Nanogen “một phút khi dễ” Bộ Y tế: Tương lai NanoCovax ra sao?
23-6-2021
Công ty CP Sinh hoc Dược Nanogen gửi kiến nghị xin Thủ tướng cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax mà không thèm kính gửi Bộ Y tế. Ngay sau đó, Bộ Y tế phê bình, kiến nghị cấp phép vaccine Nano Covax là “nóng vội, chưa đầy đủ dữ liệu khoa học”.
Từ đó, báo chí và MXH chia thành hai: phe bênh Bộ Y tế và phe bênh Nanogen.
Phe bênh Bộ thì đưa ra quy trình thử nghiệm 3 giai đoạn rất nghiêm ngặt. Ngày 11/6/2021, Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Nanocovax, tại Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM, tỉnh Hưng Yên, Long An, Tiền Giang… cho 13.000 người nhằm đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine. Nghĩa là, sớm nhất 2 tháng nữa mới có kết quả đánh giá.
Còn phe bênh cho Nanogen trần tình: “Nanogen kiến nghị cấp phép khẩn cấp lên Thủ tướng là bởi biết trước Bộ Y tế không đồng ý. Vì trước đó, Nanogen gặp nhiều khó khăn với cơ chế “xin – cho” trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Nano Covax. Nếu không nói, cứ âm thầm bỏ tiền ra nghiên cứu khoa học, đầu tư sản xuất, thử nghiệm một loại vaccine mang tầm quốc tế tốn kém lắm, mà Bộ nói chỉ cấp phép khi thiếu vaccine, còn đủ vaccine không cấp phép, điều đó không hợp lý”.
Tôi không bàn chất lượng vaccine, chỉ bàn thái độ Nanogen “khi dễ” Bộ Y tế vì xưa nay chưa có tiền lệ! Nanogen bị dồn đến chân tường, một ăn hai thua, và thua là phần chắc!
Tôi rành cái “thủ tục hành hạ” các DN dược khi xin cấp số đăng ký thuốc lưu hành tại VN của các đời Cục trưởng Cục Quản lý dược, họ rất xem thường sinh mạng bênh nhân.
Ngày 14/4/1993, trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi viết bài “Vụ Quản lý Dược Bộ Y tế: “Cửa ngõ” nhập thuốc Tây dỏm?
Đầu năm 1993, GS TS Nguyễn Trọng Nhân bộ trưởng Y tế cho thanh tra Vụ Quản lý Dược mới biết, từ năm 1992 trở về trước, Vụ QLD cấp số đăng ký “khống” cho 192 mặt hàng thuốc (không thông qua HĐ xét duyệt, hoặc không kiểm tra chất lượng tại VN, hay thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sản xuất) tức là tỷ lệ “thuốc giả” được phép nhập chiếm tỷ lệ gần 13% (192/1.500 số đăng ký).
Bộ trưởng Nhân đình chỉ chức Vụ trưởng của DS Phan Văn Tín, chuyển hồ sơ sang Công an, thì trưa ngày 5/3/1993, Vụ trưởng Tín đã treo cổ chết tại nhà riêng…
Sau khi DS Tín tự xử, Công an không khởi tố 2 vụ phó là DS Tạ Ngọc Dũng và DS Phan Xuân Lễ về hành vi cấp số đăng ký lưu hành cho 192 mặt hàng thuốc giả vào VN.
Thư tuyệt mạng của DS Tín viết, ông giao cho DS Lễ phụ trách thu lệ phí, nhưng 8 tháng sau, Công an mới khởi tố DS Dũng về hành vi “không làm đầy đủ trách nhiệm trong việc thu lệ phí công ty của các công ty nước ngoài nhập khẩu thuốc, tổn thất 130.000 USD”.
Hơn 2 năm sau, ngày 19/4/1995, Công an đình chỉ điều tra DS Dũng, Bộ trưởng Nhân chỉ còn biết hối thúc Hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật DS Dũng và DS Lễ để răn đe, nhưng có “trát” ở trên (nguyên văn) yêu cầu ngưng xét kỷ luật, nên bộ trưởng Nhân giơ tay đầu hàng tham nhũng và từ chức vào tháng 10/1995.
GS Đỗ Nguyên Phương lên thay, thành lập Cục Quản lý Dược xóa Vụ Quản lý dược. Nhưng đổi tên để xả xui, Cục Quản lý dược vẫn là đám “kiêu binh”, càng về sau, các ông Cao Minh Quang, Trương Quốc Cường càng thăng chức như diều gặp gió, cứ ngồi ghế cục trưởng QLD đúng 3 năm là nhảy phóc lên ghế thứ trưởng phụ trách dược.
Tiền đông như quân nguyên, hai cục trưởng này bị các hãng dược tố cáo búa xua, chẳng ra cái giống ôn gì! Riêng thứ trưởng Cao Minh Quang cậy thế tố cáo ngược nội bộ, mượn tiền tỷ của hãng dược xài chơi, và chỉ đến khi bị UB Kiểm tra TƯ sờ gáy, mới bị thủ tướng Ba Dũng cách chức!
Vụ án thuốc ung thư giả là giọt nước tràn ly, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cho nên, Nanogen kiến nghị Thủ tướng mà bất chấp Bộ Y tế cũng là giọt nước tràn ly.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét