Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

Chín (9) sai lầm khi đặt bài toán về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam

 

Chín (9) sai lầm khi đặt bài toán về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Nguyễn Ngọc Chu 

Nếu Quốc hội nhiệm kỳ này lựa chọn phương án 58,7 tỷ USD để xây dựng 1.545 km đường sắt tốc độ 320km/giờ chỉ để chở khách mà không chở được hàng hoá, kéo dài thời gian xây dựng đến năm 2050 - thì chắc chắn sẽ có một Quốc hội mới thay đổi.

Có thể là hình ảnh về bản đồ


Có thể là hình ảnh về 4 người và văn bản

I. ĐƯỜNG SẮT BẮC – NAM: ĐẶT ĐỀ BÀI SAI THÌ KHÔNG CÓ LỜI GIẢI ĐÚNG

Địa hình Việt Nam bố trí kéo dài Bắc – Nam cho phép xây dựng 1 tuyến đường sắt ngắn nhất “xuyên táo” hầu hết các tỉnh thành của cả nước. Đây là một thuận lợi lớn về xây dựng hệ thống giao thông liên tỉnh thành mà các nước có hình cách tâm tương đối đồng đều không thể so sánh được. Với địa lý tự nhiên phân bố như vậy, Việt Nam đáng lẽ ra đã phải có một hệ thống giao thông đường sắt hiện đại từ lâu.

Nhưng buồn thay, năm 2021 Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vẫn phải xin nhập 37 toa tàu bỏ đi của Nhật Bản sản xuất cách đây 40 năm. Mặc dù, những nhà lãnh đạo đường sắt ảo tưởng của Việt Nam tuyên bố từ năm 1990 rằng năm 2010 thì ĐSVN sẽ đuổi kịp Đường sắt Nhật Bản. Nay thì ĐSVN đang có nguy cơ bị mê hoặc vào một mê cung mới.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó thủ tướng Lê Van Thành thay mặt Thủ tướng phê duyệt ngày19/10/2021 (https://mt.gov.vn/.../phe-duyet-quy-hoach-mang-luoi-duong...). Trong đó, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ 320 km/giờ, ưu tiên triển khai đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TPHCM.

“Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đại để cạnh tranh với hàng không”.

“Với giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ của đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách…”

“Theo tính toán của tư vấn, tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TPHCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ nên tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao (https://nangluongsachvietnam.vn/.../Uu-tien-xay-dung...)).

Đặt bài toán sai thì không thể có lời giải đúng. Sau đây là 9 sai lầm trong đặt bài toán về đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

II. CHÍN SAI LẦM KHI ĐẶT BÀI TOÁN VỀ XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC BẮC – NAM

1. LẤY HÀNG KHÔNG LÀM ĐỐI THỦ CẠNH TRANH 

Các phương tiện giao thông tồn tại cùng nhau, bổ sung cho nhau, có cạnh tranh lẫn nhau nhưng không loại bỏ nhau. Mỗi loại phương tiện giao thông, tồn tại theo nhu cầu khách quan mà không lấy bất cứ đối tượng nào làm mục tiêu loại bỏ theo tính chất một mất một còn. Bộ GTVT lấy hàng không làm mục tiêu cạnh tranh để xây dựng đường sắt Bắc – Nam là phi biện chứng, là đặt bài toán sai. 

Các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường không, đường thuỷ… đều là “con” của Bộ GTVT. Nay lấy đường không làm mục tiêu cạnh tranh của đường sắt ví như lấy miếng ăn của người con này đưa cho người con khác thì đó là một sách lược không công bằng và không khôn ngoan. Các phương tiện phải đấu tranh để tồn tại một cách độc lập khách quan, chứ không phụ thuộc vào sự ưu ái của Bộ GTVT. Vì cách đặt vấn đề của Bộ GTVT sai, cho nên kéo theo một loạt điều sai khác. Sự cần thiết phải hiện đại hoá đường sắt Bắc – Nam không phụ thuộc vào hàng không.

2. LẤY GIÁ VÉ HÀNG KHÔNG ĐỂ LÀM CƠ SỞ TÍNH GIÁ VẾ ĐƯỜNG SẮT 

“Với giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ của đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách…” 

Giá vé đường sắt phụ thuộc vào 3 nhân tố chính, chi phí xây dựng, chi phí vận hành và “sức mua” của dân. Nghĩa là phải dựa trên thu nhập của người dân, chi phí xây dựng và chi phí vận hành để xác định giá vé đường sắt, chứ không phải là 75% giá vé của hàng không.

3. LẤY TUYẾN HÀ NỘI - TPHCM LÀM MỤC TIÊU CHỦ CHỐT LÀ SAI LẦM TRẦM TRỌNG

Trong tính toán của Bộ GTVT đều lấy thời gian vận chuyển hành khách từ HN-TP HCM làm mục tiêu tính toán cơ bản để so sánh giữa đường sắt với hàng không, cũng như lấy khoảng cách ngắn để so sánh. 

“Theo tính toán của tư vấn, tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TPHCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ nên tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao”.

Đây là một sự so sánh thừa. Hàng không không thể cạnh tranh với đường sắt, đường bộ ở khoảng cách ngắn. Những cung đường dưới 500 km thì hàng không không thể là đối thủ của đường sắt về hành khách, chứ chưa nói đến hàng hoá. Đường sắt, đường bộ, sinh ra là để bù đắp khoảng cách ngắn mà hàng không khiếm khuyết. Hàng không ra đời là để bù đắp sự khiếm khuyết đường dài của đường sắt, đường bộ. Tốc độ 200 km/giờ cũng sẽ cho phép chỉ mất 1,5 giờ để đi từ Hà Nội đến Vinh, thì máy bay không thể cạnh tranh với tầu hoả. Tốc độ 200 km/giờ khi đi giữa các tỉnh có khoảng cách dưới 500 km thì hàng không không thể cạnh tranh với đường sắt, cần chi đến 320 km/giờ?

Điểm sai lầm trầm trọng thứ hai ở đây chính là cách tính số lượng tuyến đường. Tuyến đường sắt HN-TP HCM dự kiến có 23 ga. Bắt đầu từ Ngọc Hồi và kết thúc tại Thủ Thiêm đi qua 20 tỉnh thành. Với 23 ga thì có tổng cộng đến 253 (1+2+… + 22) tuyến đường giữa các ga. Vận chuyển khách và hàng hoá giữa các tỉnh (253 tuyến đường) mới là vai trò trụ cột không thay thế được của đường sắt. Vận chuyển giữa các tỉnh mới là khối lượng áp đảo tuyệt đối để đường sắt tồn tại chứ không phải chỉ mỗi tuyến HN-TP HCM. 

4. BỎ ĐA SỐ LỚN ĐỂ CHỈ PHỤC VỤ CHO MỘT THIỂU SỐ NHỎ 

Giá vé đường sắt cao tốc sẽ đắt. Chỉ khoảng 30% dân số có thu nhập cao đủ khả năng đi đường sắt cao tốc. Trong khi 70% dân số còn lại sẽ không có đủ tài chính để đi đường sắt cao tốc. Nếu xây đường sắt tốc độ 200 km/giờ thì giá vé giảm hơn một nửa. Lúc đó thì tuyệt đại đa số người dân sẽ có khả năng đi tàu, cùng với vận chuyển hàng hoá. Bỏ số đông lớn, lấy số nhỏ để làm mục tiêu phục vụ của đường sắt là cách đặt vấn đề sai.

5. CHỈ PHỤC VỤ CHỞ KHÁCH, KHÔNG CHỞ HÀNG 

Nay lại chỉ xây dựng đường sắt tốc độ 320 km/giờ (thời gian đầu chỉ 250 km/giờ), đắt đỏ (58,7 tỷ USD), chỉ chở được khách mà không chở được hàng là vô cùng lãng phí. Mất tiền nhiều mà hiệu quả thấp. Xây đã mất số tiền khổng lồ 58,7 tỷ USD lại phải bỏ ra nhiều tỷ USD nữa để cải tạo tuyến đường sắt hiện tại cho chở hàng trong khi phải đi vay là điều vô cùng phi lý. Vừa đắt đỏ, vừa gây thêm nợ nần. Vận chuyển hàng hoá giữ vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Không vận chuyển hàng hoá tốt thì kinh tế không thể phát triển tốt. Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ 200 km/giờ chở khách và 120 km/giờ chở hàng (20 tỷ USD) như đa số các nước tiên tiến Âu Mỹ đang có là giải pháp đúng.

6. XÁC ĐỊNH SAI VỀ “HUYỆT ĐẠO” THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Muốn nâng cao nhanh GDP/đầu người thì phải nhắm vào số đông. 70% lao động ở nông thôn, hơn 2/3 dân số nông nghiệp mới là “huyệt đạo” chính làm nên sự thay đổi lớn cho thay đổi GDP/đầu người, thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nhân lực lao động, cơ cấu thành thị và nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp…Cho nên, đường sắt phải nhắm vào lực lượng đa số nông nghiệp để vận tải hành khách và vận tải hàng hoá. Đặt bài toán sai ở phương diện này là thảm hoạ.

7. KÉO DÀI THỜI GIAN XÂY DỰNG ĐẾN 2050 

Muốn phát triển kinh tế nhanh thì giao thông vận tải phải đi trước. Trong khi tuyến đường chở khách vận tốc 200km/giờ chở hàng 120km/giờ xây dựng trong 10 năm, đến năm 2031 đã có thể đưa vào khai thác toàn bộ, thì tuyến đường 320km/giờ chỉ chở khách phải kéo dài 30 năm tới tận 2050 mới đưa vào khai thác toàn bộ. 20 năm khai thác sớm hơn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn. Đây là một sai lầm trầm trọng về hiệu quả của đầu tư.

8. VAY TIỀN NHIỀU QUÁ SỨC DẪN ĐẾN KHẢ NĂNG VỠ NỢ

Vay tiền là tăng nợ. Khoản tiền vay 58,7 tỷ USD so với vay 20 tỷ USD là sự cách biệt rất rất lớn.Việt Nam đang chồng chất nợ. Vay quá sức là thảm hoạ. Vay nợ quá sức sẽ dẫn đến vỡ nợ.

9. NGHÈO MÀ CHƠI SANG 

Việt Nam đang rất nghèo lại đi vay tiền lớn để sắm đồ xa xỉ. Đó là nghèo mà chơi sang. Nghèo mà chơi sang thì hậu quả thế nào ai cũng biết. Đây cũng là một vi phạm tiên đề.

Các nước Âu Mỹ văn minh hiện đại đi trước Việt Nam hàng trăm năm mà phần áp đảo của đường sắt vẫn là tàu chở khách khoảng 200km/giờ và tàu chở hàng 120km/giờ. Việt Nam làm sao lại ảo tưởng vượt Âu Mỹ?

Không phải Trung Quốc xây dựng được hàng chục ngàn km đường sắt cao tốc trong một thời gian ngắn mà Việt Nam có thể học theo. Trung Quốc rất khác Việt Nam. Về tiềm lực. Về năng lực cá nhân. Về cách hành động. Thực tiễn cho thấy Việt Nam đã thất bại rất nhiều khi học theo Trung Quốc.

III. CHÍN BÀI TOÁN LỚN

Có thể nói, lựa chon đường sắt tốc độ chở khách 200km/giờ, chở hàng 120km/giờ, giá 20 tỷ USD, xây dựng 10 năm - thay cho phương án giá 58,7 tỷ USD, xây dựng 30 năm, không chở hàng, chỉ chở khách với tốc độ 320km/giờ thì sẽ giải quyết được 9 bài toán lớn sau đây.

1. Phục vụ được toàn bộ nhân dân cả nước

2. Vận chuyển được hàng hoá để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc dân

3. Không phải gánh nợ lớn

4. Đưa vào khai thác sớm

5. Thay đổi đời sống của hơn 70 triệu người dân nông thôn, thay đổi cơ cấu kinh tế quốc gia, thị trường lao động, giảm thất nghiệp 

6. Thúc đẩy phát triển nông lâm thuỷ sản

7. Thúc đẩy phát triển công nghiệp

8. Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ

9. Thúc đẩy tăng trưởng nhanh GDP/ đầu người.

IV. PHƯƠNG CÁCH XÂY DỰNG, GIÁ THÀNH VÀ THỜI GIAN

1. Thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế và giám sát thi công 

2. Mua công nghệ, thiết bị, phương tiện và vật tư của nước ngoài

3. Tự thi công.

Các tập đoàn tư nhân Việt Nam sẽ chọn các phương thức trên để xây dựng đường sắt Bắc – Nam. Để cho các tập đoàn tư nhân Việt Nam xây dựng thì 1545 km đường sắt Bắc – Nam sẽ không quá 20 tỷ USD và hoàn thành trong 10 năm. 

Không bàn về các khía cạnh khác mà chỉ nói về giá thành và thời gian xây dựng tuyến đường sắt của Lào mới được Trung Quốc xây dựng xong. Tuyến đường sắt điện khí hoá của Lào từ Vientiane đi Boten (giáp Vân Nam) dài 414 km, chở khách tốc độ 150-200km/giờ, chở hàng 120km/giờ, giá thành 6 tỷ USD, xây dựng trong 5 năm (2016-2021). Như vậy giá trung bình là 14.492.753 USD/km.

Tuyến đường sắt của Lào có địa hình hiểm trở, tuy chỉ 414 km nhưng phải làm đến 170 cầu và đặc biệt là 72 đường hầm xuyên núi, cộng với giao thông kém - là các nhân tố tăng thêm chi phí. Giá thành 14.492.753 USD/km là giá Trung Quốc cùng đầu tư với Lào. Giá thực do Trung Quốc xây dựng chắc chắn thấp hơn. Nếu lấy định mức lời 20% thì giá thành thực sẽ là 11.594.202 USD/km. Lúc đó tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 1545 km sẽ có mức đầu tư là 17 tỷ 913 triệu USD.

Về thời gian, tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 1545 km có thể chia cho 5 nhà thầu cùng lúc xây dựng. Thời gian chỉ mất 5 năm.

V. MỞ RỘNG

Đường săt tốc độ cao không chỉ giới hạn trong tuyến HN-TPHCM mà phải mở rộng thêm về hai phía. Phía Bắc từ Hà Nội nhất thiết đường sắt phải đi qua phi trường Nội Bài rồi kéo lên Bắc Giang, Lạng Sơn. Đi qua phi trường Nội Bài sẽ liên kết đường sắt với hàng không thành một “cơ thể” thống nhất vô cùng tiện lợi cho vận chuyển hành khách và hàng hoá. Nhiều nước Âu Châu đều có đường sắt đi đến phi trường và vào tận trung tâm thành phố. Phía Nam phải nối dài đến Cần Thơ, rồi toả ra 2 nhánh về Cà Mau và Hà Tiên.

VI. CÁCH THỨC ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH ĐỂ KHÔNG PHẠM SAI LẦM

Không thể mắc sai lầm này đến sai lầm khác. Có một cách rất khoa học để lựa chọn giữa phương án đường sắt tốc độ chở khách 200km/giờ, chở hàng 120km/giờ, giá 20 tỷ USD, xây dựng 10 năm và phương án giá 58,7 tỷ USD, xây dựng 30 năm, không chở hàng, tốc độ chở khách 320km/giờ – mà tránh được sai lầm và không phải chịu trách nhiệm. Đó là hỏi ý kiến cử tri cả nước.

Đất nước Thuỵ Sĩ phát triển là vì thường xuyên hỏi ý kiến cử tri. Xây đựng đường sắt là để phục vụ nhân dân. Trả tiền xây dựng đường sắt là nhân dân. Không hỏi nhân dân thì hỏi ai.

Chắc chắn không dưới 95% cử tri cả nước sẽ lựa chọn phương giá 20 tỷ USD, xây dựng 10 năm, chở khách 200km/giờ, chở hàng 120km/giờ.

Nếu Quốc Hội nhiệm kỳ này lựa chọn phương án 58,7 tỷ USD để xây dựng 1545 km đường sắt tốc độ 320km/giờ chỉ để chở khách mà không chở được hàng hoá, kéo dài thời gian xây dựng đến năm 2050 - thì chắc chắn sẽ có một Quốc Hội mới thay đổi.

Những ai, vào thời điểm này, quyết định xây đường sắt cao tốc đến năm 2050 hoàn thành - có chứng kiến được đường sắt cao tốc xây dựng xong vào năm 2050 không? 

Quyết định điều mình không biết có thành hiện thực hay không là quyết định viễn tưởng, là quyết định điều mình không chịu trách nhiệm.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét