Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Trận chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19: Việt Nam cán đích “miễn dịch cộng đồng” bằng vaccine vào đầu năm 2022?

 

Trận chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19: Việt Nam cán đích “miễn dịch cộng đồng” bằng vaccine vào đầu năm 2022?

Trần Tuấn

25-6-2021

Vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới chỉ được giới khoa học y tế dự phòng nghiên cứu phát triển thành công ở những tháng cuối năm 2020, được WHO, FDA (Mỹ), European Medicine Agency EMA (Cơ quan đảm trách y tế Liên hiệp Âu châu) cấp phép đưa vào sử dụng đầu năm 2021 (Tài liệu tham khảo 1).

Có ”vũ khí vaccine” trong tay, chỉ sau 6 tháng đưa vào triển khai tiêm chủng rộng rãi, các nước vốn đang “điêu đứng vì dịch bệnh”, đã nhanh chóng từng bước khống chế rồi “rẽ lối” theo nhau đi vào giai đoạn “ra khỏi dịch”, đưa đất nước trở lại cuộc sống thường nhật! (TLTK 2, 3).

Được như thế, bởi họ đã “khai thác tốt nhất có thể ” lực lượng viện binh chủ lực của y tế dự phòng – Vaccine – để tổ chức cả xã hội thực hiện tiêm chủng miễn phí cho mục tiêu nhanh nhất đạt đích 70% tạo “miễn dịch cộng đồng”!

Việt Nam, đất nước vốn chống trả dịch bệnh thành công đến thời điểm này, “giữ vững trận địa” trong suốt 18 tháng qua khi trong tay chỉ có lực lượng “bộ đội địa phương và dân quân tự vệ” sử dụng vũ khí tự tạo “5K”, giờ đây đã có thêm viện binh “vaccine”, đội quân chủ lực trên bàn cờ chiến sự phòng chống COVID-19, liệu Việt nam có tiếp tục giữ được “ngôi đầu” thành công, để cùng các nước tiền tiến vang ca “hồi kèn chiến thắng” ở vào thời điểm đón chào năm mới 2022?

“CÓ” VÀ “KHÔNG”- PHỤ THUỘC VÀO SỰ ĐỒNG ĐIỆU CỦA BỘ BA CHIẾN LƯỢC “VACCINE – TIÊM CHỦNG – TRUYỀN THÔNG”

Điều này phụ thuộc vào bản lĩnh của người lãnh đạo chính phủ và Bộ Y tế kiên quyết tới đâu “thúc đẩy cái tích cực, đẩy lùi cái tiêu cực” trong ma trận các yếu tố “chống-đẩy” bộ ba chiến lược liên kết “kiềng 3 chân” tạo bệ đỡ cho triển khai núi việc nhắm tới mục tiêu “70%” dân chúng (trong diện quan tâm) đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trong 6 tháng cuối năm 2021!

Muốn có miễn dịch cộng đồng bằng vaccine đạt được vào cuối năm nay, có 3 cấu phần chiến lược phải làm tốt đồng bộ: (1) có đủ số liều vaccine cho nhu cầu (và phải là vaccine qua được vòng kiểm định khoa học khách quan, chuẩn mực, đạt độ an toàn dịch tễ học cho người dùng); (2) Tổ chức hệ thống tiêm chủng chạy ổn định theo đúng nguyên lý ”y học dự phòng vì dân” (không vì thương mại), và (3) hệ thống truyền thông cho mục tiêu “khoa học vì Dân” đảm bảo người dân hiểu đúng và tham gia tiêm đủ liều vaccine có chất lượng phê duyệt bởi WHO, FDA (Mỹ) , hay hội đồng y học Âu châu EMA (the European Medicine Agency )!

MA TRẬN CÁC YẾU TỐ “CHỐNG-ĐẨY” KIỀNG BA CHÂN

Theo dõi diễn biến phòng chống dịch khi có vaccine xuất hiện, dễ dàng nhận ra, bên cạnh trận chiến trực tiếp với vi rút SARS-COVI2, Bộ Y tế dường như đang phải đương đầu với một “trận chiến” nữa vốn hình thành từ lâu trong lòng chính phủ, cả trong lòng Bộ Y tế, đang được khởi lên nhanh chóng và đang đến hồi quyết liệt trong thời gian gần đây!

Thật vậy! Báo chí chính thống xuất hiện những “quy kết: Bộ Y tế “chậm công khai kế hoạch tiêm chủng”, “chậm triển khai tiêm chủng”, hoặc khi Bộ Y tế công bố “tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 miễn phí toàn dân” thì ngay sau đó vài ngày, lại có ngay “tiêm chủng dịch vụ phòng COVID-19”, y như thể thừa nhận “năng lực” của hệ thống y tế công yếu đến mức “không đủ đáp ứng yêu cầu thực tế” khiến chậm trễ xẩy ra nay “buộc phải mở ra” cho tư nhân “ghé vai” gánh giúp! Sự “xem thường” Bộ Y tế có lẽ “nặng nhất” ở câu chuyện doanh nghiệp tư nhân “nghiên cứu phát triển” vaccine NanoCovax còn chưa xong đã “bỏ qua Bộ Y tế” lên thẳng “xin Thủ tướng cấp phép”! Một “bằng chứng” khẳng định chuyện “Bộ Y tế chậm trễ” chưa đủ, mà dường như còn tồn tại cả “khó dễ”, không “mặn mà” với doanh nghiệp vốn đang “hừng hực khí thế trợ giúp chống dịch”.

Thực ra, nên cho đó là biểu hiện thực tế “ được thiết kế”, “có chủ ý” đến từ “trận chiến” giữa “hai lực lượng”! Một bên là bộ phận có tâm “Y tế vì Dân” trong Bộ Y tế, trong chính phủ, và trong nhà nước, cùng các tổ chức khoa học độc lập tranh đấu cho lợi ích y tế công cộng cố “giành và giữ y tế dự phòng cùng hệ thống tiêm chủng miễn phí” cho mục tiêu “Y tế vì Dân”, và bên kia, bộ phận thúc đẩy “thương mại hóa y tế công” có trong một bộ phận khác của chính phủ, của Bộ Y tế, của nhà nước, với “hậu thuẫn” mạnh mẽ từ khối “doanh nghiệp” đã và đang đầu tư vào “dịch vụ tiêm chủng cùng các “dịch vụ” y tế dự phòng khác!

Mà “vaccine nào?” và “tiêm chủng miễn phí hay tiêm chủng dịch vụ?” cùng các câu chuyện xoay quanh nó trong bối cảnh dịch COVID vẫn đang lan tràn trong nửa đầu năm nay, chính là biểu hiện cụ thể của “sự giằng xé” nội trong những người làm chính sách và điều hành chính sách y tế Việt nam: “Public Health in Private Hand: To do or not to do?”, dưới áp lực của những thế lực “hạch toán kinh tế” đã hàng chục năm nay nhìn khối y tế dự phòng Việt nam qua con mắt “núi vaccine, đồi vi chất, thung lũng xét nghiệm tầm soát dự phòng khổng lồ” lớn dần lên mỗi năm! Câu chuyện “tiêm chủng” nói riêng, và kiểm soát “hệ thống CDC” nói chung, thật chẳng khác gì cuộc chiến “ giành và giữ tài nguyên lộ thiên” trên “thị trường chăm sóc sức khỏe” dân Việt!

“Nội chiến” xẩy ra, tất nhiên, ảnh hưởng đến “trận chiến” với COVID-19! Hãy nhìn và lý giải diễn biến phòng chống dịch COVID-19 ở Việt nam trong nửa đầu năm 2021 (khi có vaccine cấp phép) từ góc độ đó! Để rồi đánh giá và dự báo những thay đổi sẽ diễn ra trong thời gian tới!

MỐC 70% ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TIÊM CHỦNG SẼ ĐẠT… NẾU “CẦM VÀNG ĐỪNG ĐỂ VÀNG RƠI”!

Y tế dự phòng Việt nam cùng phương thức phòng chống dịch “tập trung tổng lực, điều hành tuyệt đối” của nhà nước này là “một khối vàng ròng” đang được “dòm ngó” bởi rất nhiều thế lực “yêu tiền” cả trong nước và quốc tế! Tôi đánh giá như thế, bởi, nếu có “cỗ máy lùi thời gian” của chú mèo máy DOREMON đưa toàn bộ xã hội Việt nam ở trạng thái dịch bệnh hiện tại cùng hệ thống y tế dự phòng 2021 trở về vận hành đúng với phương thức phòng chống dịch bệnh và quản lý triển khai hệ thống tiêm chủng như thời cách đây vài chục năm về trước, thì cả 3 mảng tạo nên “kiềng 3 chân” nói trên (vaccine- tiêm chủng-truyền thông y tế), tôi dám đặt cược với bất cứ ai , chỉ có đạt TỐT, và RẤT TỐT trở lên! Và việc mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” bằng vaccine cho Việt nam vào đầu năm 2022, đạt được là … không có gì phải bàn!

Khối “vàng ròng” này gồm trong nó hệ thống y tế dự phòng “thuần công” hình thành và phát triển với 50 năm kinh nghiệm thành công khống chế tốt dịch bệnh phát sinh, từ nghiên cứu sản xuất vaccine, kiểm định chất lượng, tới tổ chức tiêm chủng dự phòng hàng nhiều triệu trẻ mỗi năm. Hệ thống này từng chiếm giữ được lòng tin tuyệt đối của toàn xã hội (vào chất lượng tiêm chủng) đạt được dài đến cả nửa thế kỷ (để rồi “bị đánh cắp” và “bị bôi tro chát trấu” mạnh mẽ từ chừng chục năm trở lại đây, khi bàn tay thương mại hóa thò vào!).

Khối “vàng ròng” này gồm cả uy tín của Bộ Y tế và quyết tâm của nhà nước Việt nam “chống dịch như chống giặc” với ý chí “quân lệnh như sơn” trong phòng chống dịch bệnh COVID 19 , được thực chứng và thừa nhận bởi WHO và các chính phủ trên toàn thế giới trong suốt 18 tháng qua! Đi đôi với độ hấp dẫn của “thị trường tiêm chủng trăm triệu dân” Việt nam luôn là “thỏi nam châm” cực mạnh đủ hút tất cả các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vaccine sẵn sàng (và chỉ) ngồi bàn thương lượng cung cấp vaccine theo yêu cầu của chính phủ Việt nam với giá cả, và kế hoạch đáp ứng thực tế chính phủ đưa ra. Nhất là khi, thị trường tiêu thụ vaccine COVID-19 đang dần thu hẹp lại, bởi dịch bệnh đang dần đi vào giai đoạn thoái trào ở nhiều nước, cộng thêm khả năng xuất hiện thêm vaccine mới ra đời (có hơn 20 vaccine đang đợi kết quả ở giai đoạn nghiên cứu hiệu lực lâm sàng giai đoạn 3) trong hồ sơ đăng ký với WHO/FDA/ EMA (TLTK1)!

Câu chuyện “chậm triển khai tiêm vaccine” “nguy cơ thiếu vaccine” cho Việt nam… tất cả là bị ảnh hưởng bởi “các yếu tố phi y tế” can thiệp vào câu chuyện quản lý hệ thống y tế dự phòng và đặc biệt hoạt động tiêm chủng mà thôi! Nó “không bao giờ xẩy ra” nếu dịch bệnh như thế này còn trong môi trường “y tế dự phòng thuần công” như cách đây hơn chục năm về trước! Một Bộ Y tế đã có quyết tâm “chống dịch” lớn đến như thế trong suốt 18 tháng qua, đã hoàn thành mọi hồ sơ chuyên môn để được nhận vaccine miễn phí của chương trình COVAX từ WHO chỉ một tháng sau khi vaccine này được cấp phép (TLTK 4), thì không thể lại “chậm chạp” một cách “kỳ lạ” suốt những tháng sau đó trên bàn cờ chiến sự COVID-19 với Vaccine là lực lượng chủ lực giúp nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng dịch! Hẳn phải có những “yếu tố dị thường” làm nên cái “bất thường” như vậy!

Hãy nhớ là, lãnh đạo Bộ Y tế đã từng đưa ra thông tin tại thời điểm đầu tháng 6/2021 (TLTK5), Bộ Y tế đã công bố kế hoạch thương thảo thành công có được 125 triêu liệu vaccine (được WHO cấp phép) đưa về Việt nam trong thời gian tới, và khả năng đạt mục tiêu 150 triêu liều đủ cho 70% đối tượng được tiêm chủng miễn phí, hoàn toàn nằm trong tầm tay vào đầu năm 2022. Với hệ thống tiêm chủng “thuần công” trở lại, chẳng có gì ngăn cản được mục tiêu “70%” được tiêm đủ hai mũi!

Khối “vàng ròng” còn phải kể đến, là nguồn cung cấp tài chính từ Dân cho nhà nước, qua bất kể hình thức đóng góp nào đã từng, và nay thêm việc hình thành “Quỹ vaccine” đặc thù cho phòng chống COVID-19.

Hiếm nước nào trên thế giới, trong nền kinh tế thị trường, mà lại đưa được cả một hệ thống chính quyền cơ sở cho người đi đến từng nhà vận động đóng góp! Cũng hiếm nữa, khi cả đến từng học sinh mọi lứa tuổi học đường, đều thực hiện đóng góp quỹ vaccine chống dịch bệnh COVID-19, như ở Việt nam…

Nguồn cung vaccine có đủ! Tiền cho vaccine cả từ ngân sách và từ quỹ, không thể nói là “vẫn thiếu”, tới độ phải… kêu gọi tư nhân vào cuộc!

Hệ thống dây chuyền lạnh cùng đội ngũ nhân viên y tế công có kinh nghiệm tiêm chủng lại đã sẵn từ nhiều năm! Đâu cần “tư nhân” vào… điều phối!

Mà bài toán “lập kế hoạch” mua và phân bổ vaccine trong toàn ngành y tế để 12 ngàn điểm tiêm chủng (nói tròn) gồm các bệnh viện, trạm y tế xã phường.. … triển khai trong thời gian tới, chả đến nối “khó như quỹ tích, zích zắc như đạo hàm” để không giải ra trong .. suốt 6 tháng qua! Thực chất, nó đủ đơn giản để hoàn toàn có thể kiếm được lời giải “đặc biệt xuất sắc” cho phương án “ chi phí-hiệu quả tối ưu trong tổ chức tiêm chủng miễn phí toàn dân phòng dịch COVID-19”… từ chỉ bằng một cuộc thi cấp độ năng lực đòi hỏi tương đương cho ….học sinh trung học!

Chả cần đến đội ngũ giáo sư, tiến sĩ viện này trường nọ nghiên cứu “đề tài cấp bộ, cấp nhà nước” dày hàng trăm trang… thêm tốn phí! Lại càng không cần phải “kêu gọi tư nhân” cung cấp thêm phương án “tiêm dịch vụ” mà thực chất là “Public Health in Private Hand” cho thêm …. Rối!

Chỉ cần quyết tâm chính trị “trả lại cho dân” “hệ thống tiêm chủng thuần công” cùng lập lại ý chí “y tế dự phòng vì dân” là đủ!

Nghĩa là, với những gì hiện có, hệ thống tiêm chủng công hoàn toàn có thể thực hiện tiêm chủng miễn phí, không cần đến sự vào cuộc của tư nhân, để đến được đích “miễn dịch cộng đồng” bằng tiêm chủng vào đầu năm 2022.

Nhưng như thế, là “đi ngược” với “thương mại hóa” khối “y tế dự phòng thuần công”! Như thế, làm gì có “ tiêm chủng dịch vụ” với vaccine phòng chống dịch COVID-19? Rồi cả đến các vaccine trong chương trình tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ em dưới 2 tuổi cũng trở lại “tiêm chủng miễn phí nốt”!

Có những thế lực rất lo cho tình trạng đó!

Bởi thế, những “giằng xé” sẽ tiếp tục diễn ra, chừng nào, một quyết tâm chính trị đủ mạnh ngộ ra rằng…

KHÔNG THỂ ĐẠT MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG VÀO 2022 – NẾU ĐỂ “PUBLIC HEALTH IN PRIVATE HAND”

Đã đến lúc, cần chỉ ra khẩu hiệu mỹ miều được “tiền hô hậu ủng” mạnh mẽ trong hai thập niên qua – “Public-Private Partnership for health care in Vietnam”, đi vào thực tế đã và đang trút bỏ bộ xiêm la để lộ rõ ý định can thiệp chính sách đẩy cả hệ thống quản lý “public health” dần nằm trong tay “private hand”!

Tại sao phải có tư nhân đứng vào nhập vaccine, khi các công ty sản xuất và thương mại vaccine chống dịch COVID chỉ cung cấp theo nguyên tắc “làm việc thông qua chính phủ”? Để rồi Bộ Y tế đau đầu với giải bài toán “mua lại” số vaccine đó?

Tại sao doanh nghiệp Nanogen, lại có thể “bỏ qua” Bộ Y tế lên thẳng Thủ tướng trong câu chuyện xin cấp phép cho vaccine còn chưa xong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, mà bài báo khoa học xuất bản kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cũng chẳng thấy nốt, kể cả trên trang web của chính doanh nghiệp này? Để rồi thản nhiên phản biện kiến nghị cấp phép của công ty là “thay mặt cho người dân để sớm có vaccine phòng COVID-19” trên phương tiện truyền thông đại chúng? (TLTK6)! Rồi, truyền thông xã hội dậy sóng “đợi vaccine Việt nam”? (TLTK7)

Vaccine là sản phẩm phải tuân thủ kiểm định khoa học chặt chẽ nhất, thậm chí hơn cả thuốc chữa bệnh! Cho mục đích gì mà phải “mau với chứ, vội vàng lên với chứ” đến độ chưa thấy bài báo khoa học xuất bản quốc tế kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, chưa trải qua đầy đủ các giai đoạn nghiên cứu đánh giá hiệu lực trên lâm sàng (chưa nói đến đánh giá hiệu lực thực tế trên cộng đồng- Cost effectiveness study), mà đã “mau mau cấp phép” cho sản xuất hàng loạt để “phục vụ riêng cho người dân Việt nam”?

Bộ Y tế hãy kiên định với lâp trường thể hiện trong đánh giá của TS. Nguyễn Ngô Quang (phó cục trưởng “cục khoa học công nghệ và đào tạo” với sản phẩm vaccine NanoVax! (TLTK 8). Phê phán “nóng vội” ở đây dường như còn quá nhẹ. Soi chiếu đúng hành động của doanh nghiệp Nanogen trong trường hợp này, phải đặt tên là: Ngụy khoa học, đậm chất thương mại!

Để bàn tay thương mại thò vào y tế dự phòng, để tiêm chủng thương mại đứng vào trận chiến phòng COVID-19, để nguồn lực y tế công trong tay y tế tư nhân điều hành “dịch vụ tiêm chủng”- “Public Health in Private Hand”, thì việc không thực hiện được mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” vào đầu năm 2022, là chuyện đương nhiên!

_____

Tài liệu tham khảo:

1. Bảng theo dõi vaccine phòng COVID-19 được WHO đánh giá kiểm định ( Status of COVID-19 Vaccines within WHO EUL/PQ evaluation process https://www.who.int/publications/m/item/draft-landscape-of-covid-19-candidate-vaccines)

2. Thông tin về tình hình corona virus ở Đức https://www.deutschland.de/en/news/coronavirus-in-germany-informations

3. Liệu nước Mỹ trở lại cuộc sống thường nhật trước khi có COVID vào tháng 7 tới đây ? (Can the USA return to pre-COVID-19 normal by July?) https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(21)00324-8/fulltext

4. Hướng dẫn lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia phòng chống COVID-19 https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-Vaccine-deployment-2021.1-eng

5. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Bo-Y-te-Viet-Nam-se-co-gan-125-trieu-lieu-vaccine-COVID19-trong-nam-2021/433453.vgp

6. https://soha.vn/lanh-dao-nanogen-chung-toi-khong-nong-voi-khong-tu-nhien-ma-chung-toi-chay-len-thu-tuong-xin-cap-phep-vac-xin-nano-covax-20210623101203146.htm?fbclid=IwAR3Pnl6h5Cz31m3ttYWZGEFtSJA3jbPioptSHzF-RGIxOz_tHCj2l1OrvmU

7. Lưu Trọng Văn (Facebook): Gã chờ tiêm vaccine Việt Nam như anh Đam (https://www.facebook.com/profile.php?id=100009457401127)

8. https://tuoitre.vn/dai-dien-bo-y-te-kien-nghi-cap-phep-vac-xin-nano-covax-la-nong-voi-chua-day-du-du-lieu-khoa-hoc-20210622190950296.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét