Vòng kim cô và tư tưởng cam chịu
27-10-2020
Đã 6 năm nay tôi không còn màng tới cái gọi là đại hội vì tôi không muốn mình là một vật vô tri để người khác điều khiển; công việc còn lại của tôi là dành thời gian để làm được việc gì thì làm. Tuy nhiên, trong tâm thức tôi cũng luôn đau đáu nỗi đau của mình và của các đồng nghiệp: Thứ nhất, thử nhìn vào cái gọi là đại hội của một tổ chức xã hội, nghề nghiệp nhưng bị phong toả bằng an ninh, điện thoại bị phá sóng, đại biểu bị “nhốt” suốt cả ngày thì còn đâu là dân chủ, đâu là tự do?
Thế mà nửa ngàn đại biểu ưu tú – đại diện cho hơn 6.000 luật sư của một thành phố lớn nhất nước, phát triển nhất nước lại “vui vẻ”, áo mũ chỉnh tề “tự sướng” trước cảnh kim cô.
Nên nhớ rằng tổ chức luật sư không phải là một tổ chức phản động, chúng tôi đang hàng ngày, hàng giờ đấu tranh để góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. Luật sư tham gia đại hội là để góp phần hoàn thiện một tổ chức, góp phần đem lại hoạt động hiệu quả và cùng giám sát nhau trong tất cả các hoạt động… vậy thử hỏi hà cớ gì lại phá sóng, ngăn cấm quyền tự do đi lại, hạn chế quyền phát biểu của ý kiến thẳng thắn, trái chiều?!!!
Thứ hai, một tổ chức xã hội nghề nghiệp khi đủ điều kiện thì đăng ký thành lập chứ không phải xin phép, cho phép và tổ chức đó phải được tự quyết. Nhìn vào đại hội trong những năm vừa rồi tôi thấy một hiện tượng lãnh đạo đoàn đều là người của đảng và có dấu hiệu đã được sắp đặt trước vì hơn 6.000 luật sư thành viên tại sao chỉ có mỗi luật sư Nguyễn Văn Trung là “ưu tú” nhất (nghe nói đứng hạng thứ 10)?! Tôi nghĩ rằng trong hơn 6.000 luật sư có hàng trăm người xứng đáng, vậy tại sao họ không được đề cử, ứng cử?! Nếu vậy, đoàn luật sư chẳng khác gì một tổ chức do đảng và nhà nước lập ra.
Thứ ba, về hệ thống tổ chức, kinh phí tiêu pha và kết quả hoạt động. Nhìn vào hệ thống tổ chức đoàn luật sư TP.HCM tôi thấy có đủ các ban bệ cồng kềnh bao gồm: gần nửa tá phó chủ nhiệm, hội đồng này, hội đồng nọ, ban này, ban nọ nhưng nói như luật sư Lê Minh Nhân trong suốt nhiệm kì không thấy kết quả hoạt động là những gì. Vả chăng trong suốt nhiệm kì chỉ thấy Hội đồng kỷ luật xử lí vài luật sư vi phạm và thông tin về kết quả.
Tôi cũng không biết họ lập nên Ban văn nghệ, Ban thể thao, Ban học tập… để phục vụ ai hay tự họ chơi và diễn cho vui và để tiêu phí thành viên vì thông tin về kết quả hoạt động gần như không có. Nên chăng chỉ cần một chủ nhiệm, một phó chủ nhiệm, một thư kí, một kế toán, một thủ quỹ và một hội đồng thi đua, khen thưởng khoảng dăm người là đủ nhằm tinh giản bộ máy và đỡ tốn chi phí.
Về chi tiêu tài chính. Trong hàng chục năm qua chúng ta gần như mù về các khoản chi tiêu. Nên nhớ rằng hàng năm hơn 6.000 luật sư đóng phí gần cả chục tỷ đồng (trừ những luật sư không đóng), trừ đi 30% phí trích liên đoàn thì cũng còn một khoản phí rất khủng. Bên cạnh đó phía chính quyền còn hỗ trợ một khoản bao nhiêu cũng không ai biết. Vậy những số tiền này được chi tiêu vào mục đích gì, kết quả ra sao, còn lại bao nhiêu cũng không ai nắm rõ.
Tại đại hội lần này một số luật sư cũng đã phát biểu về vấn đề này nhưng kết quả là gì, là sự im lặng, không ai giải trình, chứng minh. Tôi nghĩ rằng đã là một thành viên thì có quyền chất vấn, giám sát, kiểm tra tất cả các hoạt động, các khoản chi tiêu, không ai có quyền ngăn cản. Vậy luật sư chúng ta đã thực hiện được quyền đó chưa, hay chỉ lên tạo dáng, phát biểu dăm ba câu rồi về? Nói thật, tôi rất muốn làm những điều đó nhưng thấy mình lạc lõng, cô độc giữa đám đông nên đành bất lực, bỏ cuộc. Thử hỏi tại sao hàng ngàn luật sư – trí thức được gọi là “cấp tiến” trong xã hội tại sao lại im lặng?!
Thứ tư, gần 500 đại biểu có phải là đại diện cho hơn 6.000 luật sư hay không? Tôi nhận thấy họ không phải là đại diện vì không ai bầu họ làm đại diện cả. Mỗi kì đại hội, phía đoàn luật sư tự đặt họ vào ghế đại diện kèm theo những “thư triệu tập” các trưởng văn phòng, giám đốc công ty chứ chẳng ai bầu họ, kể cả tôi. Như vậy, tiếng nói, quyền thành viên của hơn 5.500 luật sư ở đâu?
Thứ năm, ban bệ cồng kềnh, tiêu tốn là thế, tôn chỉ của đoàn là thế nhưng thử hỏi khi các thành viên tham gia vào những vụ án phức tạp, khó khăn, những vụ dân oan, dân nghèo phía Đoàn luật sư có hỗ trợ không? Tôi nhớ không nhầm cả nhiệm kỳ may ra chỉ có vài ba công văn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị. Như vậy, sinh ra tổ chức, sinh ra hệ thống lãnh đạo để làm gì?
Thứ sáu, tôi cũng có nghe nói Ban học tập có dùng kinh phí để viết sách nhưng viết cho ai đọc thì không biết. Nói thật, chúng tôi ra trường đã có kiến thức, chỉ mong áp dụng triệt để nó vào thực tiễn. Thực tiễn đã cho chúng tôi những pho sách quý, chúng tôi không cần rao giảng, không cần những tác phẩm đó vì đã biết rõ “phương pháp bào chữa” của những người viết sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét