Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Bài không tên: Nhận xét của một người Mỹ gốc Việt đang sống ở TP Minneapolis

Bài không tên: Nhận xét của một người Mỹ gốc Việt đang sống ở TP Minneapolis

Tác giả: Bảo Phi
Dịch giả: Vũ Ngọc Chi
2-6-2020
Nhà thơ Bảo Phi. Ảnh do Charissa Uemura chụp/ DiaCritics
Bảo Phi là một nhà thơ, cư trú tại TP Minneapolis. Anh là người trong nhiều năm đã đóng góp những bài thơ và bình luận cho diaCRITICS, và đã được giới thiệu tại nhiều sự kiện của DVAN (1). 
Trong bối cảnh các sự kiện diễn ra cuối tháng 5/2020, George Floyd bị các viên cảnh sát thành phố Minneapolis giết và các sự kiện bất ổn diễn ra sau đó, các giám đốc của DVAN tìm đến các nhà văn mà chúng tôi biết ở khu vực Twin Cities (Vùng đô thị Minneapolis-Saint Paul) (2), hy vọng sẽ có thêm thông tin và nghe được từ những người thật sự sống trong khu vực. Đây là bài viết của Bảo Phi, chia sẻ với chúng tôi vào ngày 30/5/2020.
***
Cuộc biểu tình diễn ra tại góc đường 38th and Chicago (3), là nơi một cảnh sát da trắng sát hại một người đàn ông da đen, anh George Floyd. Tôi rất quen thuộc với ngã tư này: Tôi lớn lên cách đó không xa, ở Phillips, và hiện đang sống gần hơn nữa. Tôi có dừng lại ở Cup Foods để ăn gà, uống trà đá, thỉnh thoảng nhận bưu kiện UPS để phía sau quầy.
Đại diện hội đồng thành phố ở khu vực này là bà Andrea Jenkins, một phụ nữ gốc Phi chuyển giới, bà cũng là một nhà thơ thành đạt.
Tôi đeo khẩu trang và găng tay, cố gắng giữ khoảng cách vì con gái tôi bị sốt hồi cuối tuần qua, chúng tôi không thể đưa cháu đi xét nghiệm Covid cho đến chiều hôm đó.
Cuộc biểu tình xảy ra rất ôn hòa và các nhà tổ chức cố gắng nhắc nhở mọi người giãn cách xã hội một cách có trách nhiệm. Tôi không thể tập trung. Giao lộ này, trung tâm đời sống của tôi và rất nhiều người hàng xóm của tôi, là nơi xảy ra một vụ giết một người đàn ông da đen tàn nhẫn không thể chối cãi dưới tay cảnh sát thành phố Minneapolis. Một lần nữa, những người trong cộng đồng người gốc Phi phải chịu đựng vì bị bạo lực nhà nước trừng phạt.
Biển báo giao thông ở Nam Minneapolis, đã bị xịt sơn đen với dòng chữ “giết chúng tôi”. Ảnh do tác giả Bảo Phi chụp trong tháng 5/2020.
Một trong những cảnh sát viên là người châu Á, đứng gần đó nhưng không hành động gì. Tôi tự hỏi, liệu người da đen sẽ nhìn bất cứ ai trong sắc dân của chúng ta với sự tức giận.
Tôi tự hỏi liệu người châu Á sẽ đứng về phía cảnh sát để chống lại người gốc Phi, hay liệu chúng ta sẽ xấu hổ không còn mặt mũi nào nữa.
Tôi tự hỏi, liệu cộng đồng của chúng ta có nhớ những liên minh giữa người H’Mông, người gốc Phi và những người khác không phải người da trắng trong cuộc đấu tranh Công lý cho Fong Lee (4), một thiếu niên người H’Mong bị giết bởi một cảnh sát viên da trắng, không chỉ không bị trừng phạt mà còn được trao tặng Huân chương Valor vì sự kiện đó.
Tôi tự hỏi liệu cộng đồng của chúng ta có nhớ người da đen và các cộng đồng ngoài châu Á khác xuất hiện hỗ trợ chúng ta như thế nào không, và người châu Á xuất hiện như thế nào trong các cuộc biểu tình chống lại vụ giết anh Philando Castile (5), No DAPL (Người dịch: Những người biểu tình phản đối dự án truy cập đường ống dẫn dầu ở Dakota) và các phong trào khác.
Tôi không nói rằng những phong trào này xóa đi sự đồng lõa của viên cảnh sát châu Á này. Tôi cũng không cố so sánh nỗi đau. Tôi đang nói, lịch sử này tồn tại, cho dù chúng ta có đáp ứng vị thế của nó hay không.
Tôi đã tự hứa với chính mình rằng tôi từ bỏ dùng mạng xã hội nhỏ mà tôi vẫn sử dụng, bởi vì tôi mệt mỏi bởi những người thể hiện quan điểm chính trị, đặc biệt là bởi những người không phải da đen lớn lên ở đây. Tôi thay phiên giữa việc muốn hỗ trợ mọi người, và mong muốn mọi người im lặng.
Có những người châu Á gia tăng gấp đôi trong việc chống người gốc Phi. Có những người châu Á chê bai những người châu Á chống người gốc Phi. Ai là những người có chính nghĩa? Ai đang tận dụng một khoảnh khắc đau đớn, để khiến mình trông như thức tỉnh? Trên hết, ai thật sự hữu ích?
Một người đàn ông gốc Phi đã chết, bị giết bởi một viên cảnh sát phân biệt chủng tộc da trắng, trong một hệ thống có 400 năm chống người gốc Phi. Mạng xã hội có gì tốt, ngoại trừ làm cho nhau tức điên lên.
Ảnh do tác giả Bảo Phi chụp trong tháng 5/2020.
Lúc đầu, tôi không thức tỉnh, vì máy bay trực thăng và còi hú không có gì mới – đối với một người Việt Nam sống sót qua cuộc chiến như tôi, cũng như đối với một người Mỹ gốc Việt lớn lên trong một cộng đồng bị tàn phá kinh tế và bị cảnh sát áp chế quá mức, trong đó có tôi.
Tôi không nhận ra cho tới một lúc sau tôi mới biết rằng một phần của những khu phố lân cận này đang bùng cháy. Quán Cup Foods nơi tôi làm việc khi còn là một thiếu niên đã bị phá hủy bên trong. Dãy phố trung tâm thương mại đô thị, nơi tôi đã dành rất nhiều thời thơ ấu để chờ mẹ tôi khi bà làm việc tại cửa hàng vải, chỉ còn là một cái vỏ bị cháy và trống rỗng.
Phần lớn là do người ngoài cuộc gây ra: Những kẻ khiêu khích thuộc phong trào cực hữu alt-right (6) có tổ chức. Các viên cảnh sát dường như từ chối bảo vệ cộng đồng. Về phần mình, tôi không sợ người dân trong khu phố của mình như là tôi sợ những người da trắng thượng đẳng (7) có vũ trang.
Tôi lo lắng, không biết con gái tôi sẽ phản ứng ra sao. Con bé sợ cảnh sát, nó sợ rằng họ có thể làm tổn thương những người mà nó quen biết, hoặc đôi khi nó hỏi, liệu họ sẽ tới bắt một người trong gia đình và đuổi người ấy ra khỏi nước.
Nhiều tháng trước, một đứa trẻ đã mang một khẩu súng BB (8) đến trường, và những đứa trẻ khác bị buộc tuân theo Code Red (tình trạng báo động cấp cao nhất). Cửa bị khóa, đèn tắt, trốn núp. Con gái tôi có tính lo lắng cao độ, đã bị chấn thương tinh thần. Bây giờ, bất cứ khi nào con bé nghe một tiếng kêu trên sàn nhà, nước chảy trong đường ống hoặc gió thổi vào cửa sổ căn nhà, là nó hỏi, liệu có ai đó đang đột nhập.
Cha tôi đã viết và minh họa một trang đáng yêu về những con thú cưng thời thơ ấu của mình cho cô con gái mười tuổi của tôi. Ở phía dưới, ông viết, cảm giác về tuổi thơ này chỉ đến một lần, hãy tận hưởng đi! Tôi đang định đi đến tiệm Target ở khu phố để mua một cái khung cho nó, nhưng đúng lúc đó, con gái tôi đang đăng ký vào lớp học trên mạng với các bạn cùng lớp, nói rằng, “tiệm Target của chúng ta đã bị thiêu rụi”, và tôi nhớ ra. Con bé nói điều này với một giọng nói như không có gì xảy ra và không phải lần đầu tiên, tôi tự hỏi có bao nhiêu cơ chế sinh tồn thực tế đã được truyền vào con bé.
Xét nghiệm COVID của con bé đã có kết quả âm tính, và nó là dấu hiệu của lúc này rằng điều này không nằm trong mối quan tâm cao nhất của tôi.
Do tình trạng bất ổn, công ty điện lực đã cắt điện ở cả vùng Phillips, nơi tôi lớn lên và là nơi bố mẹ tôi sống, cả bố mẹ thuộc nhóm có nguy cơ cao đối với COVID-19. Trong thời hoàng kim, Phillips là nơi những người bản địa thành thị ở Bắc Mỹ tập trung đông nhất. Mỗi ngày là một lời nhắc nhở về các thỏa thuận đã bị phá vỡ và những lời nói dối gây ra cho những người đầu tiên trên vùng đất này.
Cha tôi 80 tuổi, và là một cựu chiến binh, sử dụng máy thở khí dung Nebulizer để chữa bệnh hen suyễn, nhưng không có điện, và hiện thời là mùa phấn hoa. Ông ấy đã phải vào phòng cấp cứu hai lần trong năm tuần qua. Chị tôi và tôi nói chuyện và lên kế hoạch. Tôi đề nghị đến Target để tìm một pin sạc điện mà cha có thể sử dụng qua đêm, sau đó nhớ lại, những dòng nước lũ chảy ra từ tiệm Target đó vào bãi đậu xe từ thiết bị xịt nước vẫn đang chạy, phun nước từ trần nhà xuống để chữa lửa đã được dập tắt ba ngày trước.
Nhiều năm trước, tôi phải vật lộn để tìm một nơi để sống cho bản thân và con gái mình, trong một thị trường nhà ở không thân thiện, nơi tôi phải cạnh tranh với các cặp vợ chồng có thu nhập kép. Tôi đến thăm mẹ. Bà hỏi tôi việc đó đang diễn ra ra sao và tôi đang tìm kiếm nhà như thế nào.
Tôi đã không nói với bà rằng tôi luôn nghĩ về tất cả những nơi tôi đã sống qua. Bất cứ nơi nào tiền thuê rẻ nhất, điều đó có nghĩa là hàng xóm của tôi luôn luôn là những người không phải da trắng. Tại nạn hỏa hoạn do tôi gây ra khi tôi sống ở khu nhà số 8, cái cách hàng xóm nhìn tôi vì đã khiến họ phải dọn ra ngoài đường trong khi sở cứu hỏa làm việc, nhưng không bao giờ biến nó thành phân biệt chủng tộc.
Tôi không nói với bà về một nơi mà một người bạn đã gửi cho tôi chiếc áo chống đạn để mặc vào cơ thể ốm yếu của tôi, với hy vọng chúng sẽ làm chậm lại những viên đạn lạc. Tôi chỉ nói, tôi muốn tìm một nơi mà tôi có thể nuôi con gái mình một cách an toàn. Mẹ tôi nhìn tôi và nói với tôi bằng tiếng Việt, “không có nơi nào an toàn cả”.
Ảnh do tác giả Bảo Phi chụp trong tháng 5/2020.
Khi tôi gõ những dòng này, hàng xóm và đồng bào của tôi đang biểu tình, một lần nữa trên đường phố. Tôi ngồi ngoài đường tối nay, vì con gái sẽ đi cùng tôi. Nó lên bảy tuổi khi nó diễn hành cùng nhiều đứa trẻ khác để đòi công lý cho Philando Castile. Bây giờ mười tuổi, nó vừa chọn ra một con gấu bông để lại tại nơi tưởng niệm George Floyd nơi xảy ra vụ án mạng của anh, cách trung tâm cộng đồng 3 dãy nhà là tới trường mầm non của cháu, nơi cháu được giữ trẻ ngoài giờ học và cũng là nơi có chương trình mùa hè cho học sinh trước khi việc cắt giảm kinh phí, kết liễu chương trình này sau đó.
Mẹ tôi gọi. Tôi không nói với bà về những lần tôi tham gia và sẽ tham gia với những người biểu tình. Bà không thích tôi biểu tình trên đường phố, không phải vì bất cứ lý do chính trị gì, mà vì là một người Việt Nam, bà đã thấy tận mắt rằng bạn có thể bị trừng phạt vì bày tỏ ý kiến. Những người đàn ông mặc đồng phục, những người có quyền lực, những người có thẩm quyền, có thể đưa bạn đi xa và người thân yêu của bạn sẽ không bao giờ gặp lại bạn nữa.
Mặc dù tôi không nói với mẹ, nhưng bà cũng biết tôi đi ra ngoài đó. Và bà không cố ngăn cản tôi. Cả cha mẹ tôi đều nói với tôi, trong suốt cuộc đời của họ, rằng điều quan trọng là phải ủng hộ những gì mình cho là đúng. Cả hai đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về tổ tiên của tôi, một số người gây rắc rối và bất đồng chính kiến, chống lại sự chiếm đóng của thực dân Pháp và Trung Quốc. Và sau đó, cha tôi là người đã chiến đấu bên cạnh những người lính Mỹ, thực tế là nhiều người ở cùng phía, cùng quan điểm chính trị mà tôi không tán thành. Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, thì đó là vì nó như vậy. Đôi khi tôi nghĩ người Việt Nam ở Mỹ là một điều tranh cãi.
Vài ngày trước, một người đàn ông da đen khác đã bị sát hại dã man dưới tay cảnh sát. Đây. Tên anh ấy là George Floyd. Một lần nữa, George Floyd. Tình trạng chống người gốc Phi tàn bạo vốn là nền tảng của đất nước này vẫn tiếp diễn, trong một đại dịch ảnh hưởng không tương xứng đến những người không phải là người da trắng. Tôi đã tự hỏi mình từ lâu, tôi muốn ở phe nào. Tôi tiếp tục hỏi.
Tôi cho con gái đi ngủ. Khi làm vậy, tôi biết các thành viên của các tổ chức lãnh đạo người gốc Phi sẽ thức trắng để lập chiến lược. Tôi biết bạn bè và những người Mỹ gốc Á của tôi, trong các nhóm như Rad Azns và AsiansforBlackLives (Người châu Á ủng hộ người da đen), cũng sẽ tổ chức như vậy. Tôi biết người dân Minnesota thuộc mọi chủng tộc và mọi lứa tuổi sẽ dập lửa, quét dọn đường phố, phát thức ăn và nước uống cho nhau.
Ngày mai sẽ là một ngày khác, tôi thức dậy và thấy vô số cộng đồng mà tôi là một phần của họ, quan tâm đến việc cố gắng hết sức để đứng lên, hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng lại. Có thể nói, cuộc sống của người đàn ông này, George Floyd, mạng sống của người đàn ông da đen này là quan trọng. Và đây là nơi chúng tôi đang sống.
____
Tác giả: Bảo Phi là một nhà thơ, một nghệ sĩ thơ nói, nhà văn viết sách trẻ em và là người cha. Năm 2018, cuốn sách của ông “A Different Pond” đã được giải Caldecott Medal và Honor Book. Sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở South Minneapolis, bang Minnesota, nơi ông đang sống với con gái ông.
Chú thích
1. DVAN: Viết tắc từ DIASPORIC VIETNAMESE ARTISTS NETWORK: Mạng lưới các nghệ sĩ gốc Việt ở hải ngoại.
2. Vùng đô thị Minneapolis-Saint Paul, bao gồm thành phố Minneapolis, Saint Paul và các thị trấn xung quanh.
3. 38th and Chicago: Góc đường Chicago Avenue và E 38th St, Minneapolis, Minnesota, USA.
4. Fong Lee, 19 tuổi, trong một cuộc đuổi bắt bị viên cảnh sát Minneapolis tên Jason Andersen bắn 8 lần. Andersen khai, Lee có mang vũ khí và đang định bắn ông ta. Cảnh sát tìm thấy một khẩu súng bên cạnh Lee nhưng gia đình Lee nghi ngờ là vũ khí do cảnh sát gài vào. Họ tin rằng con trai họ không mang vũ khí. Sau đó, Andersen đã bị Sở Cảnh sát TP Minneapolis sa thải, được bồi thẩm đoàn tha bổng vào năm 2009. Nguồn: Hmong family whose son was shot by white officer speaking out in solidarity (NBC).
5. Philando Castile là người Mỹ da đen bị bắn chết vào ngày 6/7/2016, trước mặt bạn gái anh là cô Diamond Reynolds và con gái 4 tuổi của cô tại Saint Paul, Minnesota, trong một cuộc kiểm tra giao thông, do đèn sau xe của anh bị hư.
Video được chính quyền công bố cho thấy, Castile bình tĩnh trao cho nhân viên cảnh sát giấy bảo hiểm của anh, sau đó lịch sự thông báo cho ông ta rằng, anh ta có giấy phép sử dụng súng trong túi. Castile nói: “Thưa ông, tôi phải thông báo cho ông là tôi có một khẩu súng”. Đó là cách các chủ sở hữu súng được dạy trong huấn luyện.
Mất đúng bảy giây để viên cảnh sát Yanez với lấy vũ khí của anh rồi nhanh chóng bắn bảy phát vào Castile ở cự ly gần, trước mặt bạn gái và con của cô. Tối hôm đó, cô Reynolds không được ở bên người bạn trai đã chết của mình, mà cô bị bắt, bị tách khỏi đứa con gái đang bị sốc và cô phải ngủ qua đêm trong tù. Cô nói: “Tôi bị đối xử như là tội phạm!
Viên cảnh sát Yanez được tha bổng vào ngày 16/6/2017. Anh ta khai rằng, do lo sợ về tính mạng mình, không biết Castile sẽ lấy chứng thư hay rút súng. Castile là một trong 963 người đã bị cảnh sát bắn chết ở Mỹ trong năm 2016. Nguồn: Warum Philando Castile sterben musste (SZ)
6. Alt-right là một nhóm của những người có tư tưởng cực hữu, chối bỏ dòng chính của chủ nghĩa bảo thủ tại Hoa Kỳ. Họ ủng hộ Tổng thống Trump, chống nhập cư, đa văn hóa và ngôn ngữ hay chính sách chính trị đúng đắn.
Xem thêm: Alt-right (Wiki tiếng Việt). Bài viết đăng trên báo Người Việt về ba người đàn ông Las Vegas, nằm trong phong trào cực đoan cánh hữu Boogaloo, vừa bị bắt với cáo buộc âm mưu bạo lực và phá hoại trong các cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd:Âm mưu phá hoại biểu tình, ba người thuộc nhóm Boogaloo bị bắt. Xem thêm: Boogaloo movement (Wiki tiếng Anh).
Những người Alt-right biểu tình ở Charlottesville, Virginia hồi tháng 8/2017, họ mang theo cờ của Confederate, cờ Gadsden và cờ của Đức quốc xã. Nguồn: Anthony Crider/ Flickr
7. Người da trắng thượng đẳng (White Supremacist): Là những người thượng tôn sắc tộc da trắng, họ theo hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc, dựa vào niềm tin và quảng bá niềm tin đó, cho rằng người da trắng cao cấp hơn tất cả các chủng tộc khác và vì thế dân da trắng nên cai trị các sắc dân khác về mặt chính trị, kinh tế và xã hội…
8- Súng BB: Một loại súng bắn hơi, bắn gần có thể gẫy xương hoặc chết người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét