Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Nghèo bình yên - Giàu bất ổn

 

Nghèo bình yên - Giàu bất ổn

Dương Quốc Chính

Báo chí cách mạng lâu nay thường đưa tin bất ổn, biểu tình, bạo động, khủng bố ở các nước “hậu độc tài” hay dân chủ (non trẻ) như Iraq, Ai Cập, Ukraine, Thái Lan… TV phát hình ảnh quốc hội Đài Loan, Nhật Bản, đại biểu rút giầy ném vào mặt nhau, với bình luận có ý khinh bỉ lắm! Ý muốn tuyên truyền là cái giá của dân chủ nó là thế đấy, chúng mày cứ liệu hồn. Vì bọn Mỹ, bọn dân chủ can thiệp nên các nước kia mới trở nên hỗn loạn.

VN đã phải gánh chịu mấy chục năm chiến tranh, đâm ra chột, nhân dân ta cứ thấy tập trung đông người là vãi đái, khéo bọn dân chủ nó sắp đến rồi, bọn Mỹ thập thò ngoài cửa rồi, hỗn loạn đến nơi rồi. Nói dậy mà không phải dậy, đấy không phải bản chất của vấn đề.

Bất ổn đến từ đâu?

Nước nào mà chả ẩn chứa bất ổn tiềm tàng. Càng nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, tập hợp bởi nhiều khu vực có nguồn gốc lịch sử khác biệt thì càng nhiều bất ổn. Trên lý thuyết, Mỹ là nước chứa nhiều bất ổn nhất, vì đa sắc tộc, tôn giáo, nguồn gốc nhất, nhưng lại là nước giải quyết tốt nhất những bất ổn đó trong khi bề ngoài vẫn tỏ ra là bất ổn (khủng bố, biểu tình…). Trung Quốc là nước tiềm tàng bất ổn thứ nhì, cũng giải quyết tương đối tốt sự bất ổn, nhưng bằng cách dùng bạo lực và nhà tù. Bắc Triều Tiên là nước nghèo bình yên nhất thế giới, vì là 1 quốc gia thuần nhất, tất cả mọi mặt xã hội đều do Đảng Lao động dẫn lối đưa đường.

Nghèo bình yên

Ở các nước độc tài, hầu như mọi mâu thuẫn được xử lý bằng bạo lực, chính quyền sẽ áp đặt cách giải quyết, ai không chấp nhận thì bỏ tù. Nói cách khác, các nước độc tài là nhà tù khổng lồ, quyền tự do của mỗi người (quyền tự do ngôn luận, biểu đạt…) bị hạn chế để đổi lấy sự yên bình. Như vậy, mâu thuẫn không được giải quyết tận gốc, mà chỉ bị trói lại, kìm hãm và luôn tìm cơ hội để bung ra nếu chính quyền (cai ngục) yếu đi. Khi một quốc gia độc tài sụp đổ thì giống như nhà tù bị phá, cai ngục biến mất, tội phạm ùa ra và đánh nhau tiếp, để giải quyết những mâu thuẫn cũ đang tồn tại.

Thời gian tù nhân đánh nhau lâu hay chóng là do họ có nhanh chóng thoả hiệp được với nhau hay không (phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi cá nhân hay còn gọi là dân trí) hoặc có được/bị can thiệp để hòa giải (phá hoại), hay lại bị bỏ tù kịp thời hay không. Như vậy, sự bất ổn ở các nước “hậu độc tài” có nguyên nhân sâu xa chính từ chính thể độc tài, thế lực thù địch chỉ tác động để phá vỡ nhà tù mà thôi. Có thể thấy, khi chính quyền CS Đông Âu sụp đổ thì sự bất ổn không kéo dài do dân trí cao và nền dân chủ non trẻ không bị nước ngoài phá hoại, nhưng ở Iraq, Afghanistan, Ukraine thì lại bất ổn do dân trí thấp hoặc bị láng giềng can thiệp.

Giàu bất ổn

Ngược lại, ở các nước dân chủ thì mâu thuẫn được xử lý thông qua đàm phán, thỏa thuận là chủ yếu. Quyền con người được tôn trọng hơn nên đương nhiên mẫu thuẫn được bộc lộ ra ngoài xã hội, hở ra là biểu tình, báo chí chửi nhau ỏm tỏi, nghị sỹ vác giầy phang nhau ở nghị trường, thậm chí dân được sử dụng súng. Thoạt nhìn thì thấy bất ổn, chẳng qua vì bất ổn nó lộ ra, nhưng thực ra lại bền vững vì bất ổn nào cũng được giải quyết dần bằng đàm phán.

Vì thế nên xã hội phương Tây ổn định trong cái vỏ bất ổn, là sự cân bằng động như đồng hồ quả lắc. Còn sự ổn định ở các nước độc tài giống như cái lò xo bị nén. Người ta hi vọng lò xo bị nén lâu thì sẽ hết độ đàn hồi, không bật ra được nữa, nhưng nếu lực nén không đủ thì sức bật sẽ khủng khiếp, rất nguy hiểm. Chính thể độc tài nếu nhận ra được sự nguy hiểm đó thì phải giải nén dần dần, chứ nếu nén chặt mà lệch tâm thì cũng hỏng. Nhưng với bản chất độc tài thì thường người ta có xu hướng nén chặt thêm. Áp bức bao giờ chả dễ hơn đàm phán.

Đa số các nước độc tài thì nghèo nhưng vẫn có nước độc tài mà vẫn giàu như một số vương quốc dầu mỏ. Các nước độc tài mà nghèo thì vẫn có cuộc sống bất ổn không phải do mâu thuẫn mà là do nghèo nàn và lạc hậu, bần cùng sinh đạo tặc, thực phẩm bẩn, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Ổn định ở đây chỉ là không có bạo động mà thôi.

Tại sao vẫn còn các thể chế độc tài? Khi nào độc tài là tốt?

Độc tài tồn tại khi dân trí quá thấp, thấp đến nỗi người dân không đủ trí tuệ để thỏa thuận với nhau, để nhận thức đúng sai, để giải quyết mâu thuẫn, buộc chính quyền phải áp đặt cách giải quyết. Khi người dân càng văn minh thì người ta càng có xu hướng muốn tự giải quyết mâu thuẫn mà không muốn chính quyền can thiệp. Độc tài tốt khi nhóm lãnh đạo là những người có trí tuệ cao hơn đa số dân, làm việc vì sự phát triển của đất nước, không vì lợi ích nhóm hay cá nhân.

Như độc tài đã từng có ở Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore. Ngược lại, nếu quốc gia độc tài mà không có lãnh đạo như vậy thì là bi kịch cho quốc gia đó, sẽ kéo lùi sự phát triển, đặc biệt là khi lãnh đạo lại ngu dốt hơn dân, có đường lối quản trị quốc gia sai lầm, đi ngược lại với quy luật phát triển. Nền dân chủ sẽ giảm thiểu được rủi ro đến từ lãnh đạo, vì họ có cơ chế giám sát, phản biện, đào thải, để chọn được những người giỏi nhất vào bộ máy cầm quyền.

Để dễ hình dung, hãy nhìn vào hạt nhân của mỗi quốc gia, là mỗi gia đình. Khi con cái còn quá nhỏ, chưa đủ khả năng nhận thức thì bố mẹ phải độc tài để ép con làm điều tốt, tránh điều xấu. Nhưng nếu bố mẹ hiểu biết thì sẽ nới dần sự quản lý để con cái tự lập khi chúng lớn dần, chủ động “vẽ đường cho hươu chạy”. Sẽ là bi kịch nếu bố mẹ thiếu hiểu biết mà lại gia trưởng, sẽ ép con cái vào những thứ sai lầm hoặc áp đặt con cái quá lâu. Có những gia đình rất hòa thuận khi con cái dưới 18 tuổi, con ngoan trò giỏi. Nhưng khi con đi học đại học ở xa gia đình thì lập tức nghiện ngập, trộm cướp. Đấy là cái giá phải trả khi có sự chuyển tiếp đột ngột giữa độc tài và dân chủ.

D.Q.C.

Nguồn: FB Dương Quốc Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét