Thủ trưởng cuối cùng của cha tôi ở báo Lao Động (Phần 1)
Dương Tự Lập
20-6-2021
(Nhớ bác Tổng biên tập Trần Nhật Dụ và chú Xuân Cang)
Nó dạo khắp thành phố cả ngày, tối về ngồi chuyện trò với tôi suốt một đêm ghé Munich, sau hơn 30 năm gặp lại nhau.
– Anh em như thế là quá vui, chiều mai qua Budapest gặp thằng Kỳ chơi với nó một tối nữa, sáng mốt bay về Việt Nam. Chuyến đi châu Âu lần này của tao không được việc lắm, nhưng may mắn gặp lại mày và thằng Kỳ.
Chung “còm” trầm ngâm:
– Ngày nào với nhau ở nước Nga thoáng cái đã ngoài 30 năm, thằng Kỳ thì còn hay về, chứ mày ở lỳ mãi nước Đức mà anh em mình thì già hết cả rồi. Mày vẫn nghiện trà như thế là còn yêu quê hương lắm, trà này tao mua của cái Mai “đen” trên chợ Bắc Qua uống được chứ? Chắc mày vẫn nhớ Mai “đen”. Biết tao mua làm quà nó chẳng lấy tiền, nó gửi lời thăm mày đấy. Hôm mua, gặp cả Mai “mít”, con gái ông Xuân Cang, hai đứa đang thì thào to nhỏ chuyện riêng tư. Tao định chọc đùa Mai “mít” mấy câu mà thấy nó nhìn mình ngượng ngùng lại thôi. Mai “mít” có đứa con với thằng Thành nhưng bọn chúng nó chia tay nhau sau mấy năm ở Nga về. Giờ già kinh, trông như bà cụ, nhất là sau ngày ông Cang lấy vợ bằng tuổi con gái, cha con từ mặt nhau.
– Ai nói mày biết vậy?
– Dân Tổng Công đoàn với nhau có chuyện gì giấu được đâu. 70 tuổi vẫn thèm lấy vợ trẻ, si tình thế chứ, tao còn nhớ mày bảo cái ông này nhìn hai đuôi mắt đầy vết nhăn chân chim đĩ thõa ra mặt. Ngày mới sang Nga, chính cái Mai “mít” cho tao mượn đọc cuốn “Những ngày thường đã cháy lên” của bố nó viết. Lâu quá bây giờ quên mẹ nó rồi. Lúc đó nếu tao ô kê chắc đã làm rể nhà ông Xuân Cang trước cả thằng Thành. Con Mai chết tao lắm.
– Nó “chết” mày hay mày “chết” nó?
Hỏi xong rồi nhấp ngụm trà trong miệng, tôi không nói gì thêm, chỉ nhớ láng máng đã đọc đôi ba chuyện ký của ông trên báo.
– Anh em đang trò chuyện sao bỗng im tiếng thế vậy mày? Chung “còm” hơi ngạc nhiên.
***
Hồi tới nước Nga tôi mới biết Mai “mít”, con gái nhà văn Xuân Cang, mỗi lần đến “ốp” lao động Arekhôvơ Juevơ ngoại ô thủ đô Mátxcơva chơi với Chung “còm” và em trai tôi. Bọn chúng ở cùng đội con em Tổng Công đoàn Việt Nam sang Nga hợp tác lao động. Mai “mít”, con gái Xuân Cang, sàn sàn tuổi em tôi. Còn Mai “đen” nhà ở cạnh Bốt Hàng Đậu – Quán Thánh, tính tình vui nhộn, nhanh nhảu miệng mồm, cuối tuần hay lên phòng các anh tham gia chuyện.
Ba mươi năm cầm bút viết cho tờ Lao Động từ những ngày đầu đặt chân vào tòa soạn, mấy người thủ trưởng đã đi qua đời cha tôi hay nói ngược lại cha tôi đã đi qua mấy đời thủ trưởng.
Đầu năm 1985, Xuân Cang (Nguyễn Xuân Cang) tôi phải nói như vậy bởi khi viết bài ông chỉ ký Xuân Cang, ông còn có bút hiệu Ánh Xuân nhưng ít khi dùng. Xuân Cang từ trên Thái Nguyên được điều về thay bác Tổng biên tập Trần Nhật Dụ. Mấy tháng trước ngày nhận quyết định chuyển công tác, bác đã đề nghị cho cha tôi lên thêm một bậc lương nữa, việc ấy chưa xong. Đây là lần thứ hai cha tôi được bác đề nghị lên lương kể từ khi bác lãnh đạo tờ báo Lao Động cuối năm 1978, thay ông Tổng biên tập Lê Vân, chết đột ngột sau cuộc Hội thảo các nhà báo Châu Á – Thái Bình Dương ở thủ đô Băngkok – Thái Lan trở về.
Lòng cha tôi thấy buồn vì dẫu sao bác Dụ cũng là vị thủ trưởng ân nhân kính trọng và tâm đắc đối với ông dù thời gian công tác với nhau chưa phải dài. Theo ông, bác Dụ là người rất nhân cách, thẳng thắn, có thái độ quan điểm chính kiến rõ ràng, không giống như những ông Tổng biên tập khác sống cơ hội, thủ đoạn, ba phải, gió chiều nào che chiều ấy, nghe Đảng nói mười rằm cũng ừ mà Đảng bảo mười tư cũng gật.
Ông còn áy náy một điều, chính bác đã đứng ra bảo vệ cho cha tôi khi bị mấy tay an ninh văn hóa tới Ban biên tập gây chuyện rầy rà về bài thơ “Chuột và mèo”, đăng trên báo Lao Động xuân Giáp Tý năm trước 1984. Bác Dụ đi, nghiễm nhiên cha tôi là người cao tuổi nhất tòa soạn. Trong buổi lễ “tống cựu nghênh tân” tiễn người cũ đi đón người mới đến, ông cao hứng hào sảng đọc ngay bài thơ ứng tác: Tiễn anh Trần Nhật Dụ và đón Nguyễn Xuân Cang, vừa nẩy ra trong đầu cho mọi người nghe:
Mình nay nhiều tuổi nhất cơ quan
Đủng đỉnh lên ngôi giữa chiếu làng
Cương tỏa ngoài vòng Trần Nhật Dụ
Thi văn trong phép Nguyễn Xuân Cang
Không vì tuổi tác mà làm biếng
Chẳng cậy công thần để nói ngang
Làng báo còn chân còn múa bút
Mai ngày hưu trí sống làng nhàng.
Tất cả mọi người vỗ tay tán thưởng, hai vị thủ trưởng cũ, mới ngồi phía trên cũng cười vui vỗ tay theo. Như vậy đủ thấy rằng, ông rất trân trọng cả thủ trưởng cũ lẫn thủ trưởng mới trong buổi lễ đặc biệt tại cơ quan báo, khi đó có trụ sở ở 51 phố Hàng Bồ, Hà Nội. Cái ước mơ giản đơn tới ngày hưu trí “sống làng nhàng” của ông cũng không thành bởi nửa năm sau đó bất ngờ cha tôi rời cõi tục về thế giới cõi tiên thiêng liêng.
***
Chung “còm” thằng bạn nối khố giới thiệu tôi với Trần Hồng Kỳ bạn nó. Tối hôm đầu tiên tới nhà Kỳ trong khu tập thể Nam Đồng tôi thấy ầm ĩ chuyện gì đó cạnh nhà Kỳ. Người đàn ông dong dỏng cao bị cụt một cánh tay phải tới tận bả vai, cánh tay còn lại vung lên phẫn khí chửi ỏm tỏi:
– Tao mà bắt được thằng nhãi ranh nào lấy đôi dép nhựa của bạn tao thì tao chặt đứt tay. Đánh Pháp mất cả cánh tay tao còn không ngán, thì bõ bèn gì mấy thằng trộm vặt.
Đứng cạnh người đàn ông đang chửi đó có người đàn ông thấp hơn, chân đi đất cứ nhìn tứ phía. Chắc là người mất dép? Bọn trẻ nhỏ hiếu kỳ đứng lố nhố vây quanh xem ông chửi. Kỳ ghé tai tôi nói nhỏ:
– Anh hùng quân đội chống Pháp La Văn Cầu đấy. Từ đó Kỳ và tôi hay qua lại nhau chơi.
Lần ấy đang đi với Kỳ, bỗng hắn giảm ga xe máy Honda cub 50 chầm chậm rồi dừng lại bảo:
– Ông đi cùng vào thăm bác tôi một lát. Nhà bác Kỳ ở bên số lẻ 65b trong ngõ 12, phố Lý Thường Kiệt, nằm sau Chùa Quán Sứ, cạnh Đại sứ quán Cu Ba.
Rất bất ngờ, khi bác cháu ngồi nói chuyện tôi mới biết bác tên Trần Nhật Dụ, thủ trưởng cũ của cha tôi nghỉ hưu lâu rồi, thế mà không bao giờ thấy Kỳ nói chuyện.
Vợ bác từ nhà trong đi ra làm tôi bất ngờ hơn, dù thời gian đã lùi xa lắm nhưng tôi vẫn nhận ra bác Hoài. Bác hiền lành, ít nói, ăn mặc giản dị, là nhân viên lao công trong Tổng Công đoàn Việt Nam, 65 phố Quán Sứ, vợ của một Tổng Biên tập nhưng làm công việc khiêm tốn chứ không kênh kiệu như vợ các ông thủ trưởng thời nay.
Ngày nhỏ bọn trẻ chúng tôi ở trong khu tập thể Nhà hát Nhân dân hay băng qua đường Trần Hưng Đạo rồi vượt rào sắt vào Tổng Công đoàn trèo hái trộm vải, trộm nhãn, trộm cọ. Bác Hoài nhìn thấy cầm roi dứ dứ dọa chúng tôi chứ bác không đánh. Có lần bà gánh hàng rong đi qua, bác Hoài gọi mua mận, mua sấu, khế ngọt, chia đều cho bọn tôi rồi căn dặn về học bài lần sau không được tái phạm nữa.
– Thì ra cháu là con trai anh Dương Quân? Vâng ạ, tôi gật đầu. Bác Dụ đứng dậy, người gầy gầy xương xương đi chậm về phía chồng báo lật lật một hồi rồi rút ra tờ báo Lao Động xuân Giáp Tý 1984 đã cũ, nói:
– Đây là kỷ niệm cuối cùng với bố cháu ở báo Lao Động. Bác đặt tờ báo xuống bàn rồi quàng tay ra phía sau lấy khăn chấm nước mắt, đôi vai rung rung. Giọng nghèn nghẹn:
– Lúc còn sống, anh Dương Quân mong có được tập thơ riêng. Con người này tài lắm nhưng không gặp may mắn, không được sự ủng hộ, số đông những người ủng hộ thì họ lại không có quyền hành gì, tội nghiệp anh ấy. Người với người mà đối xử với nhau tồi tàn.
Sao người với người mà đối xử với nhau tồi tàn? Tôi không hiểu và cũng không dám hỏi lại bác. Càng không dám hỏi chuyện công an văn hóa đến chất vấn bài thơ “Chuột và mèo” trong tờ báo xuân bác vừa đem ra, vì nó là chuyện của người lớn.
– Bác về báo Lao Động muộn quá, muộn quá cháu ơi, ở báo cũng lại ngắn thời gian cháu ạ, bác không giúp được gì bố cháu nhiều.
Bác sống tình cảm thế, thảo nào cha tôi mới quý bác đến vậy, tôi thầm nghĩ trong đầu và lên tiếng:
– Cháu là bạn của Kỳ, nhân hôm nay được gặp bác, một thời là thủ trưởng của bố cháu. Bình sinh, cháu hay nghe bố cháu nói với mẹ cháu những điều tốt đẹp về bác. Xin được thay mặt mẹ cháu cảm ơn bác rất nhiều vì đã dành tình cảm chân thành đối với bố cháu lúc còn cùng làm việc.
Sau tôi hỏi Kỳ mới biết bố của Kỳ là em ruột vợ bác Trần Nhật Dụ. Hai bác cùng quê Can Lộc, Hà Tĩnh. Ơn trời, cả hai đều rất thọ, nay thì hai bác đã qui tiên lên nằm bên nhau trên công viên vĩnh hằng Ba Vì, nghe gió vi vu nghìn năm mãi thổi.
Mấy cô chú trong ban biên tập có kể lại cho mẹ tôi:
– Anh Trần Nhật Dụ là người có cảm tình và thiện chí đặc biệt đối với anh Dương Quân ngay khi mới về báo. Không chỉ riêng anh Dương Quân, mà nói chung là với mọi người trong cơ quan anh Dụ cũng rất quan tâm. Khi mới về nhận chức Tổng Biên tập, anh giật mình nghe nói lương anh Dương Quân thấp lắm, mười mấy năm không được lên lương. Anh Dụ cho họp báo và ban biên tập quyết định trong khả năng của mình đề nghị lên trên tăng cho anh Dương Quân ngay năm đầu nhậm chức thêm bậc lương nữa. Anh Dụ có nói, đại ý ở các báo khác người ta còn “lăng xê” nhau lên đến đâu chứ báo mình có mỗi một ông nhà thơ trào phúng thật sự nổi đình nổi đám thì cố tình quên đi như vậy coi sao được, đâu chỉ riêng anh ấy mà còn cả đàn con anh ấy nữa…
Nghe chuyện mẹ tôi cảm động và biết ơn bác Trần Nhật Dụ lắm. Bà nói với các con:
– “Ơn ai một chút chớ quên/ Oán ai một chút để bên dạ này”. Oán ta có thể quên mà nên quên đi cũng được chứ, còn ơn thì không thể, nếu quên chính ta là người mắc tội đó các con ạ.
Cái ơn to lớn của bác làm sao mẹ và chúng tôi dám quên. Bởi vì thời bao cấp, một bậc lương còn có nghĩa là thêm một con tem, một tờ phiếu, mà tem, phiếu ấy chính là thêm lạng thịt, bìa đậu, cân đường, chai mắm… Cha tôi được lên lương tức là chúng tôi có thêm miếng bỏ mồm.
Tháng 6 năm 1985 cha tôi bất ngờ đổ bệnh phải vào nằm ở viện E. Hình như ông linh cảm được điều gì đó nên có đưa theo cuốn sổ để ghi lại tất cả những ai vào thăm mình. Tuềnh toàng trong ăn mặc nhưng ông lại cẩn trọng trong tình cảm:
Bạn hữu thăm ta sữa với đường
Chối thì không tiện nhận khôn đang
Một bầy nghèo đói như nhau cả
Nhịn miệng thết ta nghĩ thật thương.
Hồi ấy khó khăn lắm, đi thăm người ốm mà có được hộp sữa, nải chuối, cân đường, hay chục quả trứng gà là quý lắm rồi. Cứ nhịn miệng để đãi nhau vậy đấy, sống khổ nhưng rất tình người.
Sau khi cha ra đi, mẹ tôi hay giở xem lại cuốn sổ cha ghi chép những ngày nằm viện và sổ tang khi mọi người tới vĩnh biệt ông. Bà cứ lấy làm thắc mắc một điều, nghĩa tử là nghĩa tận mà sao như thiếu vắng người thủ trưởng của chồng mình. Vào cái ngày vĩnh quyết ông chỉ có mấy cô chú trong Ban Biên tập.
Người trước tiên đến sớm nhất thắp hương chia buồn với gia đình tôi lại là thủ trưởng của thủ trưởng cha tôi. Chú Phạm Thế Duyệt, Tổng Thư ký Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam (tên gọi thời ấy) có mặt vào đầu giờ sáng. Sau khi kính cẩn thắp hương và ghi vào sổ tang, đúng ra là vở tang, loại vở học sinh lấy vội của cháu nội ra dùng trong lúc nhà đang mắc tang gia mù rối, chú khiêm nhường nói với mẹ tôi:
– Thưa chị Dương Quân, theo đài đưa tin sớm nay thì ngày mai mới là ngày cử hành tang lễ anh nhưng vì em bận, nên hôm nay với tư cách cá nhân, em đến thắp hương viếng anh, chia buồn cùng toàn gia đình và chị trước. Ngày mai, Ban Thư ký đại diện Cơ quan Tổng Công đoàn sẽ có mặt tới phúng anh sau. Đã một lần đến thăm tòa báo, em gặp anh mà vẫn giữ ấn tượng về anh mãi.
Mẹ tôi cảm động chắp tay cúi đầu. Chú Hoàng Nhật Tân, nhà sử học, bạn cha tôi, đỡ lời mẹ, tỏ bày lòng hàm ơn chú Duyệt.
Qua buổi tang lễ cám cảnh của cha tôi, nhà tập thể diện tích 24 mét vuông trên tầng cao với 6 người ở. Tay kiến trúc sư nào đó khi thiết kế cả khu nhà là chỉ dành cho người sống chứ không nghĩ tới người chết nên để đưa được quan tài cha tôi ra ngoài thì phải phá cửa sổ. Cũng lại bác Trần Nhật Dụ, lúc ấy không còn ở báo nhưng đã gợi ý với Ban Biên tập báo Lao Động, đề nghị Tổng Công đoàn cấp thêm cho gia đình tôi một căn hộ nữa mặc dầu cha tôi vừa mất. Nghĩa cử đó chỉ để an ủi làm đẹp mặt người sống chứ đã khuất bóng như cha tôi thì đâu được hưởng và còn biết gì.
Mấy tháng sau chính thủ trưởng Phạm Thế Duyệt đặt bút ký cấp thêm cho mẹ tôi một căn hộ nữa ở nhà B thuộc Tổng Công đoàn cạnh tháp nước nghiêng khu tập thể Trung Tự, Quận Đống Đa. Cái tháp nước kỳ quái nhất Việt Nam có một không ba này khánh thành năm 1976, tới nay ngót gần nửa thế kỷ nhưng chẳng ma nào ngó ngàng. Khác với tháp nghiêng Pisa kỳ quan nước Ý đã nhiều thế kỷ nhưng không ai tính nổi lượng người trên thế giới nườm nượp hàng năm kéo đến chiêm ngưỡng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho quốc gia này.
Tháp nước quái đản ở chỗ chưa một ngày đưa vào sử dụng, để dân Trung Tự có nước dùng thì đã bị nghiêng. Cái ác hơn là có năm bảy hướng nghiêng thì nó không nghiêng, nó lại nhè đúng tòa lầu tôi ở để nghiêng mới khốn nạn. Bạn bè tôi được thể sướng mồm vui miệng dự tính, khi nó “tèo” thì dân nhà B của tôi không từ “nghẻo” cho tới “phăng teo” mới là chuyện lạ. Mà hứng chịu phăng teo trước lại chính xác vào cái nhà của gia đình tôi do chú Phạm Thế Duyệt cấp trên tầng cao nhất, ác thật.
Nhiều năm qua chính quyền trong khu đi tìm xem ai là chủ quản sở hữu cái tháp mà tìm mãi vẫn không ra, nên đành tặc lưỡi tự quản. Nghe nói đã thuê mấy đám phá bỏ nhưng cũng chẳng đám nào dám nhận vì sợ loạng quạng có khi không phải đầu thì lại phải tai, bị khép vào tội phá hoại một công trình tầm cỡ quốc tế đang chờ ngày lên đai xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Mà để nó chình ình đứng nghiêng ngả ở đó vừa mất diện tích đất, cản trở lối đi của Đảng, à chết nói nhầm, cản trở lối đi của dân, rất có thể cả Phường Trung Tự sẽ bị gã Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng suốt kết tội dung túng một con quái vật chầu chực giết người.
Có lẽ khi tới viếng, chú Duyệt đã chứng kiến và hình dung lúc sinh thời cha tôi khổ sở ra sao. Lương thấp nhất cơ quan báo Lao Động thì cả tòa soạn ai cũng biết, nhưng gia đình sống nhọc nhằn nhất Tổng Công đoàn lại chỉ có người trong khu tập thể Nhà hát Nhân dân mới tường.
Cỗ quan tài rẻ tiền mà anh chị em cùng bạn bè chúng tôi quyên góp lại mua ở phố Đồng Nhân, phố chuyên buôn bán các loại quan tài về nhập thi thể cha. Cho tới mọi đồ vật tồi tàn trong căn phòng chật chội, nóng bức phản ánh rõ ràng cuộc sống quẫn túng của gia đình. Duy chỉ có giá sách của cha là hơi lạ lẫm và đặc biệt.
(Còn tiếp)
____
Một số hình ảnh:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét