Đất Thủ Thiêm – lớp mới của vở kịch chưa có hồi kết
Tuy Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp và cá nhân vừa tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức, TP.HCM (1) nhưng chưa rõ NHNN có công bố những thông tin họ được báo cáo hay không? Dựa trên những thông tin này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ làm gì?
Nếu các thông tin liên quan đến quan hệ giữa một số ngân hàng với các khách hàng tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sớm được công bố (đã vay – cho vay – hứa cho vay bao nhiêu, mục đích vay – cho vay – hứa cho vay là những gì, tổng nợ có phân loại chi tiết về nợ gốc, nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ, phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay không,...), chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều yếu tố hết sức… thú vị mà không cần phải chờ đến đầu tháng 4 – thời điểm mà về nguyên tắc, các doanh nghiệp đã thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm phải nộp đủ tiền (cả tiền sử dụng đất lẫn lệ phí trước bạ đối với phần đất được sử dụng cho mục đích thương mại): Ngôi Sao Việt phải nộp đủ 25.000 tỉ, Bình Minh phải nộp đủ 5.256 tỉ, Sheen Mega phải nộp đủ 4.000 tỉ, Dream Republic phải nộp đủ 4.320 tỉ.
***
Kết quả cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái từng làm dư luận rúng động vì kết quả vượt xa khả năng tượng tượng của tất cả các giới, kể cả phía tổ chức đấu giá. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thú thật, nơi này chỉ nghĩ tới chuyện có thể bán được bốn lô đất ấy với giá gấp đôi giá khởi điểm, không dè có doanh nghiệp tham gia đấu giá dám trả cho… lô 1 gấp 6,6 lần giá khởi điểm, lô 2 gấp bốn lần giá khởi điểm, lô 3 gấp bảy lần và lô 4 hơn mười lần giá khởi điểm (2).
Cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm đã khiến giá đất đô thị ở Việt Nam trở thành cao nhất thế giới. Ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh, chủ Ngôi sao Việt tuyên bố, đại ý: Sở dĩ Tân Hoàng Minh nâng giá đất lên cao như thế là vì… muốn tất cả tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển. Theo ông Dũng: Chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước ta đẹp và giàu mạnh về kinh tế, để không cho bất cứ kẻ thù nào có thể nhòm ngó vào lãnh thổ của chúng ta… Dường như đó cũng là lý do Tân Hoàng Minh thực hiện “Tổ hợp Quần thể du lịch không ngủ” tại Phú Quốc với công trình tâm linh (tượng Phật Quán Thế âm Bồ tát) dát vàng 24K lớn nhất, cao nhất thế giới (3)…
Khoan bàn đến chuyện giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được đẩy lên rất cao có phải là yếu tố khiến… tất cả những tỷ phú nước ngoài sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam tranh mua bất động sản ở Thủ Thiêm với giá như Tokyo hoặc New York nhằm giúp nhân dân ta giàu nhanh, đất nước ta phát triển hay không (?), trước mắt, có lẽ nên ngẫm nghĩ xem vì sao ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính – không những không… tự hào như nhiều đồng bào “cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm” mà còn xem việc tự nguyện trả giá đất Thủ Thiêm ở mức cao không tưởng là hành động “nhiễu loạn thị trường”.
Không phải tự nhiên ông Phớc đề cập đến tình trạng, khoản mà doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao gấp nhiều lần vốn liếng thực có để Bộ Tài chính phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường chứng khoán. Cũng không phải tự nhiên mà ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội sợ tăng trưởng của thị trường chứng khoán và bất động sản… “nóng quá” và hết sức dè dặt trước chuyện chưa từng có, giá đất ở Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ/m2 (4).
Cũng không phải tự nhiên mà HoREA (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) gửi cho chính phủ Việt Nam một thư ngỏ, bày tỏ sự lo ngại về kết quả cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Theo HoREA, kết quả này chỉ có lợi cho những doanh nghiệp có dự án đã nộp tiền sử dụng đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm và những dự án siêu sang ở trung tâm quận 1 vì từ giờ giá cao là… tất nhiên. Giá đất tăng vọt theo kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm bất lợi cho cả người tiêu dùng, nỗ lực giảm giá nhà thực hiện chính sách phát triển nhà ở, lẫn giới đầu tư vì giá bán cao sẽ làm tăng lượng hàng hóa tồn đọng. Kết quả giá đất rất cao còn có thể trở thành nền tảng để một số doanh nghiệp xin định giá lại tài sản, đặc biệt là những tài sản đang thế chấp nhằm… “rút ruột” ngân hàng, hoặc để “làm sạch” bảng cân đối tài chính (5)…
***
Sự lo ngại của ông Phớc, sự dè dặt của ông Huệ, khuyến cáo của HoREA không mới, trong quá khứ đã từng có rất nhiều đợt khủng hoảng và đại án để thiên hạ tha hồ lựa chọn làm ví dụ minh họa. Vấn đề là tại sao những cuộc đấu giá không thể tưởng tượng và hứa hẹn sẽ đem lại rất nhiều rủi ro như thế cho cả kinh tế lẫn xã hội vẫn có thể còn chỗ đứng? Vấn đề là tại sao vấn nạn Thủ Thiêm nhùng nhằng đã vài thập niên vẫn chưa giải quyết xong, chưa truy cứu được trách nhiệm của bất kỳ ai lại có thêm nan đề khác?
(Cập nhật: Theo VnExpress, vào ngày 10 tháng Giêng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, với lý do nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản.)
Chú thích
(5) https://thesaigontimes.vn/horea-chi-ra-nhung-bat-cap-cua-phien-dau-gia-dat-ky-luc-o-thu-thiem/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét