Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Góp ý với ông Võ Văn Thưởng: Triết học nào tỏa sáng?

 

Góp ý với ông Võ Văn Thưởng: Triết học nào tỏa sáng?

Tạ Dzu

30-10-2020

Ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương của Cộng sản Việt Nam, Võ Văn Thưởng, trong đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam vào hạ tuần tháng 9-2020, đã nói Việt Nam “cần có những triết gia tầm cỡ”.

Ông cho rằng, “Việt Nam chưa có nền triết học sánh ngang với triết học Hy Lạp – La Mã bề thế, với triết học Ấn Độ sâu sắc, với triết học Trung Hoa thâm thúy, hay với triết học duy lý của Tây Âu nhưng Việt Nam bên cạnh nền văn hóa vật thể ẩn chứa vô vàn những triết lý hành động, còn có nền văn hóa văn – sử – triết bất phân, có sự kết hợp tinh tế giữa các loại hình văn hóa với tư duy tín ngưỡng dân tộc…”

Nhiên, Nhân, Dân thống nhất

Trong thời đại nhân loại hội nhập vào chung trong ngôi làng toàn cầu, nhất là nhờ những ngành khảo cổ, nhân chủng, di truyền hiện đại, người ta dễ nhận ra những điểm nổi trội như nhân loại (nhân) là một, phát xuất từ Phi châu ra toàn cầu, nhưng dân tộc (dân) thì nhiều. Qua giai đoạn thuộc địa thụt lùi, thất bại mang danh nghĩa phương Tây đi khai phá và khai hóa thế giới, cũng như qua hai cuộc Thế chiến và Chiến tranh Lạnh gây tang thương đổ vỡ khốc liệt cho thế giới, người ta cũng dễ thấy rằng tương quan giữa nhân và dân nói trên không thể là tương quan giữa thống trị và bị trị, giữa da màu này là thượng đẳng, màu nọ là hạ cấp, hay nước này là trung tâm, nước kia là man di mọi rợ, hoặc tranh chấp nhau vai trò bá chủ cường quyền.

Tương quan giữa nhân và dân và giữa các dân tộc, khu vực với nhau là quan hệ hỗ tương, bình đẳng, tôn trọng, cùng giúp nhau vui sống và tiến bộ trong một môi trường trong lành (nhiên), không phải là tranh chấp triệt tiêu, hơn thua, mà là đối lập thống nhất (unity in diversity).

Vậy muốn có những “triết gia tầm cỡ”, phải có tầm nhìn mang tính tầm cỡ thế giới, nhân loại và thời đại như thế. Nói khác đi, phải có tầm nhìn nhiênnhândân thống nhất.

Ngoài ra, còn phải có những ‘thống nhất’ và đặt lại tiền đề cho triết học như dưới đây.

Tâm, Vật, Sinh thống nhất

Dân Việt với nếp sống nông nghiệp trải hàng nghìn, hàng vạn năm, nương nhờ vào thiên nhiên, thời tiết, mưa thuận gió hoà mà cày cấy, nước rất quan trọng cho đời sống nông dân (nhất nước, nhì phân…). Nước không cố định ở hình thức nào mà thích hợp với mọi hoàn cảnh, ở ao thì ngưng, ở sông thì chảy (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài). Nước dễ dàng dung hoá, dung nạp tất cả (đường, muối) nhưng vẫn giữ được bản chất nước của mình. Người Việt gọi nơi cộng đồng mình quần tụ, sinh sống là “nước” (Việt Nam).

Đất trời mây nước đã ảnh hưởng đến nếp sống, nếp nghĩ của người Việt, khiến tư duy của họ không bị đóng khung, gắn chặt vào một hệ thống tư tưởng, tín ngưỡng hay chủ nghĩa nào. Có lẽ nhờ thế mà tinh thần tổng hợp của người Việt rất cao (tam giáo đồng nguyên) và họ cũng dễ dàng hoà hợp với tự nhiên.

Thiên nhiên, đất trời cần thiết cho sự sống, nhưng con người cũng góp phần cải tạo tự nhiên để đời sống ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn (dẫn thuỷ nhập điền, đắp đập ngăn sông…). Dân Việt thấy được vị trí của mình giữa trời đất (thiên – nhân – địa). Nhờ vậy, tinh thần nhân chủ của họ rõ nét (có trời mà cũng có ta), chứ không phải tất cả đều do trời định đoạt. Trời (tâm) cũng như đất (vật) đều cần thiết cho sự sống (sinh) con người. Tâm, vật, sinh cần được thống nhất.

Phương Tây với cuộc tranh chấp giữa tâm(duy tâm) và vật (duy vật) trong các thế kỷ trước, kéo dài sang tranh chấp tả hữu tư bản – cộng sản của Chiến tranh Lạnh đã gây bao tai họa khủng khiếp cho nhân loại mà dân Việt, có thể nói đã chịu đựng nhiều đau thương oan trái nhất trong cuộc tương tranh quốc tế đó, vì con người chưa nhận ra được sự thống nhất giữa hai mặt đối lập vật-tâm kia.

Nếu vẫn còn bị gắn chặt vào triết lý một chiều, không thấy được tính thống nhất cần thiết của cả tâm lẫn vật trong đời sống, không trở về với tinh thần nhân chủ của con người giữa trời cao đất rộng như cha ông Việt đã thể nghiệm và thực hiện, không thể sản sinh ra nền triết học tầm cỡ nào, mà chỉ là triết học khiếm khuyết sai lầm cần được bổ túc.

Nghiêng về thiên (tâm) thì người bị đẩy xuống hàng thứ yếu vì thần là chủ, người trở thành tôi tớ hèn mọn bé nhỏ. Nghiêng về địa (vật) thì người bị chà đạp vì vật chất là chủ, con người giành giựt phương tiện sản xuất, áp dụng quy luật đầy thiên kiến lượng đổi chất đổi, đẩy tới cao điểm là các giai tầng xã hội chém giết lẫn nhau.

Cả hai đều tha hoá con người, triệt tiêu tinh thần nhân chủ, mất tính hướng đạo cuộc sống như Stephen Hawking khẳng định “Triết học đã chết” trong cuốn Grand Design của ông.

Sử, Khoa, Triết thống nhất với con người là tiền đề triết học

Sử học nghiên cứu quá khứ, khoa học cho hiện tại và triết học mở đường hướng tới tương lai. Muốn mở ra con đường đúng đắn cho nhân loại, triết học phải bám sát thực tại đời sống, lấy con người làm tiền đề (không nghiêng lệch tâm-vật, tả-hữu), diễn tả được chân lý của tự nhiên, của dân tộc và nhân loại trong tầm nhìn về vũ trụ quan, nhân sinh quan và xã hội quan, nhận ra mối quan hệ của chúng để người được sống như người, là người (nhân đạo – đời sống người). Đó không phải là lối sống tranh giành, mạnh được yếu thua của động vật để nhân loại tiến hoá hướng thượng luôn mãi.

Vũ trụ và sự hình thành của tự nhiên là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Khoa học khám phá tới đâu, sức hiểu biết của con người mở rộng tới đó. Các khoa học gia cho rằng vũ trụ được hình thành từ vụ nổ Big Bang. Vậy vũ trụ là gì trước Big Bang? Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking trả lời rằng, nếu đi ngược thời gian tới ngay trước khi có Big Bang khoảng 13.8 tỉ năm trước, vũ trụ thoạt đầu nhỏ như một nguyên tử, chỉ có nhiệt và năng lượng, thời gian không hiện hữu (… time… literally did not exist). Những gì xảy ra ngay trước Big Bang không thể xác định được. Nếu thời gian đã không hiện hữu, không thể có câu trả lời cho câu hỏi chuyện gì đã xảy ra ngay trước đó. Nói cách khác, đây là vấn đề bất khả luận. Vũ trụ quan đúng đắn khi nhìn vào tự nhiên thấy mang tính vô nguyên tương đối. Vật chất chỉ có tính tương đối, như nước có lúc ở thể lỏng, thể đặc hay thể hơi.

Hạnh phúc của đời sống là gì? Phải chăng là nước này xâm chiếm nước kia, là ngai vàng vua chúa cha truyền con nối? Phải chăng đó là quan hệ giữa bạch chủ với hắc nô mà số phận ‘hắc nô’ đã được quyền lực siêu hình định đoạt, không thể thay đổi? Hoặc của giai cấp công nhân nhân danh chủ nghĩa Cộng sản tiêu diệt các giai cấp khác, chối bỏ dân tộc để tiến đến đại đồng? Hạnh phúc phải chăng là một thiểu số giàu có tìm cách khống chế và lũng đoạn tất cả, tạo ra chiến tranh để buôn bán vũ khí, hoặc của bầu cử tự do nhưng kèm theo tiền bạc tài phiệt đổ vào truyền thông nhằm dẫn dắt dư luận, hay đổ vào quảng cáo đánh bóng ứng viên phe mình, triệt hạ uy tín phe kia? Phải chăng hạnh phúc là văn minh phương Tây với luật La Mã, triết Hy Lạp cần được phổ cập khắp thế giới?

Mỗi dân tộc có lịch sử và văn hoá đặc thù cần được tôn trọng, không thể cho rằng da trắng là thượng đẳng hay Hán tộc là trung tâm. Xã hội quan đúng đắn cho các dân tộc là đa nguyên tương đối.

Chỉ Người là nhất nguyên tuyệt đối, mọi người trên trái đất đều sinh ra bình đẳng với nhau như bọc mẹ trăm con. Tuy nhất nguyên những mỗi người mỗi tính, mỗi dân tộc có đời sống đặc thù cần được tôn trọng.

Bài học hàng nghìn năm từ quá khứ chém giết nhau nhân loại còn chưa thông, sang tới hiện tại các cường quốc vẫn tranh nhau ngôi bá chủ, làm thế nào để thế giới vui sống hoà bình bên nhau? Ba môn Sử, Khoa, Triết vẫn chưa có sợi dây xuyên suốt nhất quán.

Các triết thuyết lớn gần đây ảnh hưởng tới cả nhân loại chưa thấy được Người mới đích thực là tiền đề triết học. Duy tâm cho rằng ý niệm tuyệt đối là cơ sở của mọi sự vật tồn tại. Marx lật ngược lập luận đó, cho rằng vật chất sản sinh ra tinh thần tuyệt đối kia. Cả hai đều không nhận ra rằng con người bao gồm cả tâm lẫn vật. Không có người, đất trời hiện hữu từ muôn thuở cũng thành vô nghĩa.

Lịch sử, văn hoá Việt với nền văn minh nông nghiệp nên người Việt dễ hoà hợp với thiên nhiên, thấy được vị trí của người ngang hàng cùng trời đất, tâm hồn rộng mở không lụy vào một tư duy thiên lệch nào nên tinh thần nhân chủ và tính tổng hợp khá cao.

Lý Đông A (1920-1946?), nhà tư tưởng Việt bị cộng sản sát hại, người thực hiện cuộc đại tổng hợp văn minh kim cổ đông tây trong bộ Quốc Sách Đại Cương Thảo Án Toàn Phocủa ông, đã khám phá và đề xuất rằng Người mới chính là tiền đề triết học.

Kết

Việt Nam có chu kỳ lịch sử năm trăm năm: 500 năm thịnh, 500 năm suy. Dân tộc ta đang ở cuối thời kỳ suy thoái năm trăm năm vừa qua (hậu Lê, Nguyễn, Tây thuộc, Cộng sản thuộc), đang tiến dần vào giai đoạn chuyển tiếp sang 500 năm hưng thịnh sẽ tới (Đại Việt 2000).

Thời tiền hưng thịnh Đại Việt 1000, cha ông đã tổng hợp và thống nhất những chia rẽ về chính trị (thập nhị sứ quân) và văn hoá (du nhập tam giáo, đạo thống Tiên Rồng lu mờ) nhằm sáng tạo ra mô hình kiến thiết mới cho Đại Việt Lý-Trần. Tương tự như vậy, từ thời Pháp thuộc (Tây phương thuộc) đến cộng sản thuộc (cũng từ phương Tây đến), hiện chúng ta lại đang bị chia rẽ do hậu quả của quốc tế phân tranh, vừa về chính trị (quốc-cộng, kinh-thượng) lẫn văn hoá (chia rẽ tôn giáo, bản sắc dân tộc, đạo thống Tiên Rồng chìm nghỉm và bị triệt tiêu bởi chủ nghĩa Mác Lê).

Giai đoạn vừa qua đầy nhiễu nhương nhưng cũng tạo ra cơ hội mới. Trên phương diện địa lý, cha ông ta đã tiến về phương Nam tới tận mũi Cà Mau, nay lại có thêm cả một cộng đồng người Việt đang lớn mạnh tại hải ngoại. Về mặt văn hoá, ngoài việc hoà nhập văn hoá Chàm và Chân Lạp, chúng ta còn tiếp thu thêm văn hoá phương Tây. Nhiều nền văn minh lớn qua đạo giáo đã hội tụ tại Việt Nam: Phật, Lão, Khổng Đông phương, Cơ đốc giáo Tây phương; các quốc gia hùng mạnh cũng đã góp mặt: Trung, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật.

Những người cộng sản cần phải nhanh chóng thức tỉnh, thấy được trào lưu thế giới, nhân loại và thời đại mà mạnh mẽ dứt khoát từ bỏ Mác-Lê-Mao, vượt trên tranh chấp quốc tế hoá do tư bản lẫn cộng sản để lại (quốc-cộng), cùng nhau tổng hợp văn hoá Đông-Tây kim-cổ, kết hợp với đạo thống Tiên Rồng như cha ông nhằm sáng tạo một mô hình kiến thiết mới, khắc phục những khuyết điểm của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội kiểu cộng sản, đưa đất nước thoát khỏi bế tắc hiện nay để bắt đầu cất cánh, tiến đến giai đoạn khởi đầu cho năm trăm năm hưng thịnh sắp tới.

Chỉ có thế Việt Nam mới xây dựng được một nền triết học mang tầm cỡ thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét