Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 4)
Lê Thiên
14-1-2022
Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3
VI. Những sự kiện xác minh cái nhìn tinh tế của Chính Đề Việt Nam
Chuyện dài hải đảo Việt Nam
* Công hàm 1958, một thứ ơn đền nghĩa trả nhục nhã!
Bốn năm sau Hiệp định Genève, Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN đã đền ơn viện trợ và công lao của Trung Cộng bằng một văn kiện bán nước vô cùng nhục nhã cho dân tộc Việt Nam. Đó là bản Công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký.
Ngày 4/9/1958 Trung Cộng đưa ra Bản Tuyên Bố khẳng định, Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc thì hai hôm sau, ngày 6/9/1958, tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, đưa ra bài tường thuật rất chi tiết về Bản Tuyên Bố ấy và nói rõ như một lời tuyên bố chính thức của Cơ quan Đảng Ủy cấp cao nhất CSVN, rằng “kích thước lãnh hải của nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của phía Trung Hoa, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa”.
Chỉ 10 ngày sau phát súng lệnh của Trung Cộng và 8 ngày sau khi báo Nhân Dân dọn đường, thì ngày 14/9/1958, Phạm Văn Đồng ký Công hàm bày tỏ sự quy phục của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo đối với quyết định của Trung Cộng. Tập đoàn CSVN công khai khước từ chủ quyền của Việt Nam trên hai hải đảo ấy, một chủ quyền mà sử sách đã khẳng định từ hàng trăm năm về trước, và bao thế hệ đã đổ cả máu ra để bảo vệ.
CSVN bưng bít Công hàm ấy ngót 2 thập niên, cho đến năm 1977, khi bị lộ, Phạm Văn Đồng chỉ lên tiếng chống chế ỡm ờ và vô trách nhiệm: “Đó là thời kỳ chiến tranh, nên phải nói như vậy”.
Công hàm 1958 đâu phải là lời nói [“nói như vậy”] như Phạm Văn Đồng phân bua, cũng không phải là một “bức thư” trao đổi riêng tư như nhà ngoại giao CS “lão thành” Lưu Văn Lợi biện hộ.
Nó là một văn kiện chính thức mang tính quốc gia với giá trị thuộc tầm vóc quốc tế mà Trung Cộng luôn dùng nó làm bằng chứng, một văn kiện đã được “thăm dò” rất chu đáo từ năm 1956 qua lời tuyên bố của Thứ trưởng ngoại giao (VNDCCH) Ung Văn Khiêm khi tiếp ông Li Zhimin, xử lý thường vụ Toà Ðại Sứ Trung Cộng tại Việt Nam, rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam (?), hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”.
Ông Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao VNDCCH, cũng có mặt chứng kiến lời tuyên bố của Ung Văn Khiêm, đã cung cấp thêm lời xác nhận rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Tống” (!?)
Tính chất lưu manh của Trung Cộng được bộc lộ ở đây: Họ tìm cách trói buộc lời phát biểu của hai “đồng chí” Khiêm và Lộc thành một cam kết giấy trắng mực đen từ phía nhà cầm quyền CSVN. Công hàm 1958 tạo cơ sở pháp lý cho Trung Cộng đạt mục tiêu đánh cướp cả quần đảo Hoàng Sa năm 1974 lẫn mấy đảo của quần đảo Trường Sa hồi năm 1988!
Chưa hết! Công hàm 1958 còn được CSVN xác lập bằng một văn kiện khác – đó là bản Tuyên bố năm 1965 như ông Lưu Văn Lợi tiết lộ sau đây.
* Lưu Văn Lợi tuyên dương tình đồng chí anh em
Lưu Văn Lợi là một nhà ngoại giao kỳ cựu của CSVN, từng tham gia hòa đàm Paris với tư cách trợ lý của Lê Đức Thọ và Xuân Thủy (1972-1973), sau đó là Trợ lý Bộ Ngoại giao CSVN, rồi Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989).
Trong quyển sách nhan đề “CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA” do Nhà xuất bản CÔNG AN NHÂN DÂN xuất bản năm 1995 (Chương V), ông Lợi thú nhận: “Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1965 … hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây Sa là có thật”.
Liền sau lời thú nhận “là có thật” này, ông Lợi lại biện minh rằng, “đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”. Nhưng ông Lợi chẳng đưa ra một luận chứng nào có giá trị để bảo vệ ý kiến của ông ta. Ông ấy chỉ xoay quanh cái trục “tình đồng chí và nghĩa vụ quốc tế” của CSVN đối với CS Trung Quốc, cho rằng “mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’, trong ý nghĩa ‘Trung-Việt nhất gia’ (Trung Quốc- Việt Nam, anh em một nhà), do đó coi bản công hàm đó là biểu hiện của tình hữu nghịTrung-Việt”.
Dù cố gắng biện minh cách nào, kể cả dùng chữ “bức thư” thay cho tên gọi của văn kiện là CÔNG HÀM, Lưu Văn Lợi cũng để lộ cái ý đền ơn trả nghĩa viện trợ mà ông Ngô Đình Nhu đã soi thấu suốt từ 50 năm về trước.
Ông Lợi viết: “Việt Nam lại là một nước xã hội chủ nghĩa, một nước láng giềng anh em, ‘núi liền núi, sông liền sông’ với Trung Quốc.Trong tình hình đó, Trung Quốc trở thành đồng minh trên thực tế của Việt Nam về chính trị, tinh thần và vật chất. Họ đã gửi sang Việt Nam vũ khí, đạn dược, lương thực, xe cộ và dành con đường quá cảnh cho hàng viện trợ của Liên Xô và Đông Âu và các nước khác. Người Việt Nam và Trung Quốc coi quan hệ giữa hai nước như “môi với răng”.
Từ lý luận “môi-răng” trên đây, Lưu Văn Lợi kết luận rằng, cả Công hàm 1958 lẫn các lời tuyên bố cùng các văn kiện sau đó của phía CSVN với Trung Cộng chính là một biểu hiện của “tình đoàn kết quốc tế,” là “bổn phận ơn đền nghĩa trả” của Việt Nam đối với người đồng-chí-anh-em-răng-môi mà CSVN phải thực thi!
Mặc dù quanh co bao biện cho phe đảng, Lưu Văn Lợi cũng đã phải nhìn nhận rằng Việt Nam Cộng Hòa đã “kiên quyết bảo vệ hai quần đảo chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của Bắc Kinh”. Đồng thời Lưu Văn Lợi cũng không quên tuyên dương “Chính phủ Việt Nam cộng hoà đã bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình tại các hội nghị và tổ chức quốc tế”.
Sự công nhận quá muộn màng ấy của một cá nhân Lưu Văn Lợi hồi năm 1995 chẳng nói lên được gì, bởi vì từ 20 năm trước đó, năm 1974, tập đoàn CSVN tại Hà Nội chẳng những không có một lời phản kháng mà còn ngầm tán dương, cổ xúy Trung Cộng tàn sát Hải quân VNCH để cướp đoạt Hoàng Sa.
* Nguyễn Mạnh Cầm ca ngợi nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị
Trước ông Lưu Văn Lợi, ngày 2 tháng 12 năm 1992, ông Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN, nhân buổi họp báo tại Hà Nội, cũng đưa ra những lý luận quái gở mà Thông tấn xã CS Việt Nam đã đăng tải ngày 3 tháng 12 năm 1992: “Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa[thuộc về Trung Cộng] như vậy là do theo hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này”.
Đem Hiệp định Genève để biện hộ tức là tự tố cáo mình vậy. Cộng sản VN từng rêu rao rằng, Hiệp Định Genève tạm chia hai miền Nam Bắc, chứ đâu biến Việt Nam thành hai quốc gia tách biệt nhau. Hồ Chí Minh cũng luôn mồm “Nước Việt Nam là một”.
Không dùng khẩu hiệu đó, không lợi dụng danh nghĩa đó, HCM và tập đoàn CSVN có lôi kéo được người Việt nào theo họ không? Vì trót nghe lời tuyên truyền đường mật đầy xảo quyệt của Hồ Chí Minh và CS Bắc Việt, một số “nhân sĩ, trí thức” Miền Nam Việt Nam đi theo CS, để rồi sau này ân hận thì đã muộn (như Nguyễn Hộ, Trương Như Tảng, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, Lê Đình Mạnh…)
Ông Cầm còn biện bạch: “Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị. Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc”.
Lại nại tới “tình hữu nghị thắm thiết”, nại tới “nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị”. Không còn cách nào, phẩm vật nào khác để đáp lại “tình hữu nghị thắm thiết” ấy sao? Không còn cách nào, phẩm vật nào khác để tạ lễ “nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị” ấy sao? Thì ra “người anh em Trung Quốc” không cần phẩm vật nào khác ngoài lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Ý đồ ấy ông Ngô Đình Nhu đã thấu suốt và đã báo động từ lâu.
Mang lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc để dâng cúng như là món nợ ơn nghĩa phải đền trả, và tệ hơn nữa, như bảo chứng của “tình hữu nghị thắm thiết” đã là một hành vi phản quốc khó tha thứ. Lại còn cho rằng hành động ấy “theo quan điểm của lãnh đạo ta là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc” thì cái tội phản quốc của tập đoàn CSVN đáng phải nhân lên gấp bội!
Lời biện minh ấy làm nổi bật sự mâu thuẫn cả trong suy nghĩ lẫn trong hành động của CS Bắc Việt thời đó: Âm mưu trao bán biển đảo của Việt Nam cho Tàu Cộng chỉ với ý đồ nhận được vũ khí cùng các loại quân trang quân dụng từ Trung Cộng hầu đánh cướp các phần lãnh thổ khác ở Miền Nam Việt Nam!
Ông Nguyễn Mạnh Cầm còn đưa ra một lý luận khác khá hồ đồ. Ông nói: “Đặc biệt, việc này[việc Công hàm 1958 nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng] còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả”. Tạm công nhận ư? Giờ đã lấy lại được chưa?
Về Công hàm 1958, Nguyễn Mạnh Cầm còn lớn tiếng ngụy biện: “Lãnh đạo ta tạm công nhận như thế!”
Xin lỗi! Đâu thấy có chữ “tạm” hay hàm ý “tạm” nào trong nội dung Công hàm 1958? Nói thế là nói láo, nói bừa, lấp liếm để chạy tội! Đểu cáng thật! Nhưng một điều mà ai cũng đọc thấy trong lập luận của Nguyễn Mạnh Cầm, đó là mọi quyết định đều do “lãnh đạo ta” (tập thể lãnh đạo CSVN), chứ chẳng có ông Đồng, ông Khiêm hay ông Lộc nào chịu trách nhiệm ngoài cái tập đoàn đảng trị là Đảng CSVN!
* Lê Công Phụng trải thảm đỏ… biên giới – thước sông, tấc đất
Ông Lê Công Phụng, người trước đây trực tiếp đàm phán với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ và lãnh hải, sau đó là Đại sứ CSVN tại Mỹ, đã có một kiểu trả lời khá hợm hĩnh với nhà báo Lý Kiến Trúc (chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa, từ quận Cam, California). Ngày 25-9-2008, ông Lý Kiến Trúc trả lời đài RFA, dẫn lời đại sứ Lê Công Phụng, nói về vấn đề lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc, như sau:
“… Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý, và căn cứ lịch sử để khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam… Nhưng mà cũng có thấy một điều là đất nước mình bên cạnh Trung Quốc. Ông cha đặt mình ở đấy thì mình phải ở đấy. Sống bên cạnh nước lớn thì phải biết cách sống”.
Phụng nói thêm: “Cha ông chúng ta đánh cho phong kiến Trung Quốc thua, mình còn phải cấp gạo, cấp lương thực, cấp vàng, cấp ngựa cấp xe cho chúng đi về, phải trải thảm đỏ cho chúng đi về. Đấy là kinh nghiệm của ông cha sống bên cạnh xứ láng giềng lớn, thì mình cũng phải học theo các cụ”.
Lê Công Phụng viện lý do lịch sử cha ông chúng ta đã trải thảm đỏ (?) cho bại quân xâm lược phương bắc đi về, để từ đó biện minh cho việc tập đoàn CSVN “trải thảm đỏ” rước giặc phương bắc xâm lấn bờ cõi nước ta, đột nhập và cướp đoạt ngôi nhà mà tổ tiên ta đã gầy dựng và gìn giữ bằng xương máu. Biểu thị lòng yêu nước bằng cách đó sao?
Hành động của CSVN ngày nay chứng minh lời báo động của ông Ngô Đình Nhu về cái họa tập đoàn CSVN xây bệ tiến cho Trung Cộng xâm lược Việt Nam là lời cảnh báo xác thực.
Trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 25/9/2008, nhà báo Lý Kiến Trúc thuật lại lời ông Lê Công Phụng: “Liên quan đến các điểm cao, tôi cũng muốn nói với các vị rằng là năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam kết thúc thì cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ. Trung Quốc giữ lại, chiếm đất của Việt Nam khoảng độ 27 điểm, trong đó hầu hết là các điểm cao… cuối cùng còn lại 6 điểm cao… chúng ta đưa đường biên giới chạy lên giữa các điểm cao đó”.
Vừa bảo rằng “cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ,” sau đó lại bảo rằng Trung Cộng còn chiếm giữ 27 điểm, và xuống còn 6 điểm! Nếu Trung Cộng không giữ hết 27 điểm họ đã đã đánh chiếm năm 1979, thì ít ra họ cũng còn bám trụ ở 6 điểm! Như vậy quân Trung Cộng thắng chứ đâu bại hay hòa đối với Việt Nam!
Đố dân mình có ai biết diện tích của 6 điểm ấy là bao nhiêu? Vâng! Trung Cộng đã liếm đất biên giới của ta và thè dài cái “lưỡi bò” liếm trọn vùng lãnh hải của ta. Nhưng chúng chưa hài lòng. Đất đai nội địa của ta, chúng cũng dòm ngó! Vụ dự án Bauxite Tây Nguyên nằm trong ý đồ ấy! Thế nhưng, mặc kệ mọi lời phản kháng hay góp ý từ nhiều giới, nhiều thành phần người dân trong nước, CSVN vẫn trước sau như một, tiến hành dự án này và để cho Trung Cộng đưa người của họ ồ ạt xâm chiếm.
Chúng ta không quên lời nhắc nhở của Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm rằng, cao nguyên là vị trí chiến lược then chốt quan trọng nhất nước, ai chiếm được Tây Nguyên, là chiếm được cả nước Việt Nam!
* Trần Quang Cơ – Một lời nhìn nhận muộn màng
Nhân thuật lại việc Tổng Bí thư CSVN Đỗ Mười và Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt thăm chính thức CHND Trung Hoa ngày 5 đến 10/11/1991“để hoàn thành việc bình thường hoá mối quan hệ bị trục trặc lớn từ tháng 2/79”, trong cuốn “Hồi Ức và Suy Nghĩ” (viết xong ngày 23.1.2001, hoàn chỉnh ngày 22.05.2003) ở cuối chương 18, cựu Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Trần Quang Cơ đã cay đắng kể lại: “Trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc ‘bảo vệ CNXH chống đế quốc’thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu’ (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau)”.
Một phần nào tương tự cái nhìn của tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam từ 50 năm về trước, ông Trần Quang Cơ cũng mạnh mẽ tố cáo mưu đồ lấn chiến của Trung Cộng: “Trung Quốc nói thế, song luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta”.[1]
Ông nhấn mạnh: “Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam”.
Ông Cơ còn quả quyết: “Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng”.(Trần Quang Cơ: Hồi Ức và Suy Nghĩ – Phụ lục – NHỮNG THÁCH THỨC…).
Cuối cùng, ông Trần Quang Cơ cảnh báo tập đoàn CSVN: “Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc”.
Ông Cơ nhắc khéo họ: “Thế giới cũng như các nước khu vực đều coi Mỹ là đối trọng có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc. Cũng vì thế Trung Quốc rất không muốn Mỹ cải thiện quan hệ và đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam”.
Lời tiên đoán và cảnh báo trước của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam đã được chính những “nhân vật có tai mắt” của chế độ CSVN xác minh. Tiếc thay! Do bị đè nặng bởi sức ép của tâm lý “quốc thuộc”, cộng với mặc cảm “đảng thuộc” đối với Trung Cộng, người CSVN mất hết ý thức và khả năng lựa chọn, hầu bảo vệ lợi ích và lãnh thổ của dân tộc trước một kẻ thù hung hãn và đầy mưu lược đang từng ngày, từng giờ âm mưu thôn tính đất nước Việt Nam mà chúng đã dòm ngó và manh nha cướp đoạt từ hàng ngàn năm qua!
______
[1] Khi lên tiếng cảnh báo Trung Cộng là hiểm họa to lớn và triền miên đối với nước ta, từ lãnh hải tới biên giới và nội địa (2001), ông Trần Quang Cơ đã rời khỏi BCH TƯ Đảng CSVN vào cuối Tháng 11/1993.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét