Ổ tham nhũng nhức nhối tại Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng (Phần 2)
Sông Hàn
20-2-2023
Tiếp theo phần 1
Thông đồng với các doanh nghiệp tư nhân để trúng thầu các dự án y tế, các gói thầu thuốc men, hoá chất, vật tư y tế là chuyện thường ngày ở Sở Y tế Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Thậm chí doanh nghiệp A thò tay vào soạn thảo các “yêu cầu gói thầu” như chủng loại, nước sản xuất, thông số kỹ thuật, cấu tạo, giá dự toán… sau đó chuyển cho Sở Y tế để nơi này ra “Thông báo mời thầu”, để doanh nghiệp A lại…trúng thầu. Họ cấu kết với nhau như vậy để rút ruột ngân sách, móc hầu bao từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và trên những đồng tiền của những bà mẹ phải bán cả máu của mình để chữa bệnh cho con. Quỹ BHYT có được, cũng từ đồng lương của công nhân, dân lao động nghèo, ăn thất nhân, ác đức như vậy, không trời đất nào có thể dung thứ.
Những “phi vụ” mà Lê Đức Nhân, Trần Tứ Quý, Trần Đình Vinh nêu trong phần 1, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Dưới thời lãnh đạo của bà Ngô Thị Kim Yến, CDC Đà Nẵng là nơi xài tiền nhiều nhất, còn là nơi nhận hối lộ gắt nhất và cũng là nơi “cúng dường” lãnh đạo chủ lực nhất.
Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC bị bắt từ tháng 6-2022. Tuy nhiên, tội danh lại không phải “nhận hối lộ” từ Việt Á như các CDC địa phương khác, dù Đà Nẵng mua test kit từ Việt Á cao nhất nước.
Tham nhũng, nhận hối lộ trong ngành y Đà Nẵng càng đào sâu, càng phức tạp và kinh khủng. Có lẽ chỉ có cơ quan điều tra Bộ Công an, mới có thể lật tẩy hết số liệu tất cả hồ sơ liên quan đến đấu thầu thuốc, hoá chất và trang thiết bị y tế… lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng ở “ổ tò vò” này mà thôi.
Tự thưởng huân chương lao động
Từ năm 2015, khi nhảy lên ghế giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Ngô Thị Kim Yến đã xây dựng phe cánh. Khi bà ta không thích ai thì kẻ đó phải biến mất.
Năm 2013, đích thân ông Trần Thọ, Bí thư Đà Nẵng quy hoạch, đưa Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hải, từ Trưởng khoa dược bệnh viện Đà Nẵng về làm Phó giám đốc Sở Y tế. Nguyễn Tấn Hải sinh năm 1976, tốt nghiệp đại học Y dược TPHCM, nhân tố trẻ, có năng lực.
Lo sợ Nguyễn Tấn Hải sẽ có ngày phanh phui “ổ tham nhũng”, đưa ra ánh sáng, hoặc Hải có thể soán mất ghế mình, khi ông Trần Thọ nghỉ hưu vào cuối năm 2016, Ngô Thị Kim Yến cũng cho Nguyễn Tấn Hải rời khỏi chức Phó giám đốc sở Y tế, sang Ban An toàn thực phẩm.
Ngoài việc cài cắm người phe mình vào lãnh đạo sở và ban giám đốc các bệnh viện, bà giám đốc Ngô Thị Kim Yến cũng đưa chồng mình là Đàm Văn Tẩu, nhân viên chạy quảng cáo cho Tạp chí Du lịch, thuộc Sở Văn hoá – Thể thao Đà Nẵng, về đội lái xe Sở Y tế. Khi bà Yến nhảy lên làm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhân viên lái xe Đàm Văn Tẩu ngày nào, cũng đã phóng lên ngồi ghế Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, trực thuộc Sở Công thương.
Điều khó tin nhưng có thật, là suýt chút nữa Ngô Thị Kim Yến đã nhận được Huân chương lao động hạng III của chủ tịch nước, khi bà Yến đề nghị phong tặng cho chính bà. Còn điều đã xảy ra, là Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng đã bị khởi tố bắt giam về tội “tham ô tài sản”, lại được nhận bằng khen của thủ tướng Chính phủ.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, cứ doanh nghiệp nào chung chi đủ lớn, thì bà Phó chủ tịch phụ trách Y tế, văn hoá, xã hội Ngô Thị Kim Yến sẽ chấm trúng thầu.
Ngày 17-2-2023, Toà án TPHCM tuyên án Hoàng Thị Thuý Nga 8 năm tù giam, trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ. Điều đáng nói là nhân vật Hoàng Thị Thuý Nga trúng thầu rất nhiều trong lĩnh vực y tế và giáo dục tại Đà Nẵng, nhưng pháp luật chưa sờ đến.
Hoàng Thị Thúy Nga, sinh năm 1975, chủ tịch Hội đồng sáng lập Công ty NSJ Group, là người “nhúng chàm” trong hàng chục vụ án trải dài trên cả nước. Trước đây, Nga làm cùng công ty và là cấp dưới của Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại AIC. Về sau, Nga tách ra, mở công ty riêng NSJ, cùng hàng chục công ty con khác làm “quân xanh, quân đỏ” đi móc nối đấu thầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế, thiết bị giáo dục, cho nhiều tỉnh thành.
Ngô Thị Kim Yến là người trước đây móc nối Hoàng Thị Thuý Nga cho Lê Thị Bích Thuận.
Ngày 26-12-2019, Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng ký Quyết định số 2075/QĐ-SGDĐT, phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty TNHH NSJ (nay là Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ, có trụ sở tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. HCM) thực hiện gói thầu “Mua sắm thiết bị, đồ dùng và đồ chơi cho các trường mầm non” với giá 68.688.000.000 đồng.
Cũng như cách làm của bên y tế, bà Thuận đem mọi tài liệu, thông số, xuất xứ hàng hoá, chủng loại mà chỉ có ở Công ty NSJ để đem rao đấu thầu. Kết cục, chỉ có NSJ của Hoàng Thị Thuý Nga trúng thầu. Để qua mắt dư luận và pháp luật, họ bày trò giá dự toán của Sở GD – ĐT Đà Nẵng là 68.857.000 đồng, giá trúng thầu của NSJ là 68.688.000.000 đồng.
Bao nhiêu tỷ “hoa hồng” đã vào túi giám đốc Thuận? Không ai biết và cũng không ai dám điều tra.
Có một chi tiết không nhiều người biết, đó là bố bà Lê Thị Bích Thuận là em ruột của bố ông Lê Trung Chinh, đương kim chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Có nghĩa là ông Chinh và bà Thuận là hai anh em chú bác ruột.
Cho đến nay, mặc dù nhiều cơ quan báo chí đăng bài nêu rõ sai phạm trong đấu thầu tại các bệnh viện lớn ở Đà Nẵng, dấu hiệu thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước, bởi “nhóm lợi ích” từ các ổ tham nhũng bắt tay nhau, chia chác và thụ hưởng.
Tham nhũng không chỉ đục khoét trong ngành y tế Đà Nẵng, nó đã và đang lan sang ngành giáo dục và các ban ngành khác ở thành phố này. Tuy nhiên mọi việc vẫn rơi vào im lặng.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn cho rằng, đại án Việt Á đã “không có bất kỳ vùng cấm nào” nhưng lại tránh xa Đà Nẵng. Đến thời điểm này chỉ có mỗi Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC gánh tội cho tất cả, mà nghe đâu Tôn Thất Thạnh đang có dấu hiệu chạy tội bằng cách giả vờ bị… bệnh tâm thần.
Thế lực nào bảo kê cho Đà Nẵng?
Nhiều cán bộ UBND TP cho biết, lý do mà Đà Nẵng đến giờ vẫn không bị các cơ quan tố tụng sờ gáy, là vì các lãnh đạo Việt Á còn nợ, chưa kịp chuyển số tiền hàng chục tỷ “hoa hồng” cho quan chức Đà Nẵng thì vụ án đã bị phát hiện. Thêm nữa, một số quan chức y tế đã nộp lại tiền có nhận trước đây, để khắc phục hậu quả.
Thế nhưng, nguồn tin nội bộ cho hay, lý do lớn nhất mà Đà Nẵng đến giờ này vẫn “bất khả xâm phạm” là nhờ được sự bảo kê của cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng.
Nguyễn Văn Quảng là ai?
Nguyễn Văn Quảng sinh năm 1969, quê Cát Hải, Hải Phòng. Quảng là con trai ông Nguyễn Văn Huấn, sinh năm 1941, thủ trưởng cũ của ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư nhiệm kỳ 2016-2021.
Quảng giữ chức bí thư Đà Nẵng từ tháng 10-2020, Uỷ viên Trung ương khoá XIII, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội khoá 15, đơn vị Đà Nẵng. Xuất phát từ một cán bộ trung cấp, điều tra viên cấp quận của VKS tại Hải Phòng, Nguyễn Văn Quảng nhanh chóng leo đến Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKS cấp cao tại TPHCM, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, để rồi luân chuyển về làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng.
Từ khi Nguyễn Văn Quảng có mặt tại Đà Nẵng, gần như đám quan chức lãnh đạo ở thành phố này xem bí thư Quảng là “thần hộ mệnh” của bọn họ. Mọi vụ án, mọi nguy hiểm rình rập từ thời “hậu Nguyễn Bá Thanh”, đều được bí thư Quảng che chắn, tai qua nạn khỏi. Cán bộ Đà Nẵng bị Trung ương kỷ luật “khiển trách”, “cảnh cáo” vẫn xem như không hề hấn gì, hàng ngày vẫn lên bục chỉ đạo, ra lệnh, yêu cầu cấp dưới và dân chúng nên làm thế này, hành động thế kia…một cách ngạo nghễ, bất chấp các văn bản kỷ luật của trung ương đảng và chính phủ ban hành.
Đổi lại, rất nhiều dự án công tại Đà Nẵng, có vốn đầu tư ngàn tỷ, trong đó có dự án thi công cảng Liên Chiểu lên đến 2945 tỷ đồng, đều rơi vào tay các công ty sân sau của bí thư Quảng.
Dư luận Đà Nẵng cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã bị “ngã ngựa”, nhưng thế lực của bí thư Nguyễn Văn Quảng ở trung ương vẫn còn rất mạnh. Đích ngắm của ông Quảng ở nhiệm kỳ tới là ghế Viện trưởng VKS Tối cao, cho nên dân cần lao thành phố biển nên chấp nhận số phận để đám “kền kền” hút máu mình, vì phía trên chúng, đã có “lá bùa” bảo kê một tay che trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét