“Thái độ của các quốc gia” là “nền tảng của công pháp quốc tế”
Các yêu sách chủ quyền lãnh thổ, hải phận và thềm lục địa của TQ ở Biển Đông được bọc dưới nhiều “lớp vỏ” nhưng tất cả đều đặt nền tảng trên “chủ quyền”.
Lớp thứ nhứt là “chủ quyền lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” thể hiện qua tấm bản đồ đường chữ U 9 đoạn. Vấn đề là TQ không thể chứng minh “chủ quyền lịch sử” Biển Đông thuộc về TQ. Lý lẽ “dân TQ từ lâu đánh cá trong khu vực” không đủ thuyết phục. Bởi vì các dân tộc chung quanh cũng đánh bắt và thu lượm hải sản (và tài vật) vùng Biển Đông có thể còn sớm hơn dân tộc Hán.
Lập luận cho rằng từ lâu các nhà hải hành TQ đã đi qua khu vực này lại càng không thuyết phục. Bởi vì các nhà hải hành Ả Rập đi lại vùng này còn sớm hơn cả TQ. Phán quyết của Tòa CPA, thành lập theo Mục VII UNCLOS, có đoạn tuyên rằng UNCLOS không nhìn khái niệm “chủ quyền lịch sử trên biển”. Tòa cho rằng, ngay cả khi TQ có “chủ quyền lịch sử” ở vùng Biển Đông thì quyền này cũng “tan” đi ngay sau khi TQ ký nhận UNCLOS.
Lớp thứ hai là “vùng nước quần đảo”. Lý lẽ này TQ “nhặp nhằng” cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa là “quần đảo” với đầy đủ “quyền” của một “quốc gia quần đảo” theo qui định của UNCLOS. Tức là HS và TS có hệ thống “đường cơ bản”, có “nội hải”, có vùng biển Kinh tế độc quyền và thềm lục địa. Yêu sách này của TQ đã được áp dụng trên thực tế ở quần đảo Hoàng Sa. Phán quyết Tòa CPA cũng loại bỏ yêu sách “vùng nước quần đảo” của TQ. Tòa cho rằng UNCLOS chỉ qui định “vùng nước quần đảo” cho “quốc gia quần đảo” mà thôi.
Lớp thứ ba là “vùng nước phát sinh” từ các đảo HS và TS. TQ cho rằng các đảo thuộc HS và TS, bất kể lớn nhỏ, chìm nổi ra sao, bất kể các đảo này con người có thể sinh sống trong hoàn cảnh tự nhiên được hay không. TQ cũng bỏ qua yếu tố “kinh tế tự tại” của các thực thể địa lý thuộc HS và TQ. TQ bất chấp tất cả các qui định về “đảo” của UNCLOS. TQ bất chấp luôn phán quyết của Tòa PCA 12-7-2016. Tòa cho rằng không có thực thể nào thuộc TS có thể gọi là “đảo” (theo tiêu chuẩn điều 121 UNCLOS) để có thể yêu sách vùng EEZ hay thềm lục địa như đất liền.
Lớp thứ tư, mới đây, gọi là “tứ sa” cùng lúc với việc đặt tên cho hàng trăm các cấu trúc chìm, nổi, rạng, hố biển… ở Biển Đông. Mục đích “thay thế” yêu sách “chủ quyền lịch sử” thể hiện qua đường chữ U bị Phán quyết Tòa PCA 12-7-2016 bác bỏ. Việc này được TS Nguyễn Hồng Thao bàn luận trên báo chí trong tuần vừa qua.
Điều cốt lõi, theo tôi, mà mọi người đã “quên”. Tập quán quốc tế nhìn nhận quan hệ giữa các quốc gia đặt nền tảng trên “thái độ của các quốc gia”. Các công ước, luật lệ quốc tế là một chuyện. Thái độ “song phương” hay “đơn phương” giữa hai quốc gia “với nhau” là chuyện khác.
Vì lý do này TQ luôn chủ trương khác với VN, là “đàm phán song phương” để giải quyết các tranh chấp với các quốc gia ASEAN.
Bởi vì VN đã tạo “tiền lệ” nguy hiểm. Cụ thể trong việc phân định vịnh Bắc Việt tháng 12 năm 2000.
Theo “luật lệ”, đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cồn cỏ là các “đảo”, đúng theo tiêu chuẩn của UNCLOS: Có đất nổi trên mặt biển, có dân cư sinh sống và có nền kinh tế tự tại.
Nhưng qua đàm phán song phương, VN nhìn nhận hai đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ chỉ có hiệu lực biển như là “đá”.
Ta cũng có thể kể lại các phán lệ của tòa Công lý quốc tế, “chủ quyền lịch sử” một vùng lãnh thổ của một quốc gia có thể bị mất vào một quốc gia khác do “thái độ” của quốc gia ban đầu.
Điều này khẳng định, “thái độ của các quốc gia” là “nền tảng của công pháp quốc tế”.
Nếu ta xét từ đầu thì TQ dựa vào điều này để từ khước tham gia vụ kiện của Phi trước Tòa PCA (phán quyết 12-7-2016).
Tức là TQ cũng có “cái gì đó” họ mới “thách thức” dư luận quốc tế cũng như các quốc gia ASEAN.
Những điều này tôi đã viết ít ra từ 20 năm trước. Bây giờ ngẫm lại thấy đúng y chang. Nhắc lại để cho bà con thấy rằng các yêu sách của TQ rõ ràng là “ngang ngược”, là “trái luật”. Nhưng nếu có quốc gia nào đó “đồng thuận” thì việc đồng thuận giữa quốc gia này với TQ trở thành “luật”.
Công pháp quốc tế trong trường hợp này chỉ là “bản đồ” để hướng dẫn chớ không phải là luật lệ bắt buộc. Sự đồng thuận giữa hai quốc gia, ký kết qua một thỏa ước, mới là “luật” áp dụng trên thực tế.
Vì vậy học giả VN phải có “tư duy” độc lập. Chỉ khi trang bị một tinh thần độc lập, không ràng buộc với sổ hưu, sổ lương, danh tiếng nhảm nhí… thì học giả VN mới có thể nảy sinh sáng kiến “cứu vãn” quyền lợi của VN ở Biển Đông (sắp bị mất về tay TQ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét