Vì sao cứ phải liên tục làm lại sách giáo khoa?
Nguyễn Thị Bích Hậu
Thông lệ trên toàn cầu cho thấy không có loại sách giáo khoa nào cho phép vứt bỏ hoàn toàn cái cũ, đập phá tuốt đem làm lại. Đã là sách giáo khoa phải có tính kế thừa. Và sách nào tốt thì dùng mãi chả sao cả.
Thời phong kiến hàng ngàn năm, sách giáo khoa chỉ là Tứ thư ngũ kinh. Mà học mãi vẫn tốt chả sao. Giờ ai học chữ Hán mà chịu đọc Tứ thư ngũ kinh vẫn rất nhiều cái hay cái đẹp. Cuốn sách giáo khoa hình học Euclide chiếm già nửa chương trình môn toán ở bậc phổ thông tồn tại 2.300 năm. Cuốn sách giáo khoa cổ xưa nhất cho trẻ em của Tây Âu là cuốn Orbis sensualium pictus viết bằng tiếng Latin của ông Comenius, người sinh ra ở Bắc Moravia (nay thuộc Cộng hòa Séc). Ông rất quan tâm tới giáo dục và đã soạn ra cuốn này với 150 bức tranh và có chú giải từng trang cho trẻ học. Cuốn này dịch ra tiếng Việt có tên là Thế giới bằng hình ảnh quanh ta. Trong sách vẽ chim muông, thú, người và vật, thiên nhiên. Sách in ra từ 1658, sau xuất bản ra toàn châu Âu và Mỹ. Nó chính là khuôn mẫu của sách giáo khoa cho trẻ em toàn cầu ngày nay. Và tới nay nó vẫn được bán và sử dụng tại các nước Âu Mỹ với phiên bản bằng tiếng Latin và tiếng của nước sở tại khi dịch ra.
Tại Nga, chuẩn kiến thức được Quốc hội nước này thông qua 11 năm một lần để đánh giá sách giáo khoa cái gì còn tiếp tục cái gì cần bổ sung. Trong khi ở Mỹ, sách giáo khoa được soạn trên một chương trình thống nhất coi như là chuẩn của từng bang. Như vậy sách chỉ quay quanh cái trục này dù tha hồ sáng tạo.
Vì sao lại vậy? Là vì tri thức của loài người sẽ có 2 dạng. Một là Kiến thức nền tảng bao gồm các quy luật của tự nhiên và xã hội, tinh hoa nhất của loài người, ít thay đổi gần như bất biến. Hai là các kiến thức ứng dụng thì sẽ có biến đổi và phát triển.
Vì thế sách giáo khoa nào dạy cho học sinh phổ thông kiến thức nền tảng thì không cần thay đổi liên tục làm gì. Ví dụ chúng ta thấy trẻ phải học làm người tử tế, rồi mới học làm công dân tốt. Có 1000 hay vài ngàn năm thì trẻ vẫn phải học chào hỏi, cám ơn, yêu thương cha mẹ, kính trọng thày cô, quý mến bạn bè, chăm làm chăm học.
Chỉ có các kiến thức ứng dụng thì mới cần thay đổi, ví dụ dạy trẻ về tin học chẳng hạn.
Đó là lý do khi soạn bộ Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư... nhóm cụ Trần Trọng Kim đã học theo các sách của Pháp và sách bằng Hán ngữ để lấy ra các truyện hay, hoặc các chủ đề truyền thống bên cạnh những gì có thể phát triển cho trẻ tiểu học. Tương tự, sách giáo khoa tiểu học của VNCH và VNDCCH đã tham khảo và thậm chí sử dụng nhiều bài của sách do các cụ nhóm Trần Trọng Kim soạn ra. Đó là kế thừa.
Vậy thì việc cho rằng đổi mới và cải cách giáo dục là phải liên tục thay sách giáo khoa, viết hoàn toàn mới, đập tan cái cũ, cái tốt đẹp tử tế đã dùng là hoàn toàn sai lầm.
Hơn nữa, trên thế giới xưa nay, người ta cần dạy các chuẩn khá tương đồng với nhau, từ sách giáo khoa và chương trình dạy học, là để học trò xứ này có thể qua xứ khác mà học tiếp lên cao. Nếu mỗi nơi một kiểu phá bĩnh thì cực kỳ nguy hại.
Vậy thì cái trò thay đi đổi lại liên tục này, có thật sự vì học trò, vì cải cách giáo dục hay không, hay chỉ vì các loại lợi ích nhóm, vì tiền bạc của cải của ai đó, cần nghiêm túc xem xét lại.
Về người viết sách giáo khoa, cần có trình độ, song cần nhất là tâm và tầm nhìn. Hãy nhìn nhóm của cụ Trần Trọng Kim soạn sách. Rõ ràng các cụ khi đó là công chức của chính quyền thực dân, mà sao một lòng làm sách cho dân hay đến thế, giờ vẫn còn hữu dụng? Hãy nhìn nhóm của cụ Hoàng Xuân Hãn, rõ ràng thân làm Bộ trưởng trong một chính phủ do Nhật dựng ra chỉ có 4 tháng, sao lại làm được chương trình dạy trung học cho toàn cõi VN tốt như vậy, dùng hàng mấy chục năm sau vẫn còn khả thi?
Nếu cứ giữ cái trò liên tục thay sách giáo khoa, hay chỉ làm sách vì tiền, thì vô cùng tai hại cho tương lai trẻ em, và làm bại hoại phong hóa của quốc gia.
Hết sức nguy hiểm và lãng phí.
Hình cuốn sách giáo khoa có hình đầu tiên của trẻ em trên thế giới từ 1658 nay vẫn còn sử dụng.
N.T.B.H.
Nguồn: FB Khac Binh Nguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét