Về bi kịch của nhà báo trong xã hội chuyên chế
21-6-2021
[21/6. Những dòng này là viết tặng những nhà báo chân chính mà tôi từng gặp, và cả những người chưa từng gặp…]
“Nhà báo” mà tôi nói ở đây là những con người có lương tri lương năng; còn “bi kịch” là một tình thế lưỡng nan của việc đứng trước các lựa chọn, mà chọn lựa nào cũng đau đớn, có tính hủy hoại đối với các giá trị chân chính.
Có cơ hội quen biết, tiếp xúc với nhiều người làm báo từ báo in tới báo hình tôi mới thấy (có thể là chưa hết được) cái tình thế “khó xử”, đau khổ và mỏi mệt của họ. Ở VN có khoảng 700 tờ báo, tất cả đều là báo chí nhà nước. Nhưng khi cơ chế tự chủ đã được áp dụng rộng khắp (trừ những tờ báo đảng), thì người làm báo đang rơi vào tình trạng sống dở chết dở. Tự chủ nhưng là tự chủ về tài chính; còn quản lý tư tưởng thì vẫn là cơ quan chủ quản thuộc nhà nước.
Nghĩa là tự kiếm lấy mà ăn nhưng là kiếm ăn trong khuôn khổ của “tiếng nói chính thống”. Mọi thứ vẫn bị kiểm duyệt; viết về vấn đề gì, nội dung ra sao, viết như thế nào, được đăng hay không v.v.., tất cả đều phải qua cửa kiểm duyệt. Nó đích thị là tình thế mà cái câu mơ hồ đầy tính ngụy biện “Tự do trong khuôn khổ” đã áp lên đầu tất cả dân chúng như một bóng ma.
Người làm báo (chân chính) vừa đứng trước áp lực mưu sinh khi thu nhập được trả theo sản phẩm, tự thu tự chi, trong khi lại không thể nói hết, nói đủ, nói mạnh mẽ cái tiếng nói mà nhân dân đang cần. Thế là họ cứ phải lặp lại những những thứ cũ mèn, lặp lại giọng điệu tuyên truyền, lặp lại những chủ trương đường lối; họ buộc phải né những vấn đề “nhạy cảm”, phải viết theo định hướng. Tình thế của họ chính là hoàn cảnh của đứa con được một ông bố (độc đoán) cho ra làm ăn riêng nhưng không cấp vốn đã đành, lại luôn bị ông bố giám sát và điều khiển. Nó không thể được làm theo ý mình, cái gì cũng phải hỏi ý kiến, mà lỡ có làm gì trái ý ông bố thì liền bị rầy la chỉ trích, đay nghiến thậm chí bị đánh đập và “tước giấy phép”, dù việc nó làm là chính đáng.
Những đứa con ấy bắt đầu phải làm những việc rất vô nghĩa, những thứ nhạt nhẽo, quấy loãng, tầm thường chả có ích lợi gì cho cuộc đời; nó chán chính mình, chán nghề; nhưng khốn khổ thay nó lại không thể bỏ nghề vì gánh nặng áo cơm. Thế là nó lê lết, mệt nhoài, gắng gượng; nó làm việc trong ơ hờ bất mãn. Nhưng dù sao, nó vẫn phải sống, thế là chạy quảng cáo, là viết theo đơn đặt hàng, là nhận tiền doanh nghiệp và địa phương để PR cho họ, để nói tốt cho người (dù chẳng biết người có thật tốt hay không).
Nhiều dự án bất minh và bất lợi cho dân nhưng để tạo được hành lang dư luận ban đầu đã buộc phải nhờ tới báo chí; đương trong lúc đói kém, các cơ quan báo chí đã phải để lương tâm sang một bên, “cũng liều nhắm mắt đưa chân” mà dựng chương trình. Ngày xưa thì “VIP”, chứ bây giờ cũng rẻ mạt lắm; một chương trình truyền hình “nói tốt cho đối tác” phát vào giờ vàng nhưng cũng chỉ được trả một cách tệ hại.
Báo chí và danh dự chưa bao giờ rẻ mạt đến thế; lương tâm chưa bao giờ bị giằng xé đến thế; bi kịch chưa bao giờ đau nhức đến thế. Nhiều người do không thể chịu nổi sự ê hề nhục nhã, không chịu nổi sự giày vò của ý thức đạo đức; họ đã rời bỏ nghề nghiệp của mình một cách cay đắng. Nhưng dù sao họ cũng đã chiến thắng, vượt lên trên những danh hão và nỗi lo thường nhật để sống xứng đáng hơn.
Tình thế của các nhà báo bây giờ không phải là cá biệt. Những nhà giáo có lòng kiêu hãnh với nghề cũng không khác; nhiều bác sĩ cũng đã rời bỏ bệnh viện; thậm chí các luật sư, người của lực lượng vũ trang cũng đã xuất hiện những tuyên bố li thân. Thực ra, trong một xã hội chuyên chế thì tất cả những người làm nghề chân chính trong hệ thống nhà nước đều mang cùng một nỗi bi kịch chung: chọn nhân dân hay nhà cầm quyền; phụng sự công lý hay tiếp tay cho sự giả dối, nói tiếng nói của lương tri hay trở thành công cụ? Tất cả đều oái oăm, giằng co, mất ngủ, bi phẫn. Đã có không ít người phải cúi đầu chịu thua hoàn cảnh, chấp nhận đánh mất mình hay “sống mòn”, sống thừa.
Lựa chọn là của mỗi người, nhưng những chọn lựa cái “an toàn giả tạo” chính là đang đánh mất đi cuộc sống của bản thân và tương lai con cháu. Đồng cảm với nỗi bi kịch của các nhà báo chân chính, nhưng vẫn hi vọng, hi vọng về một viễn kiến và khí chất ở họ để cùng tạo nên một thay đổi lớn, xây dựng một xã hội dân chủ và lành mạnh. Đó mới là một cuộc “đầu tư” thông minh và bao giờ cũng hứa hẹn một tương lai vững bền, dù biết muôn vàn gian nan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét