Bá quyền kết thúc như thế nào? (Phần 1)
Tác giả: Alexander Cooley và Daniel H. Nexon
Dịch giả: Trần Ngọc Cư
Số tháng 7-8/2020
Sự rã rệu của quyền lực Mỹ
Nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong trật tự toàn cầu. Phản ứng quốc tế thiếu phối hợp trong việc đối phó đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế tiếp sau đó, sự hồi sinh của chính trị dân tộc chủ nghĩa và chính sách cứng rắn về biên giới quốc gia, hình như báo trước sự xuất hiện của một hệ thống quốc tế thiếu hợp tác và mong manh hơn. Theo nhiều nhà quan sát, những phát triển này nêu bật sự nguy hiểm của chính sách “nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và việc ông rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch coronavirus, Trump vẫn thường xuyên chỉ trích giá trị của các liên minh và các định chế như NATO, ủng hộ sự tan rã của Liên minh châu Âu, rút khỏi một loạt các hiệp định và tổ chức quốc tế, và quay sang chìu chuộng các nhà độc tài như Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông đặt nghi vấn về giá trị của việc đưa các giá trị tự do như dân chủ và nhân quyền vào trung tâm của chính sách đối ngoại. Việc Trump rõ ràng dành ưu tiên cho chính trị giao dịch tổng số bằng không [có kẻ thắng người thua] chứng minh thêm khái niệm Mỹ đang từ bỏ cam kết thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do.
Một số nhà phân tích tin rằng, Hoa Kỳ vẫn còn có thể quay trở lại, bằng cách khôi phục các chiến lược mà Mỹ đã vận dụng, từ cuối Thế chiến II đến sau Chiến tranh Lạnh, để xây dựng và duy trì một trật tự quốc tế thành công. Nếu một nước Mỹ thời hậu Trump có thể nắm lại các trách nhiệm về quyền lực toàn cầu của mình, thì thời đại này — bao gồm cả đại dịch sẽ định tính cách cho nó — chỉ là một sự chệch hướng tạm thời chứ không phải là một bước trên con đường dẫn đến xáo trộn vĩnh viễn.
Dẫu sao, những dự đoán về sự xuống dốc của Mỹ và sự thay đổi trong trật tự quốc tế chẳng có gì mới lạ — và thường xuyên sai lầm. Vào giữa thập niên 1980, nhiều nhà phân tích tin rằng, sự lãnh đạo của Mỹ đang trên đường kết thúc. Hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ vào thập niên 1970; Hoa Kỳ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế châu Âu và Đông Á, đặc biệt từ Tây Đức và Nhật Bản; và Liên Xô lúc bấy giờ trông giống như một thực thể trường tồn của chính trị thế giới.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1991, Liên Xô đã chính thức tan rã, Nhật Bản bước vào “thập kỷ mất mát” vì sự trì trệ kinh tế và nhiệm vụ hợp nhất tốn kém đã tiêu hết nguồn lực của một nước Đức thống nhất. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã trải qua một thập kỷ bùng nổ đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế cao bất ngờ. Kết quả là điều mà mà nhiều người ca ngợi là “một thời điểm đơn cực” [a unipolar moment] của bá quyền Mỹ.
Nhưng lần này thật sự khác. Chính các lực tác động làm cho bá quyền Mỹ trở nên vững vàng trước đây ngày nay đang thúc đẩy sự giải thể của nó. Có ba sự phát triển đã từng thúc đẩy trật tự hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ lãnh đạo. Một là, với sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ không còn phải đối diện với một dự án ý thức hệ toàn cầu quan trọng nào có thể cạnh tranh với Mỹ. Hai là, với sự tan rã của Liên Xô và cơ sở hạ tầng của các định chế và quan hệ đối tác của chế độ Xô Viết, các quốc gia yếu hơn không còn lựa chọn đáng kể nào ngoài việc hướng tới Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây nhằm bảo đảm hậu thuẫn quân sự, kinh tế và chính trị. Và ba là, các nhà hoạt động và phong trào xuyên quốc gia đang truyền bá các giá trị và chuẩn mực tự do vốn đã củng cố trật tự tự do.
Ngày nay, những động lực tương tự đã quay lại chống Hoa Kỳ: Một chu kỳ độc hại làm xói mòn quyền lực Mỹ đang thay thế chu kỳ tốt lành đã từng củng cố nó. Với sự trỗi dậy của các cường quốc như Trung Quốc và Nga, các dự án chuyên quyền và phi tự do đang cạnh tranh với hệ thống quốc tế tự do do Mỹ lãnh đạo. Các nước đang phát triển, và thậm chí nhiều nước phát triển, có thể tìm kiếm những cường quốc bảo trợ mới, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào sự hào phóng và hậu thuẫn của phương Tây. Và các mạng lưới xuyên quốc gia phi tự do, thường là cánh hữu, đang ra sức chống lại các quy tắc và các tín lý của trật tự quốc tế tự do mà trước đây dường như không thể bị lung lạc. Nói tóm lại, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không chỉ thoái hoá, mà nó đang rã rệu. Và sự xuống dốc này không có tính chu kỳ mà là vĩnh viễn.
THỜI ĐIỂM ĐƠN CỰC ĐANG BIẾN MẤT
Thật có vẻ lạ lùng khi ta nói về một sự xuống dốc vĩnh viễn của Mỹ khi Mỹ chi tiêu một ngân sách quốc phòng nhiều hơn so với bảy đối thủ tiếp theo kết hợp lại và duy trì một mạng lưới các căn cứ quân sự vô song ở nước ngoài. Sức mạnh quân sự đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì thế ưu việt của Hoa Kỳ trong thập niên 1990 và những năm đầu của thế kỷ này; không một quốc gia nào khác có thể nới rộng những bảo đảm an ninh đáng tin cậy trên toàn bộ hệ thống quốc tế.
Nhưng sự thống trị của quân đội Mỹ ít phụ thuộc vào ngân sách quốc phòng — trên thực tế, chi tiêu quân sự của Mỹ đã giảm trong thập niên 1990 và chỉ gia tăng đột biến sau vụ tấn công 11 tháng 9. Ưu thế quân sự của Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào một số yếu tố khác như sự biến mất của Liên Xô như một đối thủ cạnh tranh, sự gia tăng lợi thế công nghệ mà quân đội Mỹ hưởng được và việc hầu hết các cường quốc hạng hai trên thế giới sẵn sàng dựa vào sức mạnh Hoa Kỳ thay vì xây dựng lực lượng quân sự của riêng mình. Nếu sự trỗi dậy của Mỹ như một cường quốc đơn cực chủ yếu phụ thuộc vào sự giải thể của Liên Xô, thì sự kéo dài của tính đơn cực đó trong thập niên tiếp theo là do việc các đồng minh châu Á và châu Âu đồng tình chấp nhận vai trò bá quyền của Mỹ.
Nếu ta chỉ nói về khoảnh khắc đơn cực thì sẽ làm lu mờ thêm các đặc điểm quan trọng của chính trị thế giới đã hình thành nền tảng cho sự thống trị của Mỹ. Sự tan rã của Liên Xô cuối cùng đã khép lại cánh cửa của dự án duy nhất về trật tự toàn cầu có thể cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Mác – Lênin (và các phó sản của nó) hầu hết đã biến mất như một nguồn cạnh tranh ý thức hệ. Cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia liên hệ nó — các tổ chức, các tập quán và các mạng lưới, bao gồm Hiệp ước Warsaw, Hội đồng Tương trợ Kinh tế và chính bản thân Liên Xô — tất cả đều sụp đổ từ bên trong. Không có sự hỗ trợ của Liên Xô, hầu hết các quốc gia liên kết với Moscow, các nhóm nổi dậy và các phong trào chính trị phải quyết định hoặc bỏ cuộc, hoặc gia nhập liên minh với Hoa Kỳ. Vào giữa thập niên 1990, chỉ còn lại một khuôn khổ nổi bật cho các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đó là hệ thống các liên minh và định chế quốc tế tự do thả neo tại Washington.
Hoa Kỳ và các đồng minh của mình — được gọi tắt là phương Tây — cùng nhau hưởng độc quyền bảo trợ trên thực tế [a de facto patronage monopoly] trong thời kỳ đơn cực này. Với một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, phương Tây đã cung ứng nguồn an ninh quan trọng duy nhất, các lợi ích kinh tế, hậu thuẫn chính trị và tính hợp pháp cho nhiều quốc gia. Các nước đang phát triển không còn có thể dùng đòn bẩy chính trị với Washington bằng cách đe dọa quay qua Moscow hoặc đưa ra nguy cơ bị cộng sản chiếm chính quyền để giúp họ khỏi phải tiến hành cải cách trong nước. Sự bành trướng nhanh chóng sức mạnh và ảnh hưởng của phương Tây không có gì cản trở đến mức nhiều nhà hoạch định chính sách đã tin vào chiến thắng vĩnh viễn của chủ nghĩa tự do. Hầu hết các chính phủ đều thấy rõ không có một phương án thay thế khả thi nào khác.
Không có nguồn hỗ trợ nào khác, các nước càng có nhiều khả năng tuân thủ các điều kiện của viện trợ phương Tây mà họ nhận được. Các lãnh đạo độc tài phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế nghiêm khắc và các yêu sách nặng nề từ các tổ chức quốc tế do phương Tây kiểm soát. Vâng, các cường quốc dân chủ tiếp tục bảo vệ một số quốc gia chuyên chế (như Ả Rập Saudi giàu dầu mỏ) khỏi những yêu sách như vậy vì lý do chiến lược và kinh tế.
Và các nền dân chủ hàng đầu, kể cả Hoa Kỳ, chính họ cũng vi phạm các quy tắc quốc tế liên quan đến nhân quyền, dân quyền và các quyền chính trị, đáng kể nhất là dưới hình thức tra tấn và giam giữ tù nhân một cách khác thường [ở những địa phương nằm ngoài luật pháp Mỹ] trong cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng ngay cả những ngoại lệ đạo đức giả này cũng đã củng cố quyền bá chủ của trật tự tự do, bởi vì chúng châm ngòi cho sự lên án mạnh mẽ giúp khẳng định các nguyên tắc tự do và bởi vì chính các quan chức Hoa Kỳ cũng phải tiếp tục lên tiếng cam kết các quy tắc tự do.
Trong khi đó, số lượng mạng lưới xuyên quốc gia ngày càng mở rộng — thường được mệnh danh là “xã hội dân sự quốc tế” — đã chống đỡ cho một kiến trúc mới xuất hiện của trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh. Các nhóm và cá nhân này đóng vai trò những người lính chân chính của bá quyền Mỹ bằng cách truyền bá các quy tắc và tập quán tự do rộng rãi. Sự sụp đổ của các nền kinh tế kế hoạch tập trung trong thế giới hậu cộng sản đã mở đường cho các làn sóng tư vấn và nhà thầu phương Tây giúp mang lại các cải cách thị trường, đôi khi có hậu quả tai hại, như ở Nga và Ukraine, nơi trị liệu sốc do phương Tây hậu thuẫn [Western-backed shock therapy] đã làm cho hàng chục triệu người trở nên bần cùng trong khi tạo ra một lớp đầu sỏ giàu có, những người đã biến tài sản nhà nước trước đây thành các đế chế cá nhân. Các tổ chức tài chính quốc tế, cơ quan quản lý chính phủ, ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế đã nỗ lực xây dựng một sự đồng thuận của giới chóp bu [an elite concensus] ủng hộ thương mại tự do và sự chuyển dịch vốn qua các biên giới quốc gia.
Các nhóm xã hội dân sự cũng tìm cách lèo lái các nước hậu cộng sản và đang phát triển theo mô hình dân chủ tự do phương Tây. Các toán chuyên gia phương Tây đã tư vấn cho các chính phủ về việc thiết kế hiến pháp mới, cải cách pháp lý và hệ thống đa đảng. Các nhà quan sát quốc tế, hầu hết trong số họ đến từ các nền dân chủ phương Tây, đã theo dõi các cuộc bầu cử ở các nước xa xôi.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) ủng hộ việc mở rộng quyền con người, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường, đã tạo được liên minh với các nhà nước và các cơ quan truyền thông có thiện cảm. Công việc của các nhà hoạt động xuyên quốc gia, các cộng đồng học thuật và các phong trào xã hội đã giúp xây dựng một dự án tự do bao trùm lên các nỗ lực hội nhập kinh tế và chính trị thế giới. Trong suốt những năm 1990, các lực lượng này đã giúp tạo ra một ảo tưởng về một trật tự tự do vô địch dựa trên bá quyền toàn cầu của Mỹ . Ảo ảnh đó bây giờ đã bị rách nát.
(Còn tiếp)
_____
Tác giả: Alexander Cooley là Giáo sư Chính trị học Ngạch Claire Tow tại Barnard College và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Harriman tại Columbia University. Daniel H. Nexon là Phó Giáo sư tại Phân khoa Chính quyền tại Trường Nghiệp vụ Nước ngoài Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown. Hai ông là tác giả cuốn “Exit From Hegemony: The Unraveling of the American Global Order“ (Chấm dứt bá quyền: Sự rã rệu của trật tự toàn cầu Mỹ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét