Suy nghĩ những ngày đầu tháng mười năm 2020
(Đôi dòng suy nghĩ tản mạn những ngày đầu tháng mười năm 2020 về vận mệnh của đất nước)
Ngụy Hữu Tâm
Ở cái tuổi U80 chết tiệt này, sao thời gian qua nhanh thế. Ngày Quốc khánh Việt Nam qua, Quốc khánh Trung Quốc qua, Quốc khánh Đức cũng qua, rồi Tết Trung Thu muộn vì là năm nhuận cũng qua nốt. Nhưng có lẽ vì thế mà Hà Nội hầu như không còn tiết Thu nữa mà Đông đã tới ngay trước cửa. Thủ đô vốn nổi tiếng với tiết Thu man mát với lá vàng rụng và mùi hoa sữa thì thì nay sau những cơn mưa như trút, và nay trong miền Trung vẫn phải chịu những trận lũ lụt ghê gớm nhất là vụ sụt Thủy điện Rào Trăng 3, thì ở Hà Nội đã thấy ngay cái lạnh của mùa Đông. Nhà Đài nói Đông này khắc nghiệt, hay do biến đổi khí hậu chăng? Chắc gì đã phải!
Mấy hôm trước còn cởi trần thì nay đã phải mặc pyjama, quàng thêm cái áo len, đi tất.
Thế nhưng cái nóng của chính trị thế giới vẫn hầm hập. Những cuộc chiến tranh nhỏ vốn tha cho châu Âu - khu vực phát triển nhanh nhất mấy thế kỷ vừa qua, sau hai thế chiến, mà do chính họ gây ra do phát triển quá nóng - suốt 75 năm qua, nay vẫn nhắc nhở họ với đầu tiên là ở Ban Căng những năm trước, rồi những năm gần đây là ngay trước cửa ngõ họ là Bắc Phi và Trung Cận Đông để họ phải trực tiếp gánh chịu là “dân tỵ nạn”, thì nay muốn bùng phát trở lại ở ngay sát nách họ với cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ Armenia-Azerbaijan và phía trên và tình hình cực nóng, dù ở một nước thì không phải liên tục nội chiến nhưng vẫn luôn âm ỉ, còn ở nước kia đang sắp bùng nổ vì độc tài xô-viết đã quá lâu, cũng ở hai nước thuộc Liên Xô cũ là Belarus và Ucraina mà Ông Putin sẽ còn phải chi bao nhiêu tiền để tình hình tạm lắng xuống?
Còn ở hai cường quốc vốn là cái mâu thuẫn toàn cầu vốn âm ỉ mãi sau cuộc đối đầu hai phe do ý thức hệ là cuộc chiến tranh lạnh vốn kéo dài từ 1945 đến 1990 để hòa hoãn giữa hai thế lực chủ chốt, nhưng xét cho cùng vẫn là do xung đột ý thức hệ là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các chính trị gia hay nói sau Chiến tranh Lạnh là cuộc chiến chủng tộc hay tôn giáo, nhưng tôi không tin. Ở thời đại này thì mâu thuẫn ý thức hệ, mà xét cho cùng thì cũng là quyền lợi của giới cầm quyền, nhưng chắc chắn là một bên thì người dân còn được góp ý kiến qua những định chế dân chủ vốn đã tồn tại ở châu Âu bao nhiêu thế kỷ nay và lại càng được củng cố sau thời kỳ hoàng kim của “Thế kỷ Ánh sáng” và sự phát triển đến chóng mặt của chủ nghĩa tư bản và của khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, vẫn mang tính quyết định.
Hoa Kỳ, sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì là tư bản nên vẫn cần thị trường, mở cửa cho Trung Quốc phát triển, với niềm tin ấu trĩ (của phe Dân chủ) là Trung Quốc được cảm hóa và trong nước sẽ hình thành một giới trung lưu để tự dân chủ hóa đất nước. Thế nhưng, như các nhà tiên tri đã thấy trước, từ thời Napoleon kia, là để mở cho Trung Quốc, con ngoáo ộp toàn cầu, sẽ nguy hiểm thế nào (vốn nói hộp Pandora mà). Thế nên dẫu 4 năm qua với những cố gắng gần như phát cuồng của phe Cộng hòa với Tổng thống Trump, chỉ làm cuộc chiến, tạm thời còn dừng lại ở cuộc chiến thương mại, căng thẳng hơn bao giờ hết.
Nay mâu thuẫn phe Dân chủ và Cộng hòa lại gay gắt hơn bao giờ hết, cuộc bầu cử Tổng thống chỉ còn chưa đầy tháng nữa kết thúc, với những diễn biến khôn lường của dịch Covid-19 mà chính bản thân Tổng thống Trump cũng mắc, rồi sẽ ra sao đây? Còn ở Trung Quốc, đất nước độc tài kín như bưng do Đảng +S lãnh đạo, với những khó khăn nội bộ mà “có Trời mới biết”, Ông Tập có còn tồn tại để mà, nhân dịp này lấy điểm trên chính trường toàn cầu hay không?
Đấy là nói chuyện xa vời, ở các nước khác, còn ở nước ta thì sao?
Chắc chắn điều đầu tiên, các lãnh đạo và cả người dân đều quan tâm là Đại hội Đảng XIII liệu có tìm ra người tài để đưa con thuyền đất nước đi đúng hướng hay không?
Còn có một điều chắc chắn nữa là, Đảng +S, dù Trung Quốc hay Liên Xô hay Việt Nam thì cũng vậy, với cơ chế xơ cứng “dân chủ tập trung” của nó, sẽ chẳng cho phép tìm ra nhân tài. Thế thì nước Việt ta sẽ đi đâu khi ở vào cái thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, sai một ly đi một dặm?
Sau mấy cuộc chiến kéo dài từ giữa thế chiến hai đến sau cả kết thúc cuộc “chiến tranh lạnh” đến mấy năm (các cuộc “chiến tranh biên giới” cả ở Bắc lẫn Nam kéo dài nhiều năm), có được hòa bình tương đối thế cũng đã là 45 năm, dưới sự “lãnh đạo tài tình của Đảng ta hết từ mặt trận này sang mặt trận khác” mà về kinh tế, mà như ngay chính Mác cũng đã từng phải nhận định, vật chất quyết định, thì chúng ta vẫn đứng sau các nước Đông Nam Á là khu vực của chúng ta, trừ Singapore vì họ có lãnh đạo xuất chúng, hàng chục năm!
Dù có bao nhiêu vụ “đốt lò” thì cũng chẳng xứng với các vụ đụng đến quyền lợi phe nhóm và cốt lõi chế độ là đất đai là Thủ Thiêm và rất gần đây và hết sức quyết liệt và thậm chí đồng tới cả ngành công an, lực lượng “còn Đảng còn mình”, trung thành nhất với chế độ, là Đồng Tâm. Đấy là chưa kể đến những vi phạm luật pháp và nhân quyền như các vụ công khai bắt các chiến sĩ Dân chủ Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang....
Còn có thể kể ra nhiều chuyện nữa, nhưng khi nói đến Belarus và Ucraina, tôi bỗng chợt nhớ ra, còn một nước cũng ở thế kẹt như hai nước kia nằm giữa hai nước lớn, nhưng nay đã yên ổn đi vào quỹ đạo Dân chủ bên trong EU là Ba Lan.
Vào thời điểm quyết định đối với đất nước, khi mâu thuẫn giữa hai cường quốc láng giềng lên đỉnh điểm, chiến tranh sắp xảy ra, tình hình là gay cấn hết sức mà vẫn còn dùng dằng đánh đu để bị thôn tính trong ít ngày và nhân dân phải chịu bao nhiêu hy sinh và cuối cùng, sau chiến tranh, bị giằng co giữa các cường quốc chỉ còn thiếu nước... xóa sổ!
Nói người thì nghĩ đến ta. Chúng ta phải làm gì đây khi còn chưa quá... muộn? Làm sao thoát Trung nhanh nhất đây. Ở thời điểm cuối thập niên 20 chuẩn bị sang 21 này, cơ hội hậu covid 19 cho toàn thế giới rất nhiều, liệu người Việt chúng ta có nắm bắt cơ hội đó để thay đổi đất nước hay không, hay về đối ngoại vẫn cứ đánh đu giữa hai cường quốc, về đối nội vẫn cứ độc đảng, đàn áp dã man tất cả những ai bất đồng chính kiến, họp kín như bưng chẳng ai biết họ muốn gì, làm gì? Chỉ sau Đại hội là những nghị quyết dài lê thê để đặt những kế hoạch... trên giấy.
Chắc chắn đến thời kỳ công nghệ 4.0 với robot và máy tính lượng tử đã ra đời và đang hoàn thiện, không thể cứ giấu giếm mãi. Hãy làm như Gorby như trước đây thế mà cũng đã 31 năm rồi với khẩu hiệu “glastnost”, cần trước hết là sự minh bạch. Hãy tự do ngôn luận, không còn kiểm duyệt của Ban tư tưởng TW và tự kiểm duyệt nữa!
Còn với Đại hội Đảng chỉ ít ngày nữa diễn ra, tôi chỉ xin nhắc lại điều mà anh em chúng tôi ở Ban Chiến lược VHLKH&CNVN đã bàn và kiến nghị từ cuối thiên niên kỷ trước, nhưng với bản chất “kiêu ngạo +S” chẳng hề có hồi âm từ trên là: không ai có thể thay đổi +S được trừ chính họ.
Vậy thì hãy dũng cảm như Gorby năm 1989 với Đảng Cộng sản Liên Xô, tách ra một đảng mới. Chẳng hạn nhân Đại hội này, Tổng Công đoàn Việt Nam hay Hội Phụ nữ Việt Nam, hay thậm chí Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam, cánh tay phải của Đảng, tuyên bố tự tách ra một đảng mới với cương lĩnh mới, không mang cái danh hiệu chủ nghĩa Mác Lê & tư tưởng Hồ chí Minh giả cầy nữa!
Nếu được như vậy thì dân tộc này có được diễm phúc lắm đấy!
N.H.T.
Tác giả gửi BVN