Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Bao giờ thì có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa?

 

Bao giờ thì có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa?

Nguyễn Ngọc Chu

18-2-2023

1. Thể chế chính trị Việt Nam hiện nay chia quyền lực cho 4 trụ cột: Tổng bí thư (TBT), Chủ tịch nước (CTN), Thủ tướng (TT), Chủ tịch Quốc hội (CTQH), nên không có một ai trong số đó đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa.

TBT là người có quyền lực cao nhất trong Đảng, nhưng không phải là đại diện cho quốc gia, mà chỉ đại diện cho đảng phái. Vì thế khi đi thăm các quốc gia khác, nhiều nước không tiếp đón theo nghi lễ nguyên thủ quốc gia. Thậm chí, muốn đi thăm cũng không có lý do để nguyên thủ các quốc gia khác cất lời mời. Khi đi thăm, vấn đề rải thảm đỏ, bắn đại bác chào mừng, tổ chức quốc yến… theo nghi lễ nguyên thủ đòi hỏi những đàm phán vất vả của ngoại giao. TBT cũng không điều hành bộ máy của quốc gia, không điều hành nền kinh tế của đất nước. TBT không phải là nguyên thủ quốc gia.

CTN theo danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia. Nhưng CTN không có quyền quyết định nhân sự như TBT. CTN cũng không điều hành đất nước như TT. Trên thực tế CTN ít quyền hơn TBT, ít quyền hơn TT.

TT điều hành trực tiếp chính phủ. Nhưng nhân sự chính phủ cũng không do TT quyết định mà do BCH TƯ Đảng và Bộ Chính trị quyết định. TT cũng không thực quyền điều hành chính phủ. Đi thăm các quốc gia khác, TT cũng không phải là nguyên thủ quốc gia.

CTQH điều hành Quốc hội (QH) nhưng mọi quyết định quan trọng của QH đều do Đảng quyết định trước, sau đó mới đưa cho QH thông qua để hợp lệ về thủ tục. CTQH ít quyền hơn TBT, ít quyền hơn TT.

Thực chất, Việt Nam hiện nay không có nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa.

2. Đại sa số các nước chọn ra nguyên thủ quốc gia hoặc qua thể thức bàu cử trực tiếp, hoặc qua thể thức bàu ra nghị viện, rồi nghị viện bàu ra nguyên thủ quốc gia.

Thể thức bàu cử trực tiếp là thể thức tốt nhất chọn nguyên thủ quốc gia. Bởi vì đây là thể thức đối đầu trực tiếp, mang tính được mất, sống còn. Nên nguyên thủ quốc gia chọn ra từ thể thức bàu cử trực tiếp thường là những thân hình chính trị mạnh mẽ, thông tuệ.

Thể thức bàu nguyên thủ quốc gia thông qua nghị viện có lúc mang tính thoả hiệp, nên nguyên thủ quốc gia chọn qua thể thức này ít quyết liệt, không phải ai cũng có tính cách thủ lĩnh.

Nhưng dẫu bằng thể thức nào thì nhờ tính dân chủ và minh bạch, sòng phẳng và thực chất chứ không giả hiệu trong bàu cử, các nguyên thủ quốc gia đều sắc sảo và mạnh mẽ, tuy mức độ có khác nhau.

Vị trí CTN của Việt Nam được Đảng quyết định nhân sự trước, nhưng không phải bỏ phiếu trong toàn Đảng, cũng không phải bàu cử trực tiếp ở Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà bằng sự thảo luận và quyết định của các uỷ viên Bộ chính trị. Sau đó ứng viên CTN được đưa ra để QH thông qua.

CTN của Việt Nam không được chọn theo các thể thức như đa số các nước trên địa cầu.

3. Nguyên thủ quốc gia là vị trí quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước. Nguyên thủ quốc gia là thân hình chính trị lớn nhất của một nước. Nguyên thủ quốc gia là bộ mặt của nhà nước. Nhìn vào nguyên thủ quốc gia biết trạng thái đất nước.

Một nguyên thủ quốc gia yếu không thể đại diện cho một quốc gia mạnh.

Một quốc gia mạnh không thể có một nguyên thủ quốc gia yếu.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể tự hào.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể xấu hổ.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể vui mừng.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể lo lắng.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia, có thể hy vọng.

Nhìn vào nguyên thủ quốc gia có thể bi quan.

Đất nước cần một nguyên thủ quốc gia mạnh mẽ, thông tuệ, thực quyền để thực sự có ích cho đất nước. Một ước mơ mà ở các nước được hiện thực sau mỗi nhiệm kỳ 4-5 năm. Nhưng ở Việt Nam thì đến bao giờ?

Đã nhiều thập niên Việt Nam chưa có một CTN để lại ấn tượng. Rất cần phải cải cách thể thức lựa chọn nguyên thủ quốc gia.

N.N.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét