Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Mê thành tích và mê chế nhạo

 

Mê thành tích và mê chế nhạo

Khải Đơn

11-1-2022

Ông chủ tịch nước nói ước đến một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel văn chương. Ngay sau đó những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ và trí thức liền chế nhạo ông.

Mê thành tích và mê chế nhạo là hai cảm hứng chủ đạo của nền văn học Việt Nam. Mê thành tích ở chỗ quan chức rất thích lôi Nobel ra nói, kiểu cứ nghĩ đến giải thưởng để đời quyết là Nobel hay giải thưởng Hồ Chí Minh. Mê thành tích ở chỗ hễ nghe nói ông Viet Thanh Nguyen đạt giải Pulitzer là cả cõi mạng nhận anh con dân Việt. Bạn Ocean Vuong có giải thơ xong sau đó cũng được tung hô quáng quàng. Được ba bữa, không còn ai nói gì về sách ông Viet Thanh Nguyen viết nữa. Cũng không ai nói gì về thơ bạn Ocean Vuong cả.

Tôi hiểu thấm thía “hệ sinh thái sáng tạo” khi đến Mỹ học. Trong chương trình, khoa có mời một nhà thơ ở San Francisco, người da đen và làm nhân viên xã hội, thường xuyên đối diện với hoàn cảnh học sinh người nhập cư. Nhà thơ đó nói anh rất yêu thơ Ocean Vuong và anh cố gắng tập viết về những gì anh chứng kiến ở học trò anh gặp, giống như Ocean viết. Tôi gặp những trả lời này rất nhiều ở trường. Thỉnh thoảng có một bạn viết một bài, và bạn nói bạn học được từ truyện ngắn của ông Viet Thanh Nguyen cách nhân vật thường tiết chế cảm xúc và cách ông vận hành câu văn chừng mực đến khi cảm xúc đè nén bị bật ra.

Những đối thoại như vậy, không có môi trường viết nào ở Việt Nam cho phép những người thích đọc, thích viết học tập, tìm kiếm niềm đam mê của họ và hình thành khát vọng viết lớn hơn. Nhưng hễ có ai có giải thưởng to thì ầm xèng cả xóm, cũng giống như ngày xưa anh trạng đi thi về cả làng dí theo hoan hỉ.

Rồi ai về nhà nấy, hết chuyện. Cơn hăm hở giải thưởng kéo dài đâu chừng một tuần.

Rồi phải kể đến chuyện mê chế nhạo văn chương, thơ ca. Tôi từng ngồi ở một số đối thoại văn chương với những người viết lớn tuổi hơn mình. Không khí đối thoại vô cùng độc hại. Hoặc là họ kể chuyện thằng nhà văn này ngủ với con nhà thơ kia. Hoặc là họ chê thằng này viết như lol con kia viết có gì hay. Hoặc là họ nhậu say tới chết mê chết mệt. Trong đám người to tát và có tên tuổi đó, nhà thơ thường là sinh vật bị đem ra chế giễu.

Chắc bạn cũng nghe nhiều câu như “Xin vui lòng bỏ dép… và thơ ở ngoài cửa”, hoặc “một đất nước tám trăm triệu thằng nhà thơ”. Hồi đó, tôi chẳng làm thơ gì, nhưng nghe những đối thoại như rắn độc đó thì thấy sợ hãi. Rồi ai mà còn đủ can đảm để sáng tác trong bối cảnh chưa sáng tác đã thấy mình như rác thải như vậy?

Tôi chỉ bắt đầu viết thơ khi tới Mỹ học. Không khí nó như vầy. Tôi hỏi giáo sư em cần phải học cách cấu trúc câu và hình ảnh, vì em chưa biết làm. Giáo sư nói, vậy em đăng ký một khóa học viết thơ đi. Có thể em sẽ không viết thơ đâu, nhưng khóa học sẽ giúp em hiểu cách kiến tạo hình ảnh và sử dụng ngôn từ chuyển tải hình ảnh. Với thầy, thơ ở đây là một kỹ thuật ngôn từ và hình ảnh ở cấp độ chi tiết, hoàn toàn có thể giúp người viết ở các thể loại khác.

Sau đó tôi gặp trong lớp những bạn học không bao giờ ngừng khuyến khích. Họ chỉ cho tôi biết tôi đang sử dụng một từ chưa hợp ra sao, họ giải thích cặn kẽ từ đó còn có hàm ngôn gì mà tôi chưa biết. Họ gợi ý cho tôi tác giả viết chủ đề tương tự mà tôi có thể đọc thêm. Trong suốt quá trình đối thoại hơn một năm đó, giáo sư đứng đằng sau như người lớn quan sát đứa bé tập đi, khi nào nó sắp ngã thì đỡ, hoặc có khi nhìn nó mạo hiểm tưởng sắp ngã thật nhưng lại phát hiện ra điều gì đó mới mẻ. Và ông đem những thứ đó lên lớp khoe với cả lớp như thành tựu của từng đứa.

Không có ai ở đây nói tôi nên bỏ thơ và dép ngoài cửa. Bạn cùng lớp ép tôi viết mỗi tuần, cho tôi sách đọc, sửa bài cùng tôi. Tụi tôi ra vườn hồng đọc thơ cho nhau nghe, có mấy đứa mang đồ ăn theo để… cổ vũ cho tụi đem thơ tới đọc.

Tôi học cách tôn trọng cảm xúc của người khác, học cách tin rằng bài thơ ta viết có thể không phải tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng nó là hành trình cần thiết, là cuộc làm việc ta phải thực hiện liên tục nếu muốn có thứ gì đó tốt hơn ra thành hình.

Thầy không dạy chúng tôi ngồi uống tới say mèm để sáng tác. Thầy cũng không bảo chúng tôi phải ngủ với tất cả bạn cùng lớp để thấy tình yêu hủy diệt ra sao. Thầy bắt chúng tôi tìm hiểu về chủ đề mình muốn viết, thầy ép chúng tôi thách thức bản thân trong câu chữ và hình ảnh. Thầy yêu cầu chúng tôi thấy mỗi trang viết như từng bước chân trong hành trình dài. Hành trình đó đầy phẩm giá, xứng đáng được viết ra, và xứng đáng để ta tự thử thách mình và bứt khỏi giới hạn cũ.

Gần đây tôi nhận thức rõ ràng hơn về sự độc hại của những đối thoại chế nhạo văn chương hay thơ ca ở Việt Nam. Thật thú vị là nó đến từ miệng của chính những người viết gạo cội và có tên tuổi. Nhóm người này là chủ đạo của diễn ngôn nghệ thuật của cả làng nghệ thuật. Tôi không ao ước được đứng vào hàng ngũ của những tên tuổi như vậy – những người muốn phá bỏ niềm yêu trang viết từ trước khi nó hình thành trong tâm trí người viết non nớt.

Tôi viết bài này chỉ muốn nói rằng, nếu bạn rất yêu viết, hãy đi tiếp hành trình đó và tìm những người muốn đi cùng bạn. Hãy dũng cảm rũ bỏ những định kiến đầy ác ý đang giăng mắc khắp nơi hòng bóp ngạt thở con đường mới chông chênh của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét