‘Ta’ đang… vã mồ hôi vì… ‘tăng trưởng’?
Thứ nhất, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh – tự nguyện từ bỏ việc theo đuổi quyền sử dụng lô đất 3/12 ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sau khi hăm hở nâng giá trị lô đất này lên mức không tưởng (25.000 tỉ đồng, khiến giá trung bình cho một mét vuông đất tại đó đạt mức khoảng 2,4 tỉ đồng), ở một cuộc đấu giá hồi tháng trước và…Thứ hai, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC, bất chấp các qui định pháp luật hiện hành, bất kể uy tín cá nhân và tương lai của FLC nói riêng, cũng như triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi giúp ông Quyết trở thành nhân vật nằm trong nhóm giàu có nhất Việt Nam nói chung – lẳng lặng tung vào thị trường chứng khoán 74,8 triệu cổ phiếu do ông ta nắm giữ,… chứng minh những viên chức lãnh đạo các hệ thống này đã có thông tin và đang… “vã mồ hôi” về đại họa cận kề – thị trường tài chính có thể sụp đổ, vỡ nợ dây chuyền.
***
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà đầu tháng này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự lo ngại khi… “chứng khoán tăng trưởng rất mạnh” và lưu ý… “phải điều tiết để thị trường không nóng quá”, còn Bộ trưởng Tài chính thì lên án việc Tân Hoàng Minh nâng giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm hồi tháng trước là hành vi gây… “nhiễu loạn thị trường” và loan báo về việc… “tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán” (1).
Chắc chắn cũng không phải ngẫu nhiên mà đầu tháng này, Thủ tướng Việt Nam… chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan hữu trách rà soát lại những vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, chứng khoán… để điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro (2). Rồi Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước… yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp vừa tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm (3).
Tháng trước, ông Đỗ Anh Dũng không những rất tự tin mà còn tuyên bố hết sức hùng hồn, sở dĩ, ông phóng tay nâng giá đất ở Thủ Thiêm lên mức gây rúng động xã hội vì… có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước ta mới phát triển… Sự lạc quan về… tương lai giàu mạnh của nhân dân, đất nước ấy của ông Dũng chẳng khác gì nhận định của Tổng cục Thống kê về kinh tế Việt Nam.
Tuy tăng trưởng GDP của năm 2021 chỉ 2,58%, đạt chừng 1/3 mức dự kiến (6,5%) và là mức thấp nhất trong ba thập niên nhưng cơ quan thống kê của chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định đó là thành tích đáng kể nhờ… chính phủ ban hành những quyết sách kịp thời để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước “cởi trói” cho nền kinh tế để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới (4).
Thế thì tại sao ít ngày sau, Chủ tịch Quốc hội rồi Thủ tướng, rồi Bộ trưởng Tài chính công khai bày tỏ âu lo vì… “tăng trưởng” bị cho là quá… “nóng”.
Phải chăng những động tác nhằm thể hiện trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó (rà soát hoạt động của thị trường chứng khoán, bất động sản, yêu cầu ngân hàng báo cáo về cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu) là nguyên nhân khiến ông Dũng phải đảo bộ, muối mặt viết… “Tâm thư” tự nguyện từ bỏ quyền sử dụng lô 3/12 vừa giành được ở Thủ Thiêm? Ông Trịnh Văn Quyết bất chấp luật pháp và uy tín cả của cá nhân lẫn mức độ tín nhiệm của thị trường đối với FLC vội vàng “bán chui” cổ phiếu?
Trước, Tân Hoàng Minh từng nâng giá khi giành quyền sử dụng đất với các doanh nghiệp khác rồi bỏ ngang, năm sau quay lại nộp phạt là được nhận lại lô đất đã bỏ để chuyển nhượng, ông Trịnh Văn Quyết từng “bán chui” cổ phiếu của FLC thu lợi khoảng 400 tỉ và chỉ phải trả… 65 triệu tiền phạt (6)… vì sao lúc này, các cơ quan công quyền lại hành xử “rắn” hơn với cả hai?..
Sau khi Tân Hoàng Minh tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua giành quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, Bộ Công an đột nhiên tiết lộ đã âm thầm điều tra 11 dự án của Tân Hoàng Minh ở Hà Nội trước sự kiện này khoảng hai tuần, còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì nhanh chóng hủy kết quả giao dịch các cổ phiếu bị “bán chui”, tiến hành phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Quyết…
***
Đầu tháng trước FiinRatings – một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam – phát cảnh báo về năng lực trả nợ cho trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết (cổ phiếu chưa được phép đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán). Khác với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng thư vay tiền, xác định cụ thể mức lãi phải trả trong một khoảng thời gian cụ thể và phải hoàn vốn vào thời điểm cụ thể.
Theo FinnRatings, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành. Đa số doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết bán trái phiếu của họ cho các ngân hàng, công ty chứng khoán, có hoặc không có thế chấp hay được bên thứ ba bảo lãnh… và: Năng lực trả nợ của những doanh nghiệp này hiện ở mức rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động (7).
Không chỉ FinnRatings, một số chuyên gia kinh tế – tài chính xem tình trạng phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn là… “bom nổ chậm”. Trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Lê Đạt Chí làm việc tại Đại học Kinh tế TP.HCM lưu ý, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tính đến tháng 9/2021 khoảng 443.100 tỉ đồng và phần lớn không được các ngân hàng bảo lãnh thanh toán mà chỉ bảo lãnh phát hành (cam kết mua số trái phiếu còn dư nếu không phát hành hết).
Nhiều nhà đầu tư tin phía bán (ngân hàng, công ty chứng khoán) nên mua trái phiếu doanh nghiệp chứ không biết gì về doanh nghiệp phát hành trái phiếu – nơi vay tiền và đó là nguy cơ trái phiếu trở thành “rác” vì doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư lãnh đủ, ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ phát hành trái phiếu để nhận hoa hồng chứ không chịu trách nhiệm.
Do thiếu kiểm soát nên vào lúc này, không hiếm chuyện doanh nghiệp huy động cả trăm, cả ngàn tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu nhưng không có nơi nào giám sát nguồn tiền đó được sử dụng thế nào, có đúng mục đích không, thậm chí tất cả dự án đều là ảo. Bởi có dấu hiệu khoản tiền vay thông qua trái phiếu lớn hơn nhiều lần so với tài sản thực của doanh nghiệp, ông Chí kêu gọi chính phủ chú ý trừ… sâu” (8)…
Sau sự kiện Tân Hoàng Minh rũ bỏ quyền sử dụng lô 3/12 ở Thủ Thiêm, tờ Người Đưa Tin cho biết, trong tháng trước, ba doanh nghiệp có liên quan đến Tân Hoàng Minh là SunValley, Bách Hưng Vương và Wealth Power đã thu về 9.400 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu nhưng theo VBMA (Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam), trong các bản công bố của cả ba thiếu tất cả thông tin cơ bản như: Mục đích, lãi, trái chủ, những nơi tham gia thu xếp, tài sản bảo đảm (9)…
Chú thích
(5) https://tienphong.vn/nhung-lan-quay-xe-bo-coc-dau-gia-cua-tan-hoang-minh-post1409108.tpo
(6) https://vnexpress.net/chu-tich-flc-bi-xu-phat-65-trieu-dong-3668779.html
(8) https://tuoitre.vn/ngan-bom-no-cham-trai-phieu-doanh-nghiep-20211206090719906.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét