Để phán quyết của tòa được người dân tôn trọng
Trung Bảo
27-6-2020
Tiếp xúc cử tri tỉnh Long An, đại biểu QH Trương Hòa Bình khi được hỏi về vụ án Bưu điện Cầu Voi đã dẫn lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân chủ tịch QH nói về Hồ Duy Hải như sau.
“Chúng ta chưa có cơ sở để nói oan hay không oan nhưng nguyên tắc là phải tôn trọng phán quyết của tòa án, xã hội văn minh bao giờ cũng phải tôn trọng phán quyết của tòa án”.
Với phát biểu này cho thấy việc xác định oan sai của vụ án Cầu Voi vẫn đang được các cấp cao ở Quốc Hội xem xét. Tuy nhiên, với những tài liệu đã được đưa ra dư luận thời gian qua cho thấy, quy trình điều tra lẫn xét xử của các cấp toà có nhiều vấn đề cần được xem xét. Đó là lý do Uỷ Ban Tư Pháp Quốc Hội quyết định chuyển vụ việc lên Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội để rà soát lại.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Đương lại có một văn bản gửi đến các nhân vật lãnh đạo cấp cao với ý chí ngược lại điều trên. Ông sớm kết tội Hồ Duy Hải bằng những luận cứ đã được chỉ ra là sai so với thực tế.
Toà án là đại diện cho pháp luật và được vận hành bởi các quy tắc pháp luật. Tuy nhiên điều hành toà án là con người và không phải bao giờ ý chí của con người cũng trùng khớp với ý chí của các văn bản pháp quy bởi cuộc sống không phải trang giấy.
Tôn trọng phán quyết của toà có nghĩa là phải dùng các quy định luật pháp hiện hành để rà soát quyết định đó, theo đúng quy trình hợp pháp. Đó là điều mà người dân mong mỏi ở UBTV Quốc Hội.
Để đảm bảo các phán quyết của toà luôn đúng thì không thể có bất kỳ sơ sót nào trong quy trình điều tra. Khi có bất kỳ dấu hiệu sai sót xuất hiện trong quy trình tố tụng khiến ảnh hưởng đến kết quả phiên toà thì việc phải rà soát lại toàn bộ quy trình đó bằng việc điều tra lại để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp là cần thiết. Thậm chí, nếu phải huỷ bản án để điều tra lại nhằm đảm bảo sự đúng đắn của quy trình tố tụng cũng là điều cần làm. Khi ấy, không ai có thể nói được về sự oan sai đối với bản án đã được toà tuyên.
Vì vậy, dù phán quyết của toà vẫn phải được chiếu rọi dưới ánh sáng của pháp luật chứ không thể xem đó là điều đương nhiên đúng. Nhất là khi điều đó gắn với tính mạng của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét