Tiếp lời Nhà báo Lưu Trọng Văn về ông Vũ Mão
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Tôi không có điều kiện gần gũi nhiều với ông Vũ Mão như bạn tôi - nhà báo Lưu Trọng Văn, nên trước những xì xèo không đẹp về người đã khuất, tôi không nói nhiều, chỉ dám đưa ra đôi lời thô thiển, phụ họa thêm với bạn tôi nhằm đem lại thêm chút công bằng cho ông…
Tôi vốn không thích quan hệ với những chính khách, kể cả những chính khách có tâm hồn nghệ thuật như ông Vũ Mão… Nhưng hai năm trước, trong khi làm bộ phim tài liệu về Biển Đảo, một người chuyên làm sách về chủ quyền Biển Đảo cộng tác với tôi, có bảo: «Ông Vũ Mão có viết mấy bài hát về đề tài này đấy, cậu có đến thăm ông ấy cùng tôi?» Thế là, vì tò mò, tôi đã «theo đóm ăn tàn» ông bạn lớn tuổi, tới gặp cựu chính khách kiêm nhạc sĩ, thi sĩ Vũ Mão.
Chỉ một lần gặp gỡ, trong một ngôi nhà khiêm tốn được trang hoàng bằng sách vở và những bức ảnh kỷ niệm, tôi đã thay đổi cơ bản ấn tượng cố hữu về một nhân vật như ông Vũ Mão.
Ông tặng tôi tập sách bìa cứng trang trọng : «Dấu son nghị trường», cùng các tập photo những bài thơ, nhạc của ông.
Tập sách tôi để dành làm tư liệu, chưa đủ dũng cảm để đọc hết những ghi chép, nghiên cứu, tổng kết khá kỳ công của một người có 15 năm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người gắn liền với quá trình đổi mới của Quốc hội Việt Nam…
Bởi tôi quan tâm trước hết tới thơ và nhạc của ông. Thực ra, thơ và các ca khúc của ông, vốn không phải là của một tác giả chuyên nghiệp, phần lớn không vượt qua khỏi sáng tác của các CLB thơ & CLB âm nhạc quần chúng. Nhưng nghe ông vất vả son-phe bản nhạc mới, tự đọc say sưa bài thơ vừa làm, tôi chợt hiểu rằng: thơ ca và âm nhạc đối với ông là nhu cầu tự bên trong, khi mạnh mẽ sục sôi, lúc thầm thì day dứt, không phải là thứ để trang trí, làm sang cho mình như không ít người hiện nay… Ông làm thơ, viết ca khúc, cũng để «phục vụ cho những yêu cầu mới của Cách mạng »- như ông từng nói, nhưng trước hết là để ông giãi bày những tâm tư, cảm xúc của một công dân mà khi ở cương vị Nghị sĩ, ông chưa kịp/ hay không thể giãi bày được; một cách để ông tự thanh minh về «tư cách nhân sĩ» của ông khi buộc phải «lấm bùn máu» của những âm mưu, thủ đoạn chính trị mà ông không thể thoát ra được… Sự «Sám hối» bằng thơ ca đó cũng đáng trân trọng, có ý nghĩa không kém ở các bậc «mũ cao áo dài» chuyên nghiệp trong văn học nghệ thuật… *
Và tôi quan tâm tới ông, bởi một lý do khá «riêng tư»: Thời gian qua, tôi chú ý đặc biệt tới cuộc đời của những Thiếu sinh quân tại trường TSQ ở ATK Thái Nguyên mà tôi nghĩ đó là chất liệu rất sinh động, lý thú cho một bộ phim Điện ảnh dành cho thiếu nhi & thiếu niên - cái mảng đã bị bỏ quên rất lâu trong Điện ảnh vì lý do thương mại. Trong cuốn ký sự tiểu thuyết mới nhất : «Mãi mãi một thời Thiếu Sinh Quân», nhà văn Ma Văn Kháng, một cựu TSQ đã để anh trạm trưởng nhớ lại về một tốp TSQ mới nhập trường «độ chín mười tuổi, mũm mĩm như búp bê», trong đó có chú bé Vũ Mão, quê Thái Bình qua đoạn thoại :
- Hừ, tai to mặt lớn. Mắt mũi cân bằng sáng sủa. Chắc chắn chú mày sẽ là một chính trị gia có hạng đây.
- Em chỉ thích đi bộ đội thôi ạ.
- Tốt. Sau này là un grand mandarin (quan to) thì nhớ lời anh tiên tri, Vũ Mão nhớ.
Lời tiên tri của anh phụ trách dạo đó đã đúng, nhưng chưa đủ: ông Vũ Mão đã trở thành “quan to” ( thực ra chỉ là chức “Bật mã ôn” mà thôi), nhưng ông đã không trở thành “quan tham”. Ông Vũ Mão và nhiều đồng đội của ông đã mang trong mình phẩm chất của những TSQ, của những anh bộ đội thời kháng Pháp gian khổ trập trùng nhưng yêu dân, thương dân tận đáy lòng, thực sự đã “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”… Sau này, khi nhà đã “Lộng gió”, phần lớn TSQ - trong đó có ông Vũ Mão vẫn giữ được cái phẩm chất “Thương Dân hơn thương mình”, “Còn Dân còn mình” ấy để đi qua bao sóng gió thử thách của chính trường, thương trường… Tâm sự của ông Vũ Mão qua thơ văn, âm nhạc, chứa đựng bao nỗi đau, trăn trở của một thế hệ “Cách mạng nòi”, đáng để làm bài học trong các cuộc “chỉnh huấn tư tưởng”- nếu như chúng cần phải tồn tại- vốn xưa nay chỉ nặng về khẩu hiệu suông…
Trong một lần “tháp tùng” các cựu TSQ về ATK tìm lại những dấu tích cũ của trường TSQ, tôi đã nhớ lại câu chuyện về ông Vũ Mão lúc mới nhập trường, rồi lên kế hoạch sẽ xin gặp lại ông để hỏi nhiều về “cái buổi ban đầu lưu luyến” ấy của các ông đến với cội nguồn của Lý tưởng mà các ông theo đuổi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, kể cả khi chúng đã bị phản bội ít nhiều.
Nhưng chưa kịp thực hiện ý định, ông đã về với “Thế giới người hiền”…
Mấy dòng này như một nén nhang muộn mằn tưởng nhớ hương hồn ông - nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Mão!
_________________*http: http://www.boxitvn.net/2020/06/05/noi-oan-cua-ong-vu-mao-va-bai-tho-phui-tay/#more-71722
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét