Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Cách tiếp cận mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc chịu trách nhiệm

 

Cách tiếp cận mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc chịu trách nhiệm

Diplomat

Tác giả: Trần Lê Quỳnh

Cù Tuấn, dịch

18-1-2023

Tóm tắt: Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên từ chức, trong bối cảnh vụ bê bối tham nhũng đang diễn ra liên quan đến phản ứng với COVID-19 của đất nước này.

Trong một diễn biến chưa từng có, hôm nay Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền tuyên bố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ ngay lập tức rời khỏi chức vụ. Đây là lần đầu tiên một thành viên trong ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN, được gọi là “tứ trụ”, đã từ chức sớm.

Vào ngày 17 tháng 1, Ban chấp hành Trung ương đầy quyền lực của ĐCSVN đã tổ chức một cuộc họp bất thường tại Hà Nội để thảo luận về đơn từ chức của ông Phúc. Có vẻ như ông Chủ tịch nước đã bị đổ lỗi cho những vi phạm trong thời gian làm Thủ tướng. Thông cáo báo chí chính thức cho biết với tư cách là Thủ tướng trong nhiệm kỳ 2016-2021, ông Phúc đã lãnh đạo các nỗ lực trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí cho biết, ông Phúc phải chịu trách nhiệm về việc “để một số cán bộ, trong đó có hai Phó Thủ tướng và ba Bộ trưởng, có sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Đầu tháng 1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đệ đơn từ chức. Trong khi đó, ít nhất hai cựu bộ trưởng và quan chức khác đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì phạm các tội bị cáo buộc của họ trong đại dịch.

Diễn biến bất ngờ

Thông cáo báo chí chính thức cho biết, “nhận thức rõ trách nhiệm của mình, ông Phúc quyết định từ chức và nghỉ hưu”. Việc từ chức của ông Phúc cần được sự chấp thuận của Quốc hội, một kỳ họp bất thường hiếm hoi sẽ được tổ chức trong tuần này.

Sự cải tổ này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tình hình chính trị Việt Nam hiện nay và tác động tiềm ẩn của việc ông Phúc từ chức đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước này.

Nhiều người đồn đoán về việc ông Phúc sẽ từ chức sau khi hai Phó Thủ tướng từng làm việc dưới quyền ông Phúc khi ông còn điều hành chính phủ, đã bị cách chức hồi đầu tháng. Một số nhà quan sát đã chỉ ra trường hợp của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đang diễn ra như một lý do. Vụ án này đã trở thành một vụ bê bối lớn và liên quan đến nhiều quan chức cấp cao trong nước, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và các nhân vật hàng đầu khác đã bị khai trừ khỏi ĐCSVN. Hơn một năm qua, ngày càng nhiều cán bộ vướng vào vụ án trên; ít nhất 102 người đã bị bắt cho đến nay.

Những diễn biến gần đây dường như cho thấy một mô hình mới, trong đó ĐCSVN buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của họ, trong khi cho phép họ từ chức trong danh dự để bảo vệ uy tín của toàn đảng.

Hậu quả từ các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến đại dịch ở Việt Nam lên đến đỉnh điểm vào ngày 5 tháng 1, khi Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam khỏi chức vụ Phó Thủ tướng. Đáng chú ý, hai người này đã được phép từ chức – không giống như những trường hợp bị sa thải, bắt giữ và truy tố vào năm ngoái đã quét qua các quan chức cấp cao như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ tại Nhật Bản.

Các quan chức được khuyến khích từ chức

Điều này đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng đang cố gắng tạo ra cái gọi là “văn hóa từ chức”: khi bạn bị phát hiện mắc sai lầm hoặc chịu trách nhiệm về một vụ bê bối xảy ra dưới thời bạn, bạn sẽ phải từ chức. Bạn không đợi Đảng phải hành động chống lại bạn.

Điều đáng nói là gần đây ông Trọng đã nói: “Trung ương Đảng phải có chính sách khuyến khích những người có sai phạm – nếu họ tự giác từ chức và giao nộp tiền tham ô thì sẽ được xử lý nhẹ, thậm chí miễn hình phạt. Sẽ không tốt nếu trừng phạt nghiêm khắc tất cả, hoặc cách chức tất cả”.

Tuyên bố trên thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của ĐCSVN. Nó cho thấy sự thừa nhận rằng không phải tất cả các quan chức tham gia vào các hành vi tham nhũng đều phải bị trừng phạt nghiêm khắc, và việc cho phép những người sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về hành động của họ, được từ chức mà không phải đối mặt với hậu quả khắc nghiệt có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho Đảng và đất nước.

Sự thay đổi chính sách này cho thấy, ĐCSVN sẵn sàng thực hiện một cách tiếp cận tinh tế hơn để giải quyết nạn tham nhũng trong đảng. Bằng cách khoan hồng cho các quan chức sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm về hành động của mình, ĐCSVN đang gửi đi thông điệp rằng, đảng này cam kết diệt trừ tận gốc tham nhũng, đồng thời thừa nhận rằng không phải tất cả các quan chức tham gia hành vi tham nhũng đều phải bị trừng phạt như nhau.

Sự thay đổi chính sách này có thể là một phản ứng trước mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng về tham nhũng ở Việt Nam. Mặc dù điều này có thể tạo ra văn hóa chịu trách nhiệm và linh hoạt hơn trong cơ chế nhân sự của đảng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là các điều khoản mơ hồ của những lần từ chức này có thể có những tác động ngoài ý muốn, chẳng hạn như lãnh đạo sẽ ít trách nhiệm giải trình hơn trước công chúng và ít minh bạch hơn về lý do từ chức.

Hệ lụy từ việc ông Phúc từ chức

Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, giữ chức vụ thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021. Trong thời gian tại vị, ông Phúc chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách của ĐCSVN và giám sát các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống cho công dân Việt Nam. Năm 2021, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch nước.

Trong các nhiệm kỳ Thủ tướng và Chủ tịch nước, ông Phúc được biết đến với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông cũng ủng hộ các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, xây dựng hệ thống luật pháp hiện đại và thúc đẩy nền kinh tế cởi mở và bền vững hơn. Quan điểm và chính sách chính trị của ông Phúc phù hợp với quan điểm và chính sách của ĐCSVN và nhằm mục đích duy trì sự nắm quyền của đảng đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện mức sống cho người dân Việt Nam.

Việc ông Phúc từ chức có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị và chính phủ Việt Nam. Một tác động tiềm ẩn là khả năng xảy ra đấu tranh quyền lực trong nội bộ ĐCSVN. Vào thời điểm viết bài, không rõ ai sẽ thay thế ông Phúc làm Chủ tịch nước mới. Kịch bản thứ nhất, trong đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tạm thời kết hợp chức vụ Chủ tịch nước và Tổng bí thư, giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, có thể dẫn đến sự củng cố quyền lực trong đảng. Điều này có khả năng dẫn đến việc ra quyết định hiệu quả hơn trong ĐCSVN, nhưng nó cũng có thể dẫn đến chủ nghĩa độc đoán gia tăng và thiếu sự kiểm soát đối với quyền lực của đảng.

Kịch bản thứ hai là một Ủy viên Bộ Chính trị khác được thăng chức Chủ tịch nước. Điều này có thể dẫn đến khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong ĐCSVN; nó cũng có thể mang lại những quan điểm và ý tưởng mới cho cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng có thể đặt ra những thách thức khi các phe phái khác nhau trong đảng làm quen với ban lãnh đạo mới. Ngoài ra, việc ông Phúc từ chức cũng có thể dẫn đến việc cải tổ các quan chức chính phủ và hình thành các liên minh mới trong đảng. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của Việt Nam và khả năng của chính phủ trong việc điều hành và đưa ra các quyết định quan trọng một cách hiệu quả.

Một hàm ý tiềm năng khác của việc ông Phúc từ chức là tác động đối với các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Phúc là một nhà lãnh đạo nổi tiếng và đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Với sự ra đi của ông, phương Tây có thể lo lắng khi phải tìm hiểu ban lãnh đạo mới và các chính sách của họ.

Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia độc đảng và các hành động của chính phủ nước này gắn chặt với chương trình nghị sự và các ưu tiên của ĐCSVN. Vì vậy, trong khi sự ra đi của ông Phúc có thể dẫn đến một số điều không chắc chắn, thì có khả năng là cách tiếp cận tổng thể của Việt Nam đối với quan hệ đối ngoại khó có thể thay đổi. ĐCSVN sẽ tiếp tục là cơ quan ra quyết định chính, và Chủ tịch nước sẽ phải tuân theo đường lối của đảng.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam được đánh dấu bằng sự tập trung nhất quán vào việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, cân bằng mối quan hệ với các cường quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua thương mại và đầu tư nước ngoài. Mỹ là đối tác nhất quán của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, thương mại và đầu tư, an ninh, giáo dục và y tế. Đây là cách tiếp cận nhất quán của Việt Nam trong nhiều năm, bất kể ai nắm giữ các vị trí hàng đầu.

Mặc dù việc từ chức của ông Phúc có thể dẫn đến một số bất ổn và điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng có khả năng ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục tuân thủ các chính sách đối ngoại đã được thiết lập của ĐCSVN và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước khác, đặc biệt là Mỹ, để phục vụ lợi ích của đất nước và công dân của mình.

Việc ông Phúc từ chức diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức kinh tế và xã hội quan trọng. Mặc dù là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở Đông Nam Á vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 8%, Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược dưới dạng suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn và chi phí sinh hoạt gia tăng.

Nền kinh tế của quốc gia này đã phục hồi vào năm 2022, nhờ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nhưng vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu và dễ bị tổn thương trước những thay đổi của điều kiện thị trường toàn cầu. Với các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, và trong bối cảnh bất ổn do Nga xâm lược Ukraine và Trung Quốc mở cửa trở lại, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với một số rủi ro suy giảm.

Trong bối cảnh đó, việc ông Phúc từ chức làm tăng thêm tính bấp bênh, khó lường của tình hình kinh tế Việt Nam. Việc bổ nhiệm Chủ tịch nước mới cũng sẽ là cơ hội để xem phương hướng mà ĐCSVN muốn đưa đất nước này đến đâu, và cách họ lên kế hoạch giải quyết những thách thức hiện tại cũng như định vị Việt Nam cho sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

Chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng đã làm cho nền chính trị Việt Nam trở nên thú vị và khó đoán hơn. Điều này khiến cho việc theo dõi chặt chẽ diễn biến trong những tháng tới trở nên rất quan trọng để có thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của sự kiện này đối với các chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như tương lai chính trị và kinh tế của đất nước này. Với tư cách là người quan sát, đây là một cơ hội tuyệt vời để có cái nhìn sâu hơn về bối cảnh chính trị của Việt Nam, đồng thời hiểu được những thay đổi và thách thức mà đất nước này đang phải đối mặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét