Lời cảnh báo nghiêm khắc từ Bahrain về vắc-xin Sinopharm
Vũ Kim Hạnh
(Theo thông tin mới từ tờ the Washington Post mà status của GS Trần Tinh Hiền nêu ở cuối bài (*), tôi tìm đọc bài này và lược dịch để các bạn tham khảo thêm, nếu cần).
Năm ngoái, Bahrain là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc, được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12 – một động lực đáng kể cho tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh đối với vắc-xin, bất chấp sự nghi ngờ của một số nhà khoa học về việc thiếu an toàn công cộng và dữ liệu hiệu quả.
Giờ đây, quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này là quốc gia mới nhất công khai đưa ra sự nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin.
Các quan chức Bahrain nói với các hãng tin tức trong tuần này rằng họ sẽ cung cấp các liều Pfizer-BioNTech cho một số người có nguy cơ cao sau khi đã tiêm 2 mũi tiêm Sinopharm, khi Bahrain đối mặt với làn sóng virus mới.
Chính sách này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO chấp nhận cho Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp, và đó là loại vắc xin đầu tiên do Trung Quốc phát triển đã nhận được con dấu chấp thuận của WHO.
... Ở Bahrain, một đợt tiêm chủng chủ yếu dựa vào Sinopharm cho đến nay đã tạo ra kết quả hỗn hợp và không ngăn chặn được sự gia tăng các ca mới.
Gần 50% đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ, qua theo dõi liên tục của The Washington Post, nhưng quốc gia này đã chứng kiến làn sóng các ca bệnh tồi tệ nhất trong vài tuần qua và chính phủ đã thực hiện lệnh phong tòa (một nửa) toàn quốc để kịp ngăn ngừa sự bùng phát.
Theo Hãng thông tấn Bahrain, 1.936 trường hợp nhiễm mới đã được báo cáo vào ngày 3/6/2021, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ở quốc gia (mà dân số chỉ có 1,6 triệu người) lên tới hơn 240.000 người, với hơn một nghìn trường hợp tử vong.
Waleed Khalifa al-Manea, Thứ trưởng Bộ Y tế Bahrain, nói với Wall Street Journal trong một bài báo xuất bản hôm 3/6 rằng những người đã được tiêm chủng đầy đủ với Sinopharm trên 50 tuổi, mắc bệnh mãn tính hoặc béo phì đang được khuyến khích tiêm bổ sung Pfizer-BioNTech sau mũi tiêm Sinopharm cuối cùng của họ.
Bahrain và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất láng giềng – vốn cũng phụ thuộc rất nhiều vào Sinopharm – trước đó đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp các mũi tiêm nhắc lại của chính Sinopharm liều thứ ba bắt đầu từ giữa tháng 5, sau khi các nghiên cứu cho thấy một số người được tiêm chủng chưa phát triển đủ kháng thể.
Đại diện của Sinopharm đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Tại sao quốc gia được tiêm phòng nhiều nhất trên thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đột biến chưa từng có về số ca nhiễm coronavirus? Đây không phải là ca cá biêt. Ở Seychelles, Chile và Uruguay, tất cả đều đã sử dụng Sinopharm hay Sinovac để nhanh chóng “miễn dịch cộng đồng” thì nay, các ca bệnh lại đã tăng lên ngay cả khi đã tiêm hết số liều cần thiết.
Sự gia tăng các ca nhiễm trùng ở Seychelles đã đưa ra một “trường hợp quan trọng để xem xét hiệu quả của một số loại vắc-xin và phạm vi mà chúng ta phải đạt được để đáp ứng khả năng miễn dịch của đàn”, Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ nước ngoài, nói với The Washington Post vào thời điểm đó.
Hội đồng của WHO cũng cảnh báo về “mức độ tin cậy thấp” về hiệu quả của vắc-xin TQ ở những người từ 60 tuổi trở lên và “độ tin cậy rất thấp” về các tác dụng phụ tiềm ẩn ở nhóm tuổi đó, do thiếu dữ liệu.
Một báo cáo của ban tổ chức WHO vào tháng trước cho thấy Sinopharm có tỷ lệ 79% hiệu quả trong việc ngăn chặn triệu chứng covid-19 ở người lớn từ 18 đến 59, trích dẫn bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Bahrain, Ai Cập, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nay thì tình trạng ở Bahrain và nhiều nước đã cho thấy gì? Một lời cảnh báo rất quan trọng.
Tuần này, hàng triệu liều Sinopharm vẫn đang được tung ra khỏi dây chuyền sản xuất ở Bắc Kinh.
Một người đàn ông Bahrain đi ngang qua các cửa hàng đóng cửa, khi đất nước này rơi vào tình trạng “phong tỏa phân nửa” kéo dài hai tuần do số ca nhiễm coronavirus cao và tử vong đáng kể ở Manama, Bahrain. Ảnh chụp ngày 3 tháng 6. (Ảnh đăng kèm bài của báo the Washington Post, của Reuters)
Dịch lại bùng phát ở các nước Trung Đông dù các nước này tiêm chủng sớm nhất.
Các bác sĩ kiểm tra một hành khách đang di chuyển tại Manama, Bahrain để kiểm tra những cư dân nước này trở về từ Iran để xem có bị nhiễm loại coronavirus mới hay không, tại Trung tâm Y tế Isa Town, phía nam Manama, Bahrain, ngày 2 tháng 3 năm 2020. (Reuters)
-------
Chuyên gia nói về sinopharm và sinovac- vắc xin sử dụng virus bất hoạt & giảm độc lực
(Nhiều bạn inbox hỏi thông tin về Sinopharm và Sinovac. Và cũng thấy thông tin tin cậy về 2 loại văc xin này là cần, tôi nhờ nhà báo chuyên về y học là Phan Sơn hỏi GS Trần Tịnh Hiền, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu lâm sàng. Ông vừa có bài trên trang FB của ông. Tôi xin đăng nguyên văn ở đây, có bổ sung thông tin về hoạt động nghề nghiệp của ông. Và tôi cũng tóm dịch luôn bài trên The Washington Post mà giáo sư đề cập ở cuối bài để các bạn tham khảo. Mời đọc bài GS. BS Trần Tịnh Hiền dưới đây).
Sử dụng toàn bộ hay một phần virus gây bệnh để làm vắc-xin gọi là vắc-xin nguyên virus (whole virus vaccine). Đây là phương pháp chế tạo vắc-xin truyền thống và nhiều vắc-xin hiện nay đã được sản xuất theo công nghệ này. Có hai cách để làm vắc-xin toàn bộ virus: bất hoạt (inactivated) và giảm độc lực (live attenuated).
Trong công nghệ bất hoạt, virus bị tiêu diệt hay biến đổi để không còn có thể nhân lên được và do đó không thể gây bệnh được. Vắc-xin bất hoạt có thể sử dụng cho những người suy giảm miễn dịch.
Trong vắc-xin giảm độc lực thì virus bị làm yếu đi tuy nhiên vẫn còn sống và tạo miễn dịch mạnh. Nhưng những người có vấn đề về hệ miễn dịch không thể sử dụng loại vắc-xin này được.
Vắc-xin covid-19 bất hoạt
Công ty Dược phẩm Nhà nước Sinopharm của Trung Quốc phát triển vắc-xin bất hoạt COVID-19 có tên là BBIBP-CorV, cộng tác với Viện Sinh Phẩm Bắc Kinh để nghiên cứu virus từ 3 bệnh nhân sau đó chọn 1 chủng làm vắc-xin. Họ nuôi cấy trên tế bào rồi sử dụng chất beta-propriolactone để bất hoạt virus làm cho chúng không phát triển nữa.
Một công ty tư nhân khác là Sinovac thì làm vắc-xin CoronaVac. Công ty này lấy virus từ các bệnh nhân ở Trung Quốc, Anh, Ý và Thuỵ Sĩ cuối cùng chọn virus ở Trung Quốc. làm nền tảng. Họ nuôi cấy virus với số lượng lớn trên tế bào thận khỉ và bất hoạt chúng cũng bằng beta-propriolactone.
Cả hai công ty đều sử dụng aluminum hydroxide làm chất phụ gia để gia tăng kích thích tính miễn dịch. Vaccine Covaxin còn sử dụng thêm một phụ gia khác là một phân tử có tên là TLR “Toll-like receptor (TLR) 7/8 agonist – các phân tử này hoạt hoá các tế bào trình diện kháng nguyên (antigen-presenting cell) do đó kích hoạt cả hệ miễn dịch dịch thể cũng như miễn dịch tế bào, đặc biệt là các tế bào lymphô Th1.
Vắc -xin covid-19 giảm độc lực
Hiện chưa có vắc-xin chống covid loại giảm độc lực. Có một số nghiên cứu trên những dòng có tiềm năng như A50-18 của SARS-CoV-2. Nghiên cứu thăm dò trên khoảng 650 mảng virus tìm thấy 4 đột biến nhạy cảm nhiệt (temprature-sensitive), chỉ có tác dụng gây bệnh tế bào ở nhiệt độ 32°C, nhưng lại không có tác dụng gì ở nhiệt độ 37°C. Khi cho chuột lang Syria nhiễm virus này thì không gây tổn thương phổi hay giảm cân như dòng virus hoang dại nhưng sau đó lại chuột có miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Từ nghiên cứu này các nhà nghiên cứu hy vọng chế tạo được vắc-xin Covid qua đường mũi... Vắc xin giảm độc lực tạo miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn vắc xin bất hoạt. Điều chưa biết rõ là sự đảo ngược độc lực có xảy ra không và nhất là trên người suy giảm miễn dịch bệnh lý.
Cho đến giờ này tác dụng thật sự của 2 loại vắc-xin bất hoạt từ Trung Quốc vẫn còn gây nhiều tranh luận. Từ Trung Đông như Bahrain, UAE qua Nam Mỹ như Chile và Uruguay, đến Châu Phi như Seychelles, nhiều nước đã triển khai tiêm chủng bằng các vắc-xin từ Trung Quốc, hiện đang bị các đợt bùng phát dịch nặng...
Ngày 4-6-2021 tờ Washington Post chạy tít “Niềm Hy Vọng Lớn của Trung Quốc, SinoPharm, đang thấy sự nổi tiếng của mình mờ dần giữa các đỉnh Covid ở những nước đã sử dụng vaccine này” (China’s great vaccine hope, Sinopharm, sees reputation darkened amid covid spikes in countries using it). Đấy là một tiếng chuông cảnh tỉnh!
THÔNG TN THẬT NGẮN VỀ GS. BS TRẦN TỊNH HIỀN
Giáo sư Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp Tiến sĩ ĐH Oxford về Nghiên cứu Lâm sàng. Dạy học về bệnh truyền nhiễm tại ĐH này. Làm việc tại BV Nhiệt Đới TPHCM từ 1978 và được bổ nhiệm Phó giám đốc BV này năm 1989.
Năm 2001, GS. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền được bổ nhiệm làm thành viên Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về Liệu pháp Phối hợp Artemisinin.
Sau đó, ông làm Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Lâm sàng về Bệnh Nhiệt đới của Đại học Oxford đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam (Trung tâm Y học Nhiệt đới Đại học Oxford, được tài trợ bởi Wellcome Trust (2010-2015).
Hiện nay, ông tiếp tục công việc nghiên cứu ở nước ngoài.
V.K.H.
Nguồn: FB Vu Kim Hanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét