Nếu là bạn, bạn có từ chối luật sư không?
16-2-2023
Một người bình thường, khi họ cần tới việc gì đó liên quan tới pháp lý mà họ không thể giải quyết được hoặc họ cho rằng nếu tự mình giải quyết sẽ có thể gặp rắc rối hay có thể bị thiệt hại thì họ sẽ tìm tới luật sư – Đó là một người bình thường, trong hoàn cảnh bình thường.
Một người là đối tượng tình nghi bị tạm giữ hành chính, tạm giữ hình sự hay bị tạm giam, họ bị cô lập một mình trong phòng riêng biệt, không được tiếp xúc với người thân, bạn bè thì luật sư sẽ là cứu cánh cuối cùng và là kênh liên lạc hữu ích giữa họ với bên ngoài. Vậy khi được gia đình tin tưởng mời luật sư cho họ, với tinh thần hoàn toàn bình thường, liệu họ có chấp nhận không? Câu trả lời có thể đưa ra ngay lập tức là “Có” nhưng thực tiễn lâu nay không phải vậy!
Rất nhiều trường hợp, sau khi luật sư đăng ký thủ tục với cơ quan thẩm quyền thì gần như ngay lập tức được thông báo bằng miệng rằng đối tượng đang bị tạm giữ/ tạm giam từ chối, không cần luật sư nữa. Khi luật sư tiếp xúc với họ để hỏi rằng, có phải họ từ chối thật không thì nhiều người chỉ vâng, ậm ừ cho qua chuyện; rất hiếm người “quay xe” đồng ý luật sư. Tuy nhiên, “vì thời gian có hạn” và vì hàng trăm ngàn lý do khác mà luật sư không khai thác được lý do họ từ chối luật sư và họ có thực sự tự nguyện từ chối luật sư hay không hay vì một lý do khó nói nào đó…
Có một thân chủ của tôi, trước khi bị tạm giam vẫn khẳng định như đinh đóng cột là không đời nào em từ chối anh; thế mà chỉ sau 3 hôm vào trại đã từ chối; khi tôi vào gặp thì cậu ta “ngậm tăm”, chỉ “vâng”, “dạ”, “ừ”… Tôi chỉ biết dặn thêm là “giờ không nói được thì hết điều tra, có gì mày nói với anh cũng được; từ chối lúc này, mai mốt mời lại cũng không sao cả…”.
Việc từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra là một thực tiễn đáng báo động và nhiều đồng nghiệp của tôi đã lên tiếng. Tuy nhiên, những tiếng nói yếu ớt đều bị rơi vào thinh không khi mà các cơ quan chủ quản vẫn im hơi, lặng tiếng. Việc bị từ chối có thể là do luật sư làm việc không hiệu quả, có thể là do thân chủ đã nhận thức về hành vi của mình và không cần luật sư, cũng có thể do thân chủ tiếc tiền của cho người thân, cũng có thể là do luật sư không có quan hệ tốt với các cơ quan công quyền v.v… Thế nhưng, việc thẩm định, đánh giá năng lực của luật sư là của người đi thuê chứ không phải là người được “sử dụng” luật sư nên việc từ chối quyền lợi của mình một cách vội vàng hẳn là có nguyên do và cần phải được làm rõ.
Nghề luật sư tranh tụng vốn đã ít đất diễn, nay lại càng khó khăn hơn với những luật sư chỉ muốn đi trên đôi chân của mình. Nếu chỉ biết quan hệ, luồn cúi để xin cho thì thậm chí mấy người môi giới bất động sản cũng có thể làm tốt hơn một luật sư lành nghề. Thế nhưng, muốn xã hội phát triển tiến bộ, văn minh hơn trong tương lai, ngoài những luật sư tư vấn, cần lắm những luật sư tranh tụng sống bằng thực lực.
Tôi không buồn vì mình không nhiều tiền, tôi chỉ buồn vì mình, nghề của mình không được tôn trọng, không được để đúng vị trí. Nếu các vị lãnh đạo của chúng tôi biết, thấu hiểu, tôn trọng nghề nghiệp của chính mình và tôn trọng đồng nghiệp của mình thì họ cần lên tiếng trên các diễn đàn chính thống.
Nếu tình hình hiện tại diễn ra và lan truyền trên diện rộng thì các luật sư có tự trọng không đổi nghề thì cũng bị “đồng hoá”, hay nói đúng hơn là có ngày cũng bị tha hoá…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét