ai cũng vậy cả), (Đất Việt 08/12/2013) “.
(g) Đội ngũ lãnh đạo bên dưới là cầu nối giữa TBT với người dân, không thể thiếu. Chính vì vậy Người sẵn sàng cứu giúp khi họ mắc khuyết điểm hạn chế, bằng chính thủ pháp từ ngữ biện chứng để họ thông suốt tư tưởng.  “Tôi đã nói nhiều lần là không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót”. Đồng thời chuyển khuyết điểm hạn chế đó sang cho thế lực phản động (1 mũi tên trúng 2 đích), “phải cảnh giác với những âm mưu kích động, nào là đấu đá nội bộ, phe này đánh phe kia (Theo Vnexprss 13/5/2017)”. Trong trường hợp chẳng đặng đừng, thì Người chỉ đạo “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” và mức cao nhất đối với trường hợp lãnh đạo cao nhất tới nay được TBT khẳng định bằng cách đặt câu hỏi cho người dân tự trả lời đúng ý mình “một cán bộ cấp cao, lần đầu tiên Quốc hội tuyên bố nghiêm khắc phê phán như vậy thì đã đủ đau chưa?” (Dantri.com.vn 06.12.2016), và đả thông tư tưởng đó cho toàn dân “luật pháp cũng nhân văn mở đường cho người ta, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. (Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016 ngày 24.02.2017).
(h) Cũng vậy, TBT luôn khuyến khích được tâm lý độc lập tự chủ, tự hào người Việt, ý chí dân tộc, quyết tâm cuả người thừa hành, như trong trường hợp bắt cán bộ tham nhũng Vinashin trốn ở nước ngoài: “Hàng nghìn ngày anh em phục ăn mỳ tôm mới bắt được. Phải bình tĩnh vì đây là cuộc đấu tranh lâu dài, Việt Nam ta cứ phải làm theo kiểu của Việt Nam” (Phát biểu với cử tri ngày 19/7/2015). Hay như trường hợp Trịnh Xuân Thanh (đang chấn động dư luận thế giới hiện nay), TBT khẳng định dứt khoát “Tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu” (TTO 06.12.2016). Kết qủa đã đạt được tuyệt đối, Trịnh Xuân Thanh phải “tự nguyện về nước đầu thú” (theo phát ngôn Bộ Ngoại giao) khẳng định tính hiệu quả của thủ pháp từ ngữ biện chứng được TBT áp dụng, nếu toàn đảng toàn quân toàn dân nhất nhất tuân theo trước sau gì cũng thành công.
(l) Quy trình sử dụng thủ pháp từ ngữ biện chứng của TBT: Trước hết phải thu phục được lòng dân, bằng cách luôn mở đầu bằng vai trò ý nghĩa lớn lao cao cả của vấn đề Người chỉ đạo. Như “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội (nghiã là không có bất kỳ gì qúy hơn, kể cả tính mạng bị bắn bị giết, thậm chí cao siêu hơn như “không có gì quý hơn độc lập tự do”); chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là công tác đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta (tức chế độ khác không hề có)” (xem 1*). Lãnh tụ Lê nin lúc sinh thời cũng từng phát biểu lớn lao về những điều rất giản dị như vậy: “Nhà trẻ, nhà ăn tập thể là mầm mống của chủ nghĩa cộng sản (hồi tiền tư bản đó nhà nước không có nhà trẻ nhà ăn tập thể như các nước TBCN  bây giờ)” (xem Lê Nin toàn tập), nhờ thế  Lê Nin mới tạo dựng được nền tảng cho hệ thống các nước XHCN hình thành, tồn tại cho đến cách thập niên trước.
(m) Chỉ sau khi sử dụng từ ngữ nêu bật được ý nghĩa vĩ đại thu hút người nghe (như dẫn chứng trên), TBT mới áp dụng thủ pháp từ ngữ biện chứng theo công thức khái quát ở mục (a), như: “Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nhiều chính sách, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên “Cũng bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm, để xảy ra một số sự việc, sự cố gây bức xúc xã hội (hàm ý do chẳng may, rủi ro)” (xem 1*).
(n) Các thủ pháp phân loại trên có thể tìm thấy hầu như trong bất kỳ văn kiện nào của người:
n1- Về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình: “Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, phát sinh. Từ đó… nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức… (xem 1*).
n2- Về tổ chức bộ máy: “Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo…  đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả…” (xem 1*).
n3- Về Biển Đông: “Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông… Cho nên bất cứ làm việc gì thì cũng phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, khôn ngoan, bản lĩnh (đặc tính siêu phàm này hiếm người có, ngoài tiêu chuẩn chức danh TBT), không phải cứ nóng lên mà được đâu (nên phải biết nghe lời). Tôi vẫn nói về xử lý thật tốt cái mối quan hệ, tưởng như mâu thuẫn nhưng mà thống nhất với nhau rất biện chứng (tức theo công thức khái quát ở mục (a)… )”.
n4- Về dân chủ: “Dân chủ thế này là cùng, không thể dân chủ gì hơn… Tôi đề nghị đồng chí Tòng Thị Phóng đi sang họp với bà con Việt kiều. Tôi bảo ‘Đấy, bà con xem, có oai vệ không? Cũng đàng hoàng ngang ngửa ra quốc tế đấy chứ (hiện Đức, Anh bầu Chủ tịch Đảng, Thủ tướng đều là nữ). Vừa nữ, vừa dân tộc. Người ta cứ bảo mình vi phạm dân chủ, nhân quyền với lại không bình đẳng giới!’… Đứng đầu mà độc đoán chuyên quyền, như thế có gọi là dân chủ không? Chả tiện nói một số nước, nhưng cứ nhân danh dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất. Thế thì ai dân chủ hơn ai?” (Một thủ pháp từ ngữ, đặt ra câu hỏi biện chứng mà bất cứ ai cũng có thể trả lời được: “Dân chủ ở ta gấp vạn lần dân chủ các nước tư bản (Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan)”, (VOA 29/01/2016).
n5- Về chống tham nhũng: “Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, không thể nóng vội” (04/02/2013, cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng). Ngày 07/12/2013, Tổng bí thư phát biểu với cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): “Tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ. Ngay thời bao cấp ngày xưa đã có, như làm nhỏ ăn nhỏ, làm to ăn to, cầm ô thì phải mát cán, nhất thân nhì quen… Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ. Cho nên chúng ta phải xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo sáng suốt”. “Phải bình tĩnh, tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”. (Tiếp xúc cử tri Hà Nội Ngày 06/10/2014).
2.3. Tổng quan nghiên cứu các nước: So sánh từng điểm một trong mục 2.2 với thủ pháp từ ngữ của TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, để từ đó rút ra ưu thế của thủ pháp từ ngữ biện chứng được TBT Nguyễn Phú Trọng áp dụng và lợi ích của nó đối với chức danh TBT, đối với hiệu quả lãnh đạo đất nước.
– Cũng với mục đích trên, nhưng so sánh với Chủ tịch Đảng, Thủ tướng hay Tổng thống của các nước điển hình như Mỹ, Nhật, Anh, Đức. Khác ta, ở họ Đảng không thuộc bộ máy nhà nước, không nằm trong hay trên nó, chỉ đơn giản là một hội đoàn tự nguyện, chỉ khác theo đuổi mục đích chính trị nhằm hình thành chính sách tác động tới nhà nước. Còn nhà nước mọi cơ cấu bên trong đều vận hành hoàn toàn tự động tự chịu trách nhiệm pháp lý, bất kỳ đảng phái cá nhân nào tham chính hay chấp chính đều hoạt động với tư cách công chức cơ quan thuộc nhà nước, do luật pháp điều chỉnh chế tài chứ không phải đảng viên hay cấp trên nhà nước. Đó chính là sự khác biệt nhau về THỂ CHẾ không thể áp dụng cho nhau kể cả thủ pháp từ ngữ biện chứng mà TBT Nguyễn Phú Trọng áp dụng rất hiệu quả ở ta; ngoại trừ thay đổi chính thể chế đó.
Hệ quả: Ở Việt Nam xảy ra Khuyết điểm hay Hạn chế TBT, Thủ tướng chưa bao giờ chịu trách nhiệm bị  xử lý (xem mục c); còn ở họ ngược lại, Chủ tịch Đảng, Thủ tướng / Tổng thống phải gánh chịu trách nhiệm, nhiều đời Tổng thống / Chủ tịch Đảng phải từ chức, thậm chí hiện Tổng thống Thái Lan, Đài Loan đã bị xử tù…, chỉ cần một phát ngôn bị cáo buộc sai hiến pháp, một chủ trương gây thiệt hại, một mối quan hệ bị cáo buộc vụ lợi có trường hợp chỉ dăm trăm đô la.
– Về mặt tiêu chuẩn chức danh, bản thân Chủ tịch Đảng, Tổng thống họ… không tự định được, mà đều do bỏ phiếu kín, số phiếu tín nhiệm ai đảng nào nhiều hơn thì người đó đảng đó trúng cử hoặc/và cầm quyền. Tức ở họ chỉ lấy tín nhiệm của dân làm thước đo. Tín nhiệm đó giữ được hay không là do Thành tích Ưu điểm trong suốt nhiệm kỳ tham chính hoặc/và chấp chính quyết định.
Trump là một điển hình, muốn được bầu làm tổng thống phải cam kết với cử tri rất cụ thể, nào dựng tường biên giới Mỹ – Mexico, nào chặn Trung Quốc cướp mất việc làm của dân Mỹ, nào chống nhập cư, chống chính sách bảo hiểm Obama…, tức lượng hoá được. Tuy nhiên, đã sắp hết năm nhưng hầu hết những gì Trump hứa đều vẫn chưa thực hiện nổi do chính THỂ CHẾ họ KHÔNG CHO PHÉP Tổng thống, Đảng phái “tự tung tự tác” như vua chúa được, dư luận đang đồn đoán từng ngày ông bị phế truất, còn ở ta chỉ mỗi kỷ luật thôi mà đối với “đồng chí X” đển toàn Đảng cũng không thể làm gì nổi.
3. Kết quả nghiên cứu: Dựa vào tổng hợp kết quả phân tích dữ liệu, theo mục đích nghiên cứu, đưa ra kết luận khoa học mang tính phổ quát, bổ sung cho ngành chính trị học Chủ nghĩa Mác Lê Nin.
4. Kết luận và kiến nghị: 
4.1. Thủ pháp từ ngữ là một công cụ chuyên môn của bất kỳ nhà lãnh đạo nào cả ta và thế giới, kể cả những kẻ cầm đầu quốc gia phạm tội diệt chủng như Hitler (do dân bầu lên), Polpot (vũ trang cướp chính quyền), tuy nhiên hiệu quả, khả năng áp dụng tùy thuộc thể chế.
4.2. Từ thủ pháp từ ngữ biện chứng của TBT Nguyễn Phú Trọng có thể tổng kết thành quy luật chung vừa có giá trị thực tế đối với công tác lãnh đạo và nhận thức của người lãnh đạo, vừa có giá trị lý thuyết, học thuật đối với ngành chính trị học, đặc biệt ngành học Chủ nghiã Mác Lê Nin.
4.3. Kết quả nghiên cứu đề tài này có giá trị phổ cập, bất kỳ ai cũng có thể áp dụng dễ dàng nếu thể chế thích hợp. Từ ngữ TBT sử dụng sẽ được tập hợp thành bảng tra cứu gồm các từ ngữ, giải thích nội hàm, cách vận dụng, hoàn cảnh vận dụng, hiệu qủa vận dụng, trở thành một cuốn Cẩm Nang chính trị tương tự như sách “Mao ngữ lục” Trung Quốc (số lượng xuất bản chỉ riêng ở Trung quốc đã lên trên 1 tỷ cuốn trong thời kỳ “Cách mạng Văn hoá”; tính trên toàn thế giới ngang ngửa với kinh thánh).
5. Ghi chú: Đề tài này được xếp cùng chuyên ngành với đề tài nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam”, mã số 62 21 01 01. Để xuất bản cuốn Cẩm nang chính trị trên thành công, Quý Độc giả nào có tư liệu liên quan xin mời cung cấp cho tác giả.
(Đầu tháng 10.2017, Nguyễn CB)
© Copyright Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét