Buổi nghiên cứu của Bộ Chính trị Trung Quốc về tăng cường năng lực giao tiếp quốc tế
Tường thuật: Tân Hoa Xã
Biên dịch tiếng Anh: Nghê Lăng Siêu và Khương Vân
Biên dịch tiếng Việt: Trần Phạm Bình Minh | Hiệu đính: Nguyễn Trịnh Đôn
Tài liệu về phiên nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị ĐCSTQ về “công tác truyền thông quốc tế” (ví dụ như tuyên truyền đối ngoại và sức mạnh thuyết minh) rất đáng để đọc. Nó nêu rõ “tại sao” và “như thế nào” trong các nỗ lực thuyết phục quốc tế của Bắc Kinh ở cấp độ cao. Và nó báo trước sự gia tăng gấp đôi triết lý đấu tranh trong nghị luận quốc tế cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục ưu tiên vấn đề này.
Những lời của ông Tập làm sôi sục ý tưởng rằng diễn ngôn thực chất là một cuộc chiến đấu và hình ảnh của Bắc Kinh đã bị lu mờ bởi thành kiến và hiểu lầm (chứ không phải vì bất kỳ vấn đề nào trong chính sách của họ). Do đó, điều cần làm là Trung Quốc cần truyền tải thông điệp của mình tốt hơn thay vì tự vấn con đường đi của mình.
Triết lý cơ bản của ông Tập là diễn ngôn thuyết phục thế giới không được nhìn nhận như là cuộc đối thoại, mà được coi là một cuộc tranh đấu. Diễn thuyết không được coi là đồng sáng tạo hoặc cơ hội để hiểu biết lẫn nhau mà là một đấu trường nơi bạn thuyết phục hoặc bị thuyết phục.
Theo khuôn khổ này, câu chuyện, tiếng nói và văn hóa của Trung Quốc trở thành những bức tranh biếm họa có kiểm duyệt phục vụ chương trình nghị sự chính trị của đảng-nhà nước, thay vì là phương tiện giao lưu văn hóa có ý nghĩa và tình hữu nghị. Đây là một bi kịch đối với Trung Quốc và thế giới.
Chiều 31/5/2021, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức phiên nghiên cứu tập thể lần thứ 30 về việc tăng cường năng lực giao tiếp quốc tế của Trung Quốc. Những phát biểu của Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc cần cải thiện năng lực giao tiếp quốc tế đã tốn nhiều giấy mực của giới phân tích, với những quan điểm mâu thuẫn nhau, phần nhiều xuất phát từ việc chỉ dựa trên trích dẫn không đầy đủ của báo chí, chỉ dựa trên câu từ thay vì đặt nó trong một bối cảnh đầy đủ. Bởi vậy chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài tường thuật của Tân Hoa Xã, vốn là tư liệu chứa đựng thông tin đầy đủ nhất về buổi nghiên cứu, để rộng đường phân tích và đánh giá. Bản dịch tiếng Việt dựa trên bản dịch tiếng Anh của Nghê Lăng Siêu và Khương Vân, có đối chiếu với bản gốc tiếng Trung của Tân Hoa Xã.
Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức phiên nghiên cứu tập thể lần thứ 30 vào chiều ngày 31/5/2021 về việc tăng cường năng lực giao tiếp quốc tế của Trung Quốc.
Khi chủ trì buổi nghiên cứu, Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh rằng kể một câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc, lan tỏa tiếng nói tốt của Trung Quốc và thể hiện Trung Quốc chân thực, ba chiều và toàn diện là những nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố năng lực giao tiếp quốc tế của Trung Quốc. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tăng cường và nâng cao giao tiếp quốc tế trong tình hình mới, nỗ lực tăng cường năng lực giao tiếp quốc tế, hình thành diễn ngôn quốc tế phù hợp với sức mạnh toàn diện của đất nước và vị thế quốc tế, tạo môi trường dư luận đối ngoại thuận lợi cho cải cách, phát triển và ổn định của Trung Quốc, đồng thời có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy xây dựng một cộng đồng vì vận mệnh nhân loại.
Giáo sư Trương Duy Vỵ (Zhang Weiwei) từ Đại học Phúc Đán đã có một bài giảng về vấn đề này và đưa ra các đề xuất về những việc phải làm. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đã chăm chú lắng nghe bài giảng của ông và sau đó tổ chức các cuộc thảo luận.
Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu khi chủ trì phiên nghiên cứu. Ông chỉ rõ Đảng ta luôn coi trọng công tác thông tin đối ngoại. Kể từ sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng, chúng ta đã đẩy mạnh công tác truyền thông quốc tế để bảo vệ sự thật, nỗ lực đổi mới, hợp lý hóa hệ thống thông tin tuyên truyền đối nội và đối ngoại; xây dựng cụm truyền thông có tầm ảnh hưởng quốc tế; tích cực quảng bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới, thực hiện có hiệu quả công tác hướng dẫn dư luận quốc tế và đấu tranh dư luận xã hội; và bước đầu xây dựng một mô hình tuyên truyền đối ngoại đa phần, ba chiều.
Kết quả là, tiếng nói và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, đồng thời cũng phải đối mặt với những tình huống và nhiệm vụ mới. Cần tăng cường bố trí nghiên cứu và thiết kế cấp cao nhất, xây dựng một hệ thống thông tin liên lạc chiến lược với những đặc điểm riêng biệt của Trung Quốc, và tập trung vào việc nâng cao ảnh hưởng của truyền thông quốc tế, sức hấp dẫn của văn hóa Trung Quốc, tính hoà nhã của hình ảnh Trung Quốc, sức thuyết phục của diễn ngôn của Trung Quốc, và sức mạnh dẫn dắt của các nỗ lực dư luận quốc tế của chúng ta.
Tập Cận Bình chỉ rõ cần đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống diễn ngôn Trung Quốc và kể câu chuyện Trung Quốc; để giải thích thực tiễn Trung Quốc theo lý thuyết của Trung Quốc; để hoàn thiện lý thuyết của Trung Quốc theo thực tiễn của Trung Quốc; để tạo ra các khái niệm mới, các phạm trù mới và cách diễn đạt mới phù hợp với cả ngữ cảnh Trung Quốc và nước ngoài; và để trình bày câu chuyện Trung Quốc và sức mạnh tư tưởng và tinh thần đằng sau nó một cách đầy đủ và rõ ràng hơn.
Điều quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền và giải thích về ĐCSTQ, và giúp các dân tộc bên ngoài nhận ra rằng ĐCSTQ thực sự đấu tranh cho hạnh phúc của người dân Trung Quốc, và hiểu tại sao CPC có khả năng [thành công], tại sao chủ nghĩa Marx có tác dụng, và tại sao chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc lại tốt.
Chúng ta nên tiến hành nghiên cứu sâu về tinh thần Trung Quốc, các giá trị Trung Quốc và sức mạnh Trung Quốc từ nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm văn minh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái, để hỗ trợ lý luận cho công tác truyền thông quốc tế. Điều quan trọng là phải quảng bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới, truyền tải thông điệp của chúng ta bằng văn hóa, truyền tiếng nói của chúng ta với văn hóa, giáo dục con người có văn hóa, đồng thời giải thích và quảng bá cho thế giới nền văn hóa tuyệt vời hơn với những đặc sắc của Trung Quốc thể hiện tinh thần Trung Quốc và chứa đựng trí tuệ Trung Hoa.
Chúng ta nên chú ý kiểm soát giọng điệu, cởi mở và tự tin cũng như nhã nhặn và khiêm tốn, và cố gắng xây dựng một hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy, đáng quý và đáng kính trọng.
Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các ý tưởng, trí tuệ và giải pháp của Trung Quốc cần được công bố rộng rãi. Khi Trung Quốc tiến gần hơn đến trung tâm của vũ đài thế giới, Trung Quốc có khả năng và trách nhiệm đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu và cùng với các quốc gia khác đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề của toàn nhân loại. Chúng ta nên giương cao ngọn cờ vì một cộng đồng vì vận mệnh nhân loại, dựa vào thực tiễn sinh động của sự phát triển của Trung Quốc, trên cơ sở hơn 5.000 năm văn minh Trung Quốc, và xây dựng toàn diện khái niệm của chúng ta về phát triển, văn minh, an ninh, nhân quyền, sinh thái, trật tự quốc tế và quản trị toàn cầu.
Chúng ta nên ủng hộ chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bá quyền, hướng dẫn cộng đồng quốc tế cùng nhau hình thành một trật tự quốc tế mới công bằng và hợp lý hơn, và xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới. Chúng ta nên sử dụng hiệu quả các ví dụ sinh động và cảm động khác nhau để minh họa rằng bản thân sự phát triển của Trung Quốc là đóng góp lớn nhất cho thế giới và đóng góp trí tuệ vào việc giải quyết vấn đề của con người
Ông Tập chỉ ra rằng cần thực hiện nhiều hình thức giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa có chiều sâu, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa Trung Quốc và các nước khác thông qua nhiều kênh khác nhau. Chúng ta nên đổi mới cơ chế thể chế và biến các thế mạnh về thể chế, tổ chức và con người của chúng ta thành lợi thế về giao tiếp. Chúng ta nên phát huy tốt hơn nữa vai trò của các chuyên gia cấp cao và tận dụng các nền tảng và kênh như các hội nghị và diễn đàn quốc tế quan trọng và các phương tiện truyền thông chính thống của nước ngoài để làm cho tiếng nói của chúng ta được lắng nghe. Tất cả các vùng miền và ban ngành nên làm việc tận dụng những đặc điểm và lợi thế riêng để hiển thị một hình ảnh Trung Quốc ba chiều sống động và đầy màu sắc.
Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường toàn diện hiệu quả của truyền thông quốc tế và xây dựng một đội ngũ chuyên gia mạnh để đáp ứng nhu cầu của truyền thông quốc tế trong thời kỳ mới. Cần tăng cường nghiên cứu lý luận về giao tiếp quốc tế, nắm vững quy luật giao tiếp quốc tế, xây dựng hệ thống diễn ngôn ở nước ngoài và nâng cao nghệ thuật giao tiếp.
Chúng ta phải áp dụng các phương pháp giao tiếp chính xác phù hợp cho từng đối tượng ở các khu vực, quốc gia và nhóm khác nhau, quảng bá câu chuyện và tiếng nói của Trung Quốc thông qua các đại diện trong từng bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và tập trung vào phạm vi hẹp hơn, đồng thời nâng cao tính thân thiện và hiệu quả của các nỗ lực truyền thông quốc tế của Trung Quốc.
Chúng ta phải kết bạn, đoàn kết và thu phục số đông, không ngừng mở rộng vòng kết nối bạn bè dư luận quốc tế biết Trung Quốc và thân thiện với Trung Quốc. Điều quan trọng là phải có chiến lược và khéo léo trong cuộc đấu tranh giành dư luận, và nâng cao khả năng lên tiếng về những vấn đề lớn.
Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các cấp ủy đảng cần đưa việc tăng cường năng lực truyền thông quốc tế vào hệ thống trách nhiệm của mình về công tác tư tưởng, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức, tăng cường đầu tư tài chính, giúp thúc đẩy hoạt động thực tiễn và giải quyết những khó khăn cụ thể. Cán bộ lãnh đạo các cấp cần chủ động làm công tác truyền thông quốc tế, các đồng chí phụ trách chính [các tổ chức đảng] nên vừa nhận trách nhiệm cá nhân vừa tự mình thực hiện. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo về kiến thức giao tiếp quốc tế và phát huy vai trò của tổ chức đảng tất cả các cấp để tạo khí thế ý thức bảo vệ tốt hình ảnh trang nghiêm của Đảng và Nhà nước. Các trường Đảng (trường hành chính) các cấp cần coi trọng việc đào tạo kỹ năng giao tiếp quốc tế. Chúng ta nên tăng cường xây dựng các chuyên ngành đại học và đào tạo nguồn nhân tài dự bị, nâng cao trình độ nghiên cứu lý thuyết truyền thông quốc tế.
---------
Trần Phạm Bình Minh và TS. Nguyễn Trịnh Đôn lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Bản gốc tiếng Trung: xinhuanet.com
Nguồn bản dịch: dskbd.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét