Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Tương lai của Đảng Cộng sản và Dân tộc Việt (Phần 1)

 

Tương lai của Đảng Cộng sản và Dân tộc Việt (Phần 1)

Nguyễn Đình Cống

18-1-2023

I. Khúc dạo đầu

Đầu năm 2023, trên các phương tiện thông tin xuất hiện các bài viết bàn đến tương lai của đất nước và thế giới. Chắc là có nhiều bài hay, nhưng sức đọc có hạn, nên tôi chỉ có thể đọc kỹ một số bài. Tôi sẽ nêu ý kiến cá nhân về các bài đó và trình bày vài quan điểm về tương lai của Đất nước, cũng là tương lai của Đảng Cộng sản và Dân tộc Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng Đảng là tổ chức do dân tộc sinh ra, nhưng không phải. Nó được nhập từ ngoài vào và phát triển trong lòng dân tộc. Nếu xem dân tộc Việt là cây chủ thì Đảng Cộng sản như một cành tầm gửi. Đầu tiên những người truyền bá cộng sản dựa vào một số người có lòng yêu nước và tinh thần hăng hái, dũng cảm để phát triển tổ chức theo chỉ đạo của Đệ Tam Quốc Tế mà mục đích là làm cách mạng vô sản, để thực hiện chủ nghĩa Mác – Lê nin (CNML), chôn vùi chủ nghĩa tư bản, đưa công – nông lên làm chủ để xây dựng thế giới đại đồng, mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Mục đích của Đệ tam Quốc tế là vậy, nhưng mục đích của những đảng viên đầu tiên của Đảng CSVN chủ yếu là độc lập dân tộc, thoát ách nô lệ.

Khi còn hoạt động bí mật, đảng viên sống giữa lòng dân, họ tuyên truyền rằng sẽ giành độc lập cho đất nước, giành chính quyền về cho nhân dân. Họ một lòng một dạ phục vụ nhân dân, ngoài quyền lợi và nguyện vọng của dân tộc là hòa bình, độc lập, thống nhất, giàu mạnh, họ không còn ước mơ gì khác. Họ được dân tin cậy, đi theo, chấp nhận sự lãnh đạo, hy sinh của cải và sinh mệnh để bảo vệ và giúp giành thắng lợi. Như vậy, giữa Đảng và Dân tộc có sự gắn kết mật thiết, có cùng quyền lợi.

Nhưng khi đã nắm được chính quyền, đã có tổ chức đến mọi ngõ ngách thì tình hình khác đi rất nhiều. Ngoài mồm nói “chính quyền là của dân”, nhưng Đảng giữ chặt cho mình. Thực chất là Đảng đã tước đoạt quyền của dân. Từ đây giữa Đảng và Dân tộc xuất hiện mâu thuẫn về một số quan điểm và quyền lợi. Nói mâu thuẫn giữa Đảng và Dân tộc nghe to tát, quan trọng, thật ra đó chỉ là mâu thuẫn quan điểm về con đường phát triển đất nước giữa hai nhóm người. Một bên là chính thống (Bên A), bên kia là đối lập (Bên B).

Gọi bên B là đối lập cho có vẻ chính tắc, thật ra họ chỉ là một số ít người, chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp khác. Họ bất đồng chính kiến với bên A, họ làm phản biện, họ hoạt động để nâng cao dân trí và quan trí, cổ vũ cho dân chủ pháp quyền bằng biện pháp hòa bình. Họ tự nhận là đại diện cho hướng dân chủ hóa của dân tộc. Bên B được cho là thuộc Lề Dân.

Bên A thuộc Lề Đảng, gồm Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Quân đội, Công an, Tòa án, Truyền thông. Số người rất đông, nhưng thực chất chỉ có vài người lãnh đạo ở bên trên là có tư tưởng, có ý thức, còn nhiều chục triệu người bên dưới chỉ là lực lượng đi theo, nghe theo, nói theo. Họ phải theo, một phần là vì quyền lợi, phần khác vì sợ cấp trên, sợ bị đối xử thô bạo, hoặc vì không có khả năng suy nghĩ độc lập.

Chủ trương đường lối của A là kiên trì CNML, thực hành vô sản chuyên chính, mà B cho là độc quyền đảng trị. Còn B chủ trương nền dân chủ pháp quyền với đa nguyên và Tam quyền phân lập mà A cho là dân chủ kiểu tư sản.

Nếu xem quan hệ giữa A và B là đấu tranh về ý thức hệ thì đó là cuộc đấu không cân sức về lực lượng và lý luận. Về lực lượng vật chất thì A rất hùng hậu còn B chẳng có gì. B chỉ có những lời nói, lời giải thích thầm thì, bị cấm truyền bá công khai vì không có tự do ngôn luận. Lực lượng vật chất của A có thể đàn áp B đến mức nào mà họ muốn, thậm chí nghiền nát không những tổ chức mà cả con người. Nhưng mặt khác, B có thế rất mạnh về tư tưởng và chân lý. B đề nghị A đối thoại công khai về các vấn đề lý luận và đường lối, nhưng A không nhận lời, (mặc dầu ông Võ Văn Thưởng trưởng ban Tuyên giáo của Đảng nhiệm kỳ 12 nói rằng, “đối thoại là con đường duy nhất để tiếp cận chân lý”).

Tôi sẽ viết những suy nghĩ cá nhân về Tương Lai của Đảng và Dân Tộc Việt Nam ở mục III của bài. Bây giờ xin điểm một số bài viết của các tác giả khác.

II. Điểm vài bài báo

a. Vũ Khoan, cựu bí thư Trung ương Đảng, cựu Phó Thủ tướng, có bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 20-11-2022: “Một thời đại mới đang dần hình thành”. Toàn bài dài 6128 chữ, chia thành hai phần.

Phần I: Tính chất thời đại (4937 chữ), phác ra tình trạng của thế giới như mọi người có quan tâm đã biết vì đã được thông tin đại chúng nói và viết nhiều, phần này trình bày 3 ý lớn.

1. Các thảm họa thế kỷ, các thành tựu của khoa học kỹ thuật.

2. Các biến động của xã hội do tác động tích cực của thành tựu (trực tuyến, thế giới ảo…).

3. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Vai trò các nước châu Á lên cao, Thế giới phân cực sâu sắc, hy vọng tránh được chiến tranh thế giới.

Phần 2: Một số suy ngẫm về hàm ý chính sách (1191 chữ), trình bày ba vấn đề của Việt Nam.

Một là cơ hội và thách thức. Nhiệm vụ bảo đảm “an ninh,” mang tính bao trùm; yêu cầu phòng ngừa “từ sớm, từ xa”.

Hai là, chúng ta đã có sức mạnh và tiềm lực tăng đáng kể, trước mắt là “định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu và thích ứng được với những biến động trên thế giới.

Ba là trên mặt trận ngoại giao. Trong bối cảnh hết sức phức tạp hiện nay và những năm tới, để tránh rơi vào tình thế “khó xử” trong quan hệ quốc tế, cần vận dụng những đối sách ngoại giao một cách hết sức cơ động, linh hoạt, tinh tế, trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Hình như ông Khoan định viết về Thời Đại Mới đang hình thành trên thế giới và ở Việt nam, quan trọng là ở Việt Nam. Viết về thế giới chẳng qua là mở đầu làm bối cảnh. Phần một khá dài nhưng không có gì mới vì nhờ internet mà những ai quan tâm đều đã biết. Phần hai, tuy có nêu qua thực trạng Việt Nam nhưng quá sơ sài.

Tôi đoán rằng tác giả ngại nhìn thẳng vào và đánh giá đúng các mâu thuẫn cơ bản của xã hội, vì rằng đánh giá của bên A và bên B ngược nhau. Ông Khoan là người bên A, nhưng hình như không nhất trí về đánh giá của A viết trong nghị quyết của Đại hội 13 nên tránh đi là hơn. Ba điều ông đề ra không có gì mới, cũng chỉ là những yêu cầu chung chung, dựa vào nghị quyết của Đảng. Không có đề đạt gì đột xuất. Bài tuy dài nhưng không gây được cảm xúc hoặc nhận thức mới mẻ cho người đọc.

b. Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam ở Thái Lan và CHLB Đức, có bài viết đăng trên trang Viet-studies, ngày 20-12-2022: “Năm 2022 thế giới đang đi về đâu?” Bài dài 6670 chữ, gồm hai phần.

Phần 1: Với đầu đề “Năm 2022 nên được xem như một năm định mệnh của thế kỷ 21”, dài 6023 chữ, kể ra các sự kiện trên thế giới. Cũng giống như bài của ông Vũ khoan, đó là những điều mà nhiều người quan tâm đã biết. Từ đó ông Trung dự đoán, trong năm 2023 và về sau thế giới sẽ có sáu nét chính như sau:

i. Thường trực căng thẳng. Những điểm nóng luôn ở bên miệng hố chiến tranh.

ii. Dư chấn của đại dich Covid, chiến tranh Ukraine, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống.

iii. Từ i + ii cùng sự tha hóa của con người và thể chế dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế chưa từng có, đồng thời đặt con người trước những thách thức hoàn toàn mới, bắt buộc phải vượt qua để tồn tại và phát triển tiếp. Kẻ thù lớn nhất của mọi người và mọi quốc gia là sự vô ý thức về cuộc khủng hoảng vừa nêu.

iv. Cách mạng 4.0 và Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước tiến nhẩy vọt, đòi hỏi mọi quốc gia phải có thể chế mới để thích nghi, và có con người của mình để làm cải cách thể chế quốc gia và đổi mới giáo dục. Toàn bộ thực tế này là thách thức rất lớn đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có VN.

v. Mọi quốc gia trong thế giới hôm nay – trước hết là các nước nhỏ và vừa – phải chủ động và tự giác dấn thân bảo vệ, duy trì, phấn đấu làm mọi việc, để những giá trị cơ bản của nhân loại (hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái…) có thể giảm thiểu những đổ vỡ và sẽ tiếp tục trở thành nền tảng cho một khuôn khổ trật tự quốc tế mới. Sự dấn thân của các nước nhỏ và vừa còn là phương thức, là con đường tất yếu, để họ tự quyết định lấy vận mệnh của mình.

vi. Phải chăng các điểm i – v trên đây cho phép đi đến kết luận: Mỗi quốc gia và con người của nó trong thế giới hôm nay đã đến lúc phải bằng mọi cách giải phóng sức mạnh của tư duy, để có thể nhận chân thế giới quyết liệt hôm nay. Phải lấy dân chủ giải phóng sức mạnh phi thường của tư duy. Chỉ có thế mới có thể làm nổi mọi việc để ra khỏi cuộc khủng hoảng và những bất cập trong bối cảnh hiện nay.

Phần hai: “Đất nước ta ứng xử như thế nào với 6 nhận định nêu trên về năm định mệnh 2022?”.

Phần này có 647 chữ, tuy ngắn nhưng chứa đựng ý tưởng chính của tác giả.

Ông Trung viết: Suy nghĩ lao lung, câu trả lời của tôi là: “Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của quốc gia có lẽ còn đứng rất xa bên ngoài, hay là thờ ơ với 6 điểm nêu trên. Nghĩa là đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang đi tiếp trên đường mòn đã và đang đi!

Thật ra từ gần 3 thập kỷ nay, ông Trung đã đánh vật với câu trả lời trên đây; keo vật này đang ngày càng khó hơn cho ông!

Ông Trung đã viết rất nhiều trong những thập kỷ vừa qua, đã kiến nghị đi kiến nghị lại với Bộ Chính trị, qua các kỳ Đại hội Đảng XI, XII và XIII, trong đó trình bày: Nêu rõ thực trạng đất nước, những thách thức và những mối nguy hiện hữu, những lý do đối nội đối ngoại bắt buộc phải tiến hành cải cách đổi đời đất nước – bắt đầu từ xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức để trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc lãnh đạo cải cách. Phải cứu Đảng này, Cải cách đổi đời đất nước là con đường sống duy nhất của nước ta trong thế giới hiện tại, và sẽ, và phải thành công.

Ông Nguyễn Trung từng là cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao, đã “Tự chuyển hóa” để đứng sang bên B, hoạt động cổ vũ cho đổi mới về chính trị, cải cách thể chế bằng việc trước tiên là xây dựng lại đảng, cứu đảng. Tôi đã từng nghe vài người muốn xây dựng một “đảng của Dân tộc”. Tôi không tán thành ý kiến đó vì đảng ấy sẽ nhanh chóng trở nên độc đảng, dẫn tới độc quyền, hoặc có chấp nhận đa đảng thì cũng không chịu bình đẳng vói các đảng khác. Trong bài này ông Trung viết “Lực lượng tinh hoa của dân tộc” là một ý theo tôi là đúng, hợp với nhiều người (chứ không phải đội tiên phong của giai cấp).

Tôi tán thành ý kiến về vai trò của các nước nhỏ và vừa, về việc lấy dân chủ giải phóng sức mạnh phi thường của tư duy, về trăn trở “Đất nước ta ứng xử như thế nào” và nhận định “Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của quốc gia có lẽ còn đứng rất xa bên ngoài, hay là thờ ơ với 6 điểm nêu trên”.

Cũng xin nêu vài ý kiến bất đồng. Thứ nhất, xem “Năm 2022 như một năm định mệnh của thế kỷ 21” có lẽ hơi chủ quan, vội vàng vì thế kỷ 21 mới qua chưa được một phần tư, mà “Đêm dài lắm mộng”. Vũ trụ có quy luật “Bất thường”. Năm 2022 như thế, biết đâu có năm sau đó lại khủng khiếp hơn.

Thứ hai, cho rằng đã xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế chưa từng có và tất cả mọi nước đều cần cải cách thể chế để thích nghi với cách mạng 4.0 và AI. Tôi nghĩ việc đổi mới, cải tiến thể chế thì mỗi nước cần xuất phát từ tình trạng nội bộ là chủ yếu, còn áp lực từ tình hình thế giới là quan trọng, nhưng là thứ yếu. Các nước sẽ có cách làm và mức độ rất khác nhau. Không đến mức “Tất cả mọi nước đều khủng hoảng toàn diện và sâu sắc về thể chế”.

Ông Trung điểm khá kỹ tình hình thế giới nhưng không điểm tình trạng đặc biệt của Việt Nam, đề xuất việc cứu Đảng nhưng không nêu vì sao và như thế nào. Có lẽ ông cho rằng những điều đó tuy cần nhưng ông đã viết trước đây. Về việc cứu Đảng, ông dự phòng ý kiến cho rằng ông “ngu trung” với Đảng CSVN, hoặc bị kết án là mắc tội xét lại. Theo tôi, ông không “ngu trung” chút nào, ông biết Đảng CSVN phạm một số sai lầm và đã nhiều lần chỉ ra. Để phát triển đất nước, ông đã nghĩ đến một số phương án đối với Đảng và cho rằng ngoài phương án cứu Đảng như ông đưa ra thì các phương án khác đều không khả thi. Ông tin là sẽ và phải thành công. Tôi ít tin vào điều đó và đề ra vài phương án khác nhưng xin cầu mong cho dự đoán của ông thành sự thật. Nếu chuyển hóa để Đảng trở thành tổ chức gồm những tinh hoa của Dân tộc thì đó là phúc lớn của Đất nước.

Ông đang ở bên B, hoạt động nhằm Dân chủ hóa đất nước, bị bên A cho là xét lại, nhưng là người xét lại chân chính chứ không phạm một tội nào cả. Ông Trung ghép “Giới cầm quyền và đội ngũ trí thức” vào với nhau để quy trách nhiệm là hơi bị oan cho trí thức nói chung. Trí thức có hai loại, của Đảng và của Dân. Trí thức của Đảng khá đông, có tổ chức nhưng phần lớn hữu danh vô thực, thuộc bên A. Số đông họ là người nghe theo, nói theo. Loại này mang danh trí thức nhưng đa số không đạt các tiêu chuẩn cần thiết của trí thức. Trí thức của Dân là những cá nhân riêng lẻ mà một số đang bị chính quyền giám sát, hạn chế hoạt động vì thuộc bên B, bị Đảng gán cho nhãn “thế lực thù địch”. Vậy hãy quy trách nhiệm về thờ ơ, đứng xa bên ngoài cho giới cầm quyền là chủ yếu, trong đó bao gồm trí thức của Đảng. Những trí thức bên B trong đó có ông Trung không hề thờ ơ với 6 điều ông nêu ra mà còn bị chính quyền ngăn cấm.

c. Nguyễn Quang Dy viết bài “Trước thềm năm mới và thời đại mới vào ngày đầu năm 1-1-2023.

Đầu bài viết chung chung nhưng nội dung chỉ bàn về Việt nam. Bắt đầu, ông Dy điểm qua những nét lớn của thế giới, Covid, chiến tranh Ukraine, đại hội 20 của ĐCS Trung quốc, bộ mặt thật của Putin, tham vọng của Tập Cận Bình, quan hệ tay ba Nga – Trung – Mỹ. 

Tiếp đến, ông trình bày một số tình hình và nhận định về Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam đã bị mắc kẹt trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.

Việt Nam vừa có lợi lớn vừa có hại lớn vì ở cạnh Trung Quốc. “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam với tính chất “triều cống kiểu mới” được thể hiện khi ông Trọng đến thăm Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm chiếu lệ, phản ánh sự “bất đối xứng” về quyền lực, nhằm giữ Việt Nam gần Trung Quốc và tránh xa Mỹ.

Việt Nam vẫn chưa thực hiện được công nghiệp hóa, khu vực FDI tiếp tục chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Để phát triển kinh tế, VN cần có quan hệ mật thiết với Mỹ.

Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến rất xa, thực chất đang trở thành “đối tác chiến lược”. Việt Nam muốn thiết lập nó một cách lặng lẽ và lấp lửng. Nhưng hợp tác an ninh Việt-Mỹ vẫn có những giới hạn khó vượt qua. Hà Nội muốn biết rõ, liệu có thể tin và dựa vào Mỹ tới đâu tại Biển Đông. Hà Nội không muốn bị mắc kẹt vào xung đột Trung-Mỹ và một lần nữa trở thành chiến trường cho các nước lớn. Nếu lợi ích quốc gia liên quan đến “an ninh đối ngoại” thì ý thức hệ liên quan đến “an ninh đối nội”. Ý thức hệ có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống Đảng và nhà nước.

Quan hệ Việt-Mỹ phát triển tích cực là do hệ quả trực tiếp khi Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ lo ngại trước sự trỗi dậy và thách thức của Trung Quốc. Tuy quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện đáng kể, nhưng còn quá sớm để khẳng định hai nước sẽ trở thành đồng minh như Mỹ với Nhật hay với Úc. Nói cách khác, Mỹ giúp Việt Nam nhưng không đẩy quan hệ Việt-Mỹ “đi quá xa và quá nhanh”.

d. Lê Thân đặt câu hỏi Việt Nam chọn con đường nào”, ngày 31-12-2022.

Phần đầu bài, ông viết về vài diễn biến xấu và phức tạp ở Việt Nam. Đó là (1) Vụ test kit Việt Á, (2) Vụ giải cứu người Việt Nam ở nước ngoài (hai vụ tham nhũng lớn nhất), (3) Vụ khởi tố bắt tạm giam các chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh, (4) Luật đất đai tuy có sửa đổi nhưng chưa đi vào điểm cơ bản, các vụ thu hồi đất của nông dân có tính cướp đoạt, (5) Cuộc chiến chống tham nhũng (đốt lò) tuy có đạt được thành tích qua việc xét xử được một số vụ cụ thể có tác dụng răn đe, nhưng nhìn chung về cơ bản vẫn tỏ ra bất lực, (6) Về kinh tế có phát triển hơn nhưng tư tưởng tất cả chạy theo tiền và quyền đã thành phổ biến. Đạo đức, xã hội quan hệ con người suy thoái xuống cấp trầm trọng. Đời sống tinh thần, đạo lý xã hội, truyền thống ngàn đời của dân tộc gần như bỏ ngỏ.

Đất nước chưa bao giờ lâm vào tình trạng nguy hiểm cực độ như trên, người dân tự hỏi tại sao?

Ông chỉ ra các nguyên nhân: (1) Vẫn cố bám theo mô hình quản lý cũ, chủ yếu dùng mệnh lịnh hành chính để chỉ huy kinh tế, thể chế chính trị không đi theo kịp sự phát triển của đất nước. (2) Việc quy hoạch, cơ cấu cán bộ dựa trên quan hệ thân quen, phục tùng, làm thoái hóa tổ chức. (3) Tình trạng mua quan bán chức, bằng thật học giả tràn lan, trong khi người tài giỏi không được dùng, kẻ bất tài vô dụng tìm đủ cách bám trụ. (4) Cơ chế toàn trị ngày càng gia tăng độc đoán nhằm bảo vệ quyền lực đã đẩy bộ máy cầm quyền ngày càng xơ cứng mất hết sự năng động cần thiết cho xã hội phát triển.

Cuối bài ông hỏi “Con đường nào cho Việt Nam”?

Đặt câu hỏi đó cho toàn dân, nhưng chủ yếu là cho lãnh đạo đất nước. Ông cho rằng đất nước đang bị những nguy cơ đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài không thể xem thường, cần phải xem xét phân tích lại toàn diện tình hình trong đó có hai vấn đề cốt lõi: một là đường lối chính sách cơ bản, và hai là tổ chức thực hiện đường lối. Đề ra đường lối mới phải mang tính bước ngoặt, như việc trước đây từ bỏ nền kinh tế bao cấp, xây dựng kinh tế thị trường.

Xu hướng chi phối thế giới hiện nay là dân chủ tự do với nền pháp quyền vững mạnh, xu hướng này lấy phát triển trí tuệ làm chủ đạo thay thế cho sức mạnh cơ bắp.

Thế giới có rất nhiều bài học, Đảng và Nhà nước Việt Nam chọn con đường nào để nhanh chóng đưa đất nước tiến kịp với thời đại, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Việt Nam. Ông để ngỏ câu trả lời, tuy rằng có gợi ý về nhiều bài học của thế giới và xu hưởng chi phối thế giới hiện nay.

Ông Lê Thân từng là một cán bộ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, từng bị chính quyền VNCH kết tội, đày ra Côn Đảo. Sau tháng 4 năm 1975, ông được Đảng tín nhiệm, giao một số chức vụ quan trọng ở TP HCM. Hiện ông là đại diện câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, là một trong những người tích cực của bên B.

e. Đào Tăng Dực bình luận: “Một câu hỏi vô cùng ngớ ngẩn: Vì sao Việt Nam vẫn nghèo”, ngày 7-1-2023.

Có thể ông Dực đã hơi vội vàng khi khái quát hóa rằng “Các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản đều là nguyên nhân lớn nhất đưa đến bất công và nghèo khổ”. Nói ông hơi vội vì rằng thế giới đã từng có vài vị độc tài là những minh quân (Pier đại đế của Nga, Càn Long của Tàu) những vị tài giỏi, liêm khiết đứng đầu nhà nước (Park Chung-hee của Nam Hàn, Lý Quang Diệu của Singapore). Họ đã làm cho đất nước thịnh vượng.

Tuy khái quát hóa vội vàng nhưng kết luận rất đúng, rằng “nguyên nhân chính của sự khốn cùng của dân tộc là chế độ độc tài đảng trị CSVN, như một con voi khổng lồ trong căn phòng mà Nguyễn Phú Trọng và toàn đảng nhắm mắt làm ngơ”. Câu trả lời là quá rõ ràng, thế mà nhiều người cứ hỏi. Vậy đó là câu hỏi ngớ ngẩn của những người kém trí tuệ, mặc dầu có bằng cấp cao. Dĩ nhiên có những câu hỏi thông thường từ những người Việt bình dân nhưng thực tế như: “Tại sao Việt Nam vẫn nghèo trong khi người Việt rất chăm chỉ?”.

Giới lãnh đạo hay trí thức CS thì loay hoay lý giải lung tung nhưng tránh né sự thật vì không muốn và không dám động đến sự sống còn của đảng và quyền lợi của cá nhân, phe nhóm.

Với mỗi đất nước, thể chế chính tri (dân chủ hay độc tài) là rất quan trọng, nhưng có một thứ còn quan trọng hơn, đó là phẩm chất người cầm đầu nhà nước. Thể chế dân chủ mà không may gặp phải người đứng đầu kém phẩm chất thì cũng rất khó chịu. Nhưng dù sao dân chủ vẫn hay hơn độc tài vì khi gặp phải người đứng đầu không xứng đáng, để thay thế hắn thì với thể chế dân chủ làm được dễ dàng, còn với độc tài thì quá khó.

Ông Dực nghĩ rằng, dân tộc Việt chỉ có thể vươn lên, hóa rồng trên bầu trời Đông Á, sau khi độc tài CSVN cáo chung. Lúc đó Dân tộc Việt sẽ xây dựng một nền dân chủ chân chính trong đó các nguyên tắc quan trọng sau đây sẽ được thiết lập hầu khai sáng một kỷ nguyên phồn vinh không giới hạn cho đất nước: Một là Quyền tư hữu, bao gồm quyền sở hữu đất đai của công dân cá thể sẽ được long trọng khắc ghi trong hiến pháp. Hai là có nền chính trị đa nguyên với hoạt động độc lập của tòa án để bảo vệ quyền tư hữu tuyệt đối cho người dân trong nước mà cả của nước ngoài.

Ông Dực đưa ra ý kiến nghe hay, nhưng làm sao để Đảng CSVN cáo chung thì chưa biết. Không biết đến lúc nào Thượng đế mới cho sinh ra ở Việt Nam một Gorkbachev để thực hiện trong hòa bình sự cáo chung ấy.

g. Phạm Trần đặt câu hỏi “Việt Nam bước vào năm 2023 như thế nào”, ngày 9-1-2023.

Ông Phạm Trần thuật lại một số thông tin chính thống mà chủ yếu là phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng và liên quan đến ông Trọng. Về phát biểu của Ông Trọng, Phạm Trần nhận xét: “Liệu những điều ông Trọng nói có phản ảnh tình hình thực tế của đất nước, hay ông đã nói tốt để đồng hóa mặt xấu?

Rồi ông Trần viết: “Ông Trọng khoe với Thông tấn xã Việt Nam ngày 1/1/2023, mặc dù phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 và chống thiên tai, Việt Nam vẫn hoàn tất 14/15 chỉ tiêu kế hoạch…”. Ông nói: “Tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 8%, tăng cao so với kế hoạch đề ra từ 6 – 6,5%. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Thu ngân sách nhà nước tăng 20% so với năm 2021”.

Tuy nhiên, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng.

Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 04/01/2023, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã có một số nhận định dè dặt hơn về tình hình kinh tế. Về đối nội, ông Trọng nhắc lại chủ trương xây dựng đảng là: “Ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”….Ông kêu gọi toàn đảng phải: Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước”.

Một câu hỏi lớn, vậy ai là người có đủ tiêu chuẩn thay ông Trọng nắm chức Tổng Bí thư đảng khóa XIV?

Trước tiên là ông Nguyễn Xuân Phúc (*). Thứ hai, ông Vương Đình Huệ, Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ngoài ra còn có các ứng viên Võ Văn Thưởng Kế đến là ông Nguyễn Xuân Thắng, Người thứ ba được nhắc đến là ông Phan Đình Trạc. Sau cùng là ông Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Về tình hình chung ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói mới: “Với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây chính là động lực to lớn đưa đất nước bước vào năm 2023 với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Về quốc phòng và an ninhông Trọng cho rằng: “Quốc phòng đã được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục được đẩy mạnh, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong thực tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ”.

Nhưng sự thật là Việt Nam vẫn nằm trong “tầm ngắm” của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân và lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn thường xuyên đe dọa, tấn công ngư dân Việt Nam tại hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, Trung Cộng cũng mở rộng các đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Subi, và xây ở đó 3 sân bay có khả năng cho máy bay quân sự và dân sự sử dụng. Cả 3 sân bay đều nằm ở hướng đông nam Vũng Tàu và đe dọa trực tiếp đến quân Việt Nam đồn trú ở Trường Sa.

Bài của Pham Trần, ngoài việc dẫn lại những “lời có cánh” của ông Trọng để mọi người theo dõi và liên hệ với thực tế thì chưa thấy có điều gì mới, đột xuất, ngoài chuyện ông dự kiến các nhân vật có khả năng được đề cử thay ông Trọng. (Dự kiến vào cuối năm 2022).

h. Tập Cận Bình: “Trung Quốc và Việt Nam có một tương lai chung”. Bài đăng trên báo South China Morning Post, Hồng Kông, ngày 14-1-2023, do Cù Tuấn dịch, đăng lại trên Tiếng Dân.

Trong bức thư chúc tết Quý Mão gửi Nguyễn PhúTrọng, Tập Cân Bình cam kết rằng “Trung Quốc thấy một tương lai chung với Việt Nam và sẽ ưu tiên cho quốc gia này khi nhắc đến ngoại giao khu vực.

Trong thư có đoạn: “Cả hai đang đẩy mạnh nỗ lực để thực hiện sự đồng thuận mà chúng ta đã đạt được. Tôi tin rằng điều này sẽ củng cố lòng tin lẫn nhau về mặt chính trị và tình hữu nghị truyền thống giữa hai bên, đồng thời cải thiện hiệu quả phúc lợi của nhân dân hai nước”.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập: “Chúng tôi sẽ làm việc với phía Việt Nam để tích hợp hơn nữa các chiến lược phát triển song phương, tăng cường hợp tác toàn diện, tăng cường liên lạc và phối hợp về các vấn đề quốc tế và khu vực”.

Quá khứ tương đồng về ý thức hệ, cấu trúc chính trị và mô hình phát triển kinh tế của hai quốc gia này đã làm ấm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, bất chấp cuộc chiến biên giới bốn thập kỷ trước và các tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố chung sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trọng, hai lãnh đạo đã đồng ý chung tay giải quyết các thách thức bên ngoài, bao gồm “các cuộc cách mạng màu” và những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, đồng thời cam kết đẩy tình hữu nghị “đồng chí và anh em” đặc biệt giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hai bên cũng nhất trí “xử lý thỏa đáng” tranh chấp Biển Đông và các tranh chấp khác.

(Còn tiếp)

______

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Khi bài viết này lên mạng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã bị đảng cho về vườn, “làm người tử tế”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét