Tín hiệu từ hàng chục tên lửa Trung Quốc bắn ở vịnh Bắc Bộ…
1. Trung Quốc bắn hàng chục tên lửa ở vịnh Bắc Bộ
Đài CCTV của Trung Quốc ngày 23.10 đưa tin lực lượng không quân hải quân thuộc Chiến khu nam bộ của Trung Quốc đã bắn hàng chục tên lửa không đối không trong cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ trong hai ngày 20 và 21.10.
Gần 100 phi công đã tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía tây đảo Hải Nam này, theo đoạn clip được tài khoản weibo của kênh CCTV Quân sự đăng tải.
Tiết lộ của CCTV phù hợp với cảnh báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam về cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra ở vịnh Bắc Bộ từ 20-21.10 (xem Newsletter 20.10).
Cuộc tập trận này diễn ra khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang có mặt tại Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức từ ngày 18-20.10.
Nhiều khả năng cuộc tập trận này là cách Trung Quốc bày tỏ thái độ đối với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản, vốn bao gồm thỏa thuận về việc xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng giữa hai nước.
Trung Quốc vốn đưa ra hai thông báo riêng rẽ về hai cuộc tập trận diễn ra cùng địa điểm, một cuộc tập trận từ 18-19.10 và một từ 20-21.10. Tuy nhiên, nhiều khả năng hai thông báo được đưa ra vì cuộc tập trận đầu tiên bị dời lại từ 18-19.10 đến 20-21.10.
Liên quan đến hoạt động tập trận của Trung Quốc, một nguồn tin của tôi cho biết Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hạn chế bay tại khu vực đông bắc quần đảo Hoàng Sa trong ngày 23.10. Nhiều khả năng Trung Quốc cũng đang tổ chức cuộc tập trận không quân tại đây.
2. Hỗn loạn thông tin về máy bay trinh sát điện tử Mỹ ở Đài Loan
Ngày 21.10, giới quan sát hoạt động của máy bay quân sự ở khu vực xôn xao khi chứng kiến tín hiệu của một máy bay trinh sát điện tử RC-135W Rivet Joint của Mỹ xuất hiện trong không phận Đài Loan.
Tuy Bộ Quốc phòng Đài Loan đã bác bỏ thông tin này, nhưng sự việc thu hút sự chú ý hơn nữa bởi trang The War Zone ngày 23.10 có được xác nhận từ một người phát ngôn của lực lượng Không quân Thái Bình Dương rằng RC-135W quả thực đã bay vào không phận Đài Loan ngày 21.10.
Điều này khiến Bộ Quốc phòng Đài Loan một lần nữa phải đưa ra tuyên bố bác bỏ.
Việc máy bay trinh sát điện tử RC-135W xuất hiện trong không phận Đài Loan gây xôn xao bởi động thái bất thường này được diễn dịch như là thông điệp về sự cam kết đối với Đài Loan mà Mỹ gửi đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một bước ngoặt mới lại xuất hiện trong câu chuyện này khi trung tá Tony Wickman, Trưởng phòng Thông tin của lực lượng Không quân Thái Bình Dương, liên hệ với The War Zone đính chính thông tin mà một cấp dưới của ông cung cấp trước đó. Ông Wickman cho biết thông tin được cung cấp ban đầu không chính xác và không có chiếc RC-135W nào bay vào không phận Đài Loan ngày giờ nói trên.
Sự hỗn loạn tin tức có thể được giải thích theo cách Mỹ và Đài Loan muốn che giấu chuyến bay này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, có khả năng rất cao là thông tin ban đầu bị sai.
Một nguồn tin của tôi cho biết quả thực một máy bay RC-135W đã hoạt động ở phía bắc Đài Loan vào thời điểm đó nhưng không hề bay vào không phận Đài Loan. Tín hiệu cho thấy nó bay trên Đài Loan là không chính xác.
Điều này bắt nguồn từ việc tín hiệu ADS-B (Hệ thống tự động giám sát máy bay qua vệ tinh và phát quảng bá) ở khu vực biển Hoa Đông phía bắc Đài Loan thường bị sai lệch không rõ lý do.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên RC-135W được “nhìn thấy” bay trên không phận Đài Loan. Sự việc tương tự từng diễn ra vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, nguồn tin của tôi cho biết tín hiệu ADS-B lúc ấy cũng bị sai.
Sự việc lần nay đặc biệt hơn chỉ vì một phát ngôn của Không quân Thái Bình Dương đưa ra một xác nhận không chính xác.
3. Thương vụ vũ khí của Mỹ với Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21.10 phê chuẩn việc bán gói vũ khí trị giá 1,8 tỷ USD cho Đài Loan, châm ngòi phản ứng giận dữ từ Trung Quốc.
Gói vũ khí này bao gồm 135 tên lửa không đối đất tầm xa AGM-84H SLAM-ER của Boeing, 11 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS M142 của Lockheed Martin Corp, và 6 bộ cảm biến MS-110 Recce dành cho máy bay của Collins Aerospace.
Thương vụ này gây chú ý bởi tên lửa AGM-84H SLAM-ER là vũ khí tấn công và việc Mỹ phê chuẩn thương vụ này là một bước ngoặt bởi trước nay Washington thường nói rằng các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Tên lửa AGM-84H gắn trên các chiếc F-16 và HIMARS đi kèm với 64 tên lửa M57 Army Tactical Missile Systems sẽ cho phép Đài Loan tấn công các căn cứ hải quân và không quân Trung Quốc nằm dọc bờ biển ở phía đối diện Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến sự.
4. Mỹ – Nhật chuẩn bị tập trận lớn
Ngày 22.10, 4 oanh tạc cơ B-1B của được triển khai đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam. Nhiều khả năng các oanh tạc cơ này đến khu vực để tham gia cuộc tập trận Keen Sword quy mô giữa Nhật Bản và Mỹ từ ngày 26.10 đến 5.11.
Theo kế hoạch, 46.000 quân nhân, bao gồm 37.000 lính Nhật và 9.000 lính Mỹ, sẽ tham gia tập trận cùng với 20 tàu chiến và 170 máy bay.
Canada cũng cử một tàu chiến tham gia cuộc tập trận diễn ra ở nhiều khu vực của Nhật Bản, bao gồm quần đảo Okinawa.
Cuộc tập trận quy mô, bao gồm cả nội dung chiếm đảo, diễn ra vào thời điểm nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống ngày 3.11.
Keen Sword là cuộc tập trận lớn nhất giữa Mỹ và Nhật diễn ra 2 năm một lần và được lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên, trong năm nay nó diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang.
Thời gian qua cũng có không ít đồn đoán rằng Trung Quốc có thể tiến hành một hành động gây hấn nào đó với Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm xung quanh ngày bầu cử Mỹ hoặc sau đó.
5. Đọc thêm
– Camphuchia giải tán cuộc biểu tình phản đối kế hoạch đặt căn cứ quân sự của Trung Quốc
– Philippines không có ngân sách triển khai dân quân biển ở Biển Đông
– Mỹ triển khai tàu tuần duyên trú đóng ở Nam Thái Bình Dương chống tàu cá Trung Quốc
– Mỹ và châu Âu mở đối thoại về Trung Quốc
– Vai trò của ra đa ở Đài Loan trong đối đầu Mỹ – Trung
– Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị họp hội nghị trung ương 5 từ 26-29.10
– Tập Cận Bình leo thang cảnh báo Mỹ nhân kỷ niệm 70 năm ngày tham chiến ở Triều Tiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét