Về COVID-19 và các đại dịch: viễn tượng của thuyết Khắc kỷ
Tác giả: Massimo Pigliucci (*)
Dịch giả: Đinh Hồng Phúc
2-4-2020
Như tôi chắc chắn tôi không phải nói với bạn, nạn đại dịch tiếp theo đã được dự đoán từ lâu, giờ đã đến và nó đã nhanh chóng trở thành hiện thực mới cho tất cả chúng ta.
Chào mừng bạn đến thời đại của COVID-19. Cũng có thể đoán trước được là bạn đã phơi mình ra trước làn tên mũi đạn của các khái niệm vô nghĩa hay giả khoa học về vi-rút, là bạn đã được các quan chức chính phủ trấn an rằng chẳng có lý do gì phải hoảng sợ cả, và bạn đang lo lắng về những gì có thể xảy ra với bạn và những người thân của bạn trong thời gian sắp tới. Vì những lý do này, chúng tôi mời bạn đến với cẩm nang của triết học Khắc kỷ trước nạn dịch COVID-19 – và trước bất cứ nạn đại dịch nào trong tương lai.
Tôi sẽ xem xét vấn đề bằng cách sử dụng bộ ba môn học của học phái Khắc kỷ như nó đã từng được dạy trong các trường học thời cổ đại: chúng ta sẽ xem xét nạn dịch này từ quan điểm “vật lý học”, logic học và đạo đức học. Chữ “Vật lý học”, đối với nhà Khắc kỷ, dùng để chỉ một lối tiếp cận trên bình diện rộng để hiểu thế giới, nó bao gồm cái mà ngày nay ta gọi là các môn khoa học tự nhiên và siêu hình học.
Logic học cũng được hiểu theo nghĩa rộng hơn so với nghĩa thường, nó có nghĩa là bất cứ thứ gì liên quan đến việc lập luận đúng đắn. Cuối cùng, đạo đức học trong thuyết Khắc kỷ cũng có nghĩa rất rộng, nó không chỉ đơn thuần là việc nghiên cứu về lẽ phải trái, đúng sai, mà còn là sự thông hiểu tường tận cách ta sống một cuộc sống thực sự đáng sống của con người.
“Học thuyết triết học, nhà Khắc kỷ nói, chia thành ba phần: vật lý học, đạo đức học và logic học. … Triết học, họ nói, giống như một sinh vật. Logic học tương ứng với phần xương và gân, Đạo đức học tương ứng với phần thịt da, Vật lý học tương ứng với phần hồn. Một hình ảnh ví von khác mà họ sử dụng là quả trứng: vỏ là Logic học, kế tới là lòng trắng, Đạo đức học, và lòng đỏ ở trung tâm là Vật lý học. Ngoài ra, họ còn ví Triết học như một mảnh đất trồng trọt: Logic học là phên giậu bao quanh, Đạo đức học là vụ mùa, Vật lý học là đất đai hay cây cối. Hay thêm nữa, ví với một thành phố được lý tính dựng thành vây quanh và ngự trị.” (Diogenes Laertius, Cuộc đời và quan điểm của các triết gia kiệt xuất, VII. 39-40)
Điều đó có nghĩa là, đối với các nhà Khắc kỷ, ta có thể xây dựng được một học thuyết đạo đức đúng đắn trên cơ sở vật lý học và logic học chính đáng. Hay nói cách khác, chúng ta số một cuộc sốt tốt đẹp nếu chúng ta sử dụng lý tính và chứng cứ để dẫn dắt nó. Nào chúng ta hãy bắt đầu!
“Vật lý học” về COVID-19. Loại vi-rút ta đang nói tới này thuộc họ Coronaviridae (điều này muốn nói rằng gọi nó là “vi-rút corona” là hơi thiếu chính xác), tên gọi này có gốc từ chữ Latinh “corona” (cái vương miện) vì hình dáng bề ngoài của các hạt vi-rút. Các loại vi-rút Corona khác gồm cảm lạnh thông thường, cũng như MERS và SARS gây chết người. Ngược lại, cúm thông thường không phải là vi-rút Corona, vì nó thuộc một họ khác, được gọi là Orthomyxoviridae. Tại sao cớ sự lại như vậy? Vì nó giúp chúng ta đặt COVID-19 vào bối cảnh sinh học thích hợp của nó, cho chúng ta biết điều gì đó về việc nó là gì và nó không phải là gì.
Đây là những sự kiện cơ bản liên quan đến COVID-19 mà chúng ta cần nhớ:
i. Chưa có vắc-xin, ít ra là trong vòng một năm nữa cũng chưa có.
ii. Chưa có thuộc đặc hiệu lúc này, cho dù một số thuốc đang được thử nghiệm.
iii. Những điều thiết thực nhất bạn có thể làm là: (a) rửa tay cẩn thận (ít nhất 20 giây), đặc biệt là sau khi bạn ra ngoài, và nhất là nếu bạn đã tiếp xúc với người khác trong khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng chẳng hạn; (b) ở trong nhà (nghĩa là thực hiện việc “giữ khoảng cách giao tiếp xã hội” (“social distancing”) nếu không có việc gì thực sự cần thiết, ngay cả khi bạn khỏe mạnh, nhưng nếu bạn bị bệnh thì đó là điều tuyệt đối cần thiết; (c) uống nhiều nước; (d) gọi bác sĩ nếu bạn cảm thấy mình bị bệnh và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cách ứng phó rất “low-tech” này trước thách thức của thế kỷ 21 chỉ vỏn vẹn có thế.
iv. Bạn không cần phải đeo khẩu trang, trừ khi bạn bị bệnh hoặc bạn là nhà cung cấp dịch vụ y tế. Mặt nạ không lọc được virus, vì các hạt của nó quá nhỏ. Tuy nhiên, chúng giảm thiểu khả năng nước bọt của bạn – nếu bạn bị nhiễm – văng dính vào người khác và lây nhiễm cho họ.
v. COVID-19 dễ lây lan hơn cúm mùa, SARS, viêm gan hay HIV, nhưng ít lây nhiễm hơn sởi, thủy đậu và lao. Đó là vì các giọt chứa COVID-19 rơi trong phạm vi một vài phút (foot)* từ những người nhiễm bệnh, trong khi đó ở ba căn bệnh sau các hạt có phạm vi lây nhiễm đến 100 phút. Lý do bốn bệnh đầu ít lây nhiễm hơn COVID-19 là do cúm mùa bị vắc-xin hãm chậm lại, SARS dễ dàng ngăn chặn sau khi bùng phát ban đầu, còn viêm gan và HIV đòi hỏi phải có sự truyền dịch trực tiếp từ cơ thể này sang cơ thể kia.
vi. Thời gian ủ bệnh của vi-rút – tức là thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi thấy các triệu chứng và trong thời gian đó người ta có khả năng lây bệnh rồi – đã được ước tính là từ 5 đến 7 ngày (mặc dù giờ đang ước tính trong khoảng từ 2 đến 14 ngày). So với bệnh cúm thông thường, thời gian ủ bệnh là 2-3 ngày. Điều này có nghĩa là bạn không có cách nào để biết bạn đã nhiễm vi-rút này trong khoảng một vài ngày hay chưa, cho đến khi các triệu chứng xuất hiện. Bạn cũng không thể nào biết được bạn đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh trong vài ngày qua hay chưa.
vii. Các triệu chứng của COVID-19, khổ nỗi, khá là chung chung, trong nhiều trường hợp ta khó phân biệt nó với cảm lạnh thông thường hay cúm nhẹ: sốt, ho và khó thở; đôi khi chúng còn có dấu hiệu tiêu chảy hayc nôn mửa.
viii. Tỷ lệ tử vong ước tính của COVID-19 là từ 2% đến 3% (khoảng chừng như thế, với biên sai số khá lớn, do dữ liệu bị hạn chế). So với tỷ lệ tử vong của bệnh cúm thông thường (0,1%, tương đương với 35.000 ca tử vong hàng năm chỉ riêng ở Mỹ), SARS (10%) và MERS (con số rất lớn 33%!). Nhìn chung, đối với vi-rút đường hô hấp, khả năng bạn bị chết do nhiễm bệnh biến thiên theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp COVID-19, trẻ em dường như không có nguy cơ cao, nhưng người già hay người có bệnh lý nền thì nguy cơ rất cao. Các phân tích dữ liệu đến giờ cho thấy tỷ lệ tử vong là 8% đối với những người ở độ tuổi 70 và 15% đối với những người ở độ tuổi 80.
Đương nhiên, các nhà Khắc kỷ cổ đại không biết gì về điều này. Nhưng họ đã phải đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm. Socrates (nguồn cảm hứng chính cho triết học Khắc kỷ) sống ở Athens trong một nạn dịch hạch càn quét cả thành quốc ở năm thứ hai của cuộc chiến tranh Peloponnesian. Ông sống sót qua nạn dịch ấy, một phần được cho là ông có một thể chất mạnh khỏe, và vì nhu cầu của ông – về đồ ăn, thức uống, và giải trí xã hội – rất ít. Hoàng đế Marcus Aurelius, cũng là một nhà Khắc kỷ, đã phải xử lý những hậu quả tàn khốc của đại dịch Antonine, có lẽ là bệnh đậu mùa được mang về từ các quân đoàn sau cuộc chiến chống lại người Parthia ở biên giới phía đông của đế chế. Đây là bệnh hạch khủng khiếp nhất trong thế giới cổ đại, khiến hàng triệu người chết.
Logic học (phái Khắc kỷ) về COVID-19. Giờ thì chúng ta đã biết các sự kiện cơ bản, nào ta hãy hãy suy luận về chúng đi. Ở sự kiện thứ nhất, ta có nên hốt hoảng không? Rõ ràng là không. Hốt hoảng là một trạng thái cảm xúc lấn át lý trí, đây là điều cấm kị đối với người thực hành triết lý Khắc kỷ – hay người theo thuyết nhân bản thế tục. Hơn nữa, căn cứ theo các sự kiện trên thì chẳng có lý do chính đáng nào để ta phải quá lo lắng.
Khả năng nhiễm vi-rút, ngay cả ở các quốc gia hiện đang lan rộng, vẫn ở mức độ vừa phải. Ngay cả khi bạn nhiễm vi-rút, rất có khả năng bạn sẽ phục hồi, đặc biệt là nếu bạn không có bệnh lý nền nghiêm trọng hoặc đặc biệt già.
Tương tự như vậy, tuy nhiên, lý trí cũng lệnh cho ta không được chủ quan về mối nguy hiểm. Nó vẫn là một loại vi-rút đáng lo ngại, và điều hợp lý cần làm là ứng phó có cân nhắc trước mối đe dọa. Đấy chính là khai triển đức hạnh điều độ của thuyết Khắc kỷ, điều đó có nghĩa là làm mọi việc theo cách đúng đắn, chứ không theo cách quá mức hay theo cách cho có.
Trong trường hợp đang bàn, điều này có nghĩa là tuân thủ các khuyến nghị được đưa ra ở trên, đặc biệt là về rửa tay kỹ lưỡng và hạn chế có mặt ở chỗ đông người hay nơi công cộng nếu có thể. Về việc đi lại, hãy sử dụng cái mà Marcus Aurelius gọi là “quan năng cai trị” của bạn – tức là lý tính – và không ra khỏi nhà nếu thực sự không có việc cần thiết. Sẽ là hữu ích nếu bạn nhớ những gì mà các nhà Khắc kỷ gọi là sự phân đôi quyền kiểm soát:
“Có những thứ nằm trong năng lực của ta, trong khi có những thứ không. Trong phạm vi năng lực của ta là tư kiến, động lực, ham muốn, ác cảm, và nói gọn là bất cứ điều gì thuộc về hành động của chính ta; không nằm trong phạm vi năng lực của ta là thân thể, tài sản, danh vọng, chức vụ, và nói gọn là bất cứ những gì không thuộc về hành động của chính ta.” (Epictetus, Enchiridion 1.1)
Trong ngôn ngữ hiện đại, điều này có nghĩa là những điều duy nhất thực sự phụ thuộc về bạn là những phán đoán có cân nhắc của bạn, những quyết định làm hay không làm của bạn. Mọi thứ khác, xét cho cùng, phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài, và thái độ hợp lý duy nhất của bạn là chấp nhận quan niệm rằng đôi khi mọi thứ đi theo cách của ta, nhưng đôi khi chúng không theo cách của ta dù ta có cố đến cỡ nào.
Đạo đức học (phái Khắc kỷ) về COVID-19.Cuối cùng, từ quan điểm đạo đức học thì tất cả những điều nói trên có nghĩa là gì? Với tư cách là một nhà Khắc kỷ, chúng ta là những công dân thế giới (cosmopolitan), đều này hàm ý rằng chúng ta nên quan tâm đến tất cả các thành viên thành quốc thế giới của con người (human cosmopolis). Trên thực tế, điều này có nghĩa là, chẳng hạn, chúng ta không nên tích trữ khẩu trang (hay bất cứ thứ gì khác) mà chúng ta không cần, vì điều này có thể gây ra sự thiếu hụt, ảnh hưởng đến những người cần chúng – tức những người bệnh và các nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Chúng ta cũng có phận sự là không để người khác phơi nhiễm vi-rút. Vì thế, chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là không đi làm việc nếu ta bị bệnh. Hơn nữa chúng ta có bổn phận giúp người khác suy lý cho ra lẽ, chứ không phải hốt hoảng, về những gì đang xảy ra. Và tôi nghĩ quyên góp tiền cho các tổ chức giúp chống lại dịch bệnh (các bếp ăn chẳng hạn), nhất là ở các quốc gia sắp bị tấn công và không có đủ nguồn lực y tế, như nhiều nơi ở Châu phi là hành động nhất quán với đức hạnh Khắc kỷ.
Sau tất cả những điều này thì điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự bị vi-rút tấn công? Trong trường hợp ấy, tất nhiên chúng ta sẽ làm theo tất cả các quy trình y tế được đề nghị. Nhưng chúng ta cũng sẽ ghi nhớ sự phân đôi quyền kiểm soát: các phán đoán có cân nhắc và quyết làm hay không làm là tùy thuộc vào chúng ta, nhưng kết quả thì lại là chuyện khác, kể cả kết quả sức khỏe của chúng ta, đương nhiên.
Ngay cả khi bị bệnh, chúng ta nên đối xử tử tế với người khác, đặc biệt là những người chăm sóc chúng ta, như bác sĩ, y tá, v.v … Sau tất cả, họ ở đó để giúp chúng ta và họ đang làm một công việc rất căng thẳng. Tuy nhiên, nói rộng hơn, chính trong hoàn cảnh thảm khốc mà chúng ta thực thi đức hạnh của mình. Và đại dịch có thể có nào cũng tất yếu là một hoàn cảnh thảm khốc.
Khi tình hình tiến triển, chúng ta cũng phải đối mặt với khả năng sẽ có thêm tình trạng thiếu hụt, khó khăn và tử vong. Có cả những người thân. Cái chết, đối với các nhà Khắc kỷ, là một diễn biến tự nhiên không thể tránh khỏi, và hơn nữa, chẳng có cái gì là chết “yểu” cả: chúng ta lìa đời bất cứ khi nào khi nào mạng lưới nhân-quả của vũ trụ đã quy định điều đó, không quá sớm cũng không quá muộn phút giây nào hết. Chủ đề này được phản ánh rất phong phú trong văn chương Khắc kỷ. Bạn có thể đọc nhiều đoạn trong Suy tưởng của Marcus Aurelius[1] như là một sự phản tư về tính phù du của kiếp người và làm sao để đặt mình trong mối liên hệ với nó một cách tốt nhất. Một vài bức thư mà Seneca đã viết cho bạn mình là Lucilius cũng giải quyết vấn đề như thế, và ông đã viết ba lá thư an ủi, hai lá gửi cho hai người bạn của ông là Marcia and Polybius để an ủi nỗi mất mát người thân.
Nhà Khắc kỷ cũng quan niệm cái chết giống với người theo thuyết Epicurus:
“Người sợ chết là người sợ mất đi loại cảm giác này hay loại cảm giác kia. Nhưng nếu bạn không còn cảm giác nữa thì bạn cũng không cảm thấy có bất cứ sự tổn hại nào; và nếu bạn sở đắc một loại cảm giác khác, bạn sẽ là một loại sinh thể khác và bạn sẽ không không sống” (Marcus Aurelius, Meditations 8.58).
Các nhà Khắc kỷ còn khai triển cả óc hài hước để đối phó với viễn cảnh:
“Cái chết là cần thiết và không thể tránh được. Ý tôi là, tôi sẽ đi đâu để thoát khỏi nó đây? (Epictetus, Discourses 1.17.7)
Tuy nhiên, chính vì cái chết là bình thường và có thể đến bất cứ lúc nào, các nhà Khắc kỷ dồn sự tập trung vào cái ở đây và bây giờ, và nhất là họ đề cao những gì mình đang có, và người họ thương yêu. Đó là điều có ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm với tư cách là con người, và mọi chuyện còn lại cứ để mặc. Đây không phải là chủ nghĩa hư vô hay tư tưởng thủ bại: đó là một thái độ đòi hỏi phải có sự can đảm để nhìn vào mọi thứ đúng như chúng là, cũng như sự khôn ngoan để đánh giá và tận hưởng những gì chúng ta đang có.
COVID-19 sẽ không phải là một biến cố kết liễu nền văn minh. Tuy thế, ngay cả ở cấp độ ấy thì nhà Khắc kỷ vẫn là người hết sức thực tế. Nếu chấp nhận cái mà ngày nay người ta gọi là siêu hình học diễn trình (process metaphysics), lối tiếp cận khởi đầu từ triết gia tiền-Socrates là Heraclitus, họ hiểu rằng sự thay đổi là chuẩn mực tất yếu trong vũ trụ. Thế giới rồi sẽ khác đi sau đại dịch đang hoành hành này. Nhưng không đến mức không nhận ra. Và nhiệm vụ của chúng ta là sẽ xây dựng lại nó và làm cho nó tốt hơn so với trước.
Cuối cùng, như Seneca đã nói: “Cơn bão không hề giao thoa với công việc của người lái tàu, mà chỉ với sự thành công của chàng… Quả thật, chính từ việc ngăn trở tài nghệ của người lái tàu mới càng phô bày tài nghệ của chàng. Còn ai ai, như lời của tục ngữ, cũng chỉ là tay lái tàu khi sóng yên biển lặng mà thôi.” (Thư gửi Lucilius, 85,33)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét