Mặt thật Trung Cộng 中共的真面目 - Trung Quốc trả giá với ngoại giao chiến lang
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)
Khi Trung Quốc quyết liệt gia tăng ảnh hưởng bằng ngoại giao chiến lang, ngày càng nhiều nước trên thế giới "quay lưng" với Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp song phương tại Alaska hồi tháng 3, khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì "lên lớp" về những thất bại của Mỹ, trong đó có các vụ cảnh sát giết chết người da màu, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan không tranh luận.
Tuy nhiên, Sullivan nhắc nhở nhà ngoại giao Trung Quốc về cái mà ông gọi là "phẩm chất đặc biệt" của chính quyền Mỹ: khả năng thừa nhận và sửa chữa sai lầm. "Một quốc gia tự tin có thể nhìn thấu những thiếu sót của mình và không ngừng tìm cách cải thiện", ông Sullivan nói.
Peter Martin, nhà phân tích của Bloomberg, nhận định ý nghĩa câu nói của cố vấn an ninh Mỹ là ít nhất trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc dường như không làm được như vậy.
Khi Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, ngày càng gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh với đội quân ngoại giao "chiến lang", thiện cảm của người dân thế giới với nước này ngày một giảm. Các cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm ngoái chỉ ra tại 9 trong 14 nền kinh tế lớn, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Australia là nước có mức tăng lớn nhất, khi 81% người được hỏi nói không thấy thiện cảm với Trung Quốc, tăng từ 24% so với một năm trước đó. Tại Mỹ, 73% người được hỏi cho biết có ấn tượng rất xấu hoặc hơi xấu với Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Dương Khiết Trì (giữa), Ngoại trưởng Vương Nghị và phái đoàn Trung Quốc trong cuộc gặp với các quan chức Mỹ ở Anchorage, Alaska hôm 18/3. Ảnh: AFP.
Martin chỉ ra một số nguyên nhân. Trong những năm gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với một loạt chỉ trích quốc tế, liên quan tới cáo buộc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vấn đề Hong Kong, cách nước này ứng phó trong giai đoạn đầu Covid-19 cùng nhiều vấn đề khác. Chính sách công nghiệp của Bắc Kinh cũng là một phần nguyên nhân, khi nhiều lao động ở phía bắc nước Anh hoặc vùng Trung Tây Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc khiến họ mất việc làm.
Tuy nhiên, nhà phân tích Martin cho rằng chính đội quân ngoại giao chiến lang đang gây thiệt hại nhiều nhất cho hình ảnh của Trung Quốc trên khắp thế giới, từ Brazil tới Papua New Guinea.
Tháng 3 năm ngoái, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, gây phẫn nộ khi liên tục thúc đẩy giả thuyết chính người Mỹ đã đưa virus nCoV tới Vũ Hán dù không có bằng chứng. Tới tháng 11, Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu phía Trung Quốc xin lỗi sau một bài đăng Twitter của ông Triệu, trong đó có bức ảnh được dựng bằng phần mềm đồ họa máy tính, mô tả một người lính Australia kề dao vào cổ một bé gái Afghanistan.
Tháng 1 năm nay, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington mất quyền truy cập tài khoản Twitter, sau khi mạng xã hội này cho rằng một bài đăng của đại sứ quán Trung Quốc về Tân Cương, trong đó tuyên bố nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan ở khu vực này đồng nghĩa phụ nữ không còn là "máy đẻ", vi phạm chính sách của Twitter.
Những hành động của Trung Quốc đang khiến chính quyền Mỹ càng thêm cứng rắn, xóa tan hy vọng của Bắc Kinh về việc Tổng thống Joe Biden sẽ áp dụng cách tiếp cận dễ chịu hơn người tiền nhiệm Donald Trump. Tháng trước, Kurt Campbell, quan chức hàng đầu của Biden về chính sách châu Á, tuyên bố kỷ nguyên gắn kết với Trung Quốc đã kết thúc. Bản thân Biden từng chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình và cam kết một kỷ nguyên "cạnh tranh gay gắt" với các siêu cường kinh tế khác.
Câu chuyện tương tự được ghi nhận ở nhiều nước phát triển khác. Australia, Canada và Anh cũng giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, như cách một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện. Một thỏa thuận đầu tư được kỳ vọng từ lâu giữa Trung Quốc với EU đã bị đóng băng, một phần do Bắc Kinh áp trừng phạt đối với các nhà lập pháp châu Âu sau khi bị chỉ trích về vấn đề Tân Cương.
Không ít thành viên của giới tinh hoa về chính sách ngoại giao của Trung Quốc coi hình ảnh ngày càng xấu của nước này trên trường quốc tế là vấn đề đáng lo ngại và cảnh báo những nguy cơ của việc tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao chiến lang.
"Nhưng Trung Quốc dường như không có khả năng điều chỉnh lại, ngay cả khi chính quyền Biden xây dựng liên minh khắp châu Âu và châu Á, một phần sử dụng quan điểm khó chịu với Trung Quốc để đưa các nước xích lại với Mỹ", Martin nhận định.
Nhà phân tích này cho rằng môi trường chính trị hiện tại ở Bắc Kinh gây khó khăn có một ý tưởng về sự thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc. Sự tự tin gia tăng đáng kể, thậm chí quá mức, của Bắc Kinh là một phần nguyên nhân. Sự tự tin này được cho bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến Mỹ và châu Âu lao đao, nhưng hầu như Trung Quốc không bị ảnh hưởng.
Xu hướng này gia tăng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, đề ra đường lối quyết liệt hơn về chính sách đối ngoại, chấm dứt kỷ nguyên "náu mình chờ thời". Đến năm 2017, các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc chỉ ra "những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ" của hệ thống quốc tế, khi ông Tập tuyên bố Bắc Kinh đang "tiếp cận trung tâm của sân khấu thế giới".
Bên cạnh đó, Trung Quốc có một niềm tin ngày càng mạnh mẽ rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã trở nên suy yếu. Trong hai thập kỷ qua, các lãnh đạo Trung Quốc chứng kiến Mỹ sa lầy với cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, trong khi tình trạng chia rẽ lưỡng đảng khiến quốc hội Mỹ nhiều lần lâm vào bế tắc. Cách ứng phó Covid-19 của Mỹ, khiến hơn 600.000 người tử vong, để lại ấn tượng xấu nhất. Năm ngoái, Chủ tịch Tập nói phản ứng của Trung Quốc với Covid-19 cho thấy "lợi thế đáng chú ý" của hệ thống chính trị nước này.
Trong mắt nhiều quan chức Trung Quốc, thái độ tiêu cực với Bắc Kinh của dư luận quốc tế chỉ đơn giản là bằng chứng cho thấy Mỹ và đồng minh quyết tâm ngăn sự trỗi dậy của quốc gia châu Á này.
Tuy nhiên, khi mặt trận đối đầu Trung Quốc toàn cầu dần hình thành, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập dần nhận ra hệ quả từ chính sách "ngoại giao chiến lang" quyết liệt của nước này. Trong một cuộc họp gần đây với quan chức cấp cao, ông Tập kêu gọi mọi người "kiềm chế" khi giao tiếp với thế giới bên ngoài, "cởi mở, tự tin nhưng khiêm tốn".
Ông yêu cầu các quan chức nỗ lực xây dựng hình ảnh Trung Quốc "đáng tin, đáng yêu và đáng tôn trọng", nhấn mạnh điều quan trọng là Trung Quốc phải cải thiện cách thể hiện bản thân trên trường quốc tế để tăng cường "kết bạn".
Nhưng với những quan chức cấp cao ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn, họ có niềm tin lớn rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và những vấn đề như suy giảm dân số không thể phá hỏng tiến trình kinh tế của nước này. Thậm chí nhiều người còn tin rằng việc Mỹ phải xem Trung Quốc ngang hàng chỉ là vấn đề thời gian.
"Mỹ cần phải nghĩ tới triển vọng và cuối cùng sẽ là thực tế rằng nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn. Mỹ sẽ phải xoa dịu thái độ thù địch với Trung Quốc. Chủ nghĩa thực dụng và hiện thực sẽ chiếm thế thượng phong", Cao Chí Khải, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, người từng là dịch giả cho cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, nói.
T.T.
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét