Bản tin ngày 20-10-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tàu chiến Mỹ, Nhật, Úc tập trận lần thứ 5 trong năm 2020 trên Biển Đông. Hải quân Mỹ vừa có Thông cáo cho biết, đây là lần thứ 5 trong năm, tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận chung trong khu vực Hạm đội 7 Mỹ đóng quân. Tàu chiến 3 nước đã tham gia các khoa mục “được thiết kế để tăng cường khả năng tập thể của các đồng minh trong việc duy trì an ninh hàng hải và sự sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào trong khu vực”.
Tin cho biết, “đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 Úc tham gia cuộc tập trận chung với 3 nước còn lại trong nhóm QUAD. Trung Quốc, vốn luôn xem bộ tứ này là nỗ lực kiềm chế mình, đã thể hiện sự tức giận khi Úc tham gia tập trận Malabar năm 2007”. Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo đã kết thúc cuộc họp ở Nhật, với tuyên bố chung, phản đối hoạt động của TQ ở Biển Đông.
RFA có clip về hoạt động của tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ ở Biển Đông: Tiêm kích Super Hornet xuất kích trên soái hạm USS Ronald Reagan.
Trong tình hình Philippines có dấu hiệu nghiêng về phía TQ để hợp tác khai thác ở Biển Đông, báo Thanh Niên có bài: Dù khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, Philippines không bỏ qua phán quyết Biển Đông. Trả lời phỏng vấn ABS-CBN News, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi khẳng định, khi nước này dỡ bỏ lệnh tạm hoãn khai thác dầu khí ở Biển Đông, không có điều kiện nào được thiết lập và dù có khai thác dầu khí chung với TQ, Philippines vẫn không bỏ qua phán quyết về Biển Đông.
Mời đọc thêm: Biển Đông : Mỹ-Nhật-Úc tập trận chung lần thứ năm trong năm nay(RFI). – Mỹ, Nhật, Australia tập trận hải quân ở Biển Đông (DT). – Nhật Bản, Úc cảnh báo về biển Đông (NLĐ). – Tàu chiến Mỹ, Nhật, Úc tập trận chung tại Biển Đông — Vì sao Indonesia từ chối cho máy bay săn ngầm Mỹ sử dụng căn cứ? (TN). – Phát hiện máy bay ném bom Trung Quốc mang tên lửa siêu thanh (PLTP).
Quan hệ Việt – Nhật và Biển Đông
VnExpress có bài: Ba ngày Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam. Trong thời gian này, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lần lượt gặp gỡ “tam trụ” đứng đầu chế độ CSVN, gặp sinh viên trường ĐH Việt – Nhật, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và có bài phát biểu với chủ đề: “Nhật Bản và ASEAN – Cùng xây dựng tương lai của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sáng nay, ông Suga đi dạo quanh Hồ Gươm và kết thúc chuyến công du VN, lên đường tới Indonesia.
RFI có bài: Tại Việt Nam, thủ tướng Nhật lên án “các hoạt động bất hợp pháp” ở Biển Đông. Hãng tin Kyoto của Nhật cho biết, sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Nhật Suga đã chỉ trích các hành động của TQ ở Biển Đông. Thủ tướng Nhật nhấn mạnh, “điều quan trọng là tất cả các quốc gia liên quan cần phải làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp hòa bình cho các xung đột ở Biển Đông, không dùng đến vũ lực”.
VOA có clip: Nhật phản đối các bước làm tăng căng thẳng Biển Đông.
Trong khi Thủ tướng Suga lên án TQ khi viếng thăm VN, thì VTV1 phát sóng bộ phim “Tiếng trống Kim Sơn”, theo trang Kiểm Tin. “Sáng nay 20/10, vào lúc 7:30 VTV1 đã phát sóng bộ phim tài liệu ‘Tiếng trống Kim Sơn’ tố cáo phát xít Nhật đàn áp và tàn sát người Việt trong cuộc khởi nghĩa kháng Nhật tại Kim Sơn, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng”.
Cùng thời điểm VTV phát sóng bộ phim nói trên, “Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vừa kết thúc cuộc đi bộ ven hồ Gươm, bắt đầu ngày làm việc cuối cùng trong chuyến thăm 3 ngày đến Việt Nam… Kiểm Tin tra cứu trên web, thì được biết bộ phim được tải lên khoảng lúc 9 giờ sáng và sau đó đã được gỡ bỏ”.
Diễn biến được một số người đánh giá là do một “phe” nào đó muốn phá quan hệ Việt – Nhật, nên mới đi chiếu phim kêu gọi chống Nhật đúng lúc Thủ tướng Nhật thăm VN. Có thể nói, phe này chính là phe thân Trung Quốc.
Mời đọc thêm: Biển Đông: Nhật tăng cường quan hệ an ninh với VN, thêm sức ép lên TQ(BBC). – Hoàn cầu Thời báo: Thỏa thuận quốc phòng Việt-Nhật nhằm ‘kiềm chế’ Trung Quốc (VOA). – Thủ tướng Nhật Bản Suga giản dị dạo Hồ Gươm (TT). – Thủ tướng Nhật vẫy chào người dân khi đi bộ ở Hồ Gươm (VNE). – Việt Nam – Nhật Bản hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐTCK). – Một ngân hàng lớn của Nhật chuẩn bị mở văn phòng ở Tp.HCM (VnEconomy).
Mưa lũ và sạt lở ở miền Trung
VTC có clip: 132 người chết và mất tích vì mưa lũ.
Lũ lụt vẫn tiếp tục hoành hành ở miền Trung. Báo Hà Tĩnh đưa tin: Mênh mông biển nước nhấn chìm hàng chục nghìn nhà dân ở Hà Tĩnh. Người dân địa phương cho biết, từ chiều 19 tới sáng 20/10, “mưa ngớt nên nước lũ có rút được khoảng 20 – 30 cm nhưng các tuyến đường, thôn xóm và hàng chục nghìn ngôi nhà vẫn bị nước bủa vây. Phương tiện di chuyển duy nhất lúc này là bằng tàu thuyền hoặc ca-nô”.
Người dân huyện Cẩm Xuyên chia sẻ, “đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm qua mới bị lũ lụt nặng nề như thế này. Điều này khiến cho nhiều hộ dân không kịp thích ứng”. Đến chiều nay, mực nước tại các xã hạ lưu hồ Kẻ Gỗ so với thời điểm đạt đỉnh lúc 11h trưa hôm qua, đã giảm từ 60-80 cm, nhưng “150 thôn/19 xã, thị trấn vẫn bị ngập úng với 13.339 hộ/43.028 nhân khẩu”.
VnExpress có đồ họa: Ba tỉnh miền Trung chìm trong mưa lũ.
Sau 10 ngày mưa lũ, từ “sạt lở” đã trở thành một trong các từ khóa xuất hiện nhiều nhất trên mạng. Các vụ sạt lở liên tiếp diễn ra, gây nên thiệt hại về nhân mạng ở cả phía dân và phía công an, quân đội. Hai vụ đáng chú ý nhất là vụ sạt lở ở trạm kiểm lâm 67 vào khuya 12/10 đã chôn vùi 13 quan chức và sĩ quan cấp quân khu, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, phó tư lệnh quân khu 4 và vụ sạt lở ở khu nhà của sư đoàn 337 vào rạng sáng 18/10, chôn vùi 22 sĩ quan và quân nhân.
Hôm nay, các vụ sạt lở tiếp tục diễn ra, báo Giao Thông đưa tin: Sạt lở đất ở Thanh Hóa, hàng chục chiến sĩ, người dân phải di dời khẩn cấp. Tin cho biết, “hàng trăm m3 đất từ trên núi bất ngờ ào ào đổ xuống khu vực nhà dân và chắn ngang tỉnh lộ 530. Tình trạng sạt lở khiến bản Xắng Hằng bị chia cắt, giao thông bị ách tắc hoàn toàn”. Có 9 hộ dân với hơn 30 người phải di dời khẩn cấp.
Ở Quảng Bình: Sạt lở núi kinh hoàng, xô đổ đồn biên phòng và xé toác QL 12A, theo báo Lao Động. Sự việc xảy ra tối 19/10 tại Km104 – Km142 trên Quốc lộ 12A đoạn từ ngã ba Khe Ve đến Cha Lo. “Hiện trường cho thấy hình thành vết nứt dọc nền đường, mặt đường bị trôi lún, sụt trượt mái ta luy âm. Toàn bộ nền đường lún sụt, đứt đường hoàn toàn với chiều dài khoảng 300m. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do một phần quả đồi ở phía trên đường bị sạt lở kéo theo nền đường bị sạt lở và sụt lún”.
***
Facebooker Mai Bá Kiếm phân tích hệ thống thủy điện dày đặc ở Thừa Thiên – Huế: 15 sông chính gánh 33 thủy điện: Chịu đời sao thấu? Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở chôn vùi thiếu tướng Man và 12 thuộc cấp, nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, hiện chưa hoàn thành nhưng đã có sạt lở. Sau khi nhà máy thủy điện này hoàn thành, khu vực xung quanh tiếp tục sạt lở thường xuyên, nghĩa là chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã “mua” 13 MW điện với “phí tổn quá khủng”.
VTV đặt câu hỏi: Mưa lũ gây thiệt hại lớn vì những cánh rừng tự nhiên dần biến mất?
Trang Kiểm Tin cho biết về một vụ “sống chết mặc bay” ở Hà Tĩnh: lãnh đạo địa phương bị bão lũ, bay đi họp đồng hương. Một đoàn 15 cán bộ huyện và lãnh đạo một số xã ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đã lên máy bay vào thành Hồ tham dự cuộc họp đồng hương vào ngày 18/10. “Những người này bao gồm có Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo, một số chủ tịch xã, bí thư xã… di chuyển bằng máy bay vào TP. HCM lần lượt trong 2 ngày 15 và 16/10”.
Ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, xác nhận thông tin về vụ việc trên. Cũng trong thời gian nhóm quan chức trên đi họp hội đồng hương ở thành Hồ, “huyện Hương Khê là một địa phương có tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, người dân gánh chịu nhiều ảnh hưởng”.
Mời đọc thêm: 106 người chết, 200.000 người được sơ tán trong đợt lũ lịch sử(Zing). – Đang báo động khẩn mưa lũ, nhiều lãnh đạo vùng rốn lũ vẫn đi họp đồng hương (DT). – Thanh Hóa: Di dời khẩn cấp hàng chục chiến sỹ và dân do sạt lở núi(TTXVN). – Đồn biên phòng đổ sập vì sạt lở đồi (VNE). – Sạt lở kinh hoàng tại Quảng Bình, di dân khỏi vùng nguy hiểm (NĐT). – ĐBQH nói về sạt lở và lũ quét: Đừng vì kinh tế mà để lại hậu quả khó lường (LĐ). – Các hồ thủy điện ở Quảng Nam luân phiên xả lũ(TNMT). Mời đọc lại: Căn nhà 80m3 gỗ của Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị (VNE).
Tin chính trường
Hôm nay, lãnh đạo đảng công bố dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII lấy ý kiến nhân dân, VietNamNet đưa tin. Các văn bản được công bố gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020…
Trang Kinh Tế Đô Thị có bài phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Viết Thông về quá trình tiến tới Đại hội XIII: 6 điểm nổi bật của Dự thảo Báo cáo chính trị. Theo ông Thông, “các thành tố trong chủ đề Đại hội XIII có một số điểm mới, đáng chú ý là: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Nêu khát vọng phát triển đất nước; Xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Toàn mấy lời hô hào quen thuộc của Tổng – Chủ Trọng, chẳng có gì mới.
Liên quan tới các bước chuẩn bị Đại hội XIII, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Nợ xấu đã được xử lý thế nào dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng? Vẫn là các con số được “tô vẽ” để nằm trong tầm kiểm soát: “Nhìn lại 1 nhiệm kỳ, có thể thấy nợ xấu đã giảm khá mạnh. Cụ thể, theo báo cáo của NHNN vừa gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7.2020 ở mức 1,92%, ước tính đến cuối tháng 8.2020 ở mức 1,96%)”.
Cập nhật tin về ông “vua Đắk Lắk” Bùi Văn Cường
Vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường tuyên bố không đạo văn, “cây ngay không sợ chết đứng”, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ viết: Nghĩ mà chán cả cái thằng người. Ông Vũ khuyên:
“Tái đắc cử rồi, ngồi trên tiền trên bạc rồi, tôi nghĩ ông cần góp một chút cho đồng bào những lúc mưa gió bão bùng này, thay vì đi thanh minh cái chuyện có hay không việc ăn trộm ăn cắp của ông, chưa cần đâu ông ạ. Chuyện ăn trộm ăn cắp để sau đi ông, vì đằng nào có ăn trộm cũng ăn trộm rồi, có ăn cắp cũng ăn cắp rồi, người bị mất cắp cũng chẳng đi đòi thì ông lo gì chuyện chết đứng với chết ngồi chết nằm làm cái gì chứ!”
Liên quan đến vụ ông Cường bị tố đạo văn và bắt người tố cáo, võ sư Phạm Đình Trang viết: Hà Nội ngày xưa và hôm nay. Ông Trang cho biết, từ năm 1989 đến 2019, nhiều lần ông đến Hà Nội vì sự phát triển của nền võ học VN và sự phát triển CLB võ học họ Phạm VN trên toàn quốc, đồng thời tham dự đại hội nhiệm kỳ 1 và nhiệm kỳ 2 của Liên đoàn võ thuật cổ truyền VN và các buổi tập huấn.
Hôm qua 19/10, ông Trang lại phải lên Hà Nội, không phải để tham gia các hoạt động võ thuật mà “với tư cách một người cha đi minh oan cầu cứu các vị lãnh đạo để xác minh nỗi oan sai sự công bằng của pháp luật cho con trai của tôi là tiến sĩ võ sư Phạm Đình Quý đã vì sự trong sáng của nền giáo dục Việt Nam đã mà bị hàm oan gần một tháng vừa qua, hiện tại đang bị tạm giam tại trại giam tỉnh Đắk Lắk”.
Mời đọc thêm: Báo cáo Chính trị Đại hội XIII: Cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới (DT). – Cử tri kiến nghị Quốc hội theo dõi sát sao các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng (NB&CL). – Bội chi ngân sách năm nay có thể tới 5,59% (VNE). – 22 Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương (VNN). – Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường lần đầu lên tiếng về nghi vấn đạo văn (VTC).
***
Thêm một số tin: Kinh doanh ẩm thực ồ ạt trả mặt bằng (VNE). – Những phụ nữ bị Chính quyền Việt Nam coi là “gai”! (RFA). – Yêu thương đồng loại là việc tự nhiên, nhưng yêu tự do dân chủ là việc phải học!(FB Nguyễn Đình Bổn). – Dưới thời Trump, chính trị chia rẽ gia đình, cộng đồng người Việt vùng Vịnh Tampa — Áp dụng ‘phép tắt micro’ trong cuộc tranh luận tổng thống Trump-Biden lần cuối (VOA).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét