Năm nay cũng có đôi nét khiến lòng tôi được an ủi
Nguyễn Nguyên Bình
Đã thành truyền thống, mỗi năm đến ngày kỉ niệm cuộc chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược 17-2, chúng tôi đều đi thắp hương dâng hoa các liệt sĩ ở Nghĩa trang Tây Tựu – Hà Nội. Anh em chúng tôi năm nay thưa vắng hơn mọi năm vì đã có thêm nhiều người trở thành “tù nhân lương tâm” (buồn quá)…
Tuy vậy, năm nay cũng có đôi nét khiến lòng tôi được an ủi. Đến nghĩa trang, chúng tôi gặp được một nhóm khá đông các Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 3, các anh đi thắp hương đồng đội hi sinh trên chiến trường Lạng Sơn năm ấy.
Các anh dâng hương tưởng niệm xong thì cùng đồng ca bài ‘Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’ của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát được sáng tác tức thời ngay ngày đầu cuộc chiến đấu, bài hát đã động viên kịp thời bao chiến sĩ quân ta, đã làm nức lòng nhân dân cả nước ta… (vậy mà, như một bác CCB cho biết: Có thời người nào đó, cấp nào đó đã cự nự nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ vì trong bài hát có câu lên án quân TQ là “quân xâm lược bành trướng dã man”???). Giọng hát của những người lính già năm xưa chả còn được hùng hồn đúng nhịp nhưng cũng khiến chúng tôi cảm động rưng rưng…
Rồi chúng tôi cùng các bác ấy đi dâng hoa lên từng ngôi mộ. Một bác chỉ cho tôi mộ của em Quân, con bác Đồng Sĩ Nguyên, em ấy là đại đội trưởng pháo binh, hi sinh rất sớm trên chiến trường Lạng Sơn. Tôi xót xa nhớ lại những kỉ niệm khi gia đình bác Đồng Sĩ Nguyên cùng gia đình cha mẹ tôi sống gần nhau trên Việt Bắc trong thời kì kháng chiến, em sinh vào thời kì “chỉnh quân chỉnh huấn” nên bác Nguyên đặt cho em tên là Nguyễn Tiến Quân (1953)…
Có bác CCB hỏi chúng tôi, có phải người mộ đạo đi dâng hương làm phúc không (vì thấy chúng tôi không phải thân nhân, cũng không phải đồng ngũ)? Tôi ghé tai bảo rằng chúng tôi là những người yêu nước thương nòi, nhưng đã bị những người cõi trên nào đó gọi là “phản động”. Bác ấy a lên một tiếng rồi nở nụ cười tươi, lại đưa tay bắt tay, xiết chặt!
Còn phía mấy người thuộc lực lượng an ninh và dân phòng quen mặt thì năm nay không tỏ vẻ gì khó chịu như mọi năm. Trái lại, có người còn có những cử chỉ lời nói có ý thân thiện (chưa hiểu vì sao). Dù gì, tôi cũng ghi nhận, và động viên các bạn ấy. Bảo rằng nên biết công các liệt sĩ mới là đúng đạo lý dân tộc, nếu để Tàu Cộng nó xâm chiếm nước ta thì chính các bạn cũng chả có chỗ trú thân nữa, phải không?
Chuyện còn có thể nói thêm nữa, nhưng xin phép dừng, vì biết nhiều người không muốn đọc dài!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét