Tăng lương có giải quyết được nạn dạy thêm, học thêm hay không?
22-11-2021
Quan điểm của tôi là KHÔNG.
Khi chúng ta quan niệm rằng vì lương thấp nên mới có nạn dạy thêm thì cũng đồng nghĩa với việc cho rằng tăng lương thì sẽ giải quyết được tình trạng ấy. Nhận thức như vậy liệu đã thỏa đáng?
Trước tiên, phạm vi bài viết không bàn đến những trường hợp dạy thêm – học thêm chính đáng do những nhu cầu như phát triển tài năng hay năng khiếu, và cũng loại trừ cả những hình thức dạy thêm phi lợi nhuận (không thu tiền). Như thế, sẽ còn lại hai trường hợp chính sau đây:
Một là, nhu cầu có thật của người học để được phụ đạo, bồi dưỡng, nâng cao. Câu hỏi đặt ra đối với trường hợp này là: liệu có cách nào khác để đáp ứng các nhu cầu ấy, thay vì học thêm? Con đường của thế giới để giải quyết bài toán này chính là phân luồng, phân ban, định hướng nghề nghiệp sớm (học ít môn, và học theo hướng phân ban chuyên sâu từ sớm); không cào bằng, không có tham vọng “giỏi toàn diện” mà chỉ có tinh thần giáo dục toàn diện mà thôi. Và như thế đối với họ, dạy thêm – học thêm không phải là lựa chọn, vì nội tại hệ thống giáo dục và chương trình đã tự đáp ứng được yêu cầu.
Hai là, dạy thêm vì lương giáo viên không đủ sống. Không có logic mang tính bản chất nội tại nào giữa việc kiếm sống và dạy thêm cả; vì hai vấn đề này hoàn toàn không có bất kỳ mối quan hệ hữu cơ nhân quả nào. Nói nhẹ thì đó là tư duy ngụy biện, mà nặng thì chính là hành vi gian dối. Việc thiếu tiền mà ép học sinh học thêm, so với hành vi ăn cắp, tham ô, lừa đảo về bản chất không có khác nhau. Nếu thu nhập không đủ sống thì giáo viên phải tranh đấu đòi quyền lợi, đòi chủ sử dụng lao động tăng lương chứ không thể quay lại bắt nạt nạn nhân là người học như thế được.
Đó là hành vi vừa thể hiện sự hèn nhát, vừa thất đức. Nói cách khác, lối dạy thêm như thế không phải là vì gánh nặng mưu sinh mà vì sự xuống cấp của nhân cách và đạo đức. Con người thế nào thì hành xử thế ấy; với những người như thế, nếu một khi thu nhập có ổn thỏa thì cũng không thể kỳ vọng ở họ được. Tại sao mỗi năm có cả ngàn cán bộ đủ mọi cấp vào tù vì tội tham nhũng, dụ họ đã rất giàu có? Nếu với cái logic “có tiền rồi thì không tham nữa” thì đáng lý ra những cán bộ ấy sẽ không chiếm đoạt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng chứ?
Không có chuyện đảm bảo cho một xã hội vận hành và phát triển lành mạnh chỉ bởi vì mọi người trong xã hội ấy đã có đời sống kinh tế khá giả. Đất nước Bhutan nghèo, rất nghèo nhưng họ thuần phác, tốt lành hơn rất nhiều quốc gia có GDP cao hơn gấp nhiều lần, là vì sao? Chỉ có cách thức tổ chức quản lý xã hội một cách khoa học và nền tảng văn hóa đạo đức vững vàng mới là chỗ dựa cho sự văn minh.
Nói như thế không phải là để chấp nhận và tự ru mình trong lối nghĩ “hàn nho phong vị phú”, mà là để khẳng định rằng, muốn chữa bệnh thì dứt khoát phải tìm ra căn nguyên gây bệnh. Dạy thêm – học thêm có lý do là chương trình lạc hậu, và sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo. Chỉ có đoạn được hai cái nguồn cơn này thì mới có thể trị dứt căn bệnh dạy thêm học thêm tràn lan gây nhức nhối cho toàn xã hội suốt hàng thập kỷ qua.
Tăng lương cho giáo viên là bài toàn phải có lời giải, nhưng không thể đặt nó trong mối quan hệ với dạy thêm – học thêm, vì như thế là đánh tráo bản chất của vấn đề. Mà một khi đã “hiểu lầm” thì tăng lương xong rồi nhưng vấn nạn vẫn sẽ còn nguyên ở đó. Tăng lương cho giáo viên là trách nhiệm mà chính phủ dứt khoát phải thực hiện để nhà giáo có thể “sống được bằng lương”, nhưng nếu nhầm sang chuyện chữa bệnh dạy thêm thì chúng ta sẽ lại lỡ một nhịp nữa. Lương cần phải tăng nhưng đồng thời phải thực hiện song song với những cải cách về chương trình, về quản lý hành chính nhà nước. Và tuyệt đối không thể đánh đồng hai câu chuyện này với nhau.
Vì sao lương không chữa được bệnh dạy thêm học thêm nhưng vẫn phải tăng? Vì sứ mệnh của giáo dục là để phát triển con người. Khi giáo viên không đủ sống như hiện nay thì sao họ có thể toàn tâm toàn ý với công việc giáo dục thế hệ trẻ? Thế là họ phải làm các nghề tay trái để phụ thêm thu nhập, sao nhãng, làm việc cầm chừng v.v.. Một tình trạng như thế thì nếu có thay đổi chương trình mà dẹp được nạn dạy thêm thì cũng chưa chắc chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện.
Hiện nay rất nhiều nhà trường đang tổ chức dạy học buổi thứ hai có thu tiền mà về thực chất là dạy thêm. Nếu tăng lương thì các nhà trường ấy có bỏ buổi dạy thứ hai kia hay không? Không, vì chương trình quá nặng, học sinh không tiếp thu tốt được kiến thức trong một buổi; mà áp lực thành tích lại là một gánh nặng sống còn của nhà trường. Cho dù nhà trường có đủ dũng khí bỏ dạy thêm thì người học (và phụ huynh) cũng sẽ đề nghị và yêu cầu được học. Áp lực thi cử buộc học sinh phải đi học thêm; nếu nhà trường không dạy thì các em cũng sẽ đến trung tâm hoặc năn nỉ thầy cô của mình dạy thêm. Một ví dụ như thế thôi đủ để chúng ta thấy mối quan hệ giữa lương và dạy thêm không phải là nhân quả, càng không phải là logic có tính bản chất.
Để thấy rõ điều này, ta thử giả định rằng nếu tăng lương mà chương trình và phương pháp kiểm tra đánh giá, kiểm định… không thay đổi thì nhu cầu học thêm của học sinh vẫn còn đó. Thầy cô có không còn nhu cầu dạy thêm để kiếm sống nữa thì dạy thêm sẽ vẫn phải tiếp tục. Có cầu thì có cung. Còn nếu chương trình đã thay đổi thì nhu cầu học thêm của học sinh cơ bản không còn; tuy nhiên giáo viên vẫn đói. Và tất nhiên họ phải kiếm sống bằng những cách khác nhau, và không thể đầu tư chuyên môn đến nơi đến chốn được. Như thế, tăng lương đồng nghĩa với việc nâng cao chất lương giáo dục chứ không phải để chấm dứt nạn dạy thêm học thêm. Chúng ta cần phân biệt rõ điều này.
Tóm lại, có 2 việc hệ trọng phải được thực hiện: tăng lương để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung bằng cách nâng cao đời sống của giáo viên; và thay đổi chương trình để giải quyết nạn dạy thêm (và nhiều vấn đề nhức nhối khác nữa, cũng có quan hệ mật thiết với chất lượng giáo dục). Còn riêng việc giải quyết bài toán dạy thêm – học thêm là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng chương trình, tổ chức kiểm tra đánh giá…, chứ không phải là việc của Bộ Tài chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét