Ghế Chủ Tịch Nước vì sao còn bỏ trống?
Gió Bấc
27-1-2023
Cơn càn quét đốt lò đang đẩy triều đình nhà sản vào cơn bấn loạn. Những quân cờ đang di động không ngừng, các mối quan hệ hợp tác, đối đầu; liên minh, đối thủ chuyển hóa nhanh chóng. Truất phế Nguyễn Xuân Phúc nhưng chức vụ Chủ Tịch Nước bị bỏ trống cho thấy mục tiêu của các cao thủ trong cuộc đua này hội tụ về điểm duy nhất là ngôi vương Tổng Bí Thư. Tổng Trọng, vừa là người dẫn dắt điều hành, vừa là một tay đua, chắc hẳn đã có chủ kiến, đã lựa chọn ứng viên tiềm năng nhất, quân ách chủ bài này đang là bí mật cung đình.
Sau cuộc phế truất ngoạn mục Nguyễn Xuân Phúc, nhân vật số 2 trong tứ trụ ngay trước thềm năm mới, điều mà dư luận quan tâm là vì sao trong cảnh quần ngư tranh thực, ghế ít đít nhiều của triều đình mà chiếc ghế danh giá Chủ Tịch Nước lại ế ẩm. Quyền Chủ Tịch Nước chỉ là cái vai đóng thế rất hờ, mờ nhạt hơn cái bóng, ngay cả việc hết sức nghị thức là đọc cái thơ chúc tết do ai đó viết sẵn cũng bị Tổng Trọng tiếm quyền cưỡng đoạt. Người ta quan tâm vì sự tò mò như khán giả xem hát chờ diễn biến mới trong tấn tuồng quen thuộc. Không ai dại dột kỳ vọng vào sự đổi thay, tiến bộ của các lãnh đạo đảng, nhà nước thời Tổng Trọng.
Báo chí trong nước nín thin, không dám bàn đến chuyện cung đình mà lẽ ra phải tận lực khai thác thông tin, phải tận lực truy hỏi để cung cấp cho người dân được biết ai sẽ là nguyên thủ quốc gia. Cái khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra của chính quyền nhà sản hóa ra chỉ có hiệu lực ở khái niệm dân làm theo sự chỉ đạo của nhà nước như con ngựa mắt bịt bạc chỉ cắm đầu chạy dưới ngọn roi của gã xà ích. Ai táy máy hỏi han bàn bạc thì đã có sẵn điều luật 331. Thông tin quan trọng nhất quốc gia người dân đành trông chờ ở “đài địch”, bọn xấu phương Tây.
VOA thì dự đoán bằng câu hỏi: Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng? Theo đó, Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng, Tô Lâm là ứng cử viên sáng giá về tiêu chuẩn theo quy định lẫn thực lực. Ngược lại nhà bình luận Bùi Thanh Hiếu cho rằng, Võ Văn Thưởng có nhiều triển vọng hơn (1).
RFA cũng đặt câu hỏi tương tự, cũng dẫn chiếu ý kiến Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp giới thiệu ứng viên số 1 Tô Lâm nhưng bên cạnh đó có thêm ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư về chuyên ngành Chính trị, Đại học New South Wales tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc, cho RFA biết qua tin nhắn như sau: “Các nguồn tin của tôi cho biết có ba ứng cử viên khả dĩ. Thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Điều này sẽ tiếp nối tiền lệ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thứ hai, tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã được đề cập. Và thứ ba, Tô Lâm có thể là một ứng cử viên triển vọng” (2).
Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Viêt Nam có bài “Thay vua giữa dòng” đã đưa ra nhiều cái tên và cuối cùng đã chốt lại: “Việt Nam có lẽ vẫn chưa sẵn sàng cho một nữ Chủ tịch nước hay nữ Thủ tướng, nên chọn lựa lớn sẽ rơi vào ông Nguyễn Văn Nên khi mà phe Tây Ninh đang gặp lúc thuận buồm xuôi gió” (3).
Tuy nhiên, những suy đoán nói trên đều dựa trên yếu tố đơn giản về tiêu chuẩn, thân thế, quan hệ của các cá nhân ứng viên mà không đặt trên nền tổng thể của bàn cờ mà các quân cờ đều di động, trong đó, Tổng Trọng vừa là người đặt luật chơi, vừa là người chơi, vừa phần nào đó cũng là một quân cờ, nên những dự đoán trên dù có lý nhưng khó thể nói là chính xác.
Trước hết hãy điểm qua về vai trò, tình thế của các ứng viên sáng giá.
Võ Văn Thưởng, hai khóa là Ủy Viên Bộ Chính Trị, đã từng có những phát ngôn đúng đường lối lý luận theo đảng, phản dân của Tổng Trọng, đúng là nhân vật sáng giá. Nhưng tình thế hiện nay Thưởng đang sắm vai rất quan trọng, cần thiết cho Tổng Trọng để chia sẻ sự phẫn nộ, bất bình của các nhóm đối địch khi triển khai chiến dịch đốt lò. Thưởng ngoan ngoãn, sốt sắng thay Trọng phát ngôn, ký các quyết định kỷ luật những đối thủ bị thanh trừng như Trần Quốc Vượng đã từng làm. Chỉ khi nào có kẻ dại dột thay thế Thưởng hưởng quyền rơm ôm vạ đá ở chức vụ nguy hiểm làm bia đỡ đạn, thì Trọng mới cho Thưởng làm Chủ Tịch Nước.
Tô Lâm đang nắm trong tay quyền lực cực mạnh. Có thể nói từ sau Trần Quốc Hoàn đến nay, Tô Lâm là Bộ Trưởng Công An mạnh nhất. Qua các đại án, Tô Lâm đang nắm trong tay nhiều Bộ Ngành có thể tùy nghi tha, giết. Qua chủ trương luân chuyển, giám đốc công an các tỉnh thành không phải là người địa phương, mà do Bộ Công An bổ nhiệm, Tô Lâm có quyền lực rất lớn với hầu hết các đảng bộ tỉnh thành. Nếu cần lấy phiếu tín nhiệm, phiếu bầu ở Ban Chấp Hành Trung Ương hoặc Đại Hội Đảng, Tô Lâm sẽ thu được số phiếu rất cao, thậm chí có thể cao hơn cả Tổng Trọng.
Nhưng Tô Lâm cũng có nhược điểm gây thù chuốc oán quá nhiều, không chỉ bên ngoài mà ngay trong chính ngành công an cũng có những đối thủ ngấm ngầm. Bản thân Tô Lâm cũng không phải sạch sẽ. Những chữ ký, những công văn trong vụ án mua bán AVG vẫn còn đó. Việc mua quan bán chức qua luân chuyển cán bộ trong ngành công an, vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bị điều tra xét xử ở Đức và Cộng hòa Séc… Chỉ cần một đối thủ có tầm nào đó tấn công, khai thác đúng mức, Tô Lâm có thể biến thành củi, khó có thể đươc ân hạn về hưu như Nguyễn Xuân Phúc.
Tô Lâm rất cần vào tứ trụ để được thành trường hợp đặc biệt, kéo dài thêm một nhiệm kỳ trong khóa 14 tới nhưng phải vào vai thực quyền thực lực chứ không thể là chức vụ danh dự hảo là Chủ Tịch Nước. Rời bỏ quyền lực Bộ Trưởng Công An để nhận chức danh hảo Chủ Tịch Nước trong tình huống này không khác nào tự sát.
Với Nguyễn Văn Nên thì mới vào Bộ Chính Trị một nhiệm kỳ, vai vế chưa đủ tuổi so với các đối thủ khác. Mặt khác thà là đầu gà Bí Thư Thành Ủy hùng cứ một phương thực quyền thực lực hay hơn nhiều so với hư danh chủ tịch nước. Nguyễn Văn Nên từng có thời gian gần gũi Tổng Trọng trong một nhiệm kỳ, nên đủ bình tĩnh và bản lĩnh để tránh cái bẫy nguy hiểm này.
Nhưng để giải được bàn cờ này, cần khảo sát nhân vật quan trọng nhất, người vừa đặt luật chơi, vừa là người chơi.
Luật chơi của Tổng Trọng là gì? Đừng lầm tưởng Tổng Trọng truất phế Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh là chống tham nhũng.
Trong đại nạn tham nhũng của triều đình nhà sản thì tham nhũng lớn nhất vẫn là đất đai. Nguồn gốc, điều kiện tham nhũng đất đai chính là quyền sở hữu toàn dân mà thực chất là đặc quyền cấp phát, thu hồi đất của nhà nước. Bao nhiêu ý kiến của chuyên gia, trí thức đã đề đạt. Bao nhiêu vụ tranh chấp đổ máu đã xảy ra. Tổng Trọng không thể không biết nhưng chính y là thành trì kiên định bảo lưu đặc quyền ấy.
Trọng luôn miệng rêu rao dân chủ nhưng xây dựng guồng máy, hệ thống chính trị bóp nghẹt quyền ứng cử, bầu cử từ nội bộ đảng đến tổ chức chính quyền. Triệt tiêu mọi mầm mống của xã hội dân sự. Quyền lập hội, quyền biểu tình, đình công của người dân bị trì hoãn không thời gian hạn định….
Với lý tưởng “bao lợi quyền đi qua tay mình” (quốc tế ca), tranh đoạt quyền bính là cuộc đua không hồi kết của triều đình nhà sản. Để giữ vững ngai vàng, các bạo chúa Stalin, Mao phải liên tục phát động những cuộc thanh trừng đến hơi thở cuối. Tập phất cờ “đả hổ diệt ruồi” để làm lãnh tụ suốt đời, Tổng Trọng không thua kém cũng đốt lò, gom củi giữ ghế Tổng Bí Thư ngày càng kiên định. Điều Nguyễn Phú Trọng cần nhất là thiên hạ đại loạn để “tọa sơn quan hổ đấu”. Công cuộc đốt lò chính là phương tiện triệt hạ thân cành cho đến gốc rễ các đối thủ tiềm năng.
Trong tâm thế đó, chức danh Chủ Tịch Nước tuy không thực quyền nhưng hết sức nguy hiểm có thể là cầu nối để bước lên chiếc ghế Tổng Bí Thư mà Trọng đang nắm giữ và muốn tiếp tục nắm giữ trong khóa tới.
Việc Tổng Trọng cướp quyền bà Ánh Xuân, Quyền Chủ Tịch Nước chúc tết người dân, không phải do háo danh mà là sự tính toán răn đe các đối thủ. Tổng Trọng không ham hố gì chức vụ ấy nhưng cần khoảng cách an toàn để bảo vệ ngai vàng.
Nói Tô Lâm chê ghế Chủ Tịch Nước không an toàn cũng đúng nhưng chưa đủ. Về thủ tục, muốn ngồi lên ghế này phải được Bô Chính Trị giới thiệu, Ban Chấp Hành Trung Ương bỏ phiếu và đưa ra quốc hội bầu. Nhưng Bộ Chính Trị chưa ai đủ sức đối đầu với Tổng Trọng để giới thiệu người khác.
Nếu Tổng Trọng nhân danh thành quả đốn củi gộc, củi bự của Tô Lâm giới thiệu ra Bộ Chính Trị biểu quyết cho thăng tiến lên làm Chủ Tịch Nước, đương nhiên đa số sẽ nhất trí và Tô Lâm không có cửa từ chối. Vì theo nguyên tắc đảng viên không được từ chối nhiệm vụ được đảng phân công. Thực chất Tổng Trọng không muốn làm điều này vì được vào tứ trụ, Tô Lâm sẽ là trường hợp đặc biệt về tuổi trong đại hội 14 và sẽ là đối thủ cạnh tranh nặng ký của ngai vàng Tổng Bí Thư.
Thực chất chức danh Chủ Tịch Nước không hề bị ế như một số nhà bình luận suy đoán, ngoại trừ Tô Lâm, mọi ứng viên khác đều thèm muốn nhưng tất cả đều kiêng dè, không dám tranh phần với Tổng Trọng.
Tiếp tục một đít hai ghế cho đến hết nhiệm kỳ khóa 13 để loại Tô Lâm trong đại hội tới là chiến lược, là luật chơi của Tổng Trọng. Nhưng phải lọt vào tứ trụ để trụ lại khóa sau cũng là nước cờ của Tô Lâm. Tô Lâm dày công mất sức đốn củi không chỉ cho Tổng Trọng đốt lò mà còn dọn đường trụ hạng, thăng tiến cho mình. Vì vậy, liên minh Tổng Trọng – Tô Lâm là cặp đôi đồng sàng dị mộng có thể chuyển hóa thành đối thủ bất cứ lúc nào. Điều kiện để bùng nổ, chuyển hóa từ bạn thành thù rất đa dạng và rất dễ xảy ra. Có thể là khi Tô Lâm không còn hy vọng trụ hạng, cũng có thể là khi Tô Lâm đủ mạnh để tháo bỏ vòng kim cô. Cũng có thể là khi Tổng Trọng đã dọn sạch những nguy cơ về đối thủ cạnh tranh nặng ký khác.
Tổng Trọng tuy tạm thời nắm thế thượng phong nhưng mang gót chân asin chết người là tuổi tác. Tổng Trọng đã vi phạm điều quan trọng nhất trong điều lệ đảng là ngồi chức Tổng Bí Thư quá hai nhiệm kỳ. Về trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm trưởng tiểu ban nhân sự của hai đại hội 12, 13, Tổng Trọng cũng có trách nhiệm nặng nề hơn cả Nguyễn Xuân Phúc khi để lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị quá nhiều thành viên thoái hóa, biến chất, phải chịu kỷ luật, thậm chí ngồi tù.
Nếu có tiếng nói đủ mạnh đưa các vi phạm này ra Ban Chấp Hành Trung Ương, khả năng Tổng Trọng bị truất phế như Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn có thể xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét