Nạn Kỳ Thị Người Mỹ Gốc Á (Phần 1)
Tác giả: Nguyễn Thanh Việt
Dịch giả: Ian Bùi
25-6-2020
Lời dịch giả: Đây là phần 1 bài chính luận của Nguyễn Thanh Việt đăng trên tạp chí Time số ra ngày 6 tháng 7, 2020, tựa đề “Asian Americans Are Still Caught in the Trap of the ‘Model Minority’ Stereotype. And It Creates Inequality for All” — “Người Mỹ gốc Á vẫn còn kẹt trong cái bẫy định kiến của ‘thiểu số gương mẫu’, tạo sự bất bình đẳng cho mọi người”. Vì bài viết khá dài, bản dịch được chia làm 5 kỳ.
Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn từng thắng giải Pulitzer và hiện là giáo sư đại học tại University of Southern California.
I. Gương mặt Tou Thao cứ ám ảnh tôi. Anh cảnh sát viên người Mỹ-gốc-Hmong đứng quay lưng lại suốt khoảng thời gian 8 phút 46 giây trong lúc đồng nghiệp Derek Chauvin quỳ lên cổ George Floyd, giết chết anh ta.
Trong video clip tôi được xem, Tou Thao đứng phía trước màn hình, Chauvin hơi khuất đằng sau, đầu của George Floyd bị đè sát đất. Người bên đường năn nỉ Tou Thao làm ơn can thiệp bởi George Floyd đã bất động, như chính Floyd đã van nài anh không thở được.
Gương mặt Tou Thao giống mà không giống gương mặt tôi. Cũng như gương mặt George Floyd giống mà không giống gương mặt tôi. Kỳ thị chủng tộc khiến ta chú ý đến những sự khác biệt thay vì những điểm tương đồng trên khuôn mặt. Và trong cuộc thí nghiệm luyện đan của nước Mỹ, chủng sắc đã được pha trộn với bóc lột lao động để bào chế một hợp chất dễ nổ của lợi nhuận và sự tàn ác.
Để phản ứng trước nạn kỳ thị chủng tộc đặc hữu của nước Mỹ, những kẻ trong chúng ta từng bị bêu xấu vì màu da đã gắn kết với nhau quanh sự dị chủng. Ta biến những gì người da trắng không thích về mình thành niềm tự hào, cộng đồng và sức mạnh. Thế cho nên Tou Thao và tôi đều là người “Mỹ gốc Á”, bởi cả hai đều là dân “Á châu,” vẫn khá hơn bị gọi là người “Đông phương” hay “gook” [từ miệt thị lính Mỹ gọi Việt cộng]. Nếu như làm người “Đông phương” dễ bị nhạo, làm “gook” dễ bị giết, thì làm người “Mỹ gốc Á” biết đâu ta được cứu vớt. Sức mạnh từ số đông của chúng ta — gắn kết qua nhiều ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, xuất xứ và bao nhiêu thứ khác — là điểm cơ bản của dân Mỹ gốc Á.
Nhưng trong một thực tại khác thì Tou Thao là người Hmong, còn tôi là người Việt. Anh ta từng là cảnh sát viên, còn tôi là giáo sư đại học. Có thể nào vì đều là dân Á châu mà chúng tôi sẽ vượt qua được biên giới của chủng tộc và giai cấp để đến với nhau? Có thể nào vì là người Đông Nam Á, đều tới đây nhờ cuộc chiến người Mỹ mang sang nước mình mà cái nhìn về thế giới của chúng tôi giống nhau? Tou Thao từng có bao giờ nếm mùi kỳ thị bài-Á đã xếp chúng ta vào cái khung Á châu — dù ta có muốn hay không?
Tôi muốn đi ngược về thời điểm mà mấy ngày qua đang được tái diễn. Chẳng nhớ khi đó mình mấy tuổi, nhưng tôi không bao giờ quên lúc đọc thấy hàng chữ: “Thêm một người Mỹ phải đóng cửa tiệm vì người Việt Nam.” Đó là khoảng đầu thập niên 1980, tôi có lẽ chừng 12, 13 tuổi. Ai đó đã dán tấm bảng ấy lên một cửa hàng cách tiệm của ba mẹ tôi không xa. Tấm bảng đã làm tôi hoang mang không ít, vì dẫu sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi lớn lên ở Pennsylvania và California, thấm nhuần văn hoá Mỹ: nào là tàu Mayflower và người Pilgrims; cao bồi và mọi da đỏ; Audie Murphy và John Wayne; George Washington và Betsy Ross; lời hứa Trung thành với Tổ quốc; bản Tuyên ngôn Độc lập; quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc; bao nhiêu huyền thoại, cũng như thần thoại, về Giấc Mơ Mỹ.
Một phần của giấc mơ đó là chống cộng sản chuộng tư bản, điều này rất hạp với ba mẹ tôi. Ông bà lớn lên ở vùng quê, nhà nghèo, tuy không được học cao nhưng nhờ cần cù buôn bán nên làm ăn thành công. Năm 1975 ba mẹ tôi rời Việt Nam để trốn cộng sản, bỏ lại tài sản và gần hết của cải. Với những gì họ mang theo được — gồm một ít tiền và vàng được may giấu trong quần áo — ba mẹ tôi mua lại một căn nhà gần xa lộ ở San Jose, và vào năm 1978 mở cái chợ Việt Nam thứ nhì trong vùng. Tràn đầy lạc quan cùng nỗi nhớ, họ đặt tên chợ là New Sài Gòn.
Giờ tôi đã lớn tuổi hơn ba mẹ khi ông bà phải làm lại cuộc đời trên đất Mỹ với vốn liếng Anh ngữ vô cùng ít ỏi. Trong ký ức tôi ba mẹ mình đã làm được điều gần như không tưởng. Giữa thời đại virus corona này, tôi còn chưa biết tự may cho mình cái khẩu trang hay tự đi chợ để nấu ăn. Vậy mà ba mẹ tôi không những đã sống sót qua chiến tranh lại còn phải tranh sống trong một đất nước hoàn toàn xa lạ, phải tự học và đọc giấy tờ thế chấp bằng tiếng Anh, ghi danh cho anh em tôi đến trường, thi lấy bằng lái xe. Nhưng chẳng có quyển cẩm nang nào để hướng dẫn họ mua một cửa tiệm không có treo bảng bán. Họ phải tự gọi điện thoại cho những người không hề quen biết, lèo lái qua bao cơ quan chính phủ để thuyết phục người chủ sang tiệm lại cho mình, trong khi bản thân họ vẫn chưa thoát khỏi cơn chấn thương của việc mất nước, mất nhà cửa, bỏ lại sau lưng bao nhiêu người thân. Ba mẹ tôi vừa xây được cái chợ thì bà Ngoại tôi mất. Mẹ tôi gần ngã quỵ khi được tin.
Kẻ viết tấm bảng ấy bằng cách nào đó nhìn những người giống ba mẹ tôi thấp hơn con người, chẳng khác nào kẻ thù. Vì vậy mà tôi không hề ngạc nhiên trước cơn sóng kỳ thị bài-Á hiện đang nổi lên ở Mỹ. Buồn nôn thì có, khi nghe tin một phụ nữ bị tạt át-xít trước cửa nhà; hai cha con bị kẻ lạ dùng dao chém ở Sam’s Club; bao nhiêu người bị gọi là “đồ khuẩn Tàu”, “Chink virus”, “về Tàu mà ở” dù họ chẳng phải gốc Tàu; bị nhổ nước miếng vào mặt vì là dân Á châu; nhiều người không dám ra khỏi nhà, không chỉ vì sợ lây bệnh mà còn vì sợ bị chửi rủa, tấn công, hoặc phải đón nhận những ánh mắt khó chịu. Nhà thơ/nhà văn Cathy Park Hong đã ghi chép lại các trường hợp trên, cô viết: “Chúng ta không mắc dịch virus corona. Chúng ta là virus corona”.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét