Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 3)
Nguyễn Đình Cống
1-1-2022
4- Phần II (A): Vị trí của VN trong khung cảnh thế giới trình bày ở phần trước
Tùng Phong đưa ra 4 điểm:
1- VN là nước nhỏ kém mở mang.
2- Theo truyền thống văn hóa, VN thuộc xã hội Đông Á.
3- VN thuộc khối các nước châu Á vừa thoát khỏi ách thực dân, đế quốc.
4- VN đang cần Tây phương hóa để bảo vệ độc lập, phát triển kinh tế, hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.
Về điểm 1: Là nước nhỏ kém mở mang nên lâm vào tình trạng: 1- Thiếu kỹ thuật, 2- Lợi tức quốc gia kém, 3- Mức sống nhân dân thấp, 4- Việc mưu sinh chiếm hết nhiều thời gian, 5- Sự sáng tác kém giá trị và không có đóng góp gì cho văn minh thế giới. Những điều này tạo nên vòng luẩn quẩn. Phải tìm cách phá bỏ vòng đó.
Về điểm 2: VN thuộc xã hội Đông Á. Vì lý do địa lý và lịch sử nên TPH sẽ gặp trở ngại. Phải nhận rằng TPH không làm mất bản chất dân tộc.
Về điểm 3: VN vừa thoát khỏi ách thực dân, đế quốc. Họ có hai loại. Đế quốc kiểu Anh nghĩ tới ngày trả lại độc lập cho bản xứ nên quan tâm đào tạo người thay thế. Đế quốc kiểu Pháp, Hà Lan, Bỉ không nghĩ như thế, không làm thế. VN đã phải chịu tai họa đó. Vì vậy sau khi giành độc lập, người Việt, trừ một số rất ít đã tự học hỏi để chế ngự ngành hoạt động của mình, còn số đông là những người mang nặng các khuyết điểm như kiến thức rời rạc, kém khả năng tổng hợp, tâm lý vô trách nhiệm, chỉ quen làm tay sai, quan liêu.
Vì bị làm thuộc địa, rồi đấu tranh giành độc lập nên VN lâm vào cảnh “Lãnh đạo quốc gia bị gián đoạn”. Khi lãnh đạo QG được liên tục do chuyển giao trong hòa bình thì mới có thể gìn giữ, nối tiếp những bí mật, những truyền thống tốt đẹp, rất cần để phát triển (ý mới). “Chế độ độc tài hay quân chủ chuyên chế hoàn toàn bất lực trong việc bảo đảm một sự lãnh đạo QG liên tục”.
Về vấn đề tình trạng bị gián đoạn hoặc liên tục của lãnh đạo quốc gia, Tùng Phong đã viết khá dài những nhận định chung, tình trạng của VN và của một số nước như Anh, Nga, và đặc biệt là Nhật, Thái Lan, Trung Quốc.
Khi thay đổi đường lối lãnh đạo quốc gia (chúng ta gọi là đổi mới tư duy), Tùng Phong cho rằng “Người lãnh đạo (LĐ) phải thay đổi tư tưởng hay là phải thay đổi người LĐ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng không bao giờ người LĐ thay đổi tư tưởng trong lúc đang ở trong không khí hành động, bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ phải mất rất nhiều thì giờ nghiền ngẫm mới đi đến triết lý chính trị mà họ chủ trương… Vì vậy, cho nên yêu cầu một người LĐ thay đổi tư tưởng khi đang hành động là một việc không bao giờ thực hiện được… Như vậy chỉ còn cách là thay đổi người LĐ” – (Trùng ý).
Bình luận: Tôi cũng từng nghĩ như Tùng Phong, không thể yêu cầu người LĐ thay đổi tư tưởng. Với mỗi người “đổi mới tư duy” là do họ, sau khi tiếp nhận những tư tưởng mới, tự biết mình đang lạc hậu, tự mình thay đổi, chứ không ai thay đổi được họ. Với tổ chức thì “đổi mới tư duy” là dùng người có tư duy mới thay cho người có tư duy cũ, không nên tin vào lời nói của một số người rằng “Tôi xin hứa sẽ đổi mới tư duy”.
Tuy vậy, tôi cũng nhận thấy một số trường hợp rất đặc biệt là người LĐ, do một tác động đột xuất và mạnh mẽ nào đó mà “NGỘ” ra được những sai lầm của triết lý đang theo đuổi. Phải chăng ông Trường Chinh trước Đại hội 6 của Đảng CSVN là một thí dụ. Thế rồi Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã triệt hạ Trần Độ và Trần Xuân Bách. Phải chăng đất nước đang gặp vận Thiên Địa-Bỉ. (Ngưng bình luận).
Vì người LĐ quốc gia không thỏa mãn được những yêu cầu cấp thiết của cộng đồng nên đẩy xã hội đến tan rã. Đó là một trạng thái khắc nghiệt.
Về điểm 4: VN cần Tây phương hóa để phát triển dân tộc
Tùng Phong đã điểm qua sự TPH của Nhật, Nga. Về Ấn Độ, một thời gian Ghandi bài xích Tây phương, nhưng rồi họ cũng tiến hành TPH để phát triển.
Tùng Phong đi đến kết luận: “Công cuộc phát triển dân tộc chúng ta bằng cách TPH là một sự kiện lịch sử dĩ nhiên, không thể tránh được, và ngoài công cuộc phát triển ấy ra, dân tộc chúng ta không còn một lối thoát thứ hai… Tất cả mọi người VN chúng ta đều phải quả quyết tin rằng chúng ta cần phải dốc hết nổ lực để thực hiện công cuộc phát triển dân tộc, bằng cách TPH xã hội chúng ta một cách toàn diện mà không do dự”. Tùng Phong còn cho rằng, TPH phải toàn diện vì TPH có giới hạn nhất định sẽ thất bại.
Bình luận: Kết luận như vậy có phần cực đoan, nhất là về hình thức. Khi nói “Tây Phương” thì ngụ ý nhiều đến con người hơn là địa lý. TPH có nghĩa là học và làm theo người Tây phương. Đức Phật có dạy “Y PHÁP BẤT Y NHÂN” có nghĩa là học theo PHÁP chứ không theo NGƯỜI. Cách nói “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” hơi dài mà cũng chưa bao quát, phải chăng gọi ngắn gọn là “Hiện đại hóa” là tạm ổn vì trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực. Cho rằng không có lối thoát thứ hai và TPH có giới hạn nhất định sẽ thất bại cũng là vội vàng. Mà nhấn mạnh TPH thì còn phải tìm cách tháo gỡ đặc điểm của xã hội Đông Á, có nền văn hóa đặc thù – (Ngưng BL).
Tùng Phong có đưa ra những lập luận để chứng minh rằng, đã TPH thì phải toàn diện, ở mức đủ cao, tuy vậy những chứng minh đó chưa hoàn toàn chặt chẽ.
Tùng Phong đưa ra ví dụ về nước Nga, trước đây tuy Nga có TPH được phần nào về khoa học kỹ thuật nhưng không toàn diện nên may nhờ có dân đông mới trụ vững. Mãi sau này Nga mới hiểu được để TPH toàn diện, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Ông viết: “Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ thu nhập được kỹ thuật mới của Tây phương là đủ bảo vệ nền văn minh cũ”. Không phải như vậy, mà: “Nếu chúng ta thâu nhập một kỹ thuật mới của Tây phương thì chúng ta phải thâu nhập toàn bộ kỹ thuật của họ”. Đầu tiên là khả năng sáng tạo kỹ thuật.
Tây phương hóa đến mức độ đủ cao là thiết yếu, nhưng vô cùng khó khăn, “nó đòi hỏi ở toàn dân những nỗ lực lớn lao và những hy sinh nặng nề”.
Về độc lập dân tộc: Đã có nhiều hy sinh để giành độc lập, nhưng theo Tùng Phong thì: “Độc lập không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là một điều kiện khẩn thiết… để có thể phát triển được dân tộc” – (ý trùng). Mà phát triển dân tộc không gì hơn là TPH. Ông nhận xét rằng, một số dân Việt tập hợp lại dưới cờ Cộng sản chính là vì độc lập dân tộc và đặt câu hỏi: “Khi bước sang giai đoạn phát triển dân tộc, sự quy tụ dưới cờ CS có phải là một hành động lợi ích cho dân tộc không?”
Bình luận: ĐCSVN lãnh đạo toàn dân đấu tranh để được độc lập và thống nhất phải chăng là để đem học thuyết của họ áp đặt lên toàn bộ dân tộc, việc họ nói vì tự do và hạnh phúc của nhân dân chỉ là để tuyên truyền – (Ngưng bình luận).
Tùng Phong nêu vấn đề: “Nếu chúng ta phải thực hiện cuộc TPH toàn diện và đến mức độ cao thì liệu bản chất dân tộc chúng ta có tồn tại nữa không? Và nếu sau cuộc TPH mà bản chất dân tộc bị mất thì nó có đáng để chúng ta theo đuổi… và như vậy thì chúng ta TPH để bảo vệ cái gì?”
Nêu ra như thế rồi, ông lần lượt chứng minh là TPH chủ động không thể làm mất bản sắc dân tộc. Còn nếu bị ép buộc TPH thì có thể mất cả bản sắc dân tộc mà có nguy cơ mất cả độc lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét