Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Bên cạnh việc chống khủng bố, Hoa Kỳ cần một chiến lược chống nhiễu loạn thông tin

 

Bên cạnh việc chống khủng bố, Hoa Kỳ cần một chiến lược chống nhiễu loạn thông tin

Foreign Policy

Tác giả: Brian Raymond

Dịch giả: Lê Minh Nguyên

15-10-2020

Nếu chính phủ Hoa Kỳ muốn chiến thắng trong những cuộc chiến tranh thông tin, thì các chiến thuật của thời Chiến Tranh Lạnh sẽ không còn hữu hiệu được nữa.

Ngày 14/10, Facebook và Twitter đã đưa ra quyết định xóa một câu chuyện đáng nghi ngờ của New York Post khỏi các mạng của họ, nó đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong các trang ý kiến của internet. Bài báo được đề cập đã cố tình tiết lộ về ảnh hưởng của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ cho con của ông là Hunter Biden, và những công ty mạng xã hội khổng lồ (Facebook, Twitter…) đã nghi ngờ rằng những nội dung tuyên bố trong bài báo chưa được kiểm chứng này lại dựa trên sự đánh cắp (hacked) hoặc bịa đặt. Vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, hành động nhanh chóng và dứt khoát của Thung lũng điện tử (Silicon Valley) để đáp lại thông tin sai lệch, thì hoàn toàn trái ngược với việc xử lý các email bị đánh cắp từ chiến dịch tranh cử tổng thống của Hillary Clinton bốn năm trước.

Một tuần trước đó, vào ngày 7/10, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng họ đã dẹp gần 100 trang webs có liên quan đến Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Islamic Revolutionary Guard Corps hay IRGC). Các trang webs này đã tham gia vào một chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu, nhắm vào những người ở Hoa Kỳ cho đến ở Đông Nam Á với lập luận tuyên truyền thân Iran. Nhưng không chỉ có chính quyền mới tham gia vào việc chống lại kẻ thù trực tuyến: Một ngày sau, Facebook và Twitter báo cáo rằng họ đã gỡ xuống hơn một chục mạng thông tin sai lệch, được sử dụng bởi các nhóm chính trị hay được nhà nước hậu thuẫn ở Iran, Nga, Cuba, Saudi Arabia và Thái Lan.

Nhìn vào bức tranh lớn của những sự việc thì các sự kiện ngày 7 và 14 tháng 10 hầu như không đáng chú ý. Trong những năm gần đây, các tổ chức tư nhân và chính quyền đã phải tăng cường những nỗ lực chống lại các dư luận viên máy (botnets), các chốt nhiễu tin (troll farms), và các hệ thống trí thông minh nhân tạo, đang tìm cách thao túng môi trường thông tin trực tuyến hầu đạt được các mục tiêu chiến lược nhất định. Sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, những diễn viên này bị giám sát kỹ lưỡng mà trước đây chưa từng có.

Nhưng khi không gian mạng có thể là một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch – cũng như sự bất hòa xã hội mà nó có thể gieo rắc – thì thông tin sai lệch tự nó đã là mối quan tâm thuộc về an ninh quốc gia trong nhiều thập kỷ; Chiến Tranh Lạnh đa phần được tiến hành bằng cách cạnh tranh tuyên truyền các phiên bản của sự thật. Và mối đe dọa về “tin giả” (fake news) thì không phải là một điều gì mới, vì thế cách các nhà hoạch định chính sách đối phó hoặc cố gắng đối phó với nó cũng vẫn theo lối cũ.

Chính sách cũ này giờ đây thực sự trở thành vấn đề. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, để chống lại thông tin sai lệch phát ra từ Điện Kremlin, từ Đảng Cộng sản Trung Quốc và từ IRGC, cùng những nước cộng sản khác, Hoa Kỳ dựa vào bài bản lúc đó và đã dẫn đến sự thành công chống lại các hoạt động tuyên truyền của Liên Xô, được biết với tên gọi là “các biện pháp tích cực” (active measures) trong những năm 1980s. Nhưng chiến lược chống thông tin sai lệch này, giống như hầu hết các chiến lược khác được phát triển vào những năm 1980s, hầu hết đã bị lỗi thời bởi bối cảnh truyền thông đang phát triển và công nghệ mới nổi.

Giờ đây, nếu Hoa Kỳ muốn có bất kỳ hy vọng nào để đi bước trước – cùng chấm dứt các nỗ lực gieo rắc hổn loạn và hoài nghi của những đối thủ nhắm vào Hoa Kỳ – thì HK sẽ phải nghiêm túc xét lại bài bản cũ của mình. Nhưng điều đó không thể thực hiện được nếu không có các đại công ty trong công nghệ internet của Hoa Kỳ, vốn là trụ cột trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch.

Thật vậy, sự hòa giải giữa chính quyền và công dân là điều cần thiết để hàn gắn những mối quan hệ rạn nứt của thời kỳ hậu Snowden. Vào năm 2013, người thổi còi tố cáo Edward Snowden đã rò rỉ tài liệu mật, cho thấy sự hợp tác rộng rãi giữa các công ty công nghệ Hoa Kỳ và Cơ quan An ninh Quốc gia, gây ra phản ứng dữ dội từ các công ty công nghệ và công chúng, họ than phiền việc thiếu các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trên internet.

Kể từ đó, sự ngăn cách giữa Silicon Valley và cộng đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ ngày càng mở rộng – nhưng giờ đây có những dấu hiệu cho thấy thuỷ triều đang thay đổi: Các công ty như Facebook, Twitter và Google đang ngày càng hợp tác với các cơ quan quốc phòng Hoa Kỳ để đào tạo các kỹ sư phần mềm tương lai, các chuyên gia an ninh mạng và các nhà khoa học. Cuối cùng, khi lòng tin giữa lãnh vực công và tư được khôi phục hoàn toàn, chính phủ Hoa Kỳ và Silicon Valley có thể cùng nhau xây dựng một mặt trận thống nhất để đương đầu với tin tức giả một cách hiệu quả.

Thông tin nhiễu loạn đã len vào radar an ninh quốc gia Hoa Kỳ ngay khi Ronald Reagan nhậm chức tổng thống vào đầu năm 1981. Sau khi CIA bị công khai mất uy tín trong các phiên điều trần của ủy ban Church Committee ở Thuợng Viện Hoa Kỳ – ủy ban này phơi bày các hoạt động thu thập thông tin tình báo gây tranh cãi (và trong một số trường hợp là bất hợp pháp) để chống lại các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng như công dân Hoa Kỳ – TT Reagan đã bổ nhiệm ông William Casey để cải tổ CIA. Khi ông Casey chuyển đến văn phòng tầng 7 của ông tại Langley, ông được coi là một nhà diều hâu, ông đã rất thất vọng khi biết rằng CIA hầu như không thu thập được thông tin về “các biện pháp tích cực” tấn công thông tin của Liên Xô – và thậm chí còn không làm gì để chống lại chúng.

Casey đã tổ chức lại các văn phòng quan trọng bên trong Tổng cục Tình báo của CIA (CIA’s Directorate of Intelligence) hầu tập trung vào việc hiểu rõ hơn về “các biện pháp tích cực” tấn công thông tin của Liên Xô và chỉ đạo Tổng cục Tác chiến (Directorate of Operations) tăng cường thu thập thông tin tình báo tuyệt mật về tuyên truyền của Liên Xô. Vào giữa năm 1981, quy mô về các nỗ lực của Liên Xô đã trở nên rõ ràng. Trong một bài phát biểu vào tháng 8 năm 1981 về các chiến dịch thông tin sai lệch của Liên Xô chống lại NATO, Reagan tiết lộ rằng Liên Xô đã chi khoảng 100 triệu đôla để gây hoang mang ở Tây Âu sau khi NATO phát triển đầu đạn neutron vào năm 1979.

Về những nỗ lực mới nhất của Moscow, Reagan cho biết ông không “biết họ hiện đang chi bao nhiêu tiền, nhưng họ đang bắt đầu bằng cùng một phuơng cách tuyên truyền”, bao gồm tài trợ cho các nhóm bình phong, thao túng truyền thông, gây ra những giả mạo và mua chuộc các viên chức có ảnh hưởng. Ví dụ, vào năm 1983, Patriot, một tờ báo Ấn Độ thân Liên Xô, đã đăng một câu chuyện tuyên bố rằng quân đội Hoa Kỳ đã tạo ra bệnh HIV và phát tán nó như một vũ khí sinh học. Trong bốn năm sau đó, câu chuyện đã được tái bản hàng chục lần và được phát sóng lại trên 80 quốc gia và 30 ngôn ngữ.

Đến năm 1982, CIA ước tính rằng Moscow đang chi từ 3 đến 4 tỷ đôla hàng năm cho các nỗ lực tuyên truyền toàn cầu của họ. Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là cơ quan chỉ đạo “các biện pháp tích cực” này, họ không cần phân biệt giữa hoạt động bí mật và hoạt động ngoại giao; đối với Điện Kremlin, thông tin sai lệch là một công cụ để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Liên Xô trong cuộc cạnh tranh với phương Tây.

Với việc Hoa Kỳ cả nước chú ý đến mặt trận tuyên truyền của Liên Xô, các nhà lãnh đạo cấp cao từ khắp các cơ quan chính quyền Reagan đã cùng nhau thành lập một nhóm được gọi là Nhóm làm việc về các biện pháp tích cực (Active Measures Working Group). Được dẫn đầu do Bộ Ngoại giao lãnh đạo — và bao gồm các đại diện từ CIA, FBI, Cơ quan Tình báo Quốc phòng DIA, bộ Quốc phòng và bộ Tư pháp — nên bộ máy các viên chức an ninh quốc gia này đã nhanh chóng vào cuộc. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhóm này không chỉ rất hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức toàn cầu về các nỗ lực tuyên truyền của Liên Xô mà còn làm thiệt hại sự hiệu quả của tuyên truyền Liên Xô. Trên thực tế, các chiến dịch chống thông tin sai lệch của Hoa Kỳ đã thành công đến mức lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987 đã chỉ thị KGB thu hẹp quy mô các hoạt động tuyên truyền của mình.

Rõ ràng, những ngày đó đã qua lâu rồi. Trái ngược hoàn toàn với thành tích của những năm 1980s, Hoa Kỳ kể từ đầu thế kỷ này, phần nhiều đã thất bại trong việc chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của các đối thủ địa chiến lược như Nga, Trung Quốc và Iran.

Sự khởi đầu của giai đoạn dùng kỹ thuật số cho cuộc cạnh tranh cấp nhà nước để giành ảnh hưởng xảy ra vào năm 2014, khi Nga chiếm Crimea từ Ukraine. Khi Nga chuyển quân đến tiền đồn chiến lược ở Biển Đen, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố công khai rằng những lực lượng đang chiếm đóng Crimea không thể là lực lượng đặc biệt của Nga – hoàn toàn láo khoét trước cộng đồng thế giới. Trong những năm sau đó, các chiến dịch thông tin sai lệch của Điện Kremlin đã gia tăng về số lượng, tốc độ và sự đa dạng. Ngày nay, các tổ chức cấp nhà nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Saudi Arabia, Bắc Hàn và những nước khác sử dụng đội quân chốt phá (trolls) và dư luận viên máy (bots) để tràn ngập internet với nội dung sai lệch, gây hiểu lầm hoặc âm mưu phá hoại nền dân chủ phương Tây.

Nếu Washington vẫn đang chiến đấu với cùng một kẻ thù, thì điều sai lầm gì đã xảy ra?

Bài bản của Hoa Kỳ để chống lại thông tin sai lệch đã được dựa trên hai giả định, và cả hai giả định đều không có giá trị cho ngày hôm nay: thứ nhất, việc phơi bày những lời nói dối và những thông tin sai lệch, thông qua các kênh truyền thông chính thức của chính quyền là một chiến thuật hiệu quả; và thứ hai, rằng Washington có thể chạy theo kịp tốc độ và quy mô của các chiến dịch thông tin sai lệch. Trên thực tế, những nỗ lực vạch trần của các viên chức chính quyền hầu như không làm suy suyển các luận điệu tuyên truyền, và khối lượng các mối đe dọa vượt quá khả năng của chính quyền Hoa Kỳ để nhận diện và đáp trả. Sự vẫn tự tin – cùng với sức mạnh công nghệ – thì hiển nhiên, và điều này hầu như không thể tránh khỏi.

Một cách tổng quát, ba yếu tố đã làm thay đổi trò chơi nhiễu loạn thông tin kể từ những năm 1980s — và làm cho các giả định để hình thành nền tảng chiến dịch của Hoa Kỳ chống lại “các biện pháp tích cực” của Liên Xô nay đã bị lỗi thời. Thứ nhất, môi trường truyền thông toàn cầu đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Trong khi vào những năm 1980s, hầu hết người dân lấy những tin tức của họ từ một số ít các hãng tin in ấn và từ phát thanh hay truyền hình, thì ngày nay, các sự kiện thế giới được phủ sóng ngay lập tức bởi một loạt các kênh – bao gồm truyền thông mạng xã hội, tin tức qua cáp quang, cùng các kênh tin tức và ấn phẩm truyền thống.

Thứ hai, các đối thủ của Hoa Kỳ đã dựa vào bots để khuếch đại nội dung ngoài lề và sử dụng những trolls để tạo ra nội dung giả nhằm thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của họ. Cuối cùng, sự phân cực chính trị ngày càng gia tăng đã thúc đẩy người đọc tin hướng tới các phòng dội âm của đảng phái mình, trong khi gia tăng sự nghi ngờ của họ đối với các nhà lãnh đạo chính quyền và những tiếng nói của các chuyên gia. Trong bối cảnh như vậy, Nhóm làm việc về các biện pháp tích cực (Active Measures Working Group) – một di tích của thời kỳ đơn giản hơn – không thể thành công được nữa.

Thật vậy, trong những ngày đầu của đại dịch coronavirus, những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch của Trung Quốc về COVID-19 đã bị phản tác dụng; các chiến dịch thông tin sai lệch của Bắc Kinh đã tăng tốc từ tháng 3 đến tháng 5. Đến tháng 6, Twitter báo cáo rằng họ đã xóa 23.750 tài khoản do chính quyền Trung Quốc tạo ra để chỉ trích các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và để tán dương phản ứng của đảng CSTQ đối với COVID-19.

Để làm phức tạp thêm vấn đề, một chiến dịch chống thông tin sai lệch mà Hoa Kỳ đã áp dụng thành công trong những năm gần đây khó có thể là một trường hợp tổng quát chung để áp dụng. Chiến dịch “Operation Gallant Phoenix” do Hoa Kỳ lãnh đạo, chống lại Nhà nước Hồi giáo, đã làm xói mòn tính chính đáng của nhóm này bằng cách phá hoại bộ máy tuyên truyền của nó. Từ một trụ sở đa quốc gia ở Jordan, liên minh do HK dẫn đầu này đã tràn ngập internet với nội dung chống Nhà nước Hồi giáo và cản trở khả năng chuyển thông điệp của nhóm này ra toàn cầu.

Nhưng một chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo không phải là một kế hoạch khả thi để chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, Trung Quốc và Iran. Cộng đồng quốc tế – bao gồm các công ty công nghệ tư nhân – chia sẻ sự đồng thuận rộng rãi rằng Nhà nước Hồi giáo phải bị đánh bại. Sự đồng lòng chính trị này khó tồn tại, thí dụ như, bằng cách nào, và có nên mạnh mẽ không để chống lại các nỗ lực đưa thông tin sai lệch do Trung Quốc lãnh đạo, liên quan đến COVID-19.

Rõ ràng là Hoa Kỳ đang thua trong các cuộc chiến thông tin, một phần là do sự thiếu đổi mới của các vai chính trong cơ quan hành pháp. Nhưng không phải mọi việc đã thua. Chính quyền tiếp nối có thể biến Hoa Kỳ trở thành đối thủ tầm cỡ trong các cuộc chiến thông tin toàn cầu, bằng cách phát triển một chiến lược toàn diện chống thông tin sai lệch được xây dựng trên ba trụ cột khác nhau.

Trước khi Hoa Kỳ có thể xây dựng bất kỳ chiến lược chống thông tin sai lệch có tính quyết định nào, các thành viên chính cần đạt được sự đồng thuận về luân lý huớng dẫn trong việc xử lý dữ liệu. Trước tiên, một ủy ban do các nhà lãnh đạo từ phía hành pháp và phía các tổ chức truyền thông soạn ra một bộ các nguyên tắc về cách dữ liệu được xử lý trong một xã hội cởi mở và công bằng; những rạn nứt có tính cách triết lý như giữa Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg về vai trò của sự bày tỏ (role of speech) cần phải được khắc phục. Bất kỳ một chiến dịch hiệu quả nào nhằm theo đuổi sự thật đều đòi hỏi một bộ nguyên tắc hướng dẫn để thông báo về những loại phát biểu nào được cho phép trong các diễn đàn kỹ thuật số và khi nào những phát biểu này được kiểm chứng (fact-checked) — hoặc, trong trường hợp nghiêm trọng, bị loại bỏ hoàn toàn.

Sau khi các nguyên tắc đầu tiên được thiết lập, Nhà Trắng có thể xây dựng khung sườn chính sách để hướng dẫn các hành động phòng thủ và vận dụng nguồn lực thích hợp để chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của nước ngoài. Theo tinh thần của Nhóm làm việc về các biện pháp chủ động (Active Measures Working Group), thì một chiến lược chống thông tin sai lệch có hiệu quả sẽ đòi hỏi sự tiếp cận toàn diện của chính quyền, có gốc từ Bộ Ngoại giao và được Bộ Quốc Phòng hỗ trợ, với sự tham dự của cộng đồng tình báo và các thành phần chủ chốt khác.

Cuối cùng, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ có khả năng và nên làm nhiều hơn nữa để chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch, nhưng cần phải nhìn rõ thực tế rằng khả năng định hình môi trường thông tin của chính quyền đã bị xói mòn kể từ những năm 1980s. Một chiến lược chống lại thông tin sai lệch toàn diện nên khôn ngoan để nhận ra các giới hạn cho hành động của chính quyền trước tốc độ và quy mô mà thông tin di chuyển trên các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay.

Do đó, điều quan trọng là phải lồng các hoạt động chống thông tin sai lạc do chính quyền lãnh đạo trong một loạt các hoạt động do khu vực tư nhân thúc đẩy. Đóng vai trò điều phối viên, Hoa Kỳ nên khuyến khích việc tạo ra một cơ quan xử lý việc xác minh sự thật (fact-checking clearing house) giữa các mạng truyền thông xã hội để nhanh nhẹn chống lại những thông tin bị nghi ngờ là sai lệch. Thật vậy, Facebook và Twitter đã bắt đầu dán các nhãn về kiểm chứng sự thật cho các bài đăng có khả năng sai sự thật hoặc gây hiểu lầm – với sự tức giận của Donald Trump. Điều này cần được khuyến khích và mở rộng hoạt động để bắt kịp với tốc độ và quy mô của nội dung các phát biểu được tạo ra và phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Chính quyền cũng có thể sử dụng các con đường đầu tư sáng tạo như Đơn vị Đổi mới Quốc phòng hoặc Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Chung (Defense Innovation Unit or Joint Artificial Intelligence Center) để ươm mầm phát triển các công nghệ thông minh nhân tạo AI mới mà các mạng truyền thông có thể sử dụng để phát hiện công nghệ chuyên làm đồ giả deepfake trên mạng – deepfake được sử dụng để tạo video giả, hình ảnh mới nhưng giả, và cắt dán pha trộn thật-giả các văn bản. Deepfakes đang nhanh chóng trở thành một phương tiện rẻ tiền, nhanh chóng và hiệu quả mà các tác nhân có thể tiến hành chiến tranh bất bình thường chống lại kẻ thù của họ.

Bất kể hình dạng chính xác nó sẽ có là gì, sự hóa thân trong tương lai của Nhóm làm việc về các biện pháp tích cực (Active Measures Working Group) nên tìm đến các nhà lãnh đạo của Silicon Valley để không những ngoài việc họ giúp vào việc đồng lãnh đạo cái sáng kiến ​​này mà còn sắp xếp nhân viên của họ vào các chức vụ quan trọng khác trong ngành hành pháp. Cuối cùng, con đường dẫn đến sự ưu việt của Hoa Kỳ đòi hỏi sự huy động những nguồn lực đặc sắc của đất nước như: khả năng đổi mới, huy động các nguồn lực trên quy mô lớn và chung lưng với nhau trong những khi khốn khó — như sau vụ 11/9. Chỉ có sự phản ứng được đánh dấu bằng sự cộng tác lưỡng đảng trong chính quyền – cũng như kết hợp mạnh mẽ với các đối tác bên ngoài chính quyền – mới có thể giúp cho Hoa Kỳ sự kiểm tra thực tế (reality check) mà Hoa Kỳ đang rất cần.

_____

*Ghi chú: (Brian Raymond là phó chủ tịch của tổ chức Primer.ai. Trước đây, ông từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và trong CIA.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét