Thủ trưởng cuối cùng của cha tôi ở báo Lao Động (Phần 2)
Dương Tự Lập
21-6-2021
Tiếp theo phần 1
Mấy năm sau, thủ trưởng Phạm Thế Duyệt lọt vào Bộ Chính trị. Một trong những nhân vật cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, cái Đảng mà ngày càng thoái hóa, biến chất, tham nhũng, cướp bóc, tàn phá, làm suy giảm dẫn đến mất hết lòng tin con người.
Biến Đảng thành cả một lũ gù mà không có nổi lấy kẻ ngay lưng trở nên khuyết tật. (Ý của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu trưởng phòng giám khảo trông thi ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình). Biến dân tộc thành một nhà tù lớn, đẩy người dân lành hóa phạm nhân trong nhà tù nhỏ. (Ý của người phụ nữ bất diệt Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội).
Cái Đảng quay lưng lại với đất nước, đưa nước Việt tới bờ vực hiểm nguy, khiếp nhược với bọn giặc bành trướng phương Bắc Trung Quốc trước sự lấn đất cướp biển trắng trợn hàng ngày của chúng, để dối lừa dân, gọi chúng là người anh quý trọng, người bạn láng giềng thiết thân.
Anh chị em tôi chẳng bao giờ quên lời cha:
“Ở chùa một dạ chúc mừng bụt
Ăn quả hết lòng rào rậu cây”
Cái ơn trời bể, nghĩa cử cao đẹp dành cho gia đình sau ngày cha tôi mất của chú Phạm Thế Duyệt không bao giờ mẹ và anh chị em tôi dám quên. Cũng chẳng vì được “ăn quả hết lòng rào rậu cây”, nặng tình trĩu nghĩa thế, mà tôi vong ân chú Duyệt, tà gian, dối trá, vô liêm sỉ, tô hồng thêm vào cái Đảng phản động của chú. Lòng người dân nước Việt hôm nay ly tán đòi phế truất Đảng. Dẫu ở đám đông nào chú Duyệt cũng vui thích đọc bài thơ “Con đường Văn Điển” của cha tôi cho mọi người nghe:
“Con đường Văn Điển đầy hoa
Loanh quanh rồi cũng đến ta đến người
Con đường Văn Điển hoa tươi
Loanh quanh rồi cũng đến người đến ta
Con đường Văn Điển không xa…”
Cả Thủ Đô lúc ấy duy chỉ có một nghĩa trang Văn Điển dành cho người Hà Nội khi chết, mà chú Phạm Thế Duyệt từng là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Thời bọn tôi ở nước Nga muốn liên lạc với nhau chỉ có cách gọi điện thoại tới phòng thường trực ở “đôm” (khu nhà ở) hoặc “ốp” (ký túc xá). Khoảng mùa thu năm 1990, một sáng tôi đang ở chơi dưới thành phố Vladimia, bà trực ký túc xá người Nga lên phòng gọi Vân Anh, cô bạn gái của em trai tôi. Lúc sau, Vân Anh lên bảo tôi xuống phòng thường trực, chính bà người Nga này đưa máy tôi nghe. Em tôi nói:
– Chú Xuân Cang, Tổng Biên tập báo Lao Động sang công tác có tạt vào thăm cái Mai, con gái chú, cùng đội lao động với em, anh có thể về chỗ em, ta xuống phòng chơi trò chuyện với chú chốc lát chăng? Dẫu sao cũng là thủ trưởng cũ của bố ta.
Tôi ngập ngừng ít phút, không phải vì ngại giao thông ở Nga, nhất là thủ đô Mátxcơva đi lại rất rẻ và thuận tiện. Nhẩy tầu thì chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ là về tới nơi nó ở.
Chỉ vì nghĩ lúc cha mình sống còn chẳng ăn ai, huống hồ cha đã khuất bóng mấy năm nay, đấy là nghĩ đi, nhưng khi nghĩ lại, tôi tặc lưỡi, ừ thì mình cứ về nói chuyện, biết đâu đấy Xuân Cang chẳng có điều gì nói tốt về cha mình chăng? Nó còn quý giá hơn gấp trăm lần thứ quà khác. Lại nghĩ người Việt có câu: “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”. Ít ra bố mình và chú ấy có với nhau nửa năm làm việc cùng cơ quan.
Ngay chiều hôm đó, anh em tôi xuống phòng chơi thăm ông, Mai “mít” cô con gái bụng bầu lùm lùm ra mở cửa. Xuân Cang ngồi đó như bức tượng thịt. Dưới cằm ông một ngấn mỡ phình ra như tảng thịt thừa trông giống ngấn con lợn sề mà ta hay thấy ở các trại chăn nuôi của nông trường đủ biết kẻ này dư dả về chất đạm.
Tôi nhanh miệng mở chuyện:
– Chú sang Nga lần đầu mà lại đúng vào mùa thu chú thấy thu nước Nga có đẹp không?
– Tôi sang Nga lần này là lần thứ năm, Xuân Cang tự hào.
– ???
Trách sự nhanh mồm nhanh miệng của mình thật vô duyên. Một phép tính lướt nhanh trong đầu tôi, từ năm 1985 làm Tổng Biên tập, cho đến năm 1990 này mà Xuân Cang đã có tới năm lần bay sang Nga mới ghê.
Nói chuyện khoảng mười lăm phút, tuyệt nhiên ông không đả động gì về cha tôi, chỉ khi tôi tế nhị gợi ý thì ông mới mở miệng, bâng quơ buông một câu ráo hoảnh:
– Chơi với Dương Quân bố các cháu sợ lắm, ông ấy chướng tai gai mắt, chuyện gì là đập ngay, không bằng lòng điều gì là độp thẳng, nói năng oang oang, chẳng giữ mồm giữ miệng, kiêng nể, sợ sệt gì ai.
Bây giờ thì tôi đã hiểu điều thắc mắc của mẹ vì sao trong tang lễ của gia đình mà vắng mặt người thủ trưởng chồng mình. Tôi nghĩ trong đầu, chắc ông sợ lụy và rớt mất “hầu bao” chứ gì. Bởi lúc Xuân Cang về nhậm chức, ông thừa biết cha tôi mới có chuyện rắc rối với bên an ninh. Chuyện đó rất kị đối với các Tổng Biên tập báo theo đường lối chính sách chủ trương của Đảng, dưới sự chỉ đạo rao giảng đạo đức của Tuyên giáo Trung ương.
Chẳng nghĩ xấu, không biết chừng Xuân Cang càng mừng khi cha tôi đi sớm, chứ vẫn sống, biết đâu chính cha là cái gai, vật cản đường trên nấc thang đầy danh vọng của đời Xuân Cang.
Nhân vô thập toàn, có ai hảo hoàn. Tất nhiên khi cha tôi còn ở dương thế ông cũng mắc lỗi, lúc sai, khi đúng, chứ không phải bao giờ cũng đúng cả. Có hồi tôi tưởng Xuân Cang nghễnh ngãng, nhưng khi cô con gái pha nước từ phía xa làm rơi cái thìa, lại thấy ông ngoảnh mặt nhìn. Ông dỏng tai rộng miệng, cười híp mắt, lúc thấy thằng Thành, con rể, khệ nệ bê thùng carton nặng trịch vào đặt phịch giữa phòng khoe:
– “Mang đạn” đi “đánh hàng” cả ngày, trúng “quả đậm”, lúc về “dạt” vào “ốp Zin” trên “Mát”, “luộc” lại của “Cộng xù” mình gần đôi chục cái bàn là loại 7 Rúp rưỡi, gom đầy chờ đợt tới đóng thùng “đẩy” về nước, “sút” lại cho bọn chợ giời chắc “vào cầu” to. Đang mặc cả thì gặp mấy con “nhà thổ” trên Kalinin xuống “ôm”, hàng nhìn “đểu”, định trả chênh giá để hớt tay trên của “cậu” mà không sợ cậu “bưởng” cho hỏng người. Chưa nghe tiếng Thành “ria” này hơi bị “tanh” đấy.
Hắn mừng đến nỗi quên cái mặt Xuân Cang và quên cả chào bọn tôi là khách đang hiện diện ngồi chơi trong phòng. Bố vợ nghe con rể nói giọng chợ búa, ngơ ngơ ngáo ngáo, chẳng biết có hiểu mô tê ráo gì không, nhưng vẫn cứ híp mắt cười loe.
Ai cũng biết thói quen của con người ta thì thật khó bỏ. Tôi cũng mắc thói vậy, đó là cứ hễ nói tới người này thì lại liên tưởng tới kẻ kia, đâm ra không ăn nhập gì câu chuyện đang kể về thủ trưởng của cha.
Khi nói tới thằng Thành, con rể Xuân Cang, tôi nhớ tới thằng cha gì nhỉ, à thằng Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chu Ngọc Anh, thằng này cũng bằng tuổi thằng Thành, sinh năm 65, 66 gì đó và chắc cũng dân lao động bọn tôi thời Đông Âu chưa sập đổ.
Hồi cuối tháng 12 năm 2020 mới đây, trước cuộc họp đồng Đảng, Chu Ngọc Anh với lời hứa sắt son như đinh đóng cột mục, rằng nếu địa bàn Hà Nội mà bị “bung” với “toang” thì chết với hắn. Hắn sẽ chịu trách nhiệm trước các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thể cả Quốc hội, nhưng với nhân dân thì chắc rồi.
“Bung” là bung cái chi, bố ai mà hiểu? “Toang” là toang cái gì, bố ai mà biết? Chịu trách nhiệm là chịu ra sao? Ông cố ngoại sống lại cũng “chào thua”.
Hà Nội hiện giờ đã bị bung và toang vì con virus Vũ Hán – Trung Quốc hoành hành phá sản, chắc hắn đang phải chịu trách nhiệm trước dân chứ chưa thấy hắn tự động viết đơn chui vào “nhà đá” “bóc lịch”. Nói phét giống Đảng vậy mà cũng chưa thấy bác cả Trọng, nhét hắn vô lò như thằng Chung “con”.
Hoặc còn chút đạo lý vương trên người thì hắn nên xin từ chức, bỏ đồng đội, lui về nhà chăn vịt, đuổi gà, ba la bắp lắp với mấy bạn già giải khuây, thế mới đúng lời hứa, phải chịu trách nhiệm như cái miệng của hắn đã phun ra. Chỉ thấy hắn lẻo mép y chang giọng thằng bạn Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng rất sòng phẳng, rất minh bạch, rất công khai:
– “Nếu chúng ta sai chúng ta nhận lỗi trước dân, nếu dân sai dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật“.
Rặt những luận điệu xiên xỏ của loài hoang thú rừng rú Việt Bắc, chỉ giỏi đi cướp từ sớm tinh mơ tới tối mịt mới trở về “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”. Không là thú thì loài gì đây? Lý loạn cao cấp Trung ương dạng bố chó xồm. Nghe bọn lãnh tụ với lãnh đạo cộng sản này nói dân Việt không đi lấy nước rửa tai như hai ẩn sĩ Hứa Do, Sào Phủ đời Đường Nghiêu mới là chuyện khoa học viễn tưởng.
Tôi hoài nghi thằng khốn Chủ tịch thành phố Hà Nội họ Chu này đã từng “phắn” sang Nga lao động rồi du thủ du thực chui lủi ở chợ Vòm một thời của nước Nga. Sục sạo vào các cờva – ốp – đôm “luộc nấu” trấn lột, chôm chỉa “nẫng hàng” của “Cộng” mình, mới có giọng điệu chợ búa giống như thằng Thành “ria”, con rể Xuân Cang vậy.
Ngồi nghe chuyện ông Cang nói sao nó lạc long, nhạt toẹt như bát canh, chẳng vị mắm muối, giống thịt lợn thiếu mất cọng hành, nhai thịt chó không có riềng mẻ, ăn miếng gà quên bỏ vào đó lá chanh. Chỉ chừng ấy thôi đã thấy mình có lý khi không đọc và không bao giờ đọc mấy cuốn sách của ông ta, cái loại sách mà chưa đọc tôi cũng đoán được kiểu “chính sách Trung ương – chủ trương của Đảng”.
May mà cha tôi lánh cõi trần ai sớm. Nếu sống thêm, dưới thời Xuân Cang, chắc cha lại phải đợi tới mười mấy năm sau mới được lên lương như thời của ông Tổng Biên tập Lê Vân ấy. Muốn ngồi thêm cũng không ngồi nổi, lòng thấy tiếc đã bỏ lỡ cuộc vui với các cô em gái thông minh, cứ níu kéo, anh ở lại đi, bọn em có nhiều chuyện hay để kể cho anh nghe đấy. Hai trăm cây số đường dài về ngồi chỉ được mười lăm phút đồng hồ thì đắt quá. Tôi lấy chân mình đá đá vào chân em trai dưới gầm bàn, ngầm ra hiệu “chào bác em ngược”.
Hai anh em vừa dứt lời chào, đứng lên, đã thấy ông nhanh hơn một nhịp chìa tay ra bắt. Tôi nắm bàn tay Xuân Cang, bàn tay ú mập nhầy nhầy nạc thịt của ông, nằm không gọn trong lòng hai bàn tay bé nhỏ gầy guộc của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét