Luật rừng và quả báo
7-6-2020
Những ngày gì mà rất nhiều người hoang mang tột độ. Chẳng biết tin vào ai, vịn vào đâu…
Tối, ông cụ hỏi tôi về vụ án Hồ Duy Hải. Qua báo chí, mạng xã hội (facebook, youtube…), ông như thể đã thuộc lòng kháng nghị của VKSND Tối cao, những sai phạm tố tụng, những mâu thuẫn, khuất tất… Rồi ông nói: Giết Hồ Duy Hải không được nhưng họ cũng không thả, là sao?!
Vâng. Thả Hải có thể sẽ đi cả nải. Nhưng như mẹ bị án nói, con trai bà dứt ruột đẻ ra có phải con gà con vịt đâu mà muốn nhốt là nhốt muốn giết là giết?
Rồi tới vụ anh Hữu Phước mà vô phước ở Bình Phước. Anh bị xe tông, nhập viện, rồi ra viện là bị khởi tố, tuyên phạt 3 năm tù. Kêu oan mãi chẳng được, anh uất nghẹn và tìm tới cái chết để mong thức tỉnh nền tư pháp tỉnh nhà.
Bình Phước chẳng “thức tỉnh”, vẫn ngạo nghễ “đúng người đúng tội”. Rồi nay bản án phúc thẩm của TAND tỉnh này bị kháng nghị, có oan sai thì người cũng chẳng còn. Thức tỉnh giờ có mùi ân oán, và có khi còn xa lắm.
Ở Tây Ninh, có người cha tên Nguyễn Văn Phúc xăm hình con gái lên ngực đi khắp nơi kêu oan.
Con gái anh Phúc ngồi sau xe chồng, bất ngờ bị một người đàn ông phóng xe máy ngang đường dẫn đến tai nạn. Con anh chết, người đàn ông kia được cho là vô can. Anh và con rể kêu oan khắp nơi. Bất ngờ, người con rể bị khởi tố.
Lâu nay, nhiều người biết anh xăm hình con gái trên ngực, nhưng hình xăm trên lưng anh Phúc mới thực sự đau xót. Nó là nỗi phẫn uất, tuyệt vọng khi chờ mong công lý, luật pháp,… Nó găm chặt uất ức vào thân phận con người, mà không/chưa hữu trách nào ra lắng nghe, giải tỏa, khép lại. Hậu quả có khi còn đau đớn hơn cú nhảy lầu tự sát của anh Hữu Phước ở TAND Bình Phước. Không thể đoán lường.
Khi người dân mòn mỏi, hư hụt niềm tin vào công lý, luật pháp, thì dễ đi đến những hành động tiêu cực, làm hại mình như anh Hữu Phước, hoặc sẽ nghĩ tới việc xài “luật rừng” với kẻ gây tội ác, người cầm cân nảy mực. Hoặc, họ chờ xem quả báo. Quả báo thường đến muộn, nhưng sẽ đến!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét