Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Hoạt động từ thiện của Trump: Những khoản khấu trừ thuế kếch xù và những lời hứa tặng không phải lúc nào cũng được thực hiện

 

Hoạt động từ thiện của Trump: Những khoản khấu trừ thuế kếch xù và những lời hứa tặng không phải lúc nào cũng được thực hiện

New York Times

Tác giả: Mike McIntireRuss Buettner và Susanne Craig

Dịch giả: T.Vấn

23-10-2020

Nội dung những dữ liệu tài chính mà Trump giấu giếm lâu nay đã gây ra mối nghi ngờ về một số lời hứa hẹn hiến tặng cho các cơ quan thiện nguyện của Trump, đồng thời cũng cho thấy rằng, phần lớn những hiến tặng của ông ta đều đến từ các thỏa thuận đất đai và giúp ông ta khấu trừ lợi tức trong thu nhập thuế.

Donald J. Trump năm 2006 cùng với George E. Pataki, cựu thống đốc tiểu bang New York. Hiến tặng mảnh đất mà ông ta quyết định không khai thác đã giúp giảm khoản thuế lợi tức phải đóng. Nguồn: Librado Romero/ NYT

Theo lời của Trump, ông ta là một nhà hoạt động phúc thiện tận tụy, có rất nhiều mối quan hệ khắn khít với các cơ quan thiện nguyện khắp nơi. Ông ta đã từng viết trong quyển sách: “Trump Nhập Môn: Con đường dẫn đến thành công”, xuất bản trong giai đoạn cao điểm của chương trình “The Apprentice”: Nếu bạn không đền đáp lại những gì đã nhận được, bạn sẽ không bao giờ đạt được sự thành tựu mãn nguyện trong đời”.

Theo những dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump, ông ta đã cho đi 130 triệu đô la tính từ năm 2005, năm thứ hai Trump nổi tiếng vang dội với tư cách một ngôi sao truyền hình thực tế. Những cũng trong hồ sơ thuế từ lâu bị giấu giếm mà New York Times có được trong tay đã tiết lộ, Trump không phải móc hầu bao ra để cho đi phần lớn số tiền kếch xù nói trên.

Một tỉ lệ rất lớn của khoản tiền phúc thiện ấy mà Trump dùng để khấu trừ thuế lợi tức, trị giá 119.3 triệu đô la, đơn giản chỉ là do Trump đồng ý không khai thác khu đất mà ông ta đã mua để đầu tư – và trong nhiều trường hợp, sau khi Trump đã tạm gác qua một bên các kế hoạch phát triển kinh doanh.

Ba trong số các đồng ý thỏa thuận nêu trên liên quan đến việc không khai thác các mặt bằng thuộc khu đất thiên nhiên – một mánh khóe rất phổ biến trong giới nhà giàu Mỹ, thông thường sẽ cho phép chủ mảnh đất vẫn được quyền đứng tên sở hữu trên giấy tờ và thay vào đó (việc đồng ý không khai thác mảnh đất để thu lợi – ND), người chủ đất sẽ nhận được một khoản khấu trừ vào thu nhập bị đánh thuế tương đương với giá trị mặc định (appraised value) của mảnh đất. Và trong thỏa thuận đất đai thứ tư, Trump đồng ý sát nhập mảnh đất mình sở hữu vào một công viên quốc gia.

Trong phần tiểu sử của Tổ Hợp Trump có ghi “Trump tham gia vào một số các cơ quan thiện nguyện và tổ chức dân sự”. Khi thông báo ý định tranh cử tổng thống năm 2015, Trump tuyên bố đã hiến tặng cho các tổ chức thiện nguyện hơn 102 triệu đô la trong thời gian 5 năm trước đó.

Tuy cũng có thể là Trump đã chọn không báo cáo một số hiến tặng thiện nguyện của mình, nhưng dữ liệu từ hồ sơ thuế của ông ta, từ năm 2010 cho đến 2014 (tức khoảng thời gian 5 năm trước khi Trump ra tranh cử – ND), tiết lộ một con số ít hơn rất nhiều so với con số Trump công bố: $735,238 tiền mặt và 26.8 triệu đô la đến từ một thỏa thuận không khai thác mặt bằng thuộc khu đất thiên nhiên và một số các vật dụng hiến tặng khác (non-cash gifts). Sáu tháng sau khi Trump phát động chiến dịch tranh cử – tháng 12 năm 2015 – một thỏa thuận cam kết không khai thác đất thiên nhiên khác, trị giá 21.1 triệu đô la, được ký kết.

Để trả lời những câu hỏi của New York Times, Amanda Miller, phát ngôn viên của Tổ Hợp Trump, cho biết: “Tổng thống Trump hiến tặng tiền của một cách kín đáo. Không thể nào biết rõ được tổng thống đã hiến tặng bao nhiêu tiền của trong thời gian nhiều năm như vậy”.

Những dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump được phân tích bởi New York Times, cho thấy, có bao gồm tổng giá trị hiến tặng của cá nhân lẫn doanh nghiệp, nhưng lại chỉ liệt kê một số hiến tặng mang danh nghĩa doanh nghiệp.

Giá trị hiến tặng bằng tiền mặt lớn nhất mà Trump báo cáo dưới danh nghĩa doanh nghiệp là $400,000, nhưng người nhận được lại chính là cơ quan thiện nguyện của chính ông ta. Số tiền $400,000 này là khoản tiền Trump kiếm được khi xuất hiện trong chương trình Comedy Central (một chương trình truyền hình giải trí người xem bằng cách mời những người nổi tiếng lên sân khấu để bị giễu cợt, chọc cười – ND). Năm 2014, cơ sở chế biến rượu vang của Trump ở Virginia tặng một tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh trị giá $73,000 cho một viện bảo tàng lịch sử nhỏ ở Pennsylvania. Và năm 2016, một trong những công ty của Trump tặng $30,000 cho American Hotels & Lodging Education Foundation.

Trump hiến tặng $400,000 lợi tức kiếm được từ chương trình Comedy Central đặc biệt cho chính cơ quan thiện nguyện của mình, sau đó đã bị đóng cửa vì bị cáo buộc là chỉ tự phục vụ cho chính mình. Nguồn: Andrew H. Walker/ Getty Images

Tuy không có nhiều chi tiết cụ thể về sự hiến tặng từ thiện của Trump dưới danh nghĩa cá nhân, bản phân tích của New York Times vẫn có thể chỉ ra rõ ràng những hứa hẹn đóng góp thiện nguyện công khai của Trump – hứa hẹn nào chỉ là nói mà không bao giờ thực hiện và hứa hẹn nào là tuy được thực hiện nhưng ít hơn rất nhiều so với lời hứa hẹn. Trong mọi trường hợp và với từng năm thuế cụ thể, sự đóng góp thiện nguyện mà Trump báo cáo với sở thuế IRS đều ít hơn so với những gì Trump công khai cam kết.

Chẳng hạn như, năm 2009 Trump đồng ý cho nhà độc tài Lybia, Đại tá Muammar el-Qaddafi thuê mướn lãnh địa Seven Springs ở Westchester County, NY. Phái đoàn của el-Qaddafi dự trù sẽ dựng lều ở trên khu đất mướn này trong suốt thời gian họ tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù dự định trên bất thành do bởi sự phản đối của cư dân địa phương, Đại tá Qaddafi vẫn trả cho Trump $150,000. Số tiền này, theo lời Trump tuyên bố với phóng viên CNN năm 2011, đã được hiến tặng cho các cơ quan thiện nguyện. Tuy nhiên, trong hồ sơ thuế năm 2009 của Trump, ông ta chỉ báo cáo phần hiến tặng thiện nguyện chung cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân là $22,796.

Năm 2015, Trump hứa hẹn sẽ hiến tặng cho thiện nguyện số thu nhập có được từ việc bán quyển sách của mình: “Cripple America: How to make America Great Again”. (Nước Mỹ Lụn Bại: Làm cách nào để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Lợi nhuận có được từ quyển sách của tôi ư? Tôi tặng hết cho rất nhiều các cơ quan thiện nguyện – trong đó có cả các tổ chức cựu chiến binh”.

Buổi ký tên bán sách “Cripple America”, tổ chức năm 2015 tại Trump Tower ở Manhattan. Nguồn: Todd Heisler/ NYT

Dữ liệu thuế tiết lộ, cơ quan đại diện cho quyển sách của Trump – Waxman Leavell Literary Agency – đã trả cho ông ta hai lần trong hai năm 2015 và 2016 với tổng số tiền xấp xỉ 4.5 triệu đô la. Nhưng trong hai năm đó, Trump chỉ báo cáo 1.3 triệu đô la tiền mặt hiến tặng cho thiện nguyện.

Nhiều người giàu có thành lập tổ chức thiện nguyện của riêng mình, thường là với mục đích để có thể kiểm soát được đồng tiền hiến tặng của mình. Nhưng với trường hợp tổ chức thiện nguyện của Trump, thành lập năm 1988, tuy có cho đi hàng triệu đô la cho các hoạt động thiện nguyện trước khi bị đóng cửa năm 2018, nhưng phần lớn số tiền cho đi ấy là tiền của người khác gởi đến tổ chức [Trump Foundation]. Bản thân Trump hiến tặng cho tổ chức 5.4 triệu đô la. Theo hồ sơ thuế, lần cuối cùng Trump hiến tặng là năm 2018.

Phần lớn những đóng góp thiện nguyện của Trump bao gồm trong 4 đồng ý thỏa thuận đất đai của Trump với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên hoặc chính quyền, chủ yếu liên quan đến việc Trump cam kết không khai thác các mặt bằng thuộc khu đất thiên nhiên cần được bảo tồn.

Hiến tặng đầu tiên thuộc loại này đem lại cho Trump khoản khấu trừ lợi tức thuế là 39.1 triệu đô la năm 2005, liên quan đến một dải đất nằm trong khu sân Golf của ông ta ở Bedminster, N.J.

Một phần khu sân golf của Trump ở Bedminster, N.J. là thỏa thuận đầu tiên trong một loạt những cam kết không khai thác đất thiên nhiên Trump dùng để khấu trừ thuế lợi tức. Seth Wenig/ AP

Năm sau đó, Trump hiến tặng 436 mẫu đất cho một công viên quốc gia thuộc khu Westchester County và Putnam County của New York sau khi các kế hoạch khai thác khu đất này gặp phải nhiều giới hạn và quy định nghiêm nhặt. Trong lúc giá trị chính xác của sự hiến tặng chưa được xác định rõ ràng, Trump vẫn báo cáo trong hồ sơ thuế năm đó khoản tiền 34 triệu đô la đóng góp thiện nguyện để khai khấu trừ thuế.

Theo một số tài liệu đã được công bố, Trump mua mảnh đất nói trên vào thập niên 1990s với giá 2 triệu đô la. Ngày nay, mảnh đất này um tùm những cỏ hoang cây dại và có rất ít khách viếng thăm, cũng như không có các khu phục vụ du khách.

Hai khoản khấu trừ thuế còn lại căn cứ trên hai thỏa thuận về đất đai của Trump hiện đang bị Letitia James, viên chưởng lý của tiểu bang New York xem xét lại trong khuôn khổ cuộc điều tra mà sở tư pháp tiểu bang đang tiến hành để xác định, liệu Tổ Hợp Trump có cố tình thổi phồng trị giá tài sản cho mục đích vay thêm nợ và khai nhận quyền lợi về thuế hay không.

Năm 2014, sau khi từ bỏ kế hoạch phát triển một khu đất rộng 11.5 mẫu lúc ấy đang được sử dụng cho xe cộ lưu thông qua lại tại sân golf ở Los Angeles, Trump nhận được khoản khấu trừ lợi tức thuế trị giá 25.1 triệu đô la trong một thỏa thuận về bảo tồn thiên nhiên. Người ta biết được rất ít chi tiết liên quan đến thỏa thuận này.

Những dữ liệu từ tòa án đã rọi thêm một ánh sáng mới vào những thỏa thuận hiện đang bị điều tra nói trên.

Vào cuối năm 2015, Trump nhận được khoản khấu trừ thuế trị giá 21.1 triệu đô la cho khu đất rộng 158.6 mẫu ở lãnh địa Seven Springs, sau khi ông ta nhiều năm cố gắng xây một sân golf trên đó nhưng không thành công.

Chưởng Lý New York đang điều tra một khoản hiến tặng từ thiện của Trump liên quan đến lãnh địa Seven Springs ở Weschester County. Nguồn: Tony Cenicola/ NYT

Hồ sơ của viên Chưởng Lý New York nộp tại tòa, cho biết, sau khi Trump quyết định hủy bỏ các kế hoạch phát triển khu đất Seven Springs, ông ta đã yêu cầu Sheri Dillon, một luật sư về thuế đã từng cố vấn cho Trump trong quá khứ, cho gọi chuyên viên đến định giá khu đất.

Dillon nói với công ty đảm trách công việc định giá Cushman & Wakefield rằng, “khách hàng của mình tỏ ra rất giận dữ” và bà ta nghiêng về ý kiến của các định giá viên, nên làm cách nào để đẩy giá trị mảnh đất lên cao hơn.

Sau nhiều tháng bị đình hoãn, mới vài tuần trước đây, Eric Trump đã ra trước tòa trả lời các câu hỏi về vụ việc.

Trump cho rằng mình không làm điều gì sai trái.

Phát ngôn viên của Tổ Hợp Trump, Miller tuyên bố: “Tổng thống Trump không can dự gì đến việc định giá nói trên, vốn được thực hiện bởi một công ty định giá và môi giới được kính trọng nhất nước Mỹ”.

____

Về ba tác giả: Mike McIntire, Russ Buettner và Susanne Craig:

– Mike McIntire là một phóng viên điều tra của NYT, đã đoạt giải Pulitzer về phóng sự điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016; McIntire còn là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu đi sâu vào vấn đề tài chính của các cuộc tranh cử, các vấn đề súng ống bạo lực, và tình trạng tham nhũng của hoạt động thể thao ở các trường đại học.

– Russ Buettner là một phóng viên điều tra của NYT. Năm 2019, Russ và các đồng nghiệp Susanne Craig và David Barstow, đã được trao giải Pulitzer về công trình điều tra phá vỡ huyền thoại của Trump, tự cho mình là một tỉ phú tay trắng làm nên (self-made billionaire). Đồng thời, công trình này cũng đã nhận được giải thưởng George Polk Award 2018 về báo cáo chính trị. Trước đó, Russ cộng tác với báo New York Daily News và New York Newsday.

– Susanne Craig là một phóng viên điều tra của NYT. Bà chuyên nghiên cứu về sự kết hợp giữa chính trị, tiền bạc và quyền lực chính quyền. Bà đã từng nhận được nhiều giải thưởng trong sự nghiệp báo chí của mình, bao gồm giải Pulitzer năm 2019 với Russ Buettner và David Barstow. Bà Craig phụ trách báo cáo hoạt động của Wall Street cho NYT và hiện là trưởng văn phòng NYT ở Albany. Trước đó, bà làm việc với báo Wall Street Journal và báo Globe and Mail ở Canada.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét