Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Suy nghĩ về quyên góp và làm từ thiện

 

Suy nghĩ về quyên góp và làm từ thiện

Chu Mộng Long

23-10-2020

Nghĩ mấy hôm rồi, nhưng nay mới dám viết ra. Là bởi các nhà từ thiện, trực tiếp hoặc gián tiếp nơi vùng lũ đang rất nhiệt tâm, nói không khéo rất dễ bị hiểu nhầm rồi chụp mũ, chửi bới ầm ĩ. Những nhà nhân đạo càng nhiệt tâm thì càng hung hăng, khi nổi giận dễ bắn nhầm hơn bỏ sót.

1. Chuyện về Phan Anh

Cách đây ít năm, MC Phan Anh đã từng quyên góp và làm từ thiện cho dân vùng lũ. Cách làm của anh cũng từng nổi đình nổi đám ở cả hai nghĩa. Khi phát động, trong một thời gian ngắn, Phan Anh đã quyên góp được một lượng tiền lớn kỷ lục. Nhưng đến khi phát cho dân thì MC Phan Anh, từ một MC truyền hình thành một Ông Nhớn, bắt dân, trong đó có cả ông bà già lụm cụm xếp hàng cả ngày để cúi đầu nhận 500.000 đồng. Rất phản cảm, chưa nói, từ đó đến nay, số tiền còn lại cả chục tỷ không ai biết Phan Anh đã làm gì?

2. Chuyện về Thuỷ Tiên

Thuỷ Tiên vượt Phan Anh để đạt kỷ lục trong vòng chưa tới một tuần đã quyên góp hơn trăm tỷ đồng. Thuỷ Tiên thân gái xông pha vùng nguy hiểm để mang tiền đến cho dân. Thật cảm động!

Không ít người vì chuyện Phan Anh mà nghi hoặc Thuỷ Tiên. Theo tôi, việc nào ra việc nấy. Thuỷ Tiên đang làm tốt thì ủng hộ cái đã. Sau này Thuỷ Tiên có vấn đề như Phan Anh thì phán xét cũng không muộn.

Cũng không ít người lôi Nghị định 64 của Chính phủ ra, hoặc dùng để đe doạ Thuỷ Tiên vi phạm pháp luật, hoặc do ám thị nhà nước sẽ trừng phạt. Lý do thứ hai nhiều hơn, vì tôi chưa thấy ai trong Chính phủ ngăn chặn hay tuyên bố Thuỷ Tiên vi phạm pháp luật. Ám thị, sợ hãi là một thứ bệnh lý, trong khi nhà nước không đến mức bạ đâu trừng phạt đó, nhất là trừng phạt người làm từ thiện.

3. Chuyện từ thiện bên Mỹ

Tôi có thông gia bên Mỹ. Ông kể mẹ ông bị té gãy xương đùi. Gọi cấp cứu chỉ mấy phút là có ngay bộ phận y tế. Họ đến và bắt gia đình tránh xa ra, vì y tế đã bao trọn gói. Người nhà không được phép làm gì để họ hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu có sự cố hoặc không phải đổ lỗi cho nhau hoặc không phủi trách nhiệm. Khi họ chữa trị xong thì mới giao hoá đơn thanh toán.

Nhìn hoá đơn, gia đình sẽ tá hoả vì chi phí rất cao. Nhưng không phải lo. Họ hỏi có thanh toán được không? Nếu tài khoản có thừa thì ắt gia đình phải tự giác thanh toán, gian dối sẽ bị phát hiện ngay vì tài khoản rất minh bạch, được quản lý chặt chẽ. Nếu không đủ thanh toán thì có 3 phương án chính phủ phải lo: 1) Quỹ bảo trợ của Chính phủ, 2) Các tổ chức từ thiện, 3) Các công ty hàng đầu. Chính phủ có quyền chỉ định bất cứ tổ chức nào và các tổ chức đó không được từ chối.

Ông thông gia tôi cho biết, ở Mỹ có rất nhiều tổ chức từ thiện. Và đã gọi là tổ chức từ thiện thì phải chịu trách nhiệm làm từ thiện và hiển nhiên đặt dưới quyền quản lý của Chính phủ.

4. Đến Nghị định 64

Nghị định 64 của Chính phủ Việt Nam quy định chỉ có ba tổ chức có thẩm quyền quyên góp và phân phối từ thiện, gồm Mặt trận, Hội chữ thập đỏ, Cơ quan truyền thông. Ngoài ra không cá nhân, tổ chức nào được phép. Nghị định này chỉ quy định thẩm quyền quyên góp và phân phối chứ không ngăn cấm các cá nhân làm từ thiện bằng tiền túi của mình.

Tôi không nghĩ cái Nghị định này sai hoàn toàn, bất nhân hay độc quyền quyên góp và phân phối từ thiện như nhiều người chỉ trích. Nó có hạt nhân hợp lý ở chỗ, khi có trào lưu nhân đạo phi chính phủ, ắt có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không có sự quản lý ắt các cá nhân, tổ chức ấy nằm ngoài vòng kiểm soát và kiểm toán, dẫn đến hoặc tuỳ tiện hoặc lạm dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nên nhớ, một cá nhân bỏ tiền túi đi làm từ thiện khác hẳn với tiền quyên góp từ số đông. Cá nhân bỏ tiền túi mình ra có quyền tự do, còn tiền quyên góp từ nhiều người thì cá nhân hay tổ chức ấy chỉ là người đại diện và phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Nhà nước có trách nhiệm quản lý và điều phối là đúng. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với hớt tay trên, đòi giao tiền hay quà cho nhà nước phân phối. Tổ chức, cá nhân làm từ thiện vẫn giữ quyền trực tiếp trao tiền, quà cho nạn nhân trong một kế hoạch hợp lý, hợp tình.

Nói như vậy cũng đồng nghĩa với Nghị định 64 rất bất cập. Một là ba tổ chức được giao thẩm quyền trong nghị định từng xảy ra tiêu cực và đầy tai tiếng, dẫn đến mất niềm tin trong dân. Lỗi do Chính phủ không kiểm soát được nên dẫn đến nhiều chuyện dối trá như tham nhũng, tự chia tiền, quà cho dòng họ của mình rồi thanh toán khống. Hai là, ba tổ chức ấy không đủ sức quyên góp và làm từ thiện khi có sự cố khẩn cấp trên diện rộng hoặc ở các cá nhân cụ thể, cá biệt. Tiền quyên góp được bằng hình thức trừ lương công chức ở cơ quan, gõ cửa từng nhà để thu, kể cả dự toán chi, thì tốn rất nhiều thời gian, chậm chạp, dù có thể các tổ chức đó thu được hàng ngàn tỷ thì sự cũng đã rồi.

Theo tôi cần thay Nghị định 64 bằng một Nghị định cho phép nhiều tổ chức từ thiện hoạt động trong tính đa dạng như các nước văn minh đã làm. Tất nhiên, để chống sự lừa đảo, chi tiêu tuỳ tiện, tất cả các cá nhân, tổ chức từ thiện đều phải đăng ký và chịu sự quản lý, kể cả điều hành trong điều kiện khẩn cấp. Làm từ thiện có kế hoạch vẫn văn minh và hiệu quả hơn thấy đâu làm đó một cách cảm tính.

Các bạn đọc và suy nghĩ kỹ rồi bình luận, góp ý. Đừng đọc nhá nhem, cắt xén rồi nhân danh lòng nhân đạo vung đao chém giết bừa bãi. Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét